Người mang nghề đúc đồng về Phước Kiều – Quảng Nam,

           Làng đúc đồng Phước Kiều nằm trên Quốc lộ 1A, cách TP.Đà Nẵng 25km về phía Bắc, cách TP.Tam Kỳ 40km về phía Nam, thuộc địa phận xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam từ lâu đã được nhiều người biết đến và được truyền tụng qua câu ca “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều”.

         Làng đúc đồng Phước Kiều hình thành từ thời các chúa Nguyễn. Làng có nguồn gốc từ Thanh Hóa, do một người tên là Dương Tiền Hiền di cư vào đây truyền dạy. Cuối thế kỉ XVIII, ở đây hình thành hai khu vực là phường tạc tượng Đông Kiều và phường chú tượng Phước Kiều. Đến đầu thế kỉ XIX, triều Nguyễn sáp nhập 2 phường tạc tượng và chú tượng để hình thành “xã hiệu Phước Kiều”, còn gọi là làng đúc đồng Phước Kiều tồn tại đến ngày nay. Thời hoàn kim của làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều được nhiều người biết đến dưới thời Tự Đức.

Cặp súng Thần công Triều Nguyễn do công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều chế tác 

         Sản phẩm của làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều không chỉ là những nhạc cụ dân tộc mà còn có cả tượng, phù điêu và các mặt hàng trang trí khác. Những sản phẩm của làng nghề không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn cung cấp cho các dân của các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến tỉnh Bình Phước và là nơi cung cấp nhiều nhạc cụ của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên.

         Đặc biệt, những sản phẩm làm ra hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Trong những sản phẩm của làng nghề thì Chiêng và Thanh la là hai thứ “đặc sản” với độ ngân vang xa nhất và những thang âm chuẩn mực. Nhờ kỹ thuật pha kim và trình độ thẩm âm bậc thầy của các lão nghệ nhân trong vùng, hai loại nhạc khí này ở đây được khách hàng khắp nơi đánh giá không đâu sánh bằng.

         Để tạo nên những sản phẩm có âm thanh và đặc trưng riêng của Phước Kiều, những  nghệ nhân ở đây có bí quyết riêng trong cách pha hợp kim đồng. Ngoài ra, để có được nhạc khí đạt tiêu chuẩn, người thợ mất nhiều thời gian, công sức với sự tỉ mỉ, khéo léo trong việc làm khuôn. Và tùy vào mỗi sản phẩm lại có cách pha hợp kim, cách làm khuôn, thậm chí cách nấu đồng khác nhau.

         Hiện nay, sản phẩm của làng nghề không những đơn thuần là cung cấp nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước, mà làng nghề còn trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách, góp phần tăng doanh thu hàng năm cho tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt Phước Kiều là nơi gặp nhau của 2 điểm đến di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Hàng năm, lượng du khách đi qua địa bàn là rất lớn nên Phước Kiều sẽ có nhiều thuận lợi trong việc giới thiệu đến du khách sản phẩm, kỹ thuật chế tác cũng như những giá trị văn hóa của làng nghề.

         Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều – Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng chia sẻ: Do sự phát triển của công nghệ – kỹ thuật hiện đại… Vì vậy, để giữ lửa cho nghề, phát triển và truyền cho các thế hệ thanh niên là một trong những vấn đề khó hiện nay…Để giữ và phát triển, ngoài những sản phẩm truyền thống đã trở thành thương hiệu của làng như: cồng, chiêng, lư đồng, nồi niêu, xoong chảo…, công ty còn sản xuất các mặt hàng nội, ngoại thất mỹ nghệ tinh xảo, lạ mắt như đèn lồng, khay đồng chạm trổ hoa văn, gạt tàn thuốc hình búp sen, tượng phật, rồng, lân…Với sản phẩm đa dạng, đẹp nên những năm gần đây công ty của nghệ nhân Dương Ngọc Thắng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng khắp nơi, nhất là các khu du lịch, resort trong và ngoài tỉnh như Palm Garden, BaNa Hill, Laguna Lăng Cô, Côn Đảo Resort… đặt đúc hàng trang trí. Hiện nay, sản phẩm đồng của công ty nói riêng và của làng nghề nói chung không chỉ có mặt hầu hết thị trường trong nước mà còn vươn xa ra thị trường thế giới thông qua kênh xuất khẩu và du lịch.

         Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ ban đầu 250 triệu đồng cho dự án “Phát triển làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều” theo hướng du lịch sạch. Bên cạnh việc giữ gìn uy tín và thương hiệu làng nghề, còn gắn với hướng du lịch văn hóa làng nghề, vừa bán sản phẩm làm ra, vừa trình diễn sản xuất để thu hút khách tham quan.

         Trải qua những biến động, làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều có lúc thịnh, lúc suy, như với quyết tâm bảo tồn bản sắc văn hóa của mình, người dân Điện Phương vẫn bám nghề và giữ gìn những nét truyền thống trong cách đúc đồng của một làng nghề cổ lâu đời. Bên cạnh đó, với sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và tỉnh Quảng Nam, làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều đang từng bước được hồi sinh, phát triển từng ngày, trở thành niềm tự hào của người dân Quảng Nam.  

 Dương Thanh – sưu tầm

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com