Nghệ nhân Dương Cao Lãnh: Nỗ lực gìn giữ giá trị văn hoá tín ngưỡng
- 20/05/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 728
Sóc Trăng là địa bàn cư trú của 3 dân tộc chính là dân tộc Kinh, dân tộc Khmer, người Hoa cùng với nhiều dân tộc khác. Chính sự hòa quyện và giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer đang sinh sống ở Sóc Trăng đã làm nên nét văn hóa đặc sắc của địa phương.
Với hơn 200 ngôi chùa của cả ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Sóc Trăng đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh độc đáo cho du khách thập phương.
Một trong số đó là chùa Ông Bổn (còn gọi là Thanh Minh cổ miếu) là một trong những địa điểm tâm linh nổi tiếng của Sóc Trăng, thủ nhang hiện là nghệ nhân dân gian Dương Cao Lãnh.
hùa Ông Bổn có diện tích khá nhỏ nhưng là một trong những di tích lịch sử, văn hóa nghệ thuật kiến trúc điêu khắc cổ rất quý giá, thu hút du khách thập phương cả nước.
Nói về lịch sử của Chùa Ông Bổn, thủ nhang Dương Cao Lãnh cho biết: Chùa được xây dựng vào năm 1875, thờ ông bổn (Bổn Đầu Công) tọa lạc tại số 9, đường Nguyễn Văn Trỗi, Phường 1, Thành phố Sóc Trăng. Chùa được xây dựng với kiến trúc độc đáo của người Hoa, chất liệu toàn bằng đá, gỗ quý từ Trung Quốc chở qua. Di tích này được trải qua 7 đợt trùng tu nhưng vẫn giữ được những giá trị nghệ thuật kiến trúc.
Chùa không chỉ thu hút thiện nam tín nữ người Việt gốc Hoa mà còn được đông đảo người Kinh, người Khmer địa phương thành tâm đến cúng bái trong những dịp rằm, lễ, tết và đặc biệt là ngày vía Ông Bổn vào 29/3 âm lịch. Năm 2004, chùa được công nhận là di tích văn hóa, nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh.
Ngoài Chùa Ông Bổn, nghệ nhân dân gian Dương Cao Lãnh còn là thủ nhang của Thiên hậu cổ miếu Đế Đức Quản Vận cổ miếu, Phúc Đức Kim Long cổ miếu (được hình thành cách nay hơn 100 năm) tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Nhiều năm qua, cùng với việc giữ gìn những công trình tâm linh, là nơi để người dân Sóc Trăng và khách thập phương đến tham quan, nghệ nhân Dương Cao Lãnh còn tích cực vận động bà con cùng các mạnh thường quân tham gia nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như chăm lo đời sống của học sinh nghèo, trao học bổng, hỗ trợ kinh phí cho các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn được tiếp tục đến trường; ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai, lũ lụt… góp phần cùng chính quyền địa phương phục vụ tốt công tác phúc lợi xã hội cho các gia đình chính sách và hộ nghèo trong tỉnh.
Ngoài ra, còn quan tâm hỗ trợ các hoạt động văn hóa văn nghệ, hội diễn, hội thi, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Như tại Thanh Minh cổ miếu, không chỉ là nơi tu tập, thực hành tín ngưỡng, nơi đây còn là địa điểm sinh hoạt của 2 CLB võ thuật Taekwondo và Vovinam vào mỗi buổi chiều hàng ngày, quy tụ khoảng 100 võ sinh tham gia luyện tập.
Không chỉ tham gia các hoạt động ở địa phương, nghệ nhân Dương Cao Lãnh còn là hội viên xuất sắc của Hội nghệ nhân và Thương hiệu. Mới đây, thủ nhang Dương Cao Lãnh được Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long trao tặng Bằng khen do có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng tôn giáo.
Trước đó, kỷ niệm 15 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2020) và chào mừng 4 năm UNESCO công nhận “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (1/12/2016 – 1/12/2020), thủ nhang Dương Cao Lãnh đã được trao danh hiệu Nghệ nhân Văn hóa Tâm linh đất Việt, do Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) trao tặng.
Chương trình mang tên “Di sản văn hóa Việt Nam trường tồn cùng dân tộc”, diễn ra vào ngày 27/1/2021 để trao tặng các giấy khen, chứng nhận nghệ nhân văn hóa tâm linh đất Việt, công trình văn hóa tâm linh của người Việt cho các trụ trì, sư thầy, các nghệ nhân, thanh đồng, thủ nhang đồng đền, bản điện tiêu biểu trên toàn quốc, đã có công lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, qua đó định hướng cho cộng đồng nhận thức đầy đủ hơn giá trị di sản văn hóa dân tộc, quy chuẩn đúng với thuần phong mỹ tục. Dịp này thủ nhang Dương Cao Lãnh cũng được vinh danh.
Mong muốn của nghệ nhân Dương Cao Lãnh là được tiếp tục giữ gìn và bảo tồn các giá trị truyền thống, góp phần cho sự phát triển của đất nước; Thực hiện các chính sách ưu tiên, đãi ngộ các nghệ nhân và đội ngũ trực tiếp tham gia thực hành di sản, cán bộ làm công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc