Nhà báo Dương Linh: Một cây bút có đủ đức và tài

Xuất thân trong một danh gia vọng tộc bậc nhất đất Kinh kì, nhà báo Dương Linh (1927-2011) là một người uyên bác, trí tuệ song cũng thật giản dị và khiêm nhường.

Những ký ức

Khi tôi về công tác tại Báo Hà Nội Mới thì nhà báo Dương Linh đã nghỉ hưu được dăm năm nhưng thỉnh thoảng trong các cuộc gặp gỡ cuối năm hay các buổi họp cộng tác viên thân thiết, tôi vẫn thấy một ông già có vóc dáng nho nhã đến dự. Những ý kiến của ông luôn có sức thuyết phục khiến người nghe như được tiếp thêm năng lượng làm nghề. Ông được đồng nghiệp, không chỉ lứa hậu sinh mà ngay cả những nhà báo lớp trước kính trọng, nể phục.

Nhà báo Dương Linh.

Sinh thời, nhà báo Hàm Châu (1935-2016) luôn coi Dương Linh là bậc đàn anh về nhân cách và về nghề báo. Ông tâm sự: “Ngay từ buổi đầu, Hànộimới đã hội tụ nhiều cây bút tài hoa. Nhà báo Dương Linh là một trong số đó. Chẳng những thạo tiếng Pháp, ông còn có thể dịch xuôi tiếng Anh. Khi một số tờ báo bạn ở Liên Xô, Đông Âu thời ấy đặt bài, trong tòa soạn chỉ có Tổng Biên tập Đinh Nho Khôi và ông Dương Linh đủ sức viết trực tiếp bằng tiếng Pháp. Dưới ánh đèn khuya, ông âm thầm ngồi dịch những cuốn tiểu thuyết dày cộp, tới 750 trang, như cuốn “Rouge Brésil” (Brésil đỏ) của Jean-Chistophe Rufin, trong những phút rảnh rang hiếm có. Ông là người của hai nền văn hóa Đông – Tây: Thanh bạch, khoan dung, tử tế, nặng tình người. 21 năm làm việc cạnh nhà báo Dương Linh, tôi học được nhiều điều về phẩm hạnh ôn hòa, hào hiệp của người trí thức dòng dõi, cũng như về cung cách làm báo kỹ càng, tinh tế. “Thức lâu mới biết đêm dài/ Ở lâu mới biết lòng người có nhân”. Có ông trong tòa báo, tôi cảm thấy như có nơi nương tựa tinh thần, để không mất đi niềm tin, sau bao nhiêu biến cố, lòng tốt và điều thiện vẫn còn lại trên đời. Ông mất năm 2011, tôi đã khóc”…

Say mê nghề báo

Nhà báo Dương Linh, tên khai sinh là Dương Hải Di, xuất thân trong một danh gia vọng tộc bậc nhất đất Kinh kì. Ông là cháu đích tôn cụ Dương Bá Trạc, là cháu ngoại cụ Lương Văn Can – những nhà nho trí tuệ, tâm huyết và nhiệt thành yêu nước đã sáng lập Đông Kinh nghĩa thục ở phố Hàng Đào, Hà Nội đầu thế kỷ XX.

Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ. Những năm học tú tài ở trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi), chàng thanh niên Dương Hải Di đã giác ngộ và tham gia cách mạng. Năm 1945, ông tham gia Đội Tuyên truyền Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu và tiến vào chiếm trại Bảo an binh trong ngày 19-8-1945 lịch sử.

Có lẽ bắt nguồn từ truyền thống gia đình, nhà báo Dương Linh đến với nghề báo như một cái duyên, sau đó là niềm đam mê.

Năm 1949, ông được vào nội thành chữa bệnh lao phổi và hoạt động bí mật. Lúc này, địch kiểm duyệt gắt gao khiến các báo in ngoài vùng tự do chuyển vào nội thành trở nên khó khăn. Để tuyên truyền, giáo dục học sinh lòng yêu nước và động viên họ ủng hộ kháng chiến, Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội đã chủ trương xuất bản báo “Nhựa sống” và chọn ông làm chủ bút. Để tạo vỏ bọc hợp pháp nhằm che mắt địch, cùng lúc đó, ông viết báo công khai.

Nhà báo Dương Linh những năm tháng tuổi trẻ.

Hoạt động trong lòng địch nên việc in ấn, phát hành “Nhựa sống” cực kỳ khó khăn. Giấy in báo không phải lúc nào cũng mua được. Hết lo giấy, Dương Linh và các đồng chí của mình lại lo in. Tuy mỗi tháng chỉ ra một số, mỗi số chỉ vài chục đến vài trăm bản in roneo (lúc đầu in thạch) thế nhưng đây là tờ báo bí mật hiếm hoi được xuất bản liên tục suốt 3 năm (1950-1952).

“Nhựa sống” có ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào học sinh, sinh viên nội thành lúc bấy giờ nên địch tăng cường khủng bố, cán bộ biên tập liên tục bị mật thám vây bắt, cơ sở ấn loát tan vỡ.

Một đêm đông lạnh giá cuối năm 1952, mật thám xộc vào nhà khám thấy tập “Nhựa sống” liền bắt Dương Linh về giam ở bốt. Vốn gầy, yếu, bệnh tật, giờ lại bị tra tấn, đánh đập dã man nhưng ông không khai. Sau gần một tháng giam cầm, không khai thác được gì, chúng phải thả ông ra. Nhưng chỉ mấy ngày sau, ông lại bị bắt khi đang liên lạc với cơ sở. Đúng một năm sau, ông mới được trả tự do, trở về nội thành tiếp tục hoạt động cho đến ngày giải phóng.

Trong bút tích để lại, nhà báo Dương Linh viết: “Từ khi học trường Bưởi, tham gia “Hội Chuối”, rồi vào Việt Minh hoạt động bí mật, tất cả đều là hăm hở, tự nguyện, hạnh phúc được làm đúng với chí hướng. Kể cả khi bị địch bắt giam và tra tấn, thân thể đau đớn nhưng đầu óc thanh thản và vẫn lạc quan, tin tưởng”.

Nhà báo Dương Linh trong khuôn viên tòa soạn Báo Thủ đô Hà Nội (1966) nay là Báo Hà Nội Mới

Biết ông đã làm báo từ kháng chiến chống Pháp, tháng 8-1957, Thành ủy Hà Nội điều ông sang làm báo “Thủ đô”, cơ quan ngôn luận ra hằng ngày đầu tiên của Đảng bộ thành phố. Từ đó, qua “Thủ đô Hà Nội”, rồi “Hànộimới”, ông đã từng bước trưởng thành, từ phóng viên trở thành Trưởng ban, Ủy viên Ban Biên tập, rồi Phó Tổng biên tập (1975) và nắm giữ cương vị đó cho đến lúc nghỉ hưu (1991).

Bậc “trưởng lão” đáng kính của Hà Nội Mới

Cuộc đời nhà báo Dương Linh gắn liền với số phận dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những năm tháng hòa bình và đổi mới.

Chân thành, cương trực, tận tụy, say mê, ông là tấm gương sáng về lòng yêu nghề và ý chí phấn đấu, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tháng 2/1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm gia đình anh Lê Văn Đạo, Tổ trưởng Tổ sơn vôi, Công ty Xây dựng dân dụng, 4 năm liền là Chiến sĩ thi đua (nhà số 8, ngõ 1, phố Hàm Long). Nhà báo Dương Linh là người đứng thứ hai từ phải sang.

34 năm công tác ở Báo Hà Nội Mới, nhà báo Dương Linh đã trải qua tất cả các khâu của một quy trình làm báo. Trong công tác biên tập, ông cẩn thận, kỹ lưỡng đến khắt khe bởi ông luôn cho rằng “phải giữ cho văn phong báo chí ngắn gọn, trong sáng”. Nhắc đến ông, nhà báo Trần Chiến trầm trồ: “Ông Dương Linh biên tập rất có nghề, câu chữ chặt chẽ và hay chê tôi viết xấu quá!”. Còn nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn luôn nhớ đến “bác Dương Linh” với tình cảm tôn trọng, cảm phục.
Không chỉ là một Phó Tổng biên tập có tay nghề, nhà báo Dương Linh còn là một cây bút chính luận sắc sảo. Nhà báo lão thành Thọ Cao kể, vì cái “nghiệp” viết chính luận này mà ông Dương Linh hay được Thành ủy trưng dụng tham gia soạn dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố, dự thảo diễn văn hoặc bài viết cho các đồng chí lãnh đạo Thành ủy.

Phỏng vấn Bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân (1974).

“Những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, Dương Linh trực tiếp chỉ đạo việc tuyên truyền cỗ vũ chiến đấu, vận động sơ tán, chuyển sản xuất và nếp sống từ thời bình sang thời chiến ở Báo Hànộimới. Nhớ một lần tôi hỏi: “Kỷ niệm gì sâu sắc nhất trong đời làm báo?”, ông không do dự trả lời: “Chính là những ngày hào hùng ấy”- nhà báo lão thành Thọ Cao nhớ lại.

Dòng sông chảy nặng phù sa

Không nhắc về “sự nghiệp” dịch sách của nhà báo Dương Linh sẽ là một thiếu sót lớn khi viết về ông.

Một số sách do nhà báo Dương Linh dịch được in và tái bản nhiều lần.

“Những dấu vết còn lại” là cuốn truyện dịch đầu tiên của ông được xuất bản năm 1973. Đây là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ học trò ngày ấy. Sau khi về hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, ông dịch nhiều hơn. Ông có một gia tài đồ sộ 40 đầu sách dịch. Nhìn vào số lượng tác phẩm để thấy ông đã miệt mài và đam mê với công việc như thế nào. Nhiều cuốn được tái bản tới 5 lần, như “Papillon người tù khổ sai”…

85 năm gắn bó với Hà Nội, nhà báo Dương Linh yêu mảnh đất này và ông luôn muốn xây dựng Hà Nội Mới là tờ báo thân thiết của người Hà Nội. Là nhà báo có tâm huyết và trình độ, ông đã tham gia biên soạn những công trình văn hóa của Thủ đô như cuốn “Sơ thảo lịch sử báo chí Thủ đô”, “Bách khoa thư Hà Nội” và là chủ biên một loạt 5 cuốn trong bộ “Những kỷ niệm một thời làm báo” của Hội Nhà báo Hà Nội.

Nhà báo Dương Linh và người bạn đời GS-Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Chi lúc sinh thời.

Nghiêm khắc trong công việc nhưng ông là một con người hiền hòa, giản dị, sống thanh bạch giữ gìn nếp nhà. Phu nhân của ông, Giáo sư – Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Chi (1930-2016) cũng là một nhân cách đáng trọng. Bà là nhà khoa học nữ vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia đầu tiên năm 1985.

Sinh thời, nhà báo Dương Linh quan niệm báo chí là một dòng sông không ngừng chảy và những nhà báo ở những thế hệ khác nhau là những dòng suối nhỏ đổ nước vào dòng sông ấy. Ông nhắn nhủ: “Làm báo mỗi thời mỗi khác, nhưng dù ở thời nào thì người làm báo cũng phải luôn trung thực và giữ cái tâm trong sáng”.

Nhà báo Dương Linh mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ sau về một nhân cách người Hà Nội, một cây bút có đủ đức và tài.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com