Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Thị Lệ
- 17/10/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 2423
Nhân dịp ngày truyền thống phụ nữ Việt Nam (20/10), Ban biên tập xin đăng tải câu chuyện về nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Thị Lệ, người đã từng góp sức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với “Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”, cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, bà Dương Thị Lệ lại dành cho cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên bà đã sớm có cảm tình với cách mạng và căm thù giặc. Biết cha và anh ruột tham gia kháng chiến, bà xin đi theo. Nhưng thấy bà còn nhỏ tuổi nên gia đình không cho phép. Vậy là bà lên Sài Gòn tham gia lực lượng Biệt động. Ký ức về những ngày tháng hoạt động ở Sài Gòn, bà Dương Thị Lệ kể lại “Lúc đầu khi tham gia Đội Biệt động Sài Gòn tôi được giao nhiệm vụ làm giao liên. Tôi giả làm người đi buôn, lúc thì bán khổ qua, lúc thì bán cam, bưởi, khóm… Những bức thư mật hay lựu đạn được giấu trong những trái cây, sau đó tôi chuyển từ nơi này sang nơi khác phục vụ chiến đấu, có khi chuyển về tận Cà Mau, Bến Tre…”.
Đến năm 1969, do bị lộ nên bà Dương Thị Lệ trở về xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, vừa tham gia công tác dân y, vừa làm du kích xã. Với vai trò là y tá, bà đã hết lòng chăm sóc sức khỏe cho anh em đồng đội. Trong những trận chiến, bà đã kịp thời có mặt để băng bó vết thương và chuyển anh em đồng đội về tuyến sau. Có lần, trong khi đang chăm sóc vết thương cho các chiến sĩ thì địch càn vào địa hình, bà cùng các chị em vừa cảnh giới vừa dìu đỡ anh em xuống hầm tránh bom an toàn. Với vai trò là du kích xã, bà đã tham gia tất cả 9 trận đánh, tiêu diệt 8 tên địch (trong đó có 5 tên ác ôn), thu được 4 súng. Bà đã 11 lần bị thương nặng khi tham gia các trận đánh, có lúc gãy tay, bị thương ở chân, đầu, mắt,…. Điều đáng nói là sau mỗi lần bị thương, bà không hề tỏ ra lo sợ, mà những vết thương đó càng làm bà thêm căm thù giặc. Bà còn vận động gần 40 thanh niên tham gia du kích, luôn đi đầu và vận động quần chúng nhân dân xây dựng ấp, xã chiến đấu, giữ vững vùng giải phóng.
Trong những trận đánh mà bà Dương Thị Lệ tham gia, thì trận đánh Lộ Me, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành vào tháng 2/1975 là trận đánh ác liệt nhất, bà Dương Thị Lệ kể lại “Trận xuất kích 3 tiểu đoàn Bảo An tháng 2 năm 1975 ác liệt lắm. Lúc bấy giờ tôi là xã Đội trưởng xã Tam Hiệp dẫn đầu Tổ xông lực. Trên bờ Lộ Me rộng khoảng 4m. Bị mình tấn công, bọn chúng ném trái M79 khiến nhiều anh em bị thương, lúc đó tôi cũng bị gãy cánh tay, bị thương ở mắt. Tuy bị thương nhưng tôi vẫn cố gắng xông lên phía trước. Tôi nhận thấy hướng địch đi vào không đúng địa hình như kế hoạch khiến Tổ phá đầu không tiến lên được. Nếu để địch tiến lên thì tình hình rất nguy kịch, chúng sẽ bao vây mình. Trước tình thế cấp bách đó, tôi quyết định cho Tổ xông lực tiến lên làm tổ đầu để giải vây cho cánh “2 chéo gà”. Trận đó chúng ta toàn thắng, giết được 36 tên địch, thu được nhiều súng, lực đạn”.
Với sự chiến đấu kiên cường, cùng khả năng nhận diện địa hình nhanh nhạy, xử lý tình huống sáng tạo và hiệu quả của bà trong trận đánh Lộ Me tháng 2 năm 1975, bà Dương Thị Lệ vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Ngoài ra, bà còn được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì và hạng Ba.
Trong những ngày cả nước kỷ niệm 40 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, nhớ lại những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, bà Dương Thị Lệ kể lại “Lúc đó tôi đang chiến đấu ở xã Tam Hiệp thì được cử đi dự chiến sĩ thi đua toàn quốc. Khi được đoàn cán bộ Trung ương thông báo chiến dịch Hồ Chí Minh đang xuống đường, tôi nhập cuộc cùng tải lựu đạn, súng về Sài Gòn phục vụ chiến đấu. Khi được các anh thông báo: Giải phóng! Giải phóng rồi! Hòa bình rồi! tôi mừng lắm!”.
Bà Dương Thị Lệ cũng có một mối tình đẹp trong chiến tranh, bà cùng một người lính bộ đội tên Nguyễn Văn Non yêu thương nhau được 5 năm, nhưng bà vẫn kiên quyết nói với người yêu “khi nào đất nước hòa bình em mới tính chuyện gia đình, anh thương em thì hãy đợi”. Thật vậy, mãi đến năm 1977 ông bà mới được ở bên nhau. Và kết tinh cho mối tình tuyệt đẹp đó là 4 người con: 3 gái, 1 trai lần lượt ra đời trong hòa bình, độc lập.
Khép lại chiến tranh tàn khốc nhưng những ngày tháng lịch sử ấy mãi là những hồi ức không thể nào quên, là niềm tự hào cổ vũ bà tiếp tục ra sức cống hiến cho quê hương, đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù năm nay tuổi đã cao nhưng bà Dương Thị Lệ vẫn tích cực tham gia lao động sản xuất. Chúng tôi đến thăm gia đình vào một buổi trưa, bà Lệ vẫn đang cậm cụi ngoài rẫy chăm sóc những liếp đậu phọng, chuối, khoai mì, khoai lang,… Bà còn nuôi thêm cả trăm con gà thịt để phát triển kinh tế.
61 năm tuổi đời và 39 năm tuổi Đảng, cô nữ du kích Tam Hiệp năm xưa giờ vẫn lặng lẽ đóng góp sức mình cho sự đổi mới đi lên của quê hương, đất nước. Bà Dương Thị Lệ là tấm gương bình dị, tỏa sáng giữa đời thường để thế hệ trẻ chúng ta học tập và noi theo.
Ban biên tập