Người “mở đường” tiên phong

          Ông là người chỉ huy nổ phát súng đầu tiên mở đầu Nam Bộ kháng chiến; là một trong số những người đầu tiên tham gia mở con đường “xuyên Tây” vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về tiếp tế cho lực lượng cách mạng, là người mở bến Lộc An, tổ chức cho tàu không số vượt biển hình thành đường Hồ Chí Minh huyền thoại; là người tiên phong ký vào “Lời tâm huyết kêu gọi biến lễ tang thành việc làm từ thiện”… Những cái “đầu tiên” ấy đã định hình, toát lên cốt cách của ông-nguyên Bí thứ Xứ ủy Nam Kỳ Dương Quang Đông, người đã cống hiến cả cuộc đời cho Nam Bộ, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh.

          Nhắc đến ông, không chỉ những người đồng chí cùng thời mà cả lớp cán bộ thế hệ hậu sinh có vinh hạnh được tiếp xúc với ông, hết thảy đều ngưỡng mộ. Trong một lần trò chuyện với tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh về nhà cách mạng Dương Quang Đông, cố Giáo sư Trần Văn Giàu kể: Người chỉ huy nổ phát súng đầu tiên mở màn Nam Bộ kháng chiến chính là anh Dương Quang Đông. Khoảng 21 giờ đêm 22-9-1945, anh em gác chạy vào báo anh Đông là tụi lính Nhật gác vòng ngoài đã rút hết. Anh đoán chắc bọn Pháp sẽ đến đánh chiếm dinh Xã Tây (trụ sở UBND thành phố ngày nay), nên đầu óc căng thẳng vì chưa biết ý kiến của Xứ ủy về vấn đề “đánh hay không?”. Lệnh của Xứ ủy, anh Đông phải cùng mọi người bám trụ bảo vệ dinh Xã Tây đến phút cuối cùng. Trăn trở, cân nhắc làm anh lưỡng lự giữa hai phương án: “Nếu địch đến chiếm dinh Xã Tây mà mình bỏ chạy thì nhục này biết rửa mấy sông? Nếu nổ súng đánh thì phải chăng chính mình là người gây ra chiến tranh”. Khoảng 22 giờ đêm, Pháp đổ quân trước dinh, có cả xe bọc thép. Anh em đòi đánh ngay, không thể chờ đợi. Anh Đông nói lớn: “Không ai được nổ súng, phải chờ lệnh của tôi”. Đúng lúc ấy, bọn Pháp tràn tới. Không thể trì hoãn, anh Đông giật khẩu súng của một đồng chí đứng gần nhất, nhắm hướng bọn địch bóp cò. Hai tiếng nổ vang lên, tức thì nhiều tiếng súng trong dinh nổ rộ…, quân địch ngã la liệt. Bên ngoài, nhân dân vui mừng hò reo: Dinh Xã Tây đã nổ súng, dinh Xã Tây đã đánh, mình đánh đi anh em…”. Nam Bộ kháng chiến chính thức bắt đầu. Tiếng súng của anh trở thành sự kiện mở màn một giai đoạn lịch cam go mà anh dũng của Nam Bộ thành đồng.

          Ngay khi đặt chân xâm lược nước ta lần hai, thực dân Pháp rắp tâm mở rộng quy mô chiến tranh ra toàn Nam Bộ, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết liệt. Chúng chiếm hết các tỉnh miền Tây Nam Bộ gây cho ta nhiều thiệt hại. Trong khi đó, lực lượng cách mạng thiếu vũ khí, đạn dược để trang bị cho các đơn vị đánh địch. Trước tình thế cấp bách, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định mở con đường chiến lược “xuyên Tây”, sang Thái Lan mua vũ khí về chi viện cho chiến trường miền Nam kháng Pháp. Nhiệm vụ này ban đầu được giao cho đồng chí Hai Hiếu thực hiện, nhưng khi xuất phát không lâu thì chiếc ghe đi tiền trạm bị Pháp bắt nên Xứ ủy yêu cầu đồng chí Hai Hiếu quay trở lại để bảo đảm an toàn. Vấn đề mua vũ khí đưa về Nam Bộ vẫn là nhiệm vụ sống còn của cuộc chiến, phải giải quyết bằng mọi giá. Và, người được Xứ ủy lựa chọn đảm đương trọng trách không ai khác ngoài Dương Quang Đông. Ông Lê Quang Thành, 94 tuổi, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Vũng Tàu-Côn Đảo, nhớ lại: “Vào thời điểm ngặt nghèo nhất thì anh Dương Quang Đông nổi lên với những tố chất vượt trội. Anh mang theo 25kg vàng cùng đoàn công tác bí mật sang Thái Lan, gặp đồng chí Trần Văn Giàu cùng nhau thực hiện nhiệm vụ. Với tài ngoại giao, dân vận, các anh đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Thái Lan. Thủ tướng Thái Lan quyết định hỗ trợ cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam 50 tấn vũ khí, hóa chất. Toàn bộ số vũ khí này được Dương Quang Đông đưa về nước an toàn. Đây là thành công có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cổ vũ tinh thần chiến sĩ, đồng bào Nam Bộ kháng chiến. Sau lần đầu thắng lợi, anh Đông lại tiếp tục sang Thái Lan mua vũ khí đưa về phục vụ cách mạng, ghi dấu ấn con đường xuyên Tây”.

Đồng chí Dương Quang Đông. Ảnh tư liệu

          Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đồng chí Dương Quang Đông ở lại miền Nam tổ chức cất giấu vũ khí và xây dựng cơ sở mật trong lòng địch. Ông tham gia Đặc khu ủy Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn, phụ trách công tác binh vận. Giai đoạn này, tình hình cách mạng miền Nam chìm trong khủng bố trắng. Nhiều đảng viên, cán bộ, quần chúng cách mạng cốt cán bị địch bắt, giam cầm, thủ tiêu; cơ sở cách mạng bị chúng chà đi, xát lại. Chủ trương của Đảng là đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Vấn đề đặt ra cấp bách là bảo đảm vũ khí cho các đơn vị miền Nam huấn luyện, chiến đấu bởi súng đạn ở miền Bắc chưa chuyển vào kịp. Lại một lần nữa, đồng chí Dương Quang Đông được lựa chọn trực tiếp phụ trách mở đường biển từ Nam Bộ ra Hải Phòng để tổ chức các chuyến vận tải vũ khí vào Nam. Trong nhiều tháng trời, đồng chí Dương Quang Đông đi dọc bờ biển từ Kê Gà, Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) đến Hồ Cốc, Lộc An (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khảo sát, lên kế hoạch bố trí các bến bãi; rồi lựa chọn, tổ chức lực lượng huấn luyện kỹ năng đi biển… Bao vất vả, gian nan, hiểm nguy rình rập, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển do Bộ Chính trị chỉ đạo đã được hình thành, lập nên kỳ tích. Trong cuốn hồi ký của mình, ông Dương Quang Đông viết: “Đêm ra bãi biển, ngày ẩn trong rừng, gặp gì ăn nấy, hết gạo thì ăn củ mài, củ chụp… Đúng như Tam Tạng đi thỉnh kinh”.

          Vào những năm cuối đời, khi tuổi vừa tròn 100, nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông lại tiếp tục ghi dấu ấn sâu sắc khi ông tiên phong cùng 18 cán bộ lão thành, văn nghệ sĩ ký tên vào “Lời tâm huyết kêu gọi biến tang lễ đau thương thành việc làm từ thiện”. Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Biết tin chú Năm Đông cùng nhiều cán bộ lão thành quyết định sẽ ủng hộ toàn bộ số tiền phúng điếu sau khi về trời để làm từ thiện tôi rất xúc động. Năm 2000, chú Năm Đông đã bán căn nhà, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung 40 lượng vàng; ủng hộ chương trình nhân đạo từ thiện xã hội của thành phố 20 lượng vàng. Trước đó, chú Năm Đông là người đầu tiên đề xướng và ủng hộ việc xây dựng Đền liệt sĩ Bến Dược. Tấm lòng nặng nghĩa tình của chú Năm Đông, chính quyền, nhân dân thành phố mãi mãi khắc ghi.

          Theo di nguyện của ông, sau khi ông mất ngày 15-5-2003, con cháu trong gia đình đã mang 103,5 triệu đồng tiền phúng viếng đến Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ mổ mắt cho 206 người nghèo. Nghĩa cử cao đẹp này có sức lan tỏa mạnh mẽ tạo thành phong trào thiện nguyện “Một người nhắm mắt cứu nhiều người sáng mắt”. Từ đó đến nay, phong trào đã nhận được gần 3 tỷ đồng từ những đám tang từ thiện, giúp khoảng 240.000 người tìm lại được ánh sáng trong cuộc đời.

HOÀNG THÀNH

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com