Nhạc sĩ Dương Thụ trò chuyện cùng doanh nhân họ Dương: Làm kinh doanh phải có nền tảng văn hóa

Trong Ngày hội Doanh nghiệp – Doanh nhân Việt Nam 2022 đã diễn ra vừa qua, nhạc sĩ Dương Thụ đã đến và chia sẻ nhiều câu chuyện ý nghĩa. Mặc dù trời mưa to, nhưng có hơn 100 doanh nhân và đại biểu đã tham dự lắng nghe câu chuyện âm nhạc của một nhạc sĩ Họ Dương bằng tất cả sự ngưỡng mộ, mê say trong lời kể của nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Dương Thụ tham dự sự kiện bằng tất cả sự trân trọng theo lời mời và tôn trọng cộng đồng họ Dương. Từng lời kể của ông đều toát lên sự tự hào tinh thần dòng tộc. Ông Thụ cũng cho rằng, với các sự kiện như ông đang trò chuyện tâm tình, thì hãy nghe với tinh thần cùng chia sẻ và đừng đặt nặng chuyện ông chia sẻ đều phải đúng, phải được áp dụng.

Nhạc sĩ Dương Thụ được biết đến là nhạc sĩ mang đến nét đẹp âm nhạc có sức lay động đối với đông đảo công chúng. Ông có nhận định về doanh nhân không chỉ làm các công việc quản trị lớn, làm thế nào phát huy tiền bạc? Khôn ngoan không đủ, lanh lợi không đủ, nhiều sự nhạy bén không đủ… mà doanh nhân cần phải có nền tảng văn hóa rất là cao, sáng tạo. Trường hợp mỗi người sinh ra, giỏi sẵn, thiên tài sẵn, thì điều đó không bàn đến. Ông khẳng định.

Ông cũng không quên nhắc đến chuyện nghe nhạc để làm gì? Với ông việc nghe nhạc để làm giàu cảm xúc nội tâm. Nghe nhạc để vui buồn, để thương nhớ, để say sưa, để trang nghiêm, mạnh mẽ. Và còn cả để bay bổng mơ mộng. Khi mỗi doanh nhân kết thúc ngày dài sau những công việc bộn bề thì việc nghe nhạc cũng là lúc để sống với nội tâm, để cảm nhận một điều gì đó mà ở lý trí ta không ý thức được. Đó còn là để khám phá ra cái đẹp ẩn chứa trong cấu trúc tác phẩm trong việc tiến hành giai điệu, trong tiết tấu, trong hòa thành, trong nhịp độ… Nghe một cách nghiêm túc như thế mới thực sự gọi là thưởng thức âm nhạc.

Người nhạc sĩ có tâm – có tầm

Dương Thụ sinh năm 1943 tại Ứng Hòa, Hà Nội. Ông thuộc tộc Họ Dương danh giá có hai cụ cố đỗ Tiến sĩ triều Nguyễn và làm quan nhà Nguyễn: Dương Khuê và Dương Lâm. Ông còn là cháu họ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Giáo sư Tiến sĩ Dương Thiệu Tống. Năm cấp 3, Dương Thụ đã học piano với gia đình nghệ sĩ Thái Thị Sâm. Sau đó Dương Thụ học nhạc sĩ Nguyễn Xinh và coi Nguyễn Xinh là thày sáng tác đầu tiên. Cũng trong năm 1965, Dương Thụ đỗ vào khoa sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam nhưng lý lịch gia đình địa chủ cũng làm Dương Thụ muôn đường vất vả…

Nhà báo Gia Vũ từng khẳng định: “Và cũng là Hà Nội cho ông một con người của… vỉa hè. Dương Thụ yêu vỉa hè Hà Nội, yêu cuộc sống bình dị của Hà Nội. Mỗi khi trở về, việc đầu tiên Dương Thụ làm sau khi xuống khỏi máy bay là đến một quán nước vỉa hè để ngồi, uống nước và hút thuốc lào. Dương Thụ khóe, ông biết nhiều người bán nước vỉa hè và nhiều chủ quán vỉa hè cũng không còn lạ mặt nhạc sĩ. Và những sáng tác của Dương Thụ về Hà Nội đều là những gì bình dị, của gió sông Hồng thổi, của áo len cài vội, của cánh hoa đào vội phai…”. Hay Với Lê Hoàng thì: “Ưu điểm lớn nhất của Thụ, cũng theo tôi, là anh có cái nhìn trẻ thơ trong sự vật. Anh mở mắt to tròn nhìn Chim họa mi trong khi kẻ khác ở thế hệ anh giương mắt nhìn đại bàng hay nhìn quạ”.

Thật đúng như thế! Dương Thụ có khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Dạy học, sáng tác âm nhạc, viết tản văn, viết ca từ, thiết kế nội ngoại thất và có cả khả năng đầu tư kinh doanh… Dường như “sản phẩm” nào từ ông cũng xuất sắc. Bạn hãy nhìn các ngôi nhà của vợ chồng ông, nhà của ca sĩ Hồng Nhung, các quán Cà phê thứ Bảy… đẹp và tiện nghi trong một cảnh quan thơ mộng đều do một tay Dương Thụ thiết kế, chỉ đạo thi công sẽ thấy ông có khả năng vượt trội của một kiến trúc sư, một họa sĩ cảnh quan…

Dương Thụ nổi danh với loạt tình khúc nhẹ nhàng, sâu lắng như “Mặt trời dịu êm”, “Bài hát ru cho anh”, “Vẫn hát lời tình yêu”, “Cho em một ngày”, “Họa mi hót trong mưa”… Trong đời sống, ông chơi thân với Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường… và nhóm được ưu ái gọi là Bộ tứ sông Hồng.Đồng thời với say mê âm nhạc Dương Thụ quan tâm và hiểu biết sâu về văn chương, triết học, hội họa… Điểm khác nữa là ông hay nghĩ và khởi xướng ra nhiều chương trình để lại dấu ấn như Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam, Salon văn hóa Cà phê Thứ Bảy….

Nổi tiếng với vai trò nhạc sĩ song trước đây, Dương Thụ từng theo học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông từng kể gia đình không ai theo nghệ thuật, trong khi bố ông mong muốn các con học hành đến nơi đến chốn. Khi tốt nghiệp, nhạc sĩ về dạy học ở Tuyên Quang và sau này theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Nhắc đến những sáng tác của mình, Dương Thụ cũng từng khẳng định ông viết nhạc không phải để chiều mọi người và cũng không nghĩ đến ai.

Ưu tiên giữ gìn bản sắc văn hóa

Ông thích và quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa, đóng góp với cộng đồng… những việc mà ai nhìn vào cũng thấy là việc đòi hỏi tốn nhiều công sức thậm chí là bao đồng. Nhưng ông luôn thấy hạnh phúc vì điều đó.

Đạo diễn Lê Hoàng từng nhận định về ông như thế này: “Dương Thụ là nhạc sĩ có cảm xúc trước, có nhạc lý sau. Hình như một ngày nào đó, anh phát hiện ra có thể dùng âm nhạc làm công cụ. Chỉ đơn thuần công cụ thôi, anh không tha thiết với việc lau chùi và đánh bóng nó, khác hẳn với kẻ keo kiệt lau chùi sợi dây chuyền vàng.”

“Chúng ta không phải là thiên tài, tôi cũng không phải thiên tài. Chúng ta may mắn có được chút ít khả năng. Cho nên những người thành công trong thời đại kinh tế tri thức này phải là người có văn hóa, nền tảng rất là cao” – nhạc sĩ Dương Thụ nhấn mạnh.

Ở sự kiện, ông không bàn chuyện về âm nhạc hay dở. Hay dở tùy người. Vì đôi khi hay với người này, nhưng dở với người khác. Nếu mình nghe không thấy hay, không hợp với gu nhạc của mình thì mình có quyền đi chỗ khác. Nhưng hơn hết mình cũng cần tôn trọng người ta.

Nhạc sĩ Dương Thụ đã chia sẻ cái hiểu của chính nhạc sĩ về âm nhạc. Với ông, âm nhạc là nền tảng văn hóa của cá nhân. Mà cá nhân mọi người ngồi đây là doanh nhân. Thế nên làm doanh nhân trí thức thì muốn kinh doanh lĩnh vực nào đó phải có kiến thức, tri thức. Càng muốn làm ăn lớn thì càng phải có tri thức. Chúng ta có thể không thu lượm được từ nhà trường nhưng chưa chắc người có bằng tiến sĩ lại bằng người tự học. Nên trí thức ở đây không đặt nặng phải là tiến sĩ, bằng cấp, học vị, học hàm. Mà trí thức là người phải biết tích lũy được cho mình những kiến thức về sự tự học, không ngừng học hỏi mỗi ngày. Việc tự học mỗi ngày thì kiến thức sẽ phụng sự mình cả đời.

Ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn, ngoài cái năng khiếu trời cho và sự say mê thì cái gì có thể giúp bạn phát triển văn hóa. Đầu tiên là cái rất trừu tượng chính là âm nhạc, mỹ thuật, triết học, văn học. Âm nhạc liên quan đến tai, mỹ thuật liên quan đến mắt để nhìn, còn triết học và văn học liên quan đến bộ não. Tất cả là nền tảng quyết định chiều sâu nội tâm, khả năng tư duy, khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ theo những gì ta hiểu và ta cảm. Nền tảng tạo đẳng cấp thật sự của bạn chứ chưa hẳn là danh hiệu học vị, học hàm hay khối tài sản bạn đang có. Đó là bệ phóng để người khác nhìn nhận mình là đẳng cấp của văn hóa và làm tốt các công việc hằng ngày và cả việc sản xuất, buôn bán kinh doanh.

Thực hiện: Dương Kiều Diễm

Hình ảnh: KKD

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com