Nhà Khúc, Dương, Ngô – Một mối quan hệ quý hiếm trong lịch sử dân tộc

 

Tư liệu lịch sử từ xưa cho biết: ba họ Khúc – Dương – Ngô trong thời kỳ giành và dựng nền độc lập tự chủ đã có một mối quan hệ với nhau rất khăng khít và tốt đẹp. Các vị tổ họ Khúc trong quá trình chuẩn bị lực lượng, khởi nghĩa giành chính quyền và trong công cuộc xây dựng nền độc lập tự chủ, tiến hành những cải cách quan trọng để dựng nước và giữ nước, củng cố chính quyền đã được sự phù giúp đắc lực của Dương Đình Nghệ – một thuộc tướng tài năng của họ Khúc. Ông sinh ra ở làng Châu Cổ Pháp – Bắc Ninh, di cư về làng Giàng, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Tổ Tiên của ông có truyền thống yêu nước, bất khuất mà điển hình là cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh năm 819 – 820.

 

Khi Khúc Hạo tiến hành công cuộc cải cách nền hành chính quốc gia, Dương Đình Nghệ đã hết sức phò tá Khúc Hạo tham gia sự nghiệp gìn giữ và xây dựng đất nước. Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay thì đội quân Khúc Dương do Dương Đình Nghệ làm tổng chỉ huy đã nỗ lực giúp Khúc Thừa Mỹ tăng cường lực lượng quốc phòng, xây dựng tuyến phòng thủ Bắc sông Hồng từ Đại La đến tận Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, để phòng Nam Hán xâm lược.

 

Năm 930, vua Nam Hán là Lưu Nghiễm cử Lý Khắc Chính và Lý Thủ Dung cất quân xâm lược, vì không đề phòng âm mưu có nội phản và không phát hiện được thủ đoạn của giặc dùng một lực lượng tinh nhuệ luồn vào mặt sau chiến tuyến đánh tập hậu, nên đội quân Khúc Dương do Khúc Thừa Mỹ xây dựng và thống lĩnh không đủ sức để đối phó với quân Nam Hán xâm lược, nên bị thất bại, Khúc Thừa Mỹ bị bắt.

 

Trước tình thế địch đang tiến như vũ bão, để bảo toàn lực lượng và chuẩn bị tiến công địch, Dương Đình Nghệ đã chủ động củng cố tăng cường lực lượng do mình chỉ huy ở Ái Châu để chờ dịp phục thù cho chủ. Bọn Lý Khắc Chính chiếm được Đại La và sau này Lý Tiến sang thay Lý Khắc Chính cũng chỉ giữ được Đại La, còn các nơi khác trong nước vẫn do các hào trưởng làm chủ.

 

Chính nhờ Dương Đình Nghệ vẫn bào toàn được đội quân Khúc Dương và sau khi đội quân này đã được củng cố lại tăng cường và phát triển thêm về sau, năm 931 Dương Đình Nghệ đã kéo quân từ Châu Ái ra Bắc đánh chiếm thành Đại La. Bọn Lý Tiến bị thua phải rút chạy. Vua Nam Hán cho Trần Bảo đem 5 vạn quân sang tiếp viện cũng bị quân của Dương Đình Nghệ đánh bại. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ nhất này, Dương Đình Nghệ vẫn trương cờ họ Khúc và tiếp tục sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước. Tư liệu của họ Dương ngày nay cho biết sau khi thất trận, các tướng lĩnh của họ Khúc và nhiều con cháu họ Khúc, trong đó có cả con trai Khúc Thừa Mỹ đã kéo vào Thanh Hóa hiệp sức cùng Dương Đình Nghệ mưu đồ sự nghiệp. Một số con cháu họ Khúc sau này đã đổi thành họ Dương. Hiện nay ở làng Giàng, họ Dương có 5 ngành lớn thì có 2 ngành là con nuôi. Phải chăng đó là hai ngành của họ Khúc xưa kia đã đổi thành họ Dương. Hậu duệ của họ Dương ngày nay đã nói: “Trong dòng máu của họ Dương ngày nay chẳng biết có bao nhiêu phần trăm là máu họ Khúc”. Họ Khúc và họ Dương gắn bó với nhau trong sự nghiệp giành giữ nền độc lập, giúp đỡ nhau, máu hòa máu, nhập vào nhau như vậy thật là quý hiếm trong lịch sử dựng nước của dân tộc ta.

 

Công trình khảo cổ địa lý sử của nhà nghiên cứu Đinh Văn Nhật về huyện Khúc Dương thời Hai Bà Trưng, cùng với việc tìm ra khu vực tập trung dày đặc của 18 làng có tên Dương và 6 làng có tên Khúc trên 1 dải đất hẹp nằm giữa đường 5 và đường sắt Hà Nội – Hải Phòng từ Km 30 đến Km 41, từ ga Lạc Đạo đến ga Cẩm Giàng đã cho thấy mối quan hệ Khúc Dương còn lâu dài xa xưa hơn nữa. Theo ông Nhật thì hai họ Khúc Dương là hai họ lớn đã có công xây dựng vùng đất này nên đã lấy tên hai họ mà đặt tên cho huyện là huyện Khúc Dương. Ngày nay hai họ Khúc Dương vẫn giành cho nhau những lời tốt đẹp khi nhận xét về Tổ Tiên mình, về mối quan hệ đặc biệt và tình cảm trong sáng của hai họ và đang cùng có những ý định, ý tưởng hiệp sức với nhau để làm sáng tỏ thêm sự nghiệp của Tổ Tiên.

 

Mối quan hệ giữa họ Dương và họ Ngô cũng đậm đà, sâu sắc và trong sáng.

 

Ngô Quyền quê ở Đường Lâm, Ba Vì, Hà Tây. Bố của ông cũng là một hào trưởng và là thuộc tướng Khúc Thừa Dụ. Ông là thuộc tướng của Dương Đình Nghệ, được Dương Đình Nghệ cho vào trấn giữ Hoan Châu. Do có tài và có công trạng giữ và xây dựng vùng biên ải phía Nam (Châu Hoan) nên được Dương Đình Nghệ rất quý mến và tin dùng. Dương Đình Nghệ đã gả con gái là Dương Thị Như Ngọc cho Ngô Quyền. Khi Dương Đình Nghệ kéo quân giành lại Đại La hai lần đánh quân Nam Hán, vẫn theo đường lối đối nội, đối ngoại của Khúc Thừa Dụ đã theo đuổi. Sự nghiệp của Dương Đình Nghệ cho đến bây giờ vẫn chưa được giới sử đánh giá thỏa đáng về những cống hiến to lớn của ông với nền độc lập tự chủ dân tộc. Cũng như họ Khúc, sự nghiệp của hai họ Khúc Dương chưa được đưa và vị trí thỏa đáng và chưa có công trình tưởng niệm tương xứng. Dương Đình Nghệ ở ngôi Tiết độ sứ chỉ được 7 năm thì bị con nuôi và cũng là một thuộc tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết để đoạt quyền. Được tin Kiều Công Tiễn phản nghịch Ngô Quyền đã kéo quân từ Châu Ái ra trừng trị để trả thù cho bố vợ. Kiều Công Tiễn cầu cứu vua Nam Hán. Trước thù trong giặc ngoài, Ngô Quyền đã quyết định giệt nhanh nội phản để rảnh tay đối phó với quân xâm lược. Sử sách cho đến nay vẫn còn ghi chép sơ lược, chưa làm rõ được vai trò của họ Dương và đội quân Khúc Dương trong việc diệt phản và trong chiến thắng Bạch Đằng cuộc chiến chống ngoại xâm.

 

Ngày nay, các nhà nghiên cứu nhờ đi sâu vào các thần phả và gia phả của các dòng họ có liên quan đã phần nào làm rõ hơn các sự kiện trên, giúp ta thấy rõ hơn và sâu hơn về mối quan hệ Khúc – Dương – Ngô trong sáng và quý hiếm trong lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc.

 

Gàn đây trong cuộc hội thảo khoa học “Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938” các nhà nghiên cứu đã làm rõ vấn đề trên. Trong bài tham luận của mình với tiêu đề “Từ cha con họ Khúc đến Ngô Quyền”, nhà sử học Nguyễn Hữu Tâm khẳng định: “Từ họ Khúc, mở đầu bằng việc xưng Tiết độ sứ năm 904 (?) của Khúc Thừa Dụ rồi đến chiến thắng của Dương Đình Nghệ năm 931 và cuối cùng là chiến thắng vang dội của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, thời gian tuy không dài đến 40 năm song đã là nối kết thúc của bản anh hùng ca. Cha con họ Khúc mở đầu cho công cuộc giành độc lập tự chủ – Ngô Quyền là người kết thúc trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới: “Kỷ nguyên độc lập tự chủ, kỷ nguyên phục hưng dân tộc” (Nguyễn Hữu Tâm, tháng 12/1994)”. Ý kiến này của ông Nguyễn Hữu Tâm cũng tương tự như lời nói cửa miệng của nhân dân và quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử xưa nay là: “Không có họ Khúc thì không có họ Dương và không có Khúc Dương thì không có Ngô Quyền”.

 

Trong bài “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938”, PGS – PTS Nguyễn Danh Phiệt kết hợp sử liệu trong chính sử, với việc đi sâu tìm hiểu trong thần tích, thần phả của các dòng họ có liên quan đã cho biết: Ngô Quyền đưa quân ra Đại La vào tháng 10 năm 938.

 

Bảy năm trước khi Dương Đình Nghệ đem quân ra giải phóng thành Đại La, quân của Dương Đình Nghệ đã lên tới hàng vạn. Sau 7 năm trên cơ sở đội quân bản hộ được tôi luyện làm nòng cốt, Ngô Quyền tập hợp thêm lính “mới họp” từ các địa phương vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc.

 

Theo các nguồn thần tích, thần phả thì tập hợp dưới cờ của Ngô Quyền có nhiều hào kiệt cùng quân bản bộ của họ như Lê Minh ở trang Liễu (nay là Liễu Lâm ở xã Song Liễu, Thuận Thành, Bắc Ninh); Phạm Bạch Hổ ở xã Ngọc Đương, Kim Động, Thanh Oai Hà Tây; Phạm Chiêm ở Nam Sách Hải Dương; Dương Tam Kha (em vợ Ngô Quyền, con của Dương Đình Nghệ) ở Châu Ái; ba anh em họ Nguyễn là: Nguyễn Khoan (Cần Hạt tướng quân), Nguyễn Thủ Tiệp (Tứ Xuyên đô hộ), Nguyễn Siêu (Thống lĩnh tướng quân). Ngoài đội quân bản hộ của các tướng lĩnh nói trên phải kể đến lực lượng quân chủ lực ở Đại La vẫn trung thành với Dương Đình Nghệ. Gia nhập đội quân của Ngô Quyền còn có Kiều Công Hãn, cháu của Kiều Công Tiễn và đông đảo nhân dân các địa phương ủng hộ. Sách Thiên Nam Ngữ Lực chép:

 

Bây giờ đông đảo gái trai,

 

Thương ngươi Đình Nghệ khen ngươi Ngô Quyền,

 

Bảo nhau dắt trẻ phù già,

 

Bỏ chưng Công Tiễn về nhà Ngô Vương,

 

……..

 

Chúng tôi sức bé tài hèn,

 

Chồng nguyền quẩy vác vợ quyền mang cơm,

 

Giúp công quét sạch Giang Sơn,

 

……..

 

Về trang bị chiến cụ thì ngoài vũ khí thông dụng như cung, nỏ, giáo mác, gươm đao, khiên, mộc còn có các loại thuyền chiến, ngựa chiến. Thuyền chiến từ sông Mã xuôi ra cửa biển Thần Phù tiến vào sông Đáy hoặc theo các hệ thống sông ngòi chằng chịt ven biển tiến về cửa sông Bạch Đằng. Ngoài loại thuyền chiến mông đồng có 25 chiến thủ, 23 tay chèo còn có thêm thuyền Tam bản, thuyền độc mộc, thuyền đuôi én, thuyền thúng và các bè mảng của ngư dân ven biển tham gia (thuyền mông đồng là thuyền chiến thực thụ có từ thời Trương Chu làm đô hộ Giao Châu đầu thế kỷ IX. Năm 808 Trương Chu đắp thêm thành Đại La đã cho đóng thêm 300 thuyền mông đồng).

 

Theo thần tích thì Ngô Quyền khi ở Gia Viên (Nguyễn Bính biên soạn năm 1572 đã cho xây đắp thành Xương Lâm khi còn đang chuẩn bị tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Ngô Quyền đã biết tin Kiều Công Tiễn cầu cứu Nam Hán trước khi đem quân ra Bắc để tiêu diệt tên phản nghịch này. Ông đã bí mật cho chuẩn bị căn cứ chống giặc ở vùng cửa sông Bạch Đằng. Khi quân Nam Hán sang xâm lược thì ông ung dung dùng quân khỏe đối địch với quân “mệt mỏi” của địch trong trận thủy chiến Bạch Đằng vang dội núi sông. Chính sử chỉ chép cô đọng ngắn gọn nên không giúp ta hình dung đầy đủ chiến lược diệt thù trong nước và chiến dịch Bạch Đằng kỳ diệu của Ngô Quyền. Ngày nay nhờ thần tích Gia Viên ta biết: Ngô Quyền không trực tiếp càm quân ra Bắc tiêu diệt Kiều Công Tiễn mà ông giao việc này cho Dương Tam Kha. Còn ông đem quân ra Xương Lam cách Gia Viên 5 km về phía Đông, đối diện với cửa sông Bạch Đằng (nay thuộc xã Nam Hải, An Hải, Hải Phòng). Sử không ghi chép nhưng nguồn thần phả và truyền thuyết cho biết Ngô Quyền chống giặc còn có Ngô Xương Ngập (con cả Ngô Quyền), Dương Tam Kha (em vợ), Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận,…. Và cũng theo “Thiên nam ngữ lục” thì có cả Dương Phương Lan, người bạn đời, một nữ tướng tài ba của Ngô Quyền.

 

Như vậy là trong chiến thắng Bạch Đằng, có công lớn của hai nhân vật họ Dương là Dương Tam Kha và Dương Phương Lan cùng đội quân Khúc Dương làm nòng cốt. Theo nguồn tin từ họ Dương, thì trong chiến lược cắm cọc trên sông Bạch Đằng còn có đóng góp của quân đội Khúc Dương, vì chỉ có quân Khúc Dương có từ thời họ Khúc và họ Dương là đội quân hoạt động nhiều năm ở vùng này mới nắm được địa hình địa vật và quy luật thủy triều, thủy chế của dòng sông để rồi có thể tham mưu cho Ngô Quyền chiến lược cắm cọc trên sông Bạch Đằng. Tất nhiên tài tối hậu quyết định ra toàn bộ chiến lược, chiến thuật để tiêu diệt quân Nam Hán là thuộc về Ngô Quyền, nhà chiến lược đại tài và sáng tạo.

 

Địa điểm đóng cọc bịt sắt các sử đều chép là cửa biển không phải cửa sông, tức là nơi sông Bạch Đằng đổ ra biển, khác với cửa sông Bạch Đằng nơi có biên độ quá lớn và rất sâu (chỗ sâu nhất là 15m) và không thể dùng cọc nào giăng cắm nổi. Cửa biển Bạch Đằng xưa, nay là cửa sông Bạch Đằng và sông Cấm vào khoảng làng Vũ Yên, Đình Vũ, Đông Bắc huyện An Hải, Hải Phòng bây giờ. Còn cửa biển Bạch Đằng (đông từ cửa biển Nghiêu Phong, tây là cửa biển An Dương) là một dải bãi cát lúc triều lên thì chìm, lúc chiều xuống thì hở, ở giữa dòng trông ra thì mênh mông không bến bến bờ, mới thực hiện cắm cọc diệt địch được. Chiến thuật cắm cọc phải lợi dụng được đúng quy luật của thủy triều (cao nhất là vào lúc 7 giờ sáng, thấp nhất vào khoảng 3 – 6 giờ chiều với độ sâu chỉ còn khoảng 3- 2 mét) và phải điều được quân địch vào đúng nơi có quân mai phục thì mới có công hiệu.

 

Theo thần phả và truyền thuyết thì Dương Tam Kha với lực lượng thủy binh thiện chiến giàu kinh nghiệm sông nước, đã mai phục sâu trong các kênh rạch tả ngạn sông Bạch Đằng. Cánh quân này có Đào Nhuận người Gia Viên chỉ huy phối hợp tác chiến. Đỗ Cảnh Thạc có sự phối hợp của các đội dân binh địa phương gồm cả thủy và bộ binh túc trực bên hữu ngạn sông. Đó là hai lực lượng chủ chốt có nhiệm vụ từ hai phía kìm chân giặc, buộc chúng phải tháo chạy theo cửa biển Bạch Đằng và nơi có bãi cọc ngầm đợi sẵn. Ngoài ra có đạo quân do Ngô Xương Ngập chỉ huy bố trí dọc sông Cấm phối hợp với Đỗ Cảnh Thạc ép giặc tiến theo đường sông Bạch Đằng, rơi vào ổ mai phục. Việc bố trí  bãi cọc và quân mai phục phải được hoàn tất trước khi giặc đến ngấp nghe ngoài biển. Lợi dụng thủy triều lên, Ngô Quyền chủ động dử giặc vào. Nhiệm vụ khiêu chiến theo thần phả Gia Viên thì do Nguyễn Văn Tố người Gia Viên đảm nhận. Ông dùng thuyền nhẹ vừa đánh vừa rút, nhử giặc tiến sâu vào bãi cọc ngầm vào lúc buổi sáng. Đến quá trưa và chiều, khi thủy triều bắt đầu rút, cả ba cánh quân này quay lại dốc toàn bộ lực lượng quyết chiến khiến cho thuyền chiến của Hoàng Thao phải tháo chạy theo hướng ta chủ động dành sẵn cho chúng. Lúc này thủy chiều xuống mạnh, các cọc gỗ bịt sắt đã nhô lên lên gần sát mặt nước. Bị đánh bất ngờ bằng hỏa lực mạnh từ mọi phái các thuyền chiến nặng nề của địch xoay chuyển rất khó khăn, bị dồn lại và sa vào bãi cọc ngầm, hơn nửa số thuyền của giặc bị tan vỡ. Hoàng Thao bị giết tại trận. Bọn giặc còn lại vội tháo chạy ra ngoài biển về nước. Nghe tin cuộc thủy chiến đại bại và con bị giết, Lưu Nhiễm chỉ biết khóc và ra lệnh rút quân vè. Nói kỹ về chiến thắng Bạch Đằng để nêu lên một thực tế là có chiến thắng Bạch Đằng mới có việc Ngô Quyền xưng đế.

 

Và trong chiến thắng Bạch Đằng có sự đóng góp công sức to lớn của đội quân Khúc Dương và của họ Dương. Hậu duệ họ Dương còn cho biết chính đội quân Khúc Dương đã nhất trí tôn Ngô Quyền làm vua. Lịch sử về mối quan hệ Dương Ngô là quan hệ hỗ trợ quan hệ gia đình huyết thống, quan hệ hợp tác cùng nhau xây dựng và gìn giữ nền độc lập tự chủ, không hề có hiện tượng khi họ này lên thì tìm cách diệt họ kia như lịch sử các triều đại sau này của Việt Nam đã xảy ra. Đến thời hậu Ngô Vương có sự kiện là Dương Tam Kha tự xưng vương. Nếu đứng về toàn cục theo nho giáo mà nói thì đó là một việc không đẹp của Dương Tam Kha song đứng về gốc gác họ Dương và tình thế lúc bấy giờ mà xét thì cũng dễ hiểu. Việc Dương Tam Kha xưng vương không giết hại các cháu (con Ngô Quyền) cũng như việc Ngô Xương Văn mưu cùng Dương Cát Lợt và Đỗ Cảnh Thạc nhân có loạn ở Sơn Tây khi đến Từ Liêm đã quay lại phết truất Dương Tam Kha. Tình nghĩa cậu cháu, Ngô Xương Văn không giết Dương Tam Kha mà còn cho là Trương Dương Công là một cử chỉ hào hiệp nghĩa tình.

 

Viết bài này tôi muốn nên lên mối quan hệ quý hiếm Khúc – Dương – Ngô trong lịch sử dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ X. Đó là mối quan hệ thủy chung, son sắt, trong sáng, hợp tác rất được nêu gương trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước để hậu thế ghi ơn và học tập.

 

Để kết thúc tôi xin ghi lại một bài thơ của hậu duệ họ Khúc nhằm ngợi ca mối quan hệ ấy:

 

Khúc – Dương – Ngô ký sử thi

 

Trung dạ thiên niên lệ

 

Hốt hiện Khúc hiểu tinh (1)

 

Trương cao kỳ đại nghĩa

 

Dương tướng kế lộ trình (2)

 

Ngô Vương hoàn tất sự,

 

Tạo đế nghiệp quang minh,

 

Tam gia đồng nhất hướng,

 

Khai sử ký nguyên vinh,

 

Việt dân ký vạn thế,

 

Khúc – Dương – Ngô nghĩa tình.

 

Dịch nghĩa:

 

Giữa ngàn đêm nô lệ

 

Bỗng hiện Khúc Mai tinh,

 

Giương cao cờ đại nghĩa,

 

Dương tướng tiếp lộ trình,

 

Ngô Vương hoàn tất việc,

 

Tạo nghiệp đế quang minh,

 

Ba nhà cùng một hướng,

 

Mở sử – kỷ nguyên vinh,

 

Dân Việt nhớ muôn thuở,

 

Khúc Dương Ngô nghĩa tình

 

Khúc Hồng Châu

 

Chú thích: (1) Hiểu tinh là sao Mai. Họ Khúc xuất hiện như ngôi sao Mai xuất hiện giữa lúc bình minh để cứu dân độ thế.

 

(2) Dương tướng tức Dương Đình Nghệ. Ông trương cờ Khúc tiếp tục giành và xây dựng nền độc lập tự chủ do họ Khúc đã tạo nên.

 

Khúc Thừa Đại

Theo kỷ yếu “Hội thảo khoa học vai trò của các anh hùng dân tộc Khúc – Dương – Ngô ở thế kỷ thứ X”

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com