Nét đẹp vượt thời gian và số phận những cổ vật vô giá nơi nhà cổ Bình Thủy
- 18/12/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 1423
Nhà cổ Bình Thủy lặng mình sau bức tường rào bằng thép cổ kính đẹp như tranh vẽ. Theo người dân ngụ tại đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ), đến nay, ngôi nhà của gia tộc họ Dương đã gần 150 tuổi và là ngôi nhà cổ đẹp nhất, nổi danh nhất thành phố.
Nét đẹp vượt thời gian.
Gần 150 tuổi, nhà cổ Bình Thủy vẫn vẹn nguyên nét đẹp xa hoa (Ảnh: Hà Nguyễn).
Những bậc cao niên có thời gian qua lại với chủ căn nhà từng là thước đo nghệ thuật kiến trúc, nội thất một thời cho biết, gia tộc họ Dương vốn gốc ở Nha Mân (tỉnh Đồng Tháp) trôi dạt đến đất Bình Thủy sinh cơ lập nghiệp cách đây đã mấy trăm năm. Họ được xem là những người đầu tiên, có công khai phá xứ này.
Ông Dương Minh Hiển, chủ nhân ngôi nhà cho biết: Nhà xây từ năm 1870. Tính đến nay, đã gần 150 năm tuổi. Cuối thế kỷ 19, khi đang trong giai đoạn cực thịnh của dòng họ, người đứng đầu họ Dương được người dân nơi đây gọi là ông Hội đồng Ba. Sau đó, Hội đồng Ba cho xây dựng cơ ngơi hoa lệ trên để trưng… cổ vật.
Theo lời ông Hiển, sinh thời, gia đình ông vốn ham thích đồ cổ. Khi ăn nên làm ra, ông cụ không tiếc tiền của để mua về những món đồ cổ thuộc hàng vô cùng quý hiếm. Thế nên, chẳng mấy chốc, ông Hội đồng Ba có trong tay một bộ sưu tập cổ vật vô giá. Và như để nâng cao giá trị của những cổ vật của mình, ông đã không tiếc tiền, vàng để xây dựng cơ ngơi hoa lệ theo kiểu kiến trúc Pháp.
Theo người dân nơi đây, “bản khai sinh” của ngôi nhà cũng có những giai thoại ly kỳ. Theo đó, khi quyết định xây nhà, dòng họ này cũng gặp những khó khăn trong việc khởi công vì không thể tìm thầy thợ để có thể dựng nhà theo yêu cầu. Ông Hội đồng Ba yêu cầu cánh thợ phải xây dựng được một cơ ngơi hoa lệ vừa mang dáng dấp Tây phương vừa giữ được nét truyền thống. Quan trọng hơn, ông yêu cầu sau khi xây xong nhà, “ông Hội đồng phải giàu lên”.
Chạy vạy, tìm kiếm mãi, người nhà mới tìm được ông thầy tên Ba Nghĩa, dân trong vùng quen gọi là thầy Lỗ Ban. Ông này nổi tiếng xây cất nhà đẹp trong vùng. Sau khi gặp và nghe yêu cầu của ông Hội đồng Ba, người này cho biết:
“Cất nhà đẹp hơn người cho ông thì không khó. Ngặt nỗi cái nghề này, gia chủ giàu thì phần số tôi phải mạt”. Nghe vậy, ông hội đồng không ngần ngại cam kết sẽ nuôi thầy Lỗ Ban đến mãn đời. Cuối cùng, căn nhà được xây trong hơn 20 năm, trở thành chuẩn mực của cái đẹp một thời và còn làm đắm lòng bao nhiêu người khác trong nhiều thế kỷ về sau.
Ông Dương Chấn Kỷ, chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà cổ Bình Thủy (Ảnh: Hà Nguyễn).
Tòa nhà được xây theo kiến trúc kiểu Pháp gồm 5 gian. Nền nhà được bó vỉa bằng đá xanh. Có 4 lối dẫn lên nhà chính. Hai lối từ bên hông nhà lên thẳng 2 gian ngoài cùng; hai lối còn lại kiểu Gotique với 4 bậc thang hình cánh cung tao nhã kết nối với khoảng sân rộng dẫn vào gian giữa.
Mặt trước, ngôi nhà có năm gian, cửa gỗ lá sách theo phong cách Art Nouveau (một loại hình nghệ thuật trang trí châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ XX), cột gạch vuông được đắp nổi hoa văn dây lá nho. Gạch lát nền nhà hình hoa hồng đỏ đen được chủ nhân đặt từ Pháp.
Theo yêu cầu của gia chủ, mặc dù trông bên ngoài, tòa nhà mang dáng dấp của kiến trúc Pháp nhưng lại được bài trí theo đặc trưng của một gia đình người Việt. Theo đó, mái lợp 3 lớp ngói: Hai lớp dưới hình lòng máng, một lớp nhúng vôi bột trắng. Do đó, khi nhìn lên trần, người xem có cảm giác thoáng đãng, sáng sủa. Lớp trên cùng sử dụng ngói ống. Toàn bộ hệ thống kèo, bao lơn cùng 16 cây cột lớn cao 4 – 6m được nối kết bằng mộng ngàm tinh tế đến hoàn mỹ.
Những cổ vật vô giá và “nỗi buồn” của cặp ngà voi khổng lồ.
Cặp ngà voi được cho là dài nhất Việt Nam của dòng họ Dương tại bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh (Ảnh: Hà Nguyễn).
Thế nhưng, giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ không chỉ nằm ở dáng vẻ bên ngoài của ngôi nhà. Nó còn hiện hữu trên những vật phẩm nội thất được chạm trổ tinh xảo, những cổ vật có niên đại lên đến 5 thế kỷ. Các giường thờ, tủ chè, sập gụ, trường kỷ… đều do bàn tay của các nghệ nhân khắp cả nước tạo ra với kích thước lớn bằng gỗ quý.
Các vật phẩm này đều được phủ sơn son thếp vàng hoặc cẩn xà cừ, chạm khắc đến độ hoàn mỹ theo chủ đề sinh hoạt sông nước miền Tây Nam Bộ hoặc: Tam Ða – Tứ Quý, Mai – Lan – Cúc – Trúc, Phúc – Lộc – Thọ, Long – Lân – Quy – Phụng.
Ngoài ra, nơi đây còn có những cổ vật vô giá. Nhiều trong số đó là 2 bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam – Trung Quốc; bộ salon kiểu Pháp đời Louis XV; chùm đèn bạch đăng thế kỷ XVIII; cặp đèn treo thế kỷ XIX… Về đồ gốm sứ cổ có thể kể đến chén Tuyên Đức Niên Phụng từ đời Minh có niên đại 572 năm, một độc bình Thành Hóa Niên Chế gần 533 tuổi…
Tuy nhiên, người dân nơi đây cho biết, ngoài những vật phẩm vô giá trên, nhà cổ Bình Thủy còn có cặp ngà voi được nhận định là dài nhất Việt Nam với xuất thân và số phận long đong ly kỳ. Theo lời ông Hiển, cặp ngà voi trên được ông Dương Chấn Kỷ mua tại Sài Gòn để “dằn mặt” sự khinh khi của chủ hàng người Pháp. Ông kể, trong một dịp lên Sài Gòn xem mấy chành lúa, đi ngang qua đường Catinat (đường Đồng Khởi bây giờ), ông Kỷ ghé xem gian hàng bán tiêu bản thú vật của một tay chủ tiệm, thợ săn người Pháp.
Thấy ông già mặc đồ bà ba trông có vẻ nhà quê, đứng mân mê cặp ngà voi, người này nạt lớn: “Nè ông già. Đây không phải là chỗ chơi của ông đâu. Lỡ tay làm trầy xước nó thì bán cả gia sản, ông cũng không đủ tiền đền cho tôi đâu”. Lúc này, ông Kỷ thủng thỉnh hỏi lại: “Cỡ bao nhiêu mà dữ vậy chú em!? Nói qua nghe thử coi”.
Sau đó, ông đã đặt cọc một số tiền lớn rồi lái xe về Cần Thơ chở lên 4.000 đồng bạc trắng “con cò” (tiền Đông Dương) mua đứt cặp ngà trên. Được biết, sau này, nghe cụ Kỷ mua đứt cặp ngà khổng lồ, gia đình công tử Bạc Liêu cũng đích thân cho người lên Cần Thơ đánh tiếng mua lại với giá gấp đôi nhưng ông cụ nhất quyết không bán.
Ngôi nhà cổ sau bức tường rào cổ kính (Ảnh: Hà Nguyễn).
Ông Hiển nói, hai chiếc ngà voi trên có độ dài khác nhau. Một chiếc dài 1,9m, chiếc còn lại dài khoảng 2,2m. Tuy nhiên, hiện cặp ngà này không để ở tư gia. Kể lại số phận long đong, lưu lạc của “bảo vật” trên, ông Hiển chia sẻ: “Những năm 1942, 1943, tình hình trật tự ở đây rất phức tạp. Gia đình tôi phải tản cư về miệt Tầm Vu nay thuộc xã Thạnh Xuân, Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Nhà có mang theo những đồ quý giá trong đó cặp ngà voi. Tuy nhiên, vì nó quá to, quá quý nên gia đình phải nhờ ông Ba Quế (người địa phương, đã mất) chôn dưới một mương nước. Tuy nhiên, sợ bị kẻ trộm đào lấy, ông phải chôn mỗi chiếc mỗi nơi”.
Năm 1946, cặp ngà voi được đem về nhà ông Bé Hai, chủ cửa hàng chuyên bán ngà voi và sừng tê giác ở đường Catinat. Sau nhiều năm bị chôn vùi, cặp ngà quý trở nên thâm xám. Ông Dương Văn Ngôn (cha của ông Hiển) phải cất công bào, chuốt lại phần thâm và đem lên Sài Gòn nhờ người cất giữ.
Thế nhưng, chỉ sau hơn 24 tiếng đồng hồ, tướng cướp Bảy Viễn, sau này là tay sai cho Pháp dẫn lính xông thẳng vào nhà với chủ ý kiểm tra hành chính do nghi ngờ có chứa vũ khí. Nhưng khi thấy trong chiếc thùng gỗ nằm dưới sàn ván, có cặp ngà voi khá dài và đều nhau, y nổi lòng tham nên tìm cách ép lấy về làm của riêng với giá rẻ mạt. Sau đó, Bảy Viễn đem treo tại sòng bài Thái Bình Dương của hắn tại Vũng Tàu. Sau chiến dịch Thoại Ngọc Hầu của chính quyền Sài Gòn, cặp ngà voi này bị tịch thu…
Điểm tham quan du lịch hấp dẫn
Nhà cổ Bình Thủy từng là phim trường cho nhiều bộ phim nổi tiếng như: Người tình, Bão U Minh, Bẫy ngầm, Đội nữ biệt động mùa thu, Dòng sông hoa trắng, Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu, Câu chuyện tình dòng kinh Phán, Vòng hoa Chôm pay,… cùng nhiều phim khác. Nhà cổ Bình Thủy đã được bộ VH- TT&DL công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Dương Anh sưu tầm báo Người Đưa tin.