Người con gái làm lay động cả một đời thơ Hoàng Cầm
- 05/04/2017
- Ban Thông tin truyền thông
- 6202
Người con gái làm lay động cả một đời thơ Hoàng Cầm
Người Pháp nhận xét: “Lá Diêu Bông” của thi sỹ Hoàng Cầm là một trong những bài thơ tình hay nhất của Việt Nam”
LÁ DIÊU BÔNG
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy Lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông
Mùa đông sau em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
Trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy Lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy Lá
Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời…
… ới Diêu bông…
——-Hoàng Cầm——-
Ông sinh năm 1922, quê: Lạc Thổ – Song Hồ – Thuận Thành – Bắc Ninh. Hoàng Cầm là bút danh (tên một vị thuốc quý), còn tên thật là Bùi Tằng Việt. Vì ông họ Bùi và “Tằng Việt” là ông sinh ở xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cụ thân sinh làm thầy đồ và nghề thuốc Bắc, đã lấy chữ cuối của xã (Phúc Tằng) và chữ đầu của huyện (Việt Yên) để đặt tên cho ông. Nhưng mọi người chỉ biết đến tên ông là “Hoàng Cầm”.
Với tôi là người cùng quê, được ông quý mến và nhiều lần được ông chia sẻ, thường xưng hô “mày, tao” nghe thân mật và tình cảm.
Năm 2003, tôi cùng các anh là văn nghệ sỹ Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh tổ chức “Đêm thơ Hoàng Cầm” tại nhà văn hóa Quan họ, trước khán giả ông cảm động nói: “Về Bắc Ninh gặp ai tôi cũng thấy như ruột thịt của mình” và tự đọc bài thơ nổi tiếng “Bên kia Sông Đuống”, từ tác giả đến độc giả đều rưng rưng nước mắt.
Đêm hôm đó tôi ngủ cùng ông ở khách sạn, trong lúc câu chuyện cởi mở, tôi hỏi: “Là một nhà thơ nổi tiếng, sống chân thành mà tại sao cụ bị quy là “nhân văn giai phẩm” và phải đi “cải tạo”. Ông trả lời: “bị quy nhân văn gia phẩm là sự đố kỵ về văn chương, còn đi “cải tạo” là sự “hiểu lầm” và quy chụp về nội dung một số bài thơ, trong đó bài: “Lá Diêu Bông” là bị quy chụp nặng nề nhất. Tôi hỏi hoàn cảnh ra đời bài thơ, được ông kể:
“Khi 5 tuổi gia đình “tao” chuyển đến ở phố Ga Như Thiết (Việt Yên, Bắc Giang) và 7 tuổi được học trường Pháp – Việt (thị xã Phủ Lạng Thương, Bắc Giang), cùng thời kỳ đó có một gia đình ông giáo học ở huyện Tiên Du – Bắc Ninh cũng dọn nhà đến ở đối diện. Một hôm đi học về thấy người con gái nhà ông giáo đang dọn quán bán hàng và nhìn phía sau người con gái đó có mái tóc dài, thắt đáy lưng ong, mặc váy đen dài, buông trùng kiểu cửa võng của mái Đình làng. Khi quay mặt lại tao thấy choáng ngợp bởi sắc đẹp của chị (về sau mới biết chị tên là Vinh, 16 tuổi). Còn tao mới 8 tuổi nhưng vì đa tình từ bé cho nên trừ lúc đi học còn khi ở nhà thì đều có mặt bên nhà chị. Chị đi giặt tao theo ra sông, chị chơi Tam cúc tao ngồi cạnh. Một hôm thấy chị ra ngoài đồng để tìm một thứ lá cây ở các gò đất, tao chạy theo và hỏi: “chị tìm hái lá cây này làm gì thế ?” chị bảo: “Để về giã đắp lên mặt cho mịn da” và chị có nói tên thứ lá đó nhưng tao không để ý mà chỉ hăng hái tìm bới cùng chị. Thời kỳ đó khoảng tháng 10 (Âm lịch), cánh đồng lúa đã cắt xong còn trơ toàn gốc rạ, mặt trời lặn xuống sau dãy núi, chị Vinh bảo: “thôi, tối rồi về đi em!”. Chị dắt tay đi trên bờ ruộng mà thấy trong người như có luồng điện từ chị truyền sang.
Cùng năm đó vào dịp được nghỉ tết Noel, từ thị xã đi xe lửa về nhà, với thói quen nhìn ngay sang nhà chị, không thấy chị bán hàng, mà cửa nhà thì đóng, tao chạy vào nhà hỏi u đang vá áo trên giường: “Chị Vinh đi đâu mà không thấy bán hàng?”, u tao bảo: “nó đi lấy chồng rồi con ạ!”. Tao thấy bàng hoàng và lúc đó như có tiếng sét nổ to lắm làm bầu trời đổ ụp xuống, tao chạy vào ôm lấy u và òa lên khóc nức nở. Chắc cũng hiểu được tình cảm của con trai nhưng sợ ông giáo sắp đi dạy học về bà bảo: “Thôi ra rửa mặt đi không thầy mày sắp về rồi đấy !”.
Về sau ông mới biết chị Vinh lấy chồng là một ông quản lính Khố Xanh cho Pháp và theo chồng về tận Phủ Lý, từ đó không được gặp chị nữa. Nhưng hình ảnh chị lúc nào cũng in đậm trong tâm khảm và ông thừa nhận: “chị Vinh hơn ông đến 8 tuổi nhưng người con gái đó đã làm lay động cả một đời thơ Hoàng Cầm”. Còn “Lá Diêu Bông” là thứ lá không có thật, mà do ông tưởng tượng ra, nhưng nó vô cùng đẹp giống như mối tình một phía ông giành cho chị, mà chính vì nó quá đẹp và biết không bao giờ có được nhưng cả một đời ông vẫn khắc khoải đi tìm.
Ông có một nguyện vọng: Quê ông bên bờ sông Đuống, sự nghiệp văn chương của ông cũng gắn nhiều với con sông Đuống và khi chết ông muốn được hỏa thiêu và đem rắc tro xuống dòng sông Đuống.
Hoàng Cầm làm thơ từ tám, chín tuổi, được in từ năm 1936 – 1937 với các tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác: Trương Chi, Bên kia sông Đuống, Kinh Bắc, Mưa Thuận Thành, Men đá vàng, Lá Diêu Bông, Đến từ hư không,….Ông tham gia quân đội từ ngày đầu kháng chiến và từng làm trưởng đoàn văn công quân đội thuộc Tổng cục chính trị. Ông như một thanh củi cháy hết mình cho đời, nhưng ngược lại đời lại quá nghiệt ngã với ông, cả đời riêng, cuộc sống và sự nghiệp. Tôi vẫn hay đùa ông: “ông trời muốn trao việc quan trọng cho ai trước tiên phải đày ải người đó đã”.
Năm 2007, ông được trao giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật. 9h30’ ngày 06/5/2010 thi sỹ “Lá Diêu Bông” đã nhẹ bước vào cõi Thiên thu, để lại một di sản tinh thần độc đáo, tài hoa, in dấu ấn riêng biệt vào lịch sử văn chương Việt Nam. Còn cuộc sống, sự đố kỵ và lầm lẫn thì bao giờ chẳng có.
Dương Đình Chiến