Nghệ nhân Dương Quốc Thuần – người rèn cồng chiêng cho bản làng
- 28/07/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 581
Làng đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng là nơi chế tác ra rất nhiều cồng chiêng cho đồng bào dân tộc ở vùng cao. Chúng tôi gặp ông Dương Quốc Thuần, một nghệ nhân lâu năm của làng đúc đồng Phước Kiều, được ông kể cho nghe câu chuyện về nghề, âm vọng của những chiếc cồng chiêng vốn là linh hồn của người vùng cao. Rồi ông nói về những chiếc cồng chiêng người vùng cao đã mua hớ giá vì người bán dạo nói trong cồng chiêng có pha vàng.
Vàng câm, bạc điếc
Chúng tôi đi lòng vòng khắp làng nghề và ghé vào thăm các nghệ nhân từng tạo ra những sản phẩm nổi tiếng ở làng Phước Kiều, thì thấy lò Tiếng Đồng của ông Thuần có một điểm khác biệt. Đó là lò nhưng lại được sản xuất trong một công xưởng nhỏ nằm trên gác hai, vì vậy, âm thanh dồn dồn của búa, tiếng chuông, cồng dường như vang đi xa hơn. Viết về nghề rèn cồng chiêng, khó nhất là miêu tả thanh âm. Nếu không thì nhiều người nghĩ rằng, âm thanh cồng chiêng ở đâu cũng giống hệt nhau, cũng là “chùng cheng, chùng cheng”.
Ông Thuần gõ vào một chiếc cồng chiêng và phân tích về sự khác biệt. Tôi ước tính, sau một nhịp gõ thì có khoảng 15 nhịp âm vọng nối nhau và âm cuối cùng giống như một con sóng ngược, cuộn mạnh một luồng to hơn bình thường rồi dứt. Âm thanh dường như chạy vòng quanh vành của chiếc cồng rồi hội tụ lại ở đâu đó trước khi dứt hẳn. Tiếng cồng chiêng vì vậy như một vòng tròn vô hình, vây quanh lấy không gian cồng chiêng, tạo ra một thứ âm thanh mê hoặc lòng người. Ông Thuần cười khà khà rồi nói: “Đó, đó, nghe âm đuôi chưa? Âm đuôi của tiếng cồng chiêng này là của người Cor ở Quảng Ngãi. Sự khác biệt âm thanh cồng chiêng của người dân tộc thiểu số ở Quảng Nam là âm cuối sẽ cuộn ngược lại”.
Câu chuyện về cảm âm được ông Thuần cắt ngắn để chuyển sang một đề tài khác với mong muốn, đồng bào vùng cao nên nhận thức đúng, không mua sản phẩm bị người đi bán cồng chiêng dạo thổi phồng sự thật, bán giá đắt đỏ. Ông Thuần cười và nhắc chuyện, thỉnh thoảng bà con lại khoe với ông chuyện mua được cồng chiêng cả chục triệu, giá trị của cồng là được trộn vàng trong quá trình đúc để tạo ra âm thanh hay hơn. Ông Thuần chia sẻ: “Vàng câm, bạc điếc, nếu thả vàng xuống sàn thì có âm thanh chi đâu, thành phần đúc chiêng là đồng đỏ pha thiếc”.
Người đời thường bị ảnh hưởng bởi truyện kiếm hiệp của Kim Dung, nói về chất liệu đúc ra Huyền Thiết Trọng Kiếm, Đồ Long Đao, Ỷ Thiên Kiếm… rồi suy luận, đúc cồng chiêng, chuông… cũng cần có những chất liệu đặc biệt thì mới tạo ra âm thanh khác thường. Trước năm 2005, ông Thuần dẫn thợ đi khắp các tỉnh thành, từ Bà Rịa – Vũng Tàu tới Đồng Nai, Bình Dương… để đúc chuông cho các chùa. Tại một ngôi chùa lớn, sư trụ trì mang một chiếc tráp đựng vàng ra và đề nghị ông Thuần lấy số vàng này đưa vào lò để tạo hợp kim cho tiếng chuông ngân nga. Ông Thuần giải nghĩa rằng, vàng vô chuông là hết âm luôn, mà đồng cũng không nhận vàng, không hợp kim được. Do đó, ông Thuần nói với sư thầy chỉ lấy vài chỉ vàng để trám ở phần khoen, còn lại thì nên sử dụng cho việc từ thiện, giúp đỡ các đạo hữu khó khăn.
Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, vũ khí Huyền Thiết Trọng Kiếm được đúc bằng huyền thiếc và đi cả thế gian mới tìm được vài lạng. Câu chuyện trên cũng ám ảnh người đời về việc những chiếc cồng chiêng, chuông được độn nhiều vàng, từ đó càng kích thích lòng tham của những tên đạo chích. Ông Thuần kể, đồng đỏ nếu ném xuống đất thì giống như ném cục xác mía, không phát ra âm thanh gì. Nhưng nếu muốn có âm thì phải trộn lẫn với thiếc. Việc trộn thành phần bao nhiêu, đó chính là bí quyết của mỗi lò đúc cồng chiêng.
Pho bí kíp tay – tai
Đi lướt qua làng nghề, ghé thăm anh Lê Thanh Hiệp, người đã chế tác ra những sản phẩm khá nổi tiếng, được khen thưởng với các sản phẩm: Độc bình, tranh Thánh địa Mỹ Sơn, được Ban tổ chức chương trình “Vinh danh trí tuệ bàn tay vàng tự hào thương hiệu Việt” cấp bằng chứng nhận Nghệ nhân quốc gia. Vừa qua, anh Hiệp đã được đặt hàng làm chiếc chiêng có đường kính lên đến 4m, được làm từ 700kg đồng. Nghệ nhân này say sưa nói về nghề đúc đồng gia truyền 3 đời của gia đình. Điều mà tôi cảm nhận được ở những nghệ nhân giỏi, đó là những người có năng khiếu cảm âm tốt, tính cách phóng khoáng và máu văn nghệ sĩ.
Lại nói về ông Thuần. Ông Thuần học nghề rèn cồng chiêng, đúc chuông, tượng… từ người cha ruột của mình. Năm 18 tuổi, ông đã bắt đầu cầm búa, ngồi chồm hỗm để xem và học nghề, tới năm 27 tuổi bắt đầu làm ra sản phẩm đầu tiên, năm nay ông Thuần đã 59 tuổi. Bí quyết mà người cha của ông truyền lại là một pho sách dính đầy khói bếp. Ông Thuần lắc đầu cười và bảo, cái nghề này lạ lắm, không thể nào ghi ra sách để truyền lại, mà là thông qua cảm âm, nghe ra âm thanh; rồi thông qua tay búa, cứ đập gõ thì quen dần. Ông Thuần gõ chiếc búa liên tục lên mặt chuông rồi dùng cây đập vào mặt cồng chiêng để phát ra âm thanh boong boong rồi cho biết, nếu ngồi trên gác 2 để rèn chiêng, thì một thứ âm thanh có thể khiến ông phải dừng tay, đó là tiếng chiêng trong ti vi. Ông Thuần cho biết, mấy đứa cháu ở nhà mở truyền hình, phần có liên quan tới cồng chiêng, ông phải xem cho bằng hết. Cứ xem, nghe, lâu ngày thành nghiện, giống như một người mắc bệnh nghề nghiệp, vậy mới thấm được âm thanh của cồng chiêng.
Gần nhà ông Thuần cũng có một lò đúc cồng chiêng. Trong khu nhà ám khói bếp, 2 người thợ khom lưng để đập búa, rèn mặt chiêng. Chủ phân xưởng này là một người có nét mặt đăm đăm khó chịu, giống như rất nhiều bức tượng mẫu ám khói bếp đặt ở trên giá. Âm thanh phát ra từ những chiếc chiêng trên tay người thợ không vang xa, không có tiếng vọng. Sau này, một người trong làng cho biết, không phải ai đúc cồng chiêng cũng có tiếng kêu vang. Những người đúc cồng chiêng không có âm thanh tốt thì có khi kiêng cữ đủ thứ, nếu khách tham quan lỡ ngồi trên chiếc đe rèn chiêng thì cũng bị xem như gặp xui xẻo.
Âm thanh của tiếng cồng chiêng, dù có hơi khác nhau, nhưng chung quy lại vẫn là tiếng tùng cheng, tùng cheng. Nghe hỏi, các nghệ nhân ở làng đúc đồng Phước Kiều cho biết, tiếng cồng chiêng có âm điệu của núi rừng. Ví dụ như dân tộc Hre ở vùng cao Quảng Ngãi đánh một lúc 3 chiếc chiêng là chiếc nhúa, chiếc túc và chiếc tung. Khi giàn đồng ca này bắt đầu gõ thì chiếc nhúa có âm thanh pốc pốc, chiếc túc có âm thanh cà tu… u… ù, còn chiếc tung thì có âm thanh là tùng… rúc… ruốc. Tất cả 3 chiếc chiêng này hợp âm lại rất giống như tiếng con ếch ương trong núi gặp mưa thì bắt đầu kêu vang, lúc xa, lúc gần.
Nguồn: Báo Biên Phòng