Nhạc sĩ Dương Trường Giang: “Tôi luôn muốn dành cơ hội tốt cho học trò”

“Nhạc phim “11 tháng 5 ngày” là một trong những sản phẩm âm nhạc mà tôi tâm đắc. Cho nên, tôi đã tạo cơ hội, điều kiện để học trò của mình được thể hiện ca khúc này”, nhạc sĩ Dương Trường Giang chia sẻ với Dân Việt.

Nhạc sĩ Dương Trường Giang (sinh năm 1987) là người đứng sau các sản phẩm âm nhạc thành công của nhiều ca sĩ đình đám như: Thế thôi, Phố không mùa (Hà Anh Tuấn), Đừng quên nhau (Hà Anh Tuấn – Phương Linh), Đến với nhau (Lưu Hương Giang), Ngày tắt (Lê Minh MTV)…

Thời gian gần đây, Dương Trường Giang còn ghi dấu trong lòng khán giả khi thực hiện ca khúc nhạc phim “11 tháng 5 ngày” do Nguyễn Đặng Châu Anh thể hiện. Chia sẻ với Dân Việt vị nhạc sĩ sinh năm 1987 hé lộ lý do anh trao cơ hội cho học trò thể hiện ca khúc nhạc phim này. Ngoài ra, nhạc sĩ Dương Trường Giang cũng tiết lộ bí quyết của anh khi sáng tác nhạc phim.

Tạo cơ hội tốt nhất cho học trò

Phim “11 tháng 5 ngày” đã khép lại nhưng dư âm về bộ phim này vẫn còn mãi trong lòng khán giả, nhất là nhạc phim cùng tên do chính anh sáng tác. Cảm xúc của nhạc sĩ Dương Trường Giang thế nào khi có nhiều vị khán giả thừa nhận đã “nghiện” nhạc phim “11 tháng 5 ngày”?

– Tôi vui khi thấy sự thành công của ca khúc “11 tháng 5 ngày”. Có 2 niềm vui mà tôi muốn chia sẻ đó là, tôi vui khi một tác phẩm nhạc phim có đời sống trong thị trường âm nhạc. Niềm vui thứ hai chính là nhạc phim đã hỗ trợ và góp phần mang đến thành công nhất định cho bộ phim “11 tháng 5 ngày”.

Đối với tôi, đây là thành công chung, thành công của nội dung phim, thành công của biên kịch, đạo diễn và tất nhiên là của cả âm nhạc nữa.

Nhạc sĩ Dương Trường Giang và học trò học trò Nguyễn Đặng Châu Anh.

rong khi sáng tác ca khúc “11 tháng 5 ngày”, anh có gặp khó khăn gì không?

– Để sáng tác một ca khúc nhạc phim chất lượng chắc hẳn không phải là điều dễ dàng gì. Bất cứ ca khúc nào tôi làm thì bản thân tôi đều mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu. Cái khó ở đây là phải viết theo chủ đề mà đạo diễn và biên kịch gửi gắm. Để hòa hợp được với cảm xúc của đạo diễn và biên kịch, tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ về nội dung phim, qua đó tìm ra được một từ khóa phù hợp cho ca khúc của mình.

Tôi thấy được điểm sáng của kịch bản phim “11 tháng 5 ngày” là tình yêu thương giản dị, bình thường và rất tự nhiên. Và tôi nhận ra rằng: Chúng ta nói đến từ bình thường khi mà nó không có gì bất thường cả. Chúng ta có ngày vui cũng là thiểu số, ngày buồn cũng là thiểu số. Khi đó chúng ta nhận ra rằng chúng ta không chỉ ở bên nhau những ngày thiểu số mà chúng ta tồn tại bên nhau cả những ngày bình thường.

Đây cũng chính là những từ khóa của ca khúc “11 tháng 5 ngày”. Trong đó, câu hát mà tôi tâm đắc nhất là: “… vừa cho anh, vừa cho em, vừa cho hai ta…”.

Khi đã có được một sản phẩm nhạc phim tâm đắc, lý do gì anh lại trao ca khúc “11 tháng 5 ngày” cho một ca sĩ trẻ như Nguyễn Đặng Châu Anh thay vì chọn Phương Linh, Thu Phương, Hà Anh Tuấn…?

– Ngoài vai trò là một nhạc sĩ, tôi còn là giảng viên. Nguyễn Đặng Châu Anh chính là cô học trò xuất sắc của tôi và đã theo tôi đến 3 năm nay. Chính vì thế, tôi luôn muốn dành những cơ hội ra mắt tốt nhất cho học trò của mình. Với một tác phẩm mà bản thân tâm đắc như “11 tháng 5 ngày thì đúng là không có lý do gì để tôi không tạo điều kiện cho học trò mà tôi nghĩ xứng đáng với ca khúc của mình.

Vậy cả hai thầy – trò và ê-kíp đã có quá trình thực hiện ca khúc nhạc phim “11 tháng 5 ngày” thế nào?

– Ca khúc “11 tháng 5 ngày” được ghi hình vào những ngày trước khi Hà Nội bước vào đợt giãn cách vì dịch Covid-19. Tôi nhớ rằng, thời điểm đó ê-kíp làm phim “11 tháng 5 ngày” cùng ca sĩ không được quá 10 người. Chúng tôi đã phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trước khi đi ghi hình để đảm bảo an toàn cho bản thân, ê-kíp và cộng đồng. Trải qua 24 tiếng quay MV “11 tháng 5 ngày” chỉ gói gọn trong 3 bối cảnh: phòng thu, phòng sản xuất và nóc của tòa nhà VTVcab (Truyền hình Cáp Việt Nam).

Đối với tôi, đây là một cú chạy đua nước rút với thời gian. Tôi và ê-kíp vừa phải đảm bảo an toàn chống dịch, vừa phải có những hình ảnh tốt nhất. Đoàn làm phim đã phải lược bỏ đi rất nhiều những đoạn có thể đẹp hơn, có thể tốt hơn ở trong kịch bản để đảm bảo an toàn chống dịch một cách tốt nhất. Quá trình làm việc trong khoảng thời gian “có một không hai này” thực sự là một trải nghiệm thú vị trong cuộc đời tôi.

Nhạc sĩ Dương Trường Giang tiết lộ “bí kíp” viết nhạc phim hay

Về sự nghiệp, ca khúc “11 tháng 5 ngày” có phải là bước ngoặt trong cách viết nhạc của nhạc sĩ Dương Trường Giang không khi mà nhắc đến anh thì khán giả sẽ nghĩ ngay đến những bản tình ca sâu lắng, người tạo ra những “mùa đông mới”…?

– Thực sự, đây là bài hát đầu tiên tôi viết có tiết tấu nhanh và vui tươi như vậy. Đây cũng là một câu hỏi mà mọi người hay đặt ra cho tôi. Bởi, khi nghe Dương Trường Giang của “Phố không mùa” hay “Hà Nội mùa lá bay” cho đến khi nghe Dương Trường Giang của “11 tháng 5 ngày” sẽ thấy rõ được sự khác biệt.

Tuy nhiên, đối với tôi, âm nhạc đi theo từng chặng đường của cuộc sống. Có thể là do tôi đang đi đến một giai đoạn tươi sáng của cuộc đời chẳng hạn, cho nên khi viết nhạc cũng vui tươi hơn.

“Để viết nhạc phim, nhạc sĩ phải vay mượn cảm xúc từ biên kịch, đạo diễn…”, nhạc sĩ Dương Trường Giang chia sẻ.

Việc viết nhạc phim có điểm gì khác biệt so với việc thực hiện những sản phẩm âm nhạc trước đó của anh?

– Hiện tại, tôi đã viết được hơn 500 tác phẩm âm nhạc, trong đó mới có 4 tác phẩm là nhạc phim. Tôi nhận thấy, âm nhạc có khả năng miêu tả không gian, cảm xúc rộng. Điểm khác biệt duy nhất khi viết một tác phẩm âm nhạc bình thường và một tác phẩm nhạc phim là bản thân người nhạc sĩ phải vay mượn cảm xúc từ biên kịch cũng như đạo diễn thay vì cảm xúc tự thân xuất phát từ chính họ. Khi đó, chính tôi lại được trải nghiệm qua một cảm giác khác nữa, đó chính là hóa thân thành nhân vật và hiểu được cảm xúc của nhân vật trong bộ phim.

Nhạc sĩ phải biết cách làm thế nào để cảm xúc của bản thân tương đồng với cảm xúc của biên kịch và đạo diễn. Đây có lẽ là quá trình thú vị nhất đối với tôi khi viết nhạc phim.

Với gia tài âm nhạc đồ sộ là hơn 500 ca khúc, vậy nguồn cảm hứng dồi dào của anh bắt nguồn từ đâu?

– Tôi quan niệm, âm nhạc là nhật ký sống. Vì vậy, bản thân cứ sống được ngày nào thì sẽ có góc nhìn về ngày đó. Thật ra, âm nhạc chỉ là một cách diễn đạt khác về việc chia sẻ rằng bản thân đang sống ở thời đại nào, đang nói về điều gì và ở thời đại đó và người ta nói tiếng nói như thế nào.

Qua lăng kính của cá nhân tôi, tôi đã biến nó thành âm nhạc, thêm một vài nốt nhạc và gửi sản phẩm âm nhạc đó đến quý vị khán giả. Tôi nghĩ rằng âm nhạc ở mỗi thời kỳ sẽ có một giá trị khác nhau. Người viết nhạc qua mỗi ngày cũng có một giá trị khác nhau. Cho nên, kho tàng tác phẩm của tôi chính là góc nhìn của cá nhân tôi dành cho xã hội, cuộc sống và những thứ xung quanh.

Cảm ơn nhạc sĩ Dương Trường Giang đã chia sẻ thông tin!

 Nguồn: Báo Dân Việt

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com