Nhạc sĩ – Nhà thơ cách mạng Dương Tấn Hương

Dương Tấn Hương, nghệ danh là Đằng Giao, sinh năm 1929 tại làng Vĩnh Lợi, tổng Hòa Đồng Hạ, tỉnh Gò Công (nay là thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).

Tháng 8/1945, ông giác ngộ cách mạng; và sau đó, tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại quê nhà. Vốn có năng khiếu và say mê nghệ thuật, ông hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc và thơ ca.

Nhạc sĩ – nhà thơ cách mạng Dương Tấn Hương

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, cùng với các nhạc sĩ nổi tiếng, như Trần Kiết Tường, Phan Nhân, Tăng Minh Thành, Dương Hưng Bang,… phụ trách dàn dựng các chương trình ca nhạc của Đài Phát thanh Giải phóng 2 đặt ở Hà Nội. Năm 1957, ông cùng với nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác phần lời bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương. Đây là một ca khúc vượt thời gian, nói lên niềm khát khao và quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp thống nhất tổ quốc của cả dân tộc trước âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Ca khúc này đã từng được biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, có Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự khán, tạo nên sự xúc động to lớn trong lòng người xem nói riêng và nhân dân hai miền Nam Bắc nói chung. Tại buổi biểu diễn văn nghệ đó có rất nhiều tiết mục, nhưng chỉ có ca khúc này là được khán giả yêu cầu ca sĩ hát lần thứ hai. Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều ca khúc, thơ và lời mới cho dân ca.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), ông lần lượt làm việc tại Đài Phát thanh Giải Phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam (cơ sở 2, Thành phố Hồ Chí Minh), Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Là người phụ trách văn nghệ của Đài, ông lăn lộn với phong trào văn nghệ ở các địa phương, phát hiện, dàn dựng, giới thiệu hàng trăm tiết mục,… Đặc biệt, ông yêu dân ca, nhất là dân ca, âm nhạc cổ truyền, ca nhạc tài tử cải lương Nam bộ. Ông cho rằng, nếu cải tiến, cải biên vô lối, sẽ làm mất đi tính độc đáo, đặc sắc của dân ca, âm nhạc dân tộc, khi đã định hình thành nếp sống, nếp nghĩ của quần chúng nhân dân.

Năm 2004, ông bị bệnh mất tại thành phố Hồ Chí Minh. Là một nhạc sĩ  – nhà thơ cách mạng, ông đã lao động nghệ thuật nghiêm túc, bền bỉ và sáng tạo, có những cống hiến quan trọng cho nền âm nhạc và thi ca của nước nhà, phục vụ đắc lực cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huy chương “Vì sự nghiệp sân khấu”, Huy chương “Vì sự nghiệp phát thanh – truyền hình”, Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”. Tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, có một con đường mang tên nghệ danh Đằng Giao của ông.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com