Nhà thờ Họ Dương Cần Thơ – di tích kiến trúc cổ độc đáo

 

Nằm ở phía Tây Nam sông Cần Thơ với nhiều rạch sông lớn nhỏ, nước ngọt phù sa, vùng đất Bình Thủy (Long Tuyền xưa) là nơi tụ cư và lập nghiệp của cộng đồng cư dân miền sông nước với những dấu ấn văn hóa và di tích lịch sử, kiến trúc nổi tiếng, trong đó tiêu biểu nhất cho giai đoạn thế kỷ 19 không thể không nhắc thớ di tích Nhà thờ họ Dương.

 

Gia tộc họ Dương

 

Khởi nghiệp ở Nam bộ khoảng cuối thế kỷ XVIII, tính đến nay gia tộc họ Dương đã trải qua 6 thế hệ: Thế hệ thứ nhất là ông Dương Văn Đạo và bà Nguyễn Thị Viên đến định cư khai phá ở vùng Nha Mân – Đồng Tháp, thế hệ thứ hai là ông Dương Văn Hưng chuyển đến sinh cơ lập nghiệp ở làng Long Tuyền (Bình Thủy), thế hệ thứ ba là ông Dương Văn Vị quyết định chọn vùng đất gần vàm rạch Bình Thủy làm nơi xây dựng cơ nghiệp, thế hệ thứ tư là ông Dương Chất Kỷ (1880-1950) phát triển cơ nghiệp một cách mạnh mẽ, trở nên giàu có nổi danh ở vùng đất này, thế hệ thứ năm là ông Dương Văn Ngôn (1906-1985), thế hệ thứ sáu là ông Dương Minh Hiển (1926 đến nay).

 

Lịch sử và kiến trúc nhà thờ họ Dương

 

Nhà thờ họ Dương (hay còn được biết đến với tên gọi nhà cổ Vườn lan – Bình Thủy) được ông Dương Văn Vị xây dựng đầu tiên vào năm 1870 để thờ cúng tổ tiên. Hơn 30 năm sau, ngôi nhà được ông Dương Chấn Kỷ cho thiết kế, xây lại và hoàn thành vào năm 1911.  Kiến trúc của di tích chịu ảnh hưởng từ bối cảnh lịch sử xã hội đất nước giai đoạn bấy giờ. Ngôi nhà là sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc, trang trí Pháp và kiến trúc, trang trí Việt Nam nói riêng. tạo cho di tích  một phong cách riêng, sang trọng nhưng bình dị, gần gũi, tân kỳ mà không lạc lõng giữa khung cảnh làng quê.

 

 

 

Toàn cảnh di tích nhà thờ Họ Dương

 

Nhà thờ họ Dương được xây dựng theo hướng Đông – Tây, trên một diện tích hơn 5 công đất tầm cấy (tương đương 6000m2).

 

Trước sân có hòn non bộ, hoa kiểng. Bên phải là vườn lan, góc bên trái có cây xương rồng Mexico Kim Lăng Trụ cao khoảng gần chục thước với độ tuổi khoảng 40, cây được hậu duệ đời thứ năm của ngôi nhà là ông Dương Văn Ngôn trồng. Vào thập niên 60, ông đã sưu tầm nhiều giống lan quý rồi tổ chức các hội chơi lan tại ngôi nhà vào những năm 1980 để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm, cùng thưởng thức thú chơi hoa. Nhiều cuộc đàm luận thơ của các thi nhân xứ sở Cầm Thi đã diễn tại đây nên nơi này còn được gọi là Tao Đàn Năm Ngôn hay Tao đàn ông Ngôn. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Sân rộng lót gạch tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung.

 

 

Sân trước và nhà chính

 

Cầu thang dẫn lên nhà chính gồm: 2 cầu thang lên thẳng 2 gian ngoài cùng và 2 cầu thang hình cánh cung dẫn vào gian giữa. Các ô cửa gỗ dẫn vào nhà trước được tạo theo phong cách Art – Nouveau (phong cách trang trí Châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ XX với vòm cửa hình vòng cung), hệ cột vuông phía ngoài có đắp nổi hoa văn dây lá nho, sóc

 

Nhà trước được chia thành 5 gian có chiều ngang 22 m, là nơi tiếp khách trong các nghi lễ quan trọng. Nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn, bó vỉa bằng đá xanh, để chống mối mọt và giữ độ lạnh cho ngôi nhà, chủ nhân đã cho rải đều trên lớp đá xanh có đổ một lớp muối hột dầy 10cm trước khi lót nền bằng gạch bông (gạch hoa) 20 x 20cm. 

 

 

Trang trí kiến trúc nhà giữa

 

Nhà giữa gồm 5 gian, trong đó 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự truyền thống, 2 gian bìa dung để ở. Ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện, ô hộc được tạo tác bằng gỗ, chạm khắc tỉ mỉ bởi các nghệ nhân tài hoa với các đề tài quen thuộc trong kiến trúc cổ tứ linh, tứ quý rất gần gũi với đời sống của người Việt ở Nam Bộ. Trên các bao lam (cửa võng) có các hình tượng: mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng, lộc, dơi, tôm, cua… Các vách ngăn vẫn được trang trí với đề tài truyền thống nhưng là những bức tranh gốm sứ màu sắc được ốp trưc tiếp lên các ngăn trống.

 

 

Tranh sứ trang trí trên vách ngăn

 

Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung. Nhà sau mang kết cấu kiến trúc truyền thống với 24 chiếc cột gỗ lim đen bóng, đường kính mỗi cột khoảng 30 cm làm hệ thống chịu lực và chia các gian chính. Xung quanh nhà xây tường gạch với lớp vữa hồ vôi Bộ mái của toàn bộ nhà được lợp 3 lớp ngói: 2 lớp dưới hình lòng máng, một lớp nhúng vôi bột trắng, tạo cảm giác khoáng đãng, lớp trên cùng sử dụng ngói ống. Hệ thống diềm mái được lợp bằng ngói thanh lưu ly có trang trí những họa tiết hoa văn thực vật xen kẽ. Đầu hồi nhà ốp trang trí động vật, thực vật bằng gốm sứ và xi măng.

 

Tuy kiến trúc ngôi nhà, phòng khách bài trí theo phong cách Châu Âu, nhưng nơi quan trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt. Điều này cho thấy có sự giao thoa văn hóa Đông – Tây một cách hài hòa, chọn lọc, thể hiện thị hiếu thầm mỹ của chủ nhân: tiếp thu những nét mới những vẫn giữ cốt cách dân tộc, tạo ra sự phong phú và đa dạng cho đặc trưng văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Chính sự tiếp thu, vận dụng sáng tạo, hợp lý đã tạo cho công trình một phong cách riêng, thể hiện rõ lối kiến trúc giao thời của giai đoạn thế kỷ XIX – XX của cư dân giàu có ở Đồng bằng sông Cửu long nới chung, Cần Thơ nói riêng.

 

Nội thất của ngôi nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi được đặt ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ.

 

 

Nội thất bên trong nhà thờ

 

Ngôi nhà không chỉ là di tích tiêu biểu mà còn là nơi lưu giữ khá nhiều món đồ cổ quý giá như: các đồ sinh hoạt bằng gốm cổ, 2 bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam (Trung Quốc) mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5m, dầy hơn 6cm, 1 bộ xa lông khảm trai kiểu Pháp đời Louis 15, cặp đèn treo thế kỷ XIX, cùng bốn trụ đèn dầu đặt ở bốn góc nhà cao hơn 3m của Pháp. Ngôi nhà còn mang dấu ấn nước Pháp.: từ gạch bông lót nền, hàng rào sắt, bộ đèn chùm pha lê tới bức tranh treo tường và đặc biệt là chiếc bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh đặt trên bục gỗ độc đáo…

 

 

Bằng công nhận xếp hạng di tích Quốc gia

 

Dù đã trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, cùng với sự xâm hại của thời gian, nhưng ngôi nhà cổ vẫn còn khá nguyên vẹn. Năm 2009, Nhà thờ họ Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện nay, ngôi nhà do hậu duệ dòng họ Dương cùng chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục kế thừa và gìn giữ.

 

Hoàng Hiệp (Baotanglichsu.vn)

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com