Nhà thơ Đỗ Việt Dũng – Người bạn của Họ Dương Việt Nam – Đã về với cõi thiên thu.
- 26/06/2017
- Ban Thông tin truyền thông
- 3524
Nhà thơ Đỗ Việt Dũng
Người bạn của Họ Dương Việt Nam
Đã về với cõi thiên thu.
Nhà thơ Đỗ Việt Dũng sinh năm 1952, quê ở Vụ Bản, Nam Định là tác giả của tuyển tập thơ “Mùa sau” và tác giả lời của các Nhạc Phẩm: “Khách đến chơi nhà”; “Vọng Phu”….
Ông Đỗ Việt Dũng phát biểu tại Lễ hội mùa xuân Họ Dương Việt Nam
Với Họ Dương ông luôn quý trọng và đã soạn lời để nhạc sỹ Quốc Vụ phổ nhạc bài hát: “Câu ca Họ Dương” là một trong ba nhạc phẩm sáng tác về Họ Dương và được Họ Dương yêu thích.
Ông là thương binh nặng, sức khỏe yếu nhưng các mùa Lễ hội Họ Dương ông đều tham gia cùng Ban tổ chức với nhiều phần việc và gần đây ông đã liên lạc để Hội đồng Họ Đỗ Việt Nam đến thăm và trao đổi kinh nghiệm xây dựng Dòng tộc của Họ Dương Việt Nam, nhưng chưa đến ngày hẹn thì vết thương tái phát, phải đi cấp cứu tại bệnh viện 103, vì bệnh quá nặng ông đã mất lúc 5 giờ 30 phút ngày 24/6/2017. Đã tổ chức Lễ truy điệu ngày 25/6/2017 và an táng tại quê nhà.
Họ Dương Việt Nam vô cùng thương tiếc, đã cử đoàn đến thắp nén tâm hương để kính viếng trước hương hồn ông, chia sẻ cùng gia đình và Hội đồng Họ Đỗ Việt Nam lời chia buồn sâu sắc nhất.
Để tri ân nhà thơ Đỗ Việt Dũng, người bạn của Họ Dương Việt Nam. Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu một số tác phẩm nổi tiếng của ông.
Tuyển tập thơ “Mùa sau”
Bài thơ “Khách Đến Chơi nhà”
Nhạc sỹ Lê Minh phổ nhạc.
Mấy khi khách đến chơi nhà
Rót lời hát xuống, chén trà mời nhau
Để anh say một miếng trầu
Dẫu rằng vẫn biết – qua cầu gió bay
Giá em đừng hát hay
Giá em đừng nền nã
Đừng áo tứ thân
Đừng khăn mỏ quạ
Đừng hát người ơi người ở
Giá em đừng!
Trót buông ánh mắt ngập ngừng
Để người dưng nhớ người dưng thế này
Giá miếng trầu đừng cay
Giá chén trà đừng chát
Giá người ngoan đừng hát
Thì rỗi hơi ai lại phải lòng
Để bây giờ ra ngõ vào trông.
Bài thơ “Vọng phu”
Nhạc sỹ Nguyễn Quý Lăng phổ nhạc
Kính tặng những người vợ liệt sĩ
Đất nước mình đâu cũng gặp Vọng Phu
Vọng phu vẫn còn hình người
Và Vọng phu đã thành ngàn đời
Vẫn là Vọng phu
Vọng phu ơi.
Có nỗi niềm nào hơn nỗi chờ mong
Có gì dài hơn tháng năm đợi chồng
Tuổi xuân rụng rơi trong niềm khắc khoải
Một đời làm dâu ngủ với mùa đông
Vọng phu ơi
Các chị tôi ơi.
Đất nước bao lần lửa khói
Những chàng trai cầm súng lên đường
Để lại phía sau mái tranh vời vợi
Người vợ hiền đằng đẵng nhớ thương
Vọng phu ơi!
Các chị tôi ơi!
Những người như thế
Với các chị tôi thấy mình nhỏ bé
Xin nghiêng mình trước những Vọng phu
Vọng phu ơi!
Các chị tôi ơi!
Đã qua rồi thời lửa khói
Đất nước gồng mình thành núi
Cho cao thêm dáng hình Vọng phu
Xin nghiêng mình, trước những Vọng phu.
Bài thơ “Sông ơi”
Tôi đã từng đi ngược dòng sông
Về ngọn nguồn thác lũ
Nơi núi đồi vắt từng giọt sữa
Thành suối trong.
Con suối long đong
Bươn bả vượt đèo, vượt dốc
Những giọt nước cần cù khó nhọc
Góp mình cho một dòng sông.
Đã bao giờ dòng sông tự hỏi
Mình lớn nhờ đâu?
Đã bao giờ ngoảnh lại phía sau?
Để nhận thấy từng dòng suối nhỏ
Nếu một ngày suối không chảy nữa
Liệu có còn sông?
Đời quen ngợi ca những sông Mã, sông Hồng…
Bao con suối vô danh nào mấy ai nhắc đến
Xin hãy nhớ: trước mặt sông là biển
Sẽ có ngày…
Thế đó, sông ơi!
Ban Biên Tập