Nghệ nhân Dương Văn Thục người nặng lòng với cây đàn tính 12 dây
- 03/11/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 601
Là một trong số ít những người nỗ lực gìn giữ kho tàng văn hóa cổ hát then truyền thống của người Tày, nghệ nhân Dương Văn Thục là người duy nhất ở Bắc Kạn chế tạo và đánh được cây đàn tính 12 dây.
Nói về nghệ thuật hát then – môn nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại không thể không nhắc tới cây đàn tính. Một trong những di sản trong văn hóa của người Tày ở Bắc Kạn.
Về Bắc Kạn, nhắc đến cây đàn tính nhiều người dân ở đây biết đến nghệ nhân Dương Văn Thục ở thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, Bắc Kạn, bởi thời điểm hiện tại, ông Dương Văn Thục là người duy nhất ở Bắc Kạn chế tạo và chơi được cây đàn tính 12 dây.
Với hơn 20 năm nghiên cứu và gìn giữ bảo tồn về cây đàn tính ông Dương Văn Thục cho hay: “Ngày xưa cái đàn tính có 12 dây, tôi nghĩ mãi để phục dựng lại, nhiều lần tôi định dừng lại”.
Làm đàn 12 dây là ý tưởng mà nghệ nhân Dương Văn Thục đã mày mò gần hai mươi năm nay. Với những cố gắng tính đến nay nghệ nhân Dương Thục đã làm được 3 chiếc đàn. Một chiếc đã được đưa vào Bảo tàng Bắc Kạn, một chiếc được mang về Hà Nội trưng bày, còn lại một chiếc ông đang sử dụng.
Nghệ nhân Dương Văn Thục bày tỏ: “Cây đàn tính 12 dây được thiết kế cực kỳ phức tạp, nó có thể đánh được tất cả các làn điệu dân ca khác ngoài điệu hát then. Với những âm thanh khác nhau, không dây nào giống dây nào. Tôi làm lại để cho thấy nó không còn trong điển tích nó mà nó là hiện thực”.
Chia sẻ về cách làm đàn 12 dây, nghệ nhân Dương Văn Thục cho biết: “Đàn 12 dây đòi hỏi bầu đàn phải to hơn, tròn hơn, cần đàn từ gỗ mộc tươi bằng phẳng không được cong vênh. Làm đàn 12 dây không chỉ thêm số lượng dây mà cần tính toán chi tiết. Cần ngắn hơn độ vang sẽ khác, dài hơn độ vang khác. Khi lên dây bật lên có đúng tiếng đàn như thế không. Đó là cái suy nghĩ của tôi”.
Đến nay ngoài việc gìn giữ giá trị văn hóa phi vật thể hát then, ông Dương Văn Thục cũng đang truyền dạy cách đàn tính và hát then cho lớp trẻ để giữ gìn nét đẹp của cây đàn tính cùng với những làn điệu then.
Dương Hường