Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Phật Đản

LTS: Nhân dịp Lễ Phật đản chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Phật đản” để bà con đọc và tham khảo.

Lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch năm 624 Trước Công Nguyên, tại khu vườn Lâm Tỳ Ni, xứ Ca Tỳ La Vệ thuộc miền bắc Ấn Độ. Lễ Phật đản tiếng Pali gọi là Vesak, tiếng Phạn là Vaisakha, một ngày rất quan trọng trong truyền thống Phật giáo. Đức Phật Thích Ca xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca.

Một số quốc gia với đa số Phật tử chịu ảnh hưởng Phật giáo Bắc Tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Các quốc gia theo Nam Tông thường tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 4 âm lịch.

Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước láng giềng Đông Nam Á theo Phật giáo Nguyên thủy, lễ Phật đản được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha của lịch Phật giáo và lịch Hindu, mà thường rơi vào tháng 4 hoặc tháng 5 của lịch Gregorian phương Tây.

Tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, Tích Lan, từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 08 tháng 6 năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch. Vì vậy, lễ Phật đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Theo Phật giáo Nam Tông và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết Bàn). Ngày Phật Đản hay là lễ Vesak, Tam Hiệp được kỷ niệm vào các ngày khác nhau, tùy theo quốc gia. Tuy nhiên theo Phật giáo Bắc Tông và ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa thì ngày này là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca.

Nhân sự kiện hy hữu này, những người con Phật trên toàn thế giới hàng năm lấy ngày trăng tròn tháng tư âm lịch làm ngày Phật đản, hay còn gọi là Đại lễ Vesak kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại của cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đó là kỷ niệm ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày Ngài nhập Đại Bát Niết Bàn. Mục đích chính là tôn vinh giá trị những giáo lý do Ngài mang đến cho chúng sinh cõi Ta Bà. Vì vậy cứ mỗi lần Phật Đản trở về, chúng ta có dịp ôn lại những lời Phật dạy để ứng dụng vào cuộc sống và nhắc nhở cho toàn nhân loại về những giá trị ấy với mong muốn góp phần làm tăng trưởng các phẩm chất tốt đẹp của con người và giảm thiểu những khổ đau mà con người đang gặp phải.

Ngày lễ Phật Đản ở Việt Nam

Phật Đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều quốc gia Châu Á như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Miến Điện, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia… Tại Việt Nam, ngày này không phải ngày nghỉ lễ được công nhận chính thức.

Ở Việt Nam, lễ Phật đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Nhiều người hay gọi ngày Phật đản là “Mùa Phật đản” để hòa chung niềm vui cùng mọi người trên khắp thế giới mừng ngày Đức Phật ra đời. Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hóa Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta nên được tổ chức long trọng, thu hút rất nhiều người tham gia, kể cả những người không có tín ngưỡng Phật giáo. Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam  được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Sau khi đất nước thống nhất, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ năm 1981 đến nay, hàng năm Đại lễ Phật đản được tổ chức vào đúng ngày rằm tháng 4 âm lịch, với lễ đài tổ chức Đại lễ trang trọng để dâng hương tưởng nhớ, tôn kính Đức Phật;  lễ tắm Phật Thích Ca sơ sinh với sự cầu mong thân thể và tâm hồn trong sạch khi được dòng nước thơm và trong lành gột rửa. Lễ tắm Phật với sự tham dự của các cấp chính quyền và tăng, ni, phật tử. Ngoài các nghi lễ trên Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố còn tổ chức xe hoa diễu dành trên các đường phố, các chùa làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông, hồ, tổ chức văn nghệ, thuyết giảng Phật pháp, trang trí đèn lồng và cờ Phật giáo ở các chùa,…Trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những gia đình Phật tử có thành tích trong xây dựng Phật pháp, xây dựng địa phương… thực hiện ghi công, tri ân và báo ân theo tinh thần Phật giáo.

Vào ngày Phật đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh. Đây là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước, xây dựng gia đình hạnh phúc, cá nhân an lạc. Thực hiện mỗi người tốt thì gia đình sẽ tốt, mỗi gia đình tốt cả xã hội sẽ tốt theo phương châm “ tốt đời đẹp đạo”.

Dương Văn Khá

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com