Nhà thờ Dương Văn Khoa đón nhận bằng di tích lịch sử
- 24/08/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 2195
Sáng 12/04/2015, tại thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa (Phú Yên), UBND huyện Đông Hòa, UBND xã Hòa Thành và Hội đồng Họ Dương tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh Mộ và Nhà thờ Dương Văn Khoa. Bà Cao Thị Hòa An, Bí thư Huyện ủy Đông Hòa; ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên cùng đông đảo nhân dân, con cháu Họ Dương đã đến dự lễ.
Di tích Mộ và Nhà thờ Dương Văn Khoa đã được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là di tích lịch sử – văn hóa vào ngày 31/12/2014 tại Quyết định số 2233/QĐ-UBND. Mộ ông Dương Văn Khoa được chôn cất trên một gò đất có diện tích 100m3 giữa cánh đồng lúa thuộc thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa (Phú Yên). Mộ quay mặt về hướng Đông; trước đây mộ đắp đất, đến năm 2012, Họ Dương Phú Yên đã xây dựng lại ngôi mộ bằng vật liệu kiên cố. Trên mộ có tấm bia đá granite cao hơn 2m, liệt kê các công lệnh, chiếu chỉ sắc phong liên quan đến sự nghiệp của ông Dương Văn Khoa.
Nhà thờ ông được xây dựng tại thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, trên một khuôn viên rộng gần 400m2. Nhà thờ được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XX, theo kiểu nhà ở phổ biến ở vùng nông thôn đồng bằng Tuy Hòa. Nhà thờ quay mặt về hướng Nam, nhà có 3 gian, mái nhà lợp ngói, xung quanh xây bao tường gạch. Bộ khung nhà bằng gỗ, kết cấu vì kéo nhiễu chữ “Lập”. Hiên nhà phía trước rộng, phần tiếp giáp với sảnh phía trước xây tường ngăn chi, chừa hai cửa ra vào. Án thờ Dương Văn Khoa bố trí ở gian chính giữa. Năm 1964, ngôi nhà bị trúng bom cháy một phần và được sửa chữa, tu bổ lại và giữ nguyên hiện trạng đến nay. Tại đây, lưu giữ nhiều di tích, di sản như công lệnh, chiếu chỉ, sắc phong thuộc các đời vua Gia Long và Minh Mạng gắn với các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, là bằng chứng ghi nhận công lao của một vị tướng lĩnh, sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, đã có những đóng góp vào sự ổn định trong buổi đầu của Triều Nguyễn.
Ngược dòng lịch sử thì Họ Dương ở Phú Yên có nguồn gốc ở làng Lạt Sơn, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, thủ đô Hà Nội). Ông tổ Họ Dương ở Phú Yên là Dương Tấn Đức, đến Phú Yên lập nghiệp theo đoàn quân Nam tiến của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471. Họ Dương ở Phú Yên từ ông tổ Dương Tấn Đức đến Dương Văn Khoa là đời thứ 4, và tính đến nay đã trải qua khoảng 14 đời. Từ đó có thể suy đoán thời điểm cụ Dương Tấn Đức đến Phú Yên vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Hiện nay, dòng Họ Dương định cư ở hầu khắp các địa phương ở Phú Yên. Đây là một trong những dòng họ lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của vùng đất Phú Yên trong tiến trình lịch sử.
Ông Dương Xuân Bình – Chủ tịch HĐHD Phú Yên phát biểu tại buổi Lễ
Dương Văn Khoa gia nhập quân ngũ vào năm Bính Dần (1806), dưới triều Gia Long. Cuộc đời binh nghiệp cùa ông gắn bó với các tình khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, nhất là Bình Thuận. Ông có thành tích nổi bật trong việc tiễu trừ thổ phỉ và dẹp yên việc nổi loạn của thổ dân tại Bình Thuận từ năm 1833 đến 1835, dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1809, sau khi nhập ngũ được 3 năm, do đức tính siêng năng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên ông được đề bạt chức vụ Đội trưởng. Đến năm 1826, ông được phân công là Đội trưởng hậu vệ ba đội Dinh Long vũ. Năm 1832, ông được thăng Thuận Tráng kỳ Phó quản kỳ trong lực lượng quân đội Triều Nguyễn tại tỉnh Bình Thuận. Năm 1833, ông lập công lớn trong việc đánh đuổi và tiêu diệt hải tặc để bảo vệ khu vực biển Bình Thuận, được Triều Đình khen thưởng. Sự kiện này đã được sách Đại Nam thực lục chép lại. Năm 1834, Dương Văn Khoa được nhậm chức Thuận nghĩa Tả kỳ thống lãnh nội kỳ các đội với nhiệm vụ huấn luyện binh sĩ – một nhiệm vụ mà vua Minh Mạng rất quan tâm để chỉnh đốn quân đội, sẵn sàng đối phó nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Do làm tốt nhiệm vụ được giao, đến tháng 3/1835 ông được thăng chức Minh nghĩa Đô úy Thuận nghĩa Tả kỳ quản với trật Tứ phẩm. Cũng trong năm 1835, Triều Đình điều động ông vào Nam kỳ chỉ huy việc tiểu trừ thổ phỉ và các dư đảng của cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi. Trong nhiệm vụ này, Dương Văn Khoa cũng hoàn thành xuất sắc nên được thăng Nha Vệ úy hàm trật Tam phẩm với chức vụ Phó Lãnh binh tỉnh Bình Thuận. Trong cương vị là người chỉ huy cao nhất về quân đội tỉnh Bình Thuận, ông tiến hành việc chỉnh đốn lực lượng, cải thiện đời sống binh lính, sắm sửa vũ khí, gia tăng sức mạnh quân sự góp phần ổn định chính quyền nơi đây. Trong sắc phong thưởng của vua Minh Mạng ngày 21/3/1835 theo đề nghị của Tuần vũ Thuận-Khánh, ông được phong hàm tam phẩm với thành tích: “Đốc thúc binh lính dũng cảm tiến tới nơi hiểm nguy giữa sào huyệt của bọn giặc, phá hủy doanh trại, hàng rào, đốt cháy lương thực, giết chết và bắt sống nhiều tên giặc, thu nhiều vũ khí các loại, những nhiệm vụ này thật đáng khen” (Sắc phong ngày 21/3/1835 của vua Minh Mạng).
Dương Văn Khoa mất vào ngày 24-2 năm Nhâm Tuất (1862), được thăng lên Nhị phẩm. Ông được Viện Sử học, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đánh giá như sau: “Những công trạng của Dương Văn Khoa nói riêng, của một số tướng tĩnh khác ở Bình Thuận nói chung đã góp phần quan trọng vào việc đánh dẹp man phi tại tỉnh Bình Thuận, một trong bốn chiến công vang dội của vua Minh Mạng trong những năm 1833 – 1835 (cùng với việc tiễu phỉ ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ và đánh lui sự xâm lấn của quân Xiêm La). Với những công lao to lớn đó, Dương Văn Khoa cần được hậu thế tôn vinh”.
Phát biểu tại Lễ đón nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh Mộ và Nhà thờ Dương Văn Khoa, bà Cao Thị Hòa An cho biết: Mộ và Nhà thờ Dương Văn Khoa là di tích mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, là sợi dây cố kết dòng Họ Dương và cộng đồng nhân dân các vùng lân cận và du khách thập phương. Cùng với các di tích tâm linh trên địa bàn, Nhà thờ Dương Văn Khoa trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn, có giá trị giáo dục về mặt truyền thống yêu nước và cách mạng, góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch địa phương hiện tại và tương lai.
Rước bằng xếp hạng từ UBND xã Hòa Thành về Nhà thờ Dương Văn Khoa tại thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, huyện Đông Hải
Việc giữ gìn một công trình kiến trúc của một nhân vật lịch sử đã được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là một nhiệm vụ quan trọng mà chính quyền và nhân dân xã Hòa Thành nói riêng và huyện Đông Hòa nói chung cần đặc biệt quan tâm. Tôi mong muốn và tin tường rằng Đảng bộ, nhân dân xã Hòa Thành, dòng Họ Dương, con em xa quê và du khách thập phương luôn hướng về cội nguồn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tiếp tục đầu tư, tôn tạo, bảo quản, quản lý di tích nhằm phát huy hơn nữa giá trị của di tích lịch sử – văn hóa, góp phần tô thắm hơn trang sử truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, xây dựng Hòa Thành trở thành xã giàu mạnh, văn minh, đi đầu trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây đựng nông thôn mới. Từ đó nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước và của dân tộc Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết TW 5 – khóa 8 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Anh Thi