Nhà văn Dương Hướng – từ “Bến không chồng” đến “Dưới chín tầng trời”
- 02/01/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 7060
–Nhà văn Dương Hướng tên khai sinh là Dương Văn Hướng, quê ở thôn An Lệnh, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông là Đảng viên Đảng CSVN; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Nhà văn Dương Hướng bắt đầu viết văn từ năm 1985, ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Hiện ông đang làm biên tập báo Hạ Long tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
* Giải thưởng và tặng thưởng:
Tặng thưởng truyện ngắn hay tạp chí Đất Quảng với truyện ngắn “Quãng đời còn lại”, năm 1987.
–Giải thưởng Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với truyện ngắn “Đêm trăng”.
–Giải thưởng văn học Hạ Long với tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời”, năm 2012.
–Tặng thưởng truyện ngắn hay Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với tác phẩm “Người mắc bệnh tâm thần”, năm 1989.
–Giải A văn nghệ Hạ Long với tập truyện “Người đàn bà trên bãi tắm”.
–Tặng thưởng truyện ngắn hay Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với tác phẩm “Bến khách”, năm 2007.
–Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 với tiểu thuyết “Bến không chồng”.
* Các tác phẩm tiêu biểu:
–Bến không chồng (tiểu thuyết – năm 1990)
–Người đàn bà trên bãi tắm (tập truyện ngắn)
–Dưới chín tầng trời (tiểu thuyết -năm 2007)
–Gót son (tập truyện ngắn – năm 1989)
–Trần gian đời người (tiểu thuyết -năm 1991)
–Tuyển chọn Dương Hướng (năm 1997)
“Là những câu chuyện về những mảnh đời ở làng Đông qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt và cả những biến cố đời thường nhưng cũng không kém phần nghiệt ngã. Những cuộc tình sâu đậm nhưng không thể vẹn tròn vì lời nguyền truyền kiếp của hai dòng họ Nguyễn – Vũ; biết bao cô gái, phụ nữ mòn mỏi suốt một đời vì người ra đi đã vĩnh viễn không trở về; những khao khát được có một mái ấm hạnh phúc với những đứa con thơ… Cuộc sống cứ thế đẩy đưa con người không ngừng tìm kiếm, đấu tranh cho cái gọi là hạnh phúc…”
Bến không chồng – Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 đưa nhanh Dương Hướng lên một vị trí cao trong thành tựu văn học Đổi mới. Không thuộc đội ngũ “tiền trạm” xuất hiện từ đầu những năm 80 như Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Mạnh Tuấn (sinh năm 1948) – người cùng thế hệ với anh (sinh 1949), đến tuổi 40 mới bắt đầu trình làng với tập truyện ngắn Gót son (1989), thế mà chỉ 2 năm sau, Dương Hướng bỗng trở thành một “tên tuổi” với Bến không chồng, góp mặt cùng Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh làm nên một bộ ba sáng giá trong văn học mở đầu thập niên 90, năm năm sau khởi động của công cuộc Đổi mới.
Bến không chồng – như chính nghĩa ẩn và nghĩa đen của nó, với nhân vật trung tâm là phụ nữ trong bối cảnh đất nước vừa kết thúc cuộc chiến chống Pháp lại tiếp tục cuộc chiến chống Mỹ. “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ” – đó là tên một tiểu thuyết Xô viết viết về chiến tranh ra đời sau khi chiến tranh kết thúc nhiều chục năm. Đương nhiên là thế, bởi sao mà khác được, bất kể chiến tranh diễn ra ở đâu và vào lúc nào. Chiến tranh là dữ dằn và khốc liệt, là mất mát và hy sinh; những dấu ấn thương tích mà nó để lại cho con người là kéo dài, và lớp chúng sinh chịu gánh nặng của nó không chỉ là người lính ở chiến trường mà còn là người phụ nữ ở hậu phương. Soi vào đời sống hậu phương – là một vùng nông thôn, có tên gọi thu gọn là làng Đông của đồng bằng Bắc Bộ, trong thời chiến, và cả một thời hậu chiến, qua số phận của những phụ nữ, dưới tên truyện Bến không chồng, Dương Hướng đã đem đến cho bạn đọc những thức nhận mới và cảm xúc mới trước một lịch sử quá nghiệt ngã đối với dân tộc, vào thời điểm mở đầu 90 còn trĩu nặng bao ưu tư trong đời sống.
Trong số các nhân vật không nhiều của Bến không chồng – một tiểu thuyết cỡ vừa, chưa đầy 300 trang, người đọc khó quên một chân dung trung tâm là Hạnh – người, lần thứ nhất đã vượt được mọi thành kiến của gia tộc, để lấy người mình yêu là Nghĩa, thuộc giòng họ có oán thù; và thêm một lần thứ hai, vượt mọi rào cản bên trong mà đến với chú Vạn – người bạn thân của mẹ, để có một đứa con sau bao đổ vỡ và thất vọng. Cùng với Hạnh là số phận của nhiều thiếu nữ khác như Dâu, Thắm, Cúc, Nhài…, người thì không chồng, người thì có chồng cũng như không, ở làng Đông, trong đó có mẹ là Nhân, lẽ ra đã có thể đến với Vạn – người lính Điện Biên Phủ trở về làng với cái chân què, dốc lòng với quê hương trong tất cả những thô vụng, ấu trĩ của một thời đấu tranh giai cấp, căng thẳng địch-ta, một người “không ai tốt bằng, nhưng cũng không ai cô đơn và khổ bằng”, như cách nghĩ của Hạnh.
Vạn, vào cuối đời, tự tách mình ra khỏi làng, sống cô đơn ở vườn ươm. Bỗng một sung sướng bất ngờ ập đến, khi Hạnh xuất hiện; cái sung sướng cả một đời chưa từng được hưởng, nhưng nhân vật này lại chưa có sự chuẩn bị để đón nó, bởi chưa bao giờ dám nghĩ, dám mơ đến hạnh phúc làm chồng, làm cha, nên không những đã để tuột, mà còn mù quáng tìm đến cái chết, như một cách trốn tránh. Một cái chết gây bao thương cảm, xót xa cho dân làng, làm nên một kết thúc, không hẳn là bi quan, hay chỉ là bi quan một nửa, của Bến không chồng. Dương Hướng có ý thức chọn một đám tang cho kết thúc truyện, như một “hoá giải” cho biết bao là xót xa, lầm lạc, bất hạnh có mặt trong cõi đời; và đám tang cả làng đưa tiễn Vạn có ý vị một cuộc tiễn đưa quá khứ, không theo lối vui vẻ như cách Mác nói. Và nói “hoá giải” là nói đến một nhe nhắm, gửi gắm một con đường mới cho làng Đông, không phải cho tất cả những ai từng sinh ra ở làng Đông, rồi ra đi, hoặc rồi trở về với nó, mà là một thế hệ khác, đến sau họ, có thể là từ đứa con của Hạnh… Một cái làng, cho đến cuối truyện vẫn trong cảnh quan đìu hiu, quạnh quẽ sau đám tang, nhưng trong dòng cuối truyện đã có hửng lên một “ánh nắng xuân” trong “nhấp nhô những vành khăn tang trắng” của cả làng đưa tiễn Vạn. Có lẽ cũng chẳng khác được, bởi cuối những năm 80, khi Dương Hướng viết cuốn tiểu thuyết này thì cuộc sống chỉ mới hồi sinh sau khẩu hiệu “Lấy Dân làm gốc” và “Nhìn thẳng vào sự thật…”của Đại hội Đảng lần thứ VI. Cái chết không được chuẩn bị của Vạn trong thương tiếc của dân làng; cuộc trở về trong thất bại và thất vọng của Nghĩa; cuộc ra đi rồi trở về của Hạnh cùng đứa con mà Hạnh quyết kiếm cho được, nếu có để lại một ít dư âm lạc quan thì cũng chỉ vừa đủ cho thấy “sự sống không bao giờ chán nản”, như phát hiện của nhà thơ Xuân Diệu, ở một nhát cắt, một trạm dừng trong mạch đời đang chu chuyển.
Bến không chồng, ở thời điểm mở đầu 90, quả đã góp được một cái nhìn mới về bức tranh đất nước trong thời chiến và hậu chiến, kéo dài những hơn 40 năm (tôi tính 40 năm, chứ không phải 30 năm); với gánh nặng không phải chỉ là chiến tranh, về phía khách quan; mà còn là những lầm lạc của con người, trong một bối cảnh có quá nhiều biến động và thử thách, mà tất cả những ai “do lịch sử để lại” đã không đủ tầm và sức để vượt qua. Đó là thử thách của phát động quần chúng Cải cách ruộng đất, của phong trào Hợp tác hoá, của việc phá đình-chùa, và của những nền nếp tâm lý, ý thức vẫn còn nguyên sự hủ lậu, chưa thể nào thay đổi được trong một xã hội nông nghiệp manh mún, lạc hậu, và tâm lý làng-xã lưu cữu ngàn đời. Tất cả gom lại, làm nên những nguyên cớ cho mọi tai hoạ, mà con người phải nhẫn nhịn chịu đựng trong cả một thời dài như một áp đặt của định mệnh, cho đến lúc nhờ vào những gì đã diễn ra trong giao chuyển giữa hai thập niên 80 và 90, mà bừng tỉnh, để thấy mình vừa là nạn nhân, vừa là tội nhân. Gắn nối hai thế hệ chống Pháp và chống Mỹ, gắn nối thử thách của chiến tranh và thử thách của thời bình, gắn số phận cá nhân, gia đình, giòng họ và đất nước, Bến không chồng vào thời điểm ra đời, là một trong số ít tiểu thuyết viết về chiến tranh và nông thôn (với văn học Việt Nam, suốt hơn nửa thế kỷ qua, tính từ sau 1945, hai đề tài về hai khối đời này luôn gắn bó hữu cơ với nhau) động được vào chiều sâu những vấn đề khó nói, hoặc không thể nói, trên cả một chặng dài lịch sử, không chỉ đến 1975 mà còn lấn sang thập niên 80 thế kỷ XX.
Trong bộ ba được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 này, Bến không chồng không có cái sắc sảo, riết róng của Mảnh đất lắm người nhiều ma; không có cái chiều sâu thâm trầm đến ám ảnh của Nỗi buồn chiến tranh… Nhưng bù lại, và để đứng được với thời gian, Bến không chồng lại có được một vẻ đẹp khác trong khuôn hình cổ điển: mộc mạc và chân phương trong cốt truyện, trong cách dẫn dắt và ngôn từ; – một ngôn từ không lấp lánh tài hoa, mà giản dị, tự nhiên, và với ưu thế đó, Bến không chồng là tác phẩm khẳng định được ngay vị trí của nó trong lòng độc giả mà không hề gây tranh cãi.
Điều bất ngờ là, hơn 15 năm sau Bến không chồng, Dương Hướng lại có tiếp Dưới chín tầng trời, như một bứt phá ngoạn mục, để đến một cái đích mới, rõ ràng là cao hơn, xa hơn, trong bám đuổi những chuyển động ngày càng gấp gáp hơn, bề bộn hơn, phiền phức hơn của các mạnh đời trong chuyển giao giữa hai thế kỷ.
Nhà văn Dương Hướng tăng hoa nhà văn Lê Toán
Có lẽ cũng cần nói thêm, cùng với Bến không chồng, Dương Hướng còn là tác giả của một tiểu thuyết khác có tên Trần gian – người đời ấn hành năm 1991, như một cách “thừa thắng xông lên”. Cái tên truyện như muốn thoát ra khỏi những không gian và số phận cụ thể, để hướng tới một khái quát về “trần gian”, “người đời”, hoặc Bóng đêm và ánh sáng – như cái tên sau của nó, nhưng lại bị cái bóng của Bến không chồng che khuất. Dẫu vậy, cuốn tiểu thuyết mỏng về số trang và số phận này vẫn có thể được xem là một nhe nhắm, một báo hiệu cho cái tên xứng với tầm vóc của nó vào 15 năm sau: Dưới chín tầng trời. Từ Trần gian – người đời đến Dưới chín tầng trời, mạch nghĩ của Dương Hướng dường như đã được định hướng khá sớm, để đến được một kết quả tự nhiên sau 15 năm trải nghiệm.
Dưới chín tầng trời, hơn 500 trang cỡ lớn – đặc chữ, ôm chứa một sự sống trải dài suốt hơn nửa thế kỷ, gồm nhiều hệ nhân vật, với số lượng tính cả chính – phụ là đến cả trăm, không chỉ vượt hẳn Bến không chồng và Trần gian – người đời gộp lại mà còn vượt lên nhiều tiểu thuyết khác, để đứng ở hàng đầu về quy mô và tầm vóc phản ánh, dẫu trung tâm của sự soi chiếu vẫn là một làng Đoài của đồng bằng Bắc Bộ.
Một đơn vị làng, qua một cuộc cách mạng và ba cuộc chiến tranh, với các hậu quả kéo dài của nó gắn với những năm khó khăn, bế tắc của đất nước, rồi được giải toả dần trong thời hội nhập và mở cửa. Một đơn vị làng, theo bước chân và hành trình của các nhân vật chính – phụ mà mở rộng dần sự gắn nối với cả nước, từ Bắc vào Nam, chiến trường và hậu phương, làng quê ra thành phố, biên giới và hải đảo, và còn xa hơn, khi theo chân những người di tản, vượt biên, rồi cũng chính họ, lại có cơ hội trở về làng… trên hành trình hơn nửa vòng trái đất, sau ngót 30 năm. Dưới chín tầng trời, đó là toàn cảnh nhân gian; và với cái tên sách đó, Dương Hướng dẫn dắt người đọc đi gần trọn một thế kỷ của lịch sử dân tộc, với những chuyển động, những biến đổi, những bước ngoặt qua số phận của nhiều chục nhân vật, không nhân vật nào không phải trải những va dập của lịch sử mà thay đổi và biến dạng cả số phận, để trở thành hoặc là tội nhân hoặc là nạn nhân; để được là chính nhân hoặc là phế nhân; là thiện nhân hoặc ác nhân; và như vậy, có thể nói là đã lâu lắm, văn xuôi mới có được một tác phẩm có sức chứa lớn đến thế.
Nhưng dẫu có trải rộng theo không gian và thời gian thì sức ám ảnh và cuốn hút của Dưới chín tầng trời vẫn là những con người của một làng Đoài (hoặc làng Đông) quen thuộc, với những tan và hợp, những phân rã và hội tụ, những cuộc ra đi và trở về, những oán thù và giải toả, những hoán đổi vị thế, những phân cực và hoà hợp địch-ta theo biến động của đất nước. Đó là gia hệ Hoàng Kỳ, từ đỉnh cao danh vọng đến thẳm sâu bất hạnh, trong biến thiên của lịch sử. Là nhà tư sản Đức Cường có công bao bọc, chở che cách mạng, thế mà rơi xuống tận đáy sự bi thảm; trong khi Thu Cúc – từ thân phận là con gái của người giúp việc, rồi trở thành người lãnh đạo cao nhất của thành phố, và chủ nhân biệt thự Hoa Cúc Vàng của ông chủ cũ. Là những cư dân đủ loại, đủ hạng của làng Đoài, từ là cùng đinh bị thời cuộc vùi xuống tận đáy của bần hàn, nhếch nhác, tù tội, rồi gặp thời cơ mà phất lên như diều để thành tỷ phú như Đào Kinh. Là mấy mẹ con Cháo, Muôi, Thìa, Muỗng – cốt cán trong Cải cách ruộng đất, bỗng ăn nên làm ra, nhờ vào vốn tự có, trong thời mở cửa. Là những người bám rễ ở làng Đoài mà làm nên gương mặt thôn quê ngàn năm không đổi, rồi trở thành người kể sử về làng, như lão Khì, cô Lùn, gã Câm và Cảo chăn vịt… Là những cán bộ cao cấp của tỉnh, rồi trung ương như Trần Tăng – vừa gây nên biết bao thảm hoạ lại vẫn là khách quý của dân làng trong mọi thăng trầm, tiến lui của nó; con người thăng tiến bằng quyền lực và dục vọng, rồi cũng tự tiêu huỷ bởi những gì mình giành được và gây ra. Là Đào Thanh Măng – người kết nối, và là sản phẩm của cả hai “đại gia” Đào Kinh và Trần Tăng, mà trở thành nhân vật trung tâm của thời mở cửa – Giám đốc Công ty liên doanh Việt Mỹ – nói tiếng Anh như gió…
Kể cả chính phụ có đến ngót trăm nhân vật, tôi chỉ có thể tạm dừng ở vài gương mặt như trên, với một lược kể sơ sài, và xin phép nhường phần việc này cho bài giới thiệu công phu và sâu sắc về thế giới nhân vật của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến trong bài giới thiệu 12 trang đặt ở cuối sách: Cách nhìn của Dương Hướng trong tiểu thuyết Dưới chín tầng trời.
Đặt mối quan tâm trước hết vào cốt truyện và nhân vật, ở tôi, cũng như ở anh Hoàng Ngọc Hiến, để thấy Dưới chín tầng trời vẫn là một tiểu thuyết theo mô hình truyền thống, với sự cuốn hút bởi tính cách và số phận nhân vật. Một tiểu thuyết ra đời năm 2007 khi những dấu hiệu của Hậu hiện đại phương Tây đã đến với không ít cây bút trẻ thuộc thế hệ 6X và 7X trở đi như những Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương... Rõ ràng, với lớp người viết này, văn xuôi thế kỷ XXI đã có những dấu hiệu thay đổi, vượt ra ngoài những đường ray quen thuộc của tiểu thuyết hiện thực cổ điển, như là sự phá vỡ hoặc phá bỏ cốt truyện; sự thay thế đại tự sự bằng các tiểu tự sự; kiểu nhân vật tính cách được thay bằng nhân vật biểu tượng, thậm chí là sự thủ tiêu nhân vật, để chỉ còn là ký hiệu, là ngôn ngữ, trong giao thoa, xáo trộn của nhiều ngữ điệu… Trở lại Dưới chín tầng trời của Dương Hướng, chúng ta không nhận ra những thay đổi theo các dạng thức trên; nhưng không phải vì vậy mà tác phẩm vắng thiếu những tìm tòi, để làm mới hơn cách viết quen thuộc của mình như trong Bến không chồng. 33 chương, không theo tuyến tính thời gian mà là theo sự lắp ghép và cấu trúc các khối đời, vừa độc lập với nhau, vừa xen cài vào nhau, qua đó là hướng đi, là cách đi của lịch sử – như một nhân vật vô hình đầy quyền năng. Đọc Dưới chín tầng trời cần tính đến sự ám ảnh của “nhân vật” vô hình này, với sự chi phối, sức ngự trị của nó trong mọi hành vi, ứng xử của con người. Lịch sử, qua Dưới chín tầng trời, đó là cả một cuộc chơi lớn; nói cách khác là kẻ cầm chịch cho cuộc chơi; là sự thực thi ý chí của nó qua những con người cụ thể có gương mặt, có căn cước, có tên riêng; nếu không phải là tên X. thì sẽ có tên Y.; nếu không là Trần Tăng, Đào Kinh, thì sẽ có những Tăng và Kinhđội những tên khác… vân vân… để mà ban phúc hoặc gieo hoạ; để nâng đỡ hoặc vùi dập; để vực dậy hoặc cho vùi vào đất cát biết bao kiếp sống nhân sinh… Những biểu tượng, cũng có thể xem là những tìm tòi hoặc sáng tạo của Dương Hướng, khi anh cho xuất hiện chân dung “người thả đèn trời”; hoặc “con tàu đến từ nước Mỹ”; biệt thự Hoa Cúc Vàng hoặc cánh đồng Mả Rốt… Và còn là những đám tang, cái thì như một nhát cắt để dứt khoát giã từ quá khứ, cái là sự thực thi triết lý “quả báo” của nhà Phật. Là biểu tượng, nên nó có khả năng gây ấn tượng, và rồi sẽ đọng lại được trong lòng người đọc sau một toàn cảnh chằng chịt các nẻo đi-về của hai trục không gian- thời gian. Mở đầu Dưới chín tầng trời là ở thì hiện tại, và kết thúc truyện lại trở về thì hiện tại. Trong trùng khớp giữa hai thời điểm là cái nhãn tiền, cái đang diễn ra trước mắt ta, là biết bao chuyện đời, là những “tấn trò đời” (để mượn lại ý của Balzac) đã diễn ra trong hơn nửa thế kỷ, được trải ra rất rộng, rồi được thu gom lại, tuy cũng có lúc loãng nhạt, nhưng cũng không ít những cảnh quan thật sắc nét, nó chứng tỏ những quan sát, trải nghiệm và nghĩ ngẫm của tác giả đã đến được cái độ chín cần thiết của 9 tháng 10 ngày cho một cuộc hoài thai và sinh nở.
Đọc Dưới chín tầng trời thấy rõ ước vọng của Dương Hướng là mong đưa được vào tầm quan sát của mình (tất nhiên là trong giới hạn mọi thứ vốn của anh) những gì đã, và có thể diễn ra trong cõi nhân gian, với các quan hệ nhân quả của nó; với sự đối lập địch-ta, tội nhân- nạn nhân, hoạ và phúc, ác và thiện… tất cả – gồm hai phía (hoặc nhiều phía) gần như không có ranh giới ngăn cách tuyệt đối. Có nghĩa là, tất cả – hai phía đều nằm trong tư thế vừa là đối nghịch, vừa như sẵn sàng giao thoa và hoán đổi vị trí cho nhau. Trong tầm bao quát của các sự kiện, Dưới chín tầng trời có vóc dáng một tiểu thuyết sử thi, từng làm nên gương mặt văn học dân tộc một thời dài, suốt hơn 30 năm kể từ Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc đến Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu. Nhưng sự xoá nhoà ranh giới giữa các mặt đối lập, để gạt bỏ hẳn cái tình thế hoặc phía này hoặc phía kia quen thuộc trước đây, Dưới chín tầng trời lại trở về với chính hình hài của tiểu thuyết cổ điển (hoặc hiện thực) vốn là kết quả của quá trình hiện đại hoá, để gắn với thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam, trong hai chuyển động (hoặc bước ngoặt) lịch sử – một là trước 1945 với sự gần gũi ít nhiều Nguyên Hồng và Vũ Trọng Phụng; và sau là nửa đầu 80 với những người tiền trạm là Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp…
Ước vọng của Dương Hướng, nếu đúng là như thế thì theo tôi nghĩ, anh đã thực hiện được, hoặc cơ bản đã thực hiện được… Một tiểu thuyết trong khuôn mẫu cổ điển mà vẫn có cái mới. Một cuộc đi tìm cái mới vẫn trong khuôn hình cổ điển. Ở tuổi 60, Dương Hướng vẫn trung thành với cách viết truyền thống, vốn đã từng đem lại thành công cho anh ở Bến không chồng. Hơn 15 năm trời, trong tích luỹ những cái vốn mới hoặc làm mới lại các vốn cũ, anh có tiếp một kết quả lớn hơn, nhưng vẫn là trên con đường quen thuộc. Anh không muốn hoặc không thể làm những cách tân như các thế hệ sau. Và tôi nghĩ, như vậy là thuận với anh, và cũng là thuận với thói quen đọc của số đông độc giả. Nếu có yếu tố nào đó được xem là cách tân, theo một nghĩa khiêm nhường nào đó (và tôi chắc là Dương Hướng cũng muốn nghĩ thế) thì điều đó cũng chỉ diễn ra một cách hồn nhiên, từ trải nghiệm mà ra, từ sự sống mà đến, chứ không phải là sự lăm le, chí thú đi tìm một thứ của lạ, để cho khác người và khác mình.
Ở bài này, trong gắn nối Bến không chồng và Dưới chín tầng trời, tôi có ý nghiêng về phương diện nghệ thuật, tức là phía hình thức của tác phẩm. Còn về nội dung, như cách ta quan niệm lâu nay, nó là tính thời sự, là những dấu ấn thời đại của nó, mà nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã có xa gần nói đến trong phần cuối bài giới thiệu cuốn sách – “một cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn sức sống và đời sống, nóng hổi những tư tưởng của thời đại và những vấn đề thời sự của đất nước…” (tôi nhấn mạnh) sau khi dành gần hết số trang cho việc đi sâu phân tích một số nhân vật chính của tiểu thuyết, nêu và bình luận một số triết lý vặt (theo cách nói của nhà phê bình), mà thật ra, theo tôi là không vặt, vì không ít trong số đó đều động đến những điều thật lớn lao, nghiêm chỉnh – nằm trong long mạch của đời. Tôi sẽ không làm cái việc dẫn trích ở đây, vì như thế bài sẽ dài, và thật ra là không cần thiết, vì nó không phải là những phát hiện gì mới do tác giả nghĩ ra, mà là sự tổng hợp ý tưởng chung của nhiều người, trong đó có tôi, có anh, có chúng ta, còn Dương Hướng chỉ có việc đưa nó vào hình hài và cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết, sao cho tự nhiên. Đó là những nhận thức, trải nghiệm, đánh giá hoặc trực tiếp của tác giả, hoặc gián tiếp qua hệ nhân vật trước những gì đang diễn ra trong và sau 20 năm đổi mới; vừa trong gắn nối vừa trong thay đổi hoặc phủ định những gì đã vào lịch sử. Đó là những vấn đề hẳn còn gây tranh cãi, tất yếu khó tránh gây nên đồng tình hoặc phản đối, thậm chí có thể là gay gắt, là ngược chiều nhau; và nếu đúng là như vậy thì đó cũng chính là một phương diện thành công của tác giả; là biểu hiện của sự phát triển bình thường của văn xuôi đương đại. Bởi chính những gì đang diễn ra hôm nay, từ những vụ động trời như cầu Văn Thánh, Lã Thị Kim Oanh, PMU 18 (đang bị – hoặc được lật ngược lại)… cho đến bao là chuyện nhỏ mà không nhỏ trên khắp mặt đời sống thường ngày như gian lận thi cử, bạo hành gia đình, ngược đãi trẻ con, tan nạn giao thông, tệ nạn xã hội, giá cả leo thang, đồng bạc mất giá… mà việc tìm nguyên nhân và hướng xử lý cho nó đâu dễ có được sự nhất trí trong công luận, lại càng khó mà hy vọng vào sự “nhất hô bách ứng”, trong xưng tụng, hoặc xóa sổ vốn là phổ biến trong nhiều chục năm trước đây.
Đọc Dưới chín tầng trời, tôi trân trọng mọi nghĩ suy đầy tâm huyết và trách nhiệm công dân của tác giả, cũng như mọi cách đọc của độc giả; và với niềm tin qua những gì nhất trí hoặc khác nhau, hoặc ngược nhau mà đến được với chân dung đích thực của cái thời chúng ta đang sống – cái thời mà tất cả những người cùng thời, đương thời với chúng ta hôm nay, không trừ ai, đang áp mặt vào nó, nên đâu dễ có độ lùi để nhận diện và phán xét; càng không phải là những phán quyết cuối cùng.
Vậy là, quả có một cái gì rất đáng kể đã diễn ra 15 năm sau Bến không chồng; và đó là điều rất đáng chia vui với Dương Hướng – người đã có khả năng vượt dốc, để đến với một cái đích mới. Và đó cũng chính là một biểu hiện ấn tượng về hướng phát triển của văn xuôi chúng ta hôm nay.
Thái Hà