NSƯT Dương Minh Đức: Lạc hồn giữa những nỗi niềm
- 10/01/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 4541
Luôn lạc quan, yêu đời, luôn hào sảng và đầy chất lính, luôn khiến người đối diện vui vì một câu chuyện đầy duyên dáng, luôn là tinh thần của bạn bè trong những cuộc tụ tập bởi khả năng tổ chức và khiếu khôi hài của mình… NSƯT Dương Minh Đức, một nghệ sĩ đã nghỉ hưu nhưng trái tim và giọng hát chưa một ngày ngơi nghỉ, mới đây đã kể lại chặng hành trình của cuộc đời mình bằng âm nhạc qua hai đĩa CD, một đĩa cá nhân và một đĩa chung gồm “năm ông già” (như lời của ông) là những người bạn đồng niên ghi dấu ấn trong lòng người nhiều thế hệ…
Căn nhà yên tĩnh nằm trong “khu nhà lính” ở Lý Nam Đế khá bề thế, khang trang. Ngôi nhà được xây trên nền đất của cha anh, đạo diễn, NSƯT Dương Minh Đẩu và sự chung tay của tình bằng hữu.
Nghệ sĩ Dương Minh Đức kể: Thời điểm quyết định xây căn nhà này, trong tay anh chỉ có một số tiền ít ỏi, vậy mà rồi bạn bè mỗi người một tay, đã lo cho anh trọn vẹn một căn nhà khang trang, ấm áp. Số anh được nhờ bè bạn, bởi vậy, ngay cả bây giờ, khi đã nghỉ hưu rồi, việc cũng làm không xuể vì bạn bè lôi léo, rủ rê từ làm giám khảo các cuộc thi hát, rồi dạy học, thậm chí có “show” anh vẫn chạy đều đều để rèn luyện sự dẻo dai. Căn nhà rộng rãi bây giờ bớt trống trải bởi khỏa lấp những chỗ trống là những lẵng hoa lụa đẹp mê hồn mà người vợ trẻ kém anh 19 tuổi cùng cô học trò kinh doanh. Người vợ đã sẵn lòng bỏ dở công việc làm nhiều năm tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Cô con gái út Minh Anh của họ năm nay mới bốn tuổi rưỡi.
NSƯT Dương Minh Đức ngồi đó, bên cạnh chiếc đàn piano sang trọng và quyến rũ, thỉnh thoảng choàng tay qua người cô con gái bé nhỏ Minh Anh đang cất giọng hát líu lo, nhõng nhẽo còn chưa tròn vành rõ chữ bên cạnh tiếng đàn của cha mình. Tôi có cảm giác anh như được trẻ hóa bởi niềm hạnh phúc nhân lên sau rất nhiều biến cố của đời sống.
Anh tâm sự: Tôi vẫn nhớ như in cái thuở mình nhang nhác tuổi của bé con bây giờ, tôi thường xuyên theo cha đến xưởng phim quân đội. Hồi đó, cha tôi là Giám đốc Xưởng phim Quân đội. Ông muốn rèn luyện tôi theo “kỷ luật sắt” nên ngay từ nhỏ ông đã muốn con trai mình sẽ trở thành một kỹ sư chế tạo máy. 6 tuổi, tôi theo cha mẹ tập kết ra Bắc và học Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, rồi sang Trung Quốc học trung học, trở về nước, tôi nhập ngũ và học ở Trường Quân chính Quân khu, sau đó về công tác ở Bộ Tư lệnh Hải quân, xuống tàu và sau này làm công tác bảo vệ cầu Long Biên.
Năm 1969, tôi thi đỗ vào ngành chế tạo máy tại Đại học Kỹ thuật quân sự và đã đạt những thành tích xuất sắc trong học tập. Nghề chế tạo máy cũng có cái hay giúp tôi có một niềm yêu thích ôtô sau này. Đến thời điểm này, tôi đã mua bán 20 chiếc xe ôtô, toàn ôtô cũ. Nghèo thì mua xe rẻ tiền, đến giờ tôi cũng chỉ đi xe cũ, nhưng thích lắm vì có “đất dụng võ”, tay chân lúc nào cũng lấm lem vì dầu, luyn. Mê xe là vậy nhưng dường như nghiệp cầm ca đã đeo đẳng tôi chưa bao giờ nguôi ngoai. Mà hình như ông trời cũng thương và ủng hộ tôi nên ngay khi ngồi trên ghế Học viện, tôi đã tham gia Hội diễn quần chúng toàn quân và được giải nhất với 2 bài hát Trong mỗi trái tim ta có Bác Hồ (tác giả Trịnh Nguyên Huân) và bài Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân). Tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường, một thời gian sau tôi muốn học thêm kiến thức về thanh nhạc nên đã thi vào Nhạc viện Hà Nội và đỗ thủ khoa. Thực sự thì đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng, có lẽ âm nhạc đã chọn tôi thì đúng hơn. Bản thân tôi cũng đam mê và nỗ lực hết mình nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn cha mình đã biết chỉ ra cho tôi một con đường tri thức trước khi đến với vinh quang của ánh đèn sân khấu. Sau hai năm học tại Nhạc viện, tôi đã tham dự cuộc thi tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt Huy chương Vàng với bài Chiều trên bến cảng. Cũng trong năm đó, tôi tiếp tục sang Liên Xô tham gia cuộc thi “Hoa cẩm chướng đỏ” và đoạt giải 3.
Khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, tôi được mời về Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội giảng dạy, đào tạo và làm quản lý ở đó cho tới ngày nghỉ hưu. Tôi từng tâm sự với nhiều anh em bạn bè mình rằng, tôi hoàn toàn đoán biết mình sẽ bị âm nhạc mê hoặc, chỉ sớm hay muộn thôi. Tuy nhiên, những kiến thức học được ở trường đại học đã cho tôi tự tin hơn khi đứng trên sân khấu, bởi khi đó, tôi tin chắc mình đã có một cái phông đủ vững để cất cánh những cảm xúc âm nhạc. Và cha tôi, chắc chắn ông cũng đã mãn nguyện với ngã rẽ mà tôi đã chọn. Bởi cho đến bây giờ, khi hai cha con ngồi chuyện trò cùng nhau, ở vào tuổi 87, ông vẫn dành cho tôi những ánh nhìn trìu mến”.
Có lẽ bởi được nuôi dưỡng trong một môi trường nghiêm khắc của người cha cộng với ý chí của một người trải qua nhiều năm tháng học ở trường thiếu sinh quân, nên nghệ sĩ Dương Minh Đức luôn kiên định đi theo con đường đã chọn của mình. Ông bảo, có lẽ nghiệp cầm ca như một định mệnh đã khoác vào ông, nên luôn luôn trong tâm niệm của mình, ông bảo, nếu có kiếp sau thì ông vẫn muốn được chọn lại con đường đã đi qua ấy. Bởi, cái nghề và cũng là cái nghiệp này đã mang lại cho ông tất cả những thứ ông cần ở cõi thế này: Bạn bè, tình yêu, niềm vui, sự lạc quan yêu đời… Với ông tiền tài, danh vọng không phải là một cái đích để đạt được bằng mọi giá, bởi vậy mà tiền ông kiếm đủ tiêu, không bao giờ hết, không bao giờ thiếu nhưng cũng chẳng dư giả như nhiều người vẫn nghĩ về nghề ca sĩ. Cái được của ông là những tấm lòng bè bạn, những người tri âm tri kỷ, có thể dựa vào vai nhau để đứng lên lúc khó khăn, có thể ngồi cùng nhau trong cuộc sống ồn ã, vô định này. Và, điều khiến ông tự hào nhất, là ở đâu trong những cuộc rượu bia, ông luôn là một “cây hài” của nhóm để kết nối mọi người, tụ họp mọi người. Ông biết điều tiết những tính cách bè bạn, để có thể cùng có một tiếng nói chung trong cuộc họp mặt ngắn ngủi của cuộc đời, để đôi khi chỉ cùng ngồi nghêu ngao lại một bài hát về tình yêu của lính, đời lính vào sinh ra tử để có ngày hòa bình vẫn trân trọng bên nhau.
Những ca khúc quen thuộc gắn với tên tuổi Dương Minh Đức như Trường Sơn nhớ Bác, Cây đàn ghi-ta của Đại đội 3, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người chiến sĩ ấy, Bài ca Trường Sơn, Chiều trên bến cảng… không chỉ được anh hát trên những sân khấu rực rỡ ánh đèn màu, không phải trong sự tỏa sáng của tấm màn nhung hay những tiếng vỗ tay vang dội trên sân khấu lớn có dàn quân nhạc hoành tráng mà còn được anh hát cho bạn bè mình nghe trong không gian ấm cúng ở nhà riêng, khi anh đã lúi húi vào bếp nấu cơm canh cùng vài món nhậu cho bạn bè cùng thưởng thức.
Thành công của Dương Minh Đức, là trong cuộc đời ca hát của mình, anh đã cùng bạn bè tổ chức được đêm nhạc kỷ niệm 40 năm ca hát đầy hoành tráng và trang trọng “Người chiến sĩ ấy”, trong đó có sự góp mặt của 5 nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của anh gồm nghệ sĩ Doãn Tần, Quang Thọ, Quang Huy, Hoàng Chè với những bài hát đã đi vào đời sống như Cây đàn ghi-ta của Đại đội 3 (Xuân Hồng), Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Doãn Nho), Mời anh đến thăm quê tôi (Nguyễn Đức Toàn), Cuộc đời vẫn đẹp sao (Phan Huỳnh Điểu). Nghệ sĩ Dương Minh Đức chia sẻ rằng, họ từng là “năm anh em trên một chiếc xe tăng” đã đi qua chiến tranh, được nếm trải mùi đạn bom, những hy sinh mất mát của đồng đội, nhưng vẫn “tiếng hát át tiếng bom”. Điều này càng có ý nghĩa, khi mấy chục năm sau chiến tranh chúng tôi vẫn đứng được trên sân khấu để hát cho bạn bè, đồng đội nghe. Đó như một lời tri ân tới những gì yêu thương nhất mà ông có thể dành tặng khán giả, như là lời dành tặng ngọt ngào cho những tháng năm tuổi trẻ sôi nổi của mình.
Tôi luôn nghĩ rằng, mỗi phận đời nghệ sĩ, luôn mang trong mình những nỗi đa đoan cuộc đời. Dù được bao bọc bởi vẻ bề ngoài xởi lởi, hài hước, hóm hỉnh nhưng ẩn sau tất cả những tiếng cười lạc quan, hào sảng, đằng sau những trận bia tràn say với tiếng hát hào hùng đầy chất lính ấy, là một nỗi niềm nhiều ưu tư trước những điều bất trắc của cuộc sống đã xảy ra với cuộc đời mình, gia đình mình. Điều khiến anh đau xé lòng và rơi nước mắt mỗi khi nghĩ đến trong những tháng ngày đối diện với sự thật, đó là sự ra đi đột ngột của cô con gái 12 tuổi (con đầu lòng với người vợ hai của anh). Cô con gái xinh đẹp Dương Hương Ly đàn hay, múa dẻo mà anh yêu hơn chính bản thân mình đã bị tai nạn đuối nước trong chuyến đi dã ngoại cùng lớp học. Lúc ấy, khi chỉ còn lại cậu con trai bé bỏng, nghệ sĩ Dương Minh Đức vẫn thầm ước ao rằng, cái định mệnh khắc nghiệt của tạo hóa ấy chỉ là một cơn ác mộng đối với gia đình anh.
Người vợ kém anh 19 tuổi già hẳn đi, bạc cả tóc sau tai nạn kinh hoàng ấy. Cho đến bây giờ, gia đình anh vẫn chưa thể vượt qua được nỗi mất mát ấy, mặc dù trong thâm tâm anh và vợ anh tin rằng, cô con gái yểu mệnh đã “phù trợ” cho vợ chồng anh sinh thêm được một cô con gái út (năm 2010) xinh xắn không kém chị mình, để làm nguôi ngoai nỗi buồn nhớ hình bóng con thơ trong hành trình còn rất dài ở phía trước của vị đại tá nghệ sĩ về hưu…
Dương Mạnh Linh sưu tầm nguồn http://antgct.cand.com.vn