Người phụ nữ Họ Dương- khởi nghiệp đi lên từ bàn tay trắng.

Gương khởi nghiệp từ hai bàn tay

       Trải lòng của người phụ nữ Dương Thị Tuyết (Thị Trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định) – Từ thu mua phế liệu trở thành Nữ doanh nhân được Giải thưởng Tài chính vi mô quốc tế.

       Điểm xuất phát nhọc nhằn…

       “Sinh ra trong một gia đình nhà nông, lớn lên, như bao người con gái ở nông thôn khác, tôi được cha mẹ gả chồng. Nhà chồng có 9 người con. Ngoài làm nghề nông, 3 người con trai trong đó có chồng tôi được bố truyền cho nghề đúc nồi gia truyền. Tuy nhiên, vào những năm cuối thập kỷ 90, ở nước ta, việc sử dụng nồi đúc không còn phổ biến nữa, thành thử, “nghề” thì có nhưng “nghiệp” lại không… Cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả, nhà tôi thuộc hộ nghèo của địa phương…”

       Đó là lời tâm sự về “một thời đã qua” của chị Dương Thị Tuyết, nữ chủ nhân cơ ngơi chuyên sản xuất, kinh doanh các loại đồ đồng mỹ nghệ: chạm khảm lư hương, đỉnh đồng, lọ hoa, tranh chữ, chuông tượng… nổi tiếng ở tổ dân phố số 1, khu A, thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định.

          Chị kể, ngày đó tuy chồng chị có tay nghề cao nhưng không có vốn, anh phải đi làm thuê cho các xưởng đúc đồng khác, chị thì cần mẫn đi thu mua phế liệu về bán lại cho các đại lý thu gom, ki cóp, nhọc nhằn nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Hai đứa con nhỏ, con gái lớn 9 tuổi đã phải phụ giúp bố mẹ việc gia đình, con trai nhỏ 6 tuổi thì gửi sang nhờ bà ngoại trông đỡ. Anh chị cặm cụi, cần cù sớm khuya mà cuộc sống vẫn loanh quanh, thiếu thốn. 

        Cơ duyên

       Tôi hỏi: Cơ duyên nào đã đưa chị đến với Quỹ Tình Thương, hiện nay là Tổ chức tài chính vi mô nhỏ Tình thương thuộc Hội LHPN Việt Nam

        Chị nhìn tôi: Cơ duyên ư?

       Đúng là cơ duyên thật. Bởi một phụ nữ nông dân nghèo và chân chất như chị, suốt ngày đầu tắt, mặt tối thì làm gì có thời gian tham gia Hội Phụ nữ, cũng làm gì có cơ hội để được biết và tiếp xúc với tổ chức xã hội nào.

       Chị nhớ, một lần, chị Thanh Duyên, Giám đốc chi nhánh Quỹ Tình Thương huyện Ý Yên (là người cùng thị trấn) đến chơi nhà chị đúng vào bữa ăn trưa. Nhìn các con chị hì hụi bên mâm cơm chỉ vỏn vẹn bát canh, mấy quả cà và con cá mắm, chị Duyên xót xa lắm. Chị Duyên ân cần hỏi han hoàn cảnh và giới thiệu với chị về Quỹ Tình Thương, khuyên chị làm đơn xin gia nhập Quỹ và vay tiền để có vốn làm kế sinh nhai.

       Nghe chị Duyên, chị Dương Thị Tuyết về bàn bạc với chồng. Ý Yên, Nam Định là địa phương có nghề truyền thống đúc đồng. Sản phẩm mỹ nghệ ở đây nổi tiếng gần xa và là nơi chuyên đổ buôn cho các tỉnh, thành khác. Nhiều nhà không phải là cha truyền con nối cũng đứng ra mở xưởng sản xuất và thuê những người có tay nghề cao về làm. Trong khi đó gia đình chồng chị có nghề đúc đồng gia truyền nhưng không có vốn nên cũng chỉ nai lưng đi làm thuê cho người khác. Chị bàn với chồng tham gia Quỹ Tình Thương, vay vốn về hùn cùng số tiền tiết kiệm ít ỏi của anh chị dành dụm được để mở xưởng sản xuất.

       Chồng chị ngại ngần: mình làm lụng, ki cóp mãi mới có một chút để dành, giờ đi vay tiền lại còn phải trả lãi suất, rồi đổ hết ra kinh doanh, biết có khả năng mà hoàn trả cả vốn lẫn lãi không, hay nợ nần đeo bám làm cuộc sống đã khổ lại càng thêm túng quẫn? Chị cũng lo lắm, nhưng chẳng lẽ cứ cam chịu mãi kiếp nghèo? Trăn trở, bàn đi, tính lại mãi, anh chị quyết tâm khởi nghiệp. Năm 1998, chị tham gia  Quỹ Tình Thương và được vay số vốn ban đầu 500.000 đồng.

       Vạn sự khởi đầu nan và hồi kết có hậu diệu kỳ…

       Xưởng sản xuất được mở ra. Với số vốn ít ỏi, anh chị chỉ mua được 2 chiếc máy đúc; 500 ngàn đồng vay từ Quỹ Tình Thương dùng để mua nguyên liệu sản xuất; nhân công làm việc chỉ có hai vợ chồng, thuê thêm 1 người thợ phụ.

       Vạn sự khởi đầu nan. Số lượng sản phẩm sản xuất ra ban đầu ít, không đa dạng về mẫu mã trong khi anh chị chưa có khách hàng quen. Thế là, vừa lo sản xuất, chị kiêm luôn cả việc mang mẫu hàng đi quảng cáo, giới thiệu ở các cửa hàng bán lẻ đồ đồng mỹ nghệ. Thậm chí, chị phải chấp nhận việc ký gửi (gửi sản phẩm ở cửa hàng, khi nào bán được người ta mới thanh toán tiền gốc). Đã eo hẹp về vốn, hình thức ký gửi lại càng làm cho tiền vốn quay vòng chậm hơn. Không nản, chị chẳng quản ngày đêm, mưa nắng lăn lộn đi khắp nơi tìm kiếm nguồn khách hàng cho sản phẩm.

       Chồng chị là một người có tay nghề cao, trong những ngày tháng đi làm thuê cho các xưởng đúc đồng khác anh cũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm nên sản phẩm anh chị sản xuất đẹp, chất lượng cao, khách mua hàng dần tin tưởng và đặt mua theo đơn đặt hàng. Doanh thu năm khởi đầu đạt 10 triệu đồng đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho chị đồng thời cũng là lúc chị hoàn trả xong cả vốn lẫn lãi cho Quỹ Tình Thương. Từ đó, doanh thu từ xưởng sản xuất của chị đều tăng, năm sau cao hơn năm trước trung bình từ 10-30%. Chị vẫn tiếp tục tham gia Quỹ Tình Thương, trong thời gian 17 năm từ 1998- 2015 chị đã vay của Quỹ Tình Thương 6 lần, số vốn mỗi lần vay cũng được tăng dần (năm 2015, chị vay Quỹ Tình Thương 31 triệu đồng). Năm 2015, doanh thu của chị đạt 420 triệu, cho lãi ròng 100 triệu đồng.

       Chị bật mí với tôi: Chị đang phấn đấu để doanh thu năm 2017 tăng, đạt 700 triệu đồng.

Từ một hộ kinh tế nghèo, khó khăn, với nghị lực phi thường, cần cù, chăm chỉ và quyết tâm thoát nghèo, chị Duơng Thị Tuyết đã dám nghĩ, dám làm và thành công trên con đường lập nghiệp. Hiện nay, chị có trong tay số vốn sản xuất hàng tỷ đồng với cơ ngơi sản xuất rộng trên 200 m2. Xưởng sản xuất của chị đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho hàng chục công nhân (trong đó có 4 công nhân nữ) với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/ người/ tháng. Chị đã gây dựng được hệ thống khách hàng chung thủy với những đơn đặt hàng thường xuyên, ổn định, số lượng hàng tiêu thụ trung bình từ 15.000 đến 20.000 sản phẩm/năm.

       Không ngừng đúc rút kinh nghiệm và chịu khó tìm tòi, học hỏi anh chị luôn suy nghĩ để sáng tạo ra những sản phẩm mới với mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, đạt chất lượng kỹ thuật cao. Sản phẩm của gia đình chị hiện nay không chỉ cung cấp bán buôn và bán lẻ trong tỉnh mà đã mở rộng ra các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh,…

       Chị cho biết, trong những năm tới nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng, ngoài hệ thống nhà xưởng hiện có, gia đình chị sẽ đầu tư để mở thêm 1 xưởng sản xuất và tuyển thêm 5 đến 10 công nhân là người dân địa phương để đào tạo và giúp họ có việc làm với thu nhập ổn định. Đồng thời, chị cũng nghiên cứu để mở rộng thị trường tại một số tỉnh miền Trung và tìm thêm các đối tác để mở đại lý tại TP. Hồ Chí Minh.

          Chị là thành viên của Quỹ Tình Thương đã sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả để phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình. Điều quan trọng, chị đã và đang thực hiện công việc rất có ý nghĩa : giữ gìn và phát huy nghề đúc đồng, một trong những ngành sản xuất thủ công quan trọng của Việt Nam…

       Vinh danh

       Kết quả xứng đáng của quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng, chị Dương Thị Tuyết là một trong những thành viên tiêu biểu của Quỹ Tình Thương được vinh danh “Doanh nhân vi mô tiêu biểu năm 2008” – giải thưởng do Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam và Ngân hàng nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức.

       Một bất ngờ lớn, năm 2016, được Quỹ Tình Thương giới thiệu, chị đã trở thành 1 trong 6 doanh nhân vi mô trên toàn cầu (là doanh nhân vi mô duy nhất của Việt Nam) được nhận Giải thưởng Tài chính vi mô quốc tế do tổ chức Planet Finance thực hiện nhằm vinh danh các doanh nhân vi mô có thành tích sử dụng vốn hiệu quả trong quá trình tham gia các hoạt động tài chính vi mô. Lễ trao Giải thưởng sẽ diễn ra tại Paris- Pháp với giải thưởng được trao trị giá 1.000 EUR.

          Trong ngôi nhà biệt thự màu vàng rộng rãi, khang trang, chị Dương Thị Tuyết cùng chồng và hai con, cả gia đình chị vui vẻ đón tiếp tôi (vì tôi là người cùng hàng xóm với chị) và hân hoan nói về chuyến đi Paris nhận Giải thưởng sắp tới của chị. Không giấu được xúc động, chị Tuyết chia sẻ: “Đối với những người phụ nữ đi lên từ nghèo khó như tôi thì giải thưởng là nguồn động lực to lớn, giúp tôi vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình”.

       Chị cũng cho biết, nhận được Giải thưởng, chị sẽ dành một phần số tiền ủng hộ Quỹ Khuyến học của địa phương, một phần dành mua quà tặng cho con các thành viên trong cụm đạt thành tích học tập xuất sắc, phần còn lại chị sẽ sử dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho con em các thành viên trong cụm.

          Chị cười thật tươi, nụ cười tỏa sáng lấp lánh trên gương mặt trắng hồng, rạng rỡ…  

                                                                                                          D.Thị Thức – sưu tầm                       

 

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com