Nghệ nhân Dương Thị Xanh: Người góp phần “giữ lửa” ca trù Cổ Đạm

Nhắc đến ca trù, người am hiều thường nhớ ngay đến Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh – nơi được coi là vùng “đất tổ” của loại hình nghệ thuật này.

Theo sử sách, từ thế kỷ 16, hình thức nghệ thuật ca trù đã bắt đầu có ở vùng đất này và hình thành nên phường giáo ty Cổ Đạm. Thời kỳ phát triển hưng thịnh, Cổ Đạm đã xây dựng Điện xứ ca trù, trở thành trung tâm ca trù của 4 phủ, 12 huyện thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây còn là một trong những giáo phường thuộc vào loại lớn nhất của nước ta thời bấy giờ.

Cùng với sự phát triển của xã hội, ca trù xuất hiện ở nhiều địa phương, nhiều vùng miền, những mỗi nơi có nét đặc trưng tạo nên sự riêng biệt. Ca trù thường được hát nhanh, tiết tấu rõ hơn, không luyến láy, ngừng nghỉ nhiều như ở các vùng miền khác. Từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hoa phi vật thể của nhân loại, ca trù được các địa phương nói chung, Cổ Đạm nói riêng quan tâm gìn giữ bảo tồn. Đến Cổ Đạm hôm nay, du khách sẽ gặp những ca nương, kép đàn đang ngày ngày thầm lặng góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Một trong những người đó là nghệ nhân Dương Thị Xanh.

Cách đây gần hai chục năm, chị Xanh đã mê ca trù và hàng tối, sau những ngày cần mẫn trên đồng ruộng, chị lại sang nhà nghệ nhân Phan Thị Mơn, Phan Thị Nga… học hát. Không chỉ học hát, chị Xanh còn chăm chỉ ghi lại lời những bài hát ca trù cổ để truyền lại cho thế hệ trẻ. Sau đó, Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm do ca nương Dương Thị Xanh làm Chủ nhiệm ra đời. Chồng chị, kép đàn Trần Văn Đài là người hưởng ứng, tham gia nhiệt tình với chị từ những ngày đầu.

Vợ chồng ca nương Dương Thị Xanh – kép đàn Trần Văn Đài

Với niềm đam mê bất tận dành cho ca trù, năm 2007, hai vợ chồng khăn gói đi học đàn hát giáo phường ca trù Thái Hà, Hà Nội, sau đó lại chuyển sang học tại giáo phường ca trù Lỗ Khê. Trong 3 năm liên tiếp, từ 2007 đến 2009, hai vợ chồng đã học hỏi và đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Bằng tất cả sự nỗ lực gìn giữ báu vật tổ tiên để lại, trong các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc, hai vợ chồng đã nhiều lần giành Huy chương. Năm 2012, Dương Thị Xanh trở thành người trẻ tuổi nhất được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân và năm 2013 anh Trần Văn Đài cũng vinh dự được nhận danh hiệu này. Năm 2015, vợ chồng chị Xanh, anh Đài vinh dự nhận được danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Thế nhưng, cơm áo vốn không đùa với “khách thơ”. Nguồn hỗ trợ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng của địa phương cộng với thu nhập ít ỏi từ hát ca trù không đủ cho vợ chồng anh chị trang trải cuộc sống. Vì mưu sinh, cần có kinh tế để nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn ăn học, chị Xanh đành gác lại đam mê để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan vào năm 2016.

Hơn 3 năm chị Xanh lao động ở Đài Loan, chị luôn đau đáu nỗi nhớ ca trù cùng với nỗi nhớ nhà. Ngày đi làm thì còn đỡ, chứ mỗi buổi tối, khi ở trong căn phòng ở một nơi xa lạ, chỉ lại cồn cào nỗi nhớ chiếu hát cùng những người nông dân chân chất trong làng. Chính vì vậy, khi hết thời gian xuất khẩu lao động, trở về quê hương, chị liền quay trở lại hát. Thời gian đã trôi đi, mấy năm không ngồi chiếu hát nhưng không vì thế mà những tuyệt kỹ ca trù chị đã học được bị phai phôi. Trái lại, càng ngày chị càng “chín”, càng tinh tế và biểu cảm hơn, điêu luyện hơn khi đổ hột, luyến láy, sang trọng hơn trong làn hơi.

Nghệ nhân Đặng Thị Thùy Vân và Dương Thị Xanh (bên phải) thuộc thế hệ ca nương đầu tiên trong phong trào khôi phục ca trù Cổ Đạm

Ca nương Dương Thị Xanh và chồng – kép đàn Trần Văn Đài là một trong những người đầu tiên trong phong trào khôi phục ca trù Cổ Đạm. Hai vợ chồng chị cùng các ca nương, kép đàn khác ở Nghi Xuân từng bước đưa các làn điệu ca trù từ các cố nghệ nhân còn sót lại ở làng Cổ Đạm. Các anh chị đã mang báu vật của cha ông lên sân khấu và làm cho nhiều người biết đến các chiếu hát, hiểu hơn về di sản của cha ông.

Các ca nương, kép đàn như vợ chồng chị Xanh vẫn đang ngày ngày nỗ lực bằng niềm đam mê và trách nhiệm để bảo tồn vốn văn hóa quý giá của tổ tiên để lại. Dù còn vất vả với cuộc sống, mưu sinh nhưng học coi ca trù là nghiệp, là sứ mệnh mà tiền nhân trao gửi. Họ vẫn động viên nhau cố gắng, tiếp tục hát, tiếp tục sưu tầm, khôi phục các thể cách khó của ca trù rồi truyền dạy cho các thế hệ trẻ.

Dương Thùy Dịu

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com