Nữ giáo viên trẻ gieo chữ trên “Mây”, khởi đầu ước mơ đến trường cho trẻ em người Mông

Đóng góp vào thành tựu giáo dục của xã Vần Chải trong những năm qua, có một nữ giáo viên đặc biệt – Dương Thị Hương (SN 1994, dân tộc Hoa), cô cao 1m45, nặng 38kg, tiền sử huyết áp thấp, nhịp tim đập chậm, thiếu máu toàn thân. Tuy vậy, cô lại là một trong hai giáo viên trẻ nhất và là người luân chuyển qua nhiều điểm trường khó khăn nhất (Chua Say, Sủng Khúa B, Phìn Chải B, Séo Lủng, Tả Lủng) trong số các giáo viên hiện tại của Trường mầm non Vần Chải.

Chỉ thấy đường chông chênh là đá, không biết đâu là vực đâu là vách núi

Từ thành phố Hà Giang, men theo Quốc lộ 4C, qua những ngọn núi hiểm trở của Cao nguyên đá Đồng Văn, đi thêm hơn 100km nữa, tôi đã đến con đường dẫn vào xã Vần Chải. Chặng đường vừa qua tưởng rằng đã khó nhưng con đường vào Vần Chải còn khó hơn, đúng với nghĩa “bản trong mây”. Đúng giờ chính Ngọ, nhưng sương vẫn còn dày đặc, sương che lấp tầm mắt, không thể nào nhìn quá tầm 2m, chỉ có thể ước chừng bên trái là vách núi, còn bên phải là vực thẳm và đi thật chậm trên con đường trải bê tông nhỏ hẹp.

Trường mầm non Vần Chải (xã Vần Chải, Đồng Văn, Hà Giang) chìm khuất trong làn sương mù dày đặc

Trường mầm non Vần Chải nằm ở trung tâm xã, nói là trung tâm cho “oai” nhưng ở đây chỉ có mấy nóc trụ sở như – UBND xã, Trạm y tế, trường học, còn nhà dân phân bố rải rác trong một khu vực rộng lớn chỉ thấy toàn núi cao và mây trời. Từ tầng 2 của điểm trường chính, cô Hương hướng ngón tay chỉ về quả núi thứ 4, “Điểm trường Tả Lủng nằm ở trong thung lũng của quả núi này”. Căng con mắt nhìn về phía đó, tôi chỉ thấy độc núi đá, những loài cây nhỏ dại và đường thì như những sợi chỉ không màu lẫn vào cái thiên nhiên hoang sơ đó, không thể định vị được.

Ngay từ sớm, cô Hương đã nhắc khéo tôi, trời đang mưa, nếu vào điểm trường thì phải vào từ sớm, vì nếu muộn quá sương giăng, trời tối đi lại rất nguy hiểm. Nhưng vì một số công việc với xã, 5 giờ chiều chúng tôi mới khởi hành, cô đã đi hàng trăm, hàng nghìn lần trên con đường này nhưng với tôi đây là lần đầu tiên. Mọi khi vào đây, vì đường hiểm trở, tay lái yếu nên cô thường gửi xe ở trung tâm xã và đi bộ vào điểm trường, nếu trên chặng đường không đi nhờ được xe của ai thì cô đi mất khoảng 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Có lẽ cũng vì vậy, trong suốt 6 năm qua, vì đi lại mất thời gian, cộng với thể trạng sức khỏe không như người khác nên cô đã lựa chọn ở lại điểm trường, sao cho thuận tiện nhất cho cái nghề gieo chữ của mình.

Con đường vào điểm trường Tả Lủng (thôn Tả Lủng)

Chỉ một đoạn ngắn từ trung tâm xã đi vào điểm Tả Lủng được trải bê tông, đến lưng chừng núi là bắt đầu vào đoạn đường đá. Con đường này trước đây vốn là con đường mòn, do người dân đi mãi men vào núi đá mà thành, sau rồi được chính quyền địa phương huy động nhân dân phá đá vào núi để mở rộng đường. Vì vậy, nên khi thoảng bánh xe (xe máy) thường bị trượt qua những đoạn xương núi, xung quanh là những hòn đã nhỏ – được cán bộ thôn và bà con đập ra từ những tảng đá to lăn từ trên xuống để san lấp vào những hốc, những rãnh đá, giúp việc đi lại được dễ dàng hơn.

Mới hơn 17 giờ thôi, trời đã tối mù tối mịt, không thấy nổi một bóng đèn nhà dân. Sương giăng kín cả bốn phía, dẫu xe máy đã bật đèn pha nhưng tôi không thể phân định bên nào là vách núi, bên nào là vực núi, chỉ biết đi vào giữa đường. Tưởng rằng dễ đi, ai ngờ nhiều lúc bánh xe vướng vào những hòn đá to thì chững lại, dẫu về số 1 nhưng xe nhiều lần vẫn bị chết máy, cả đoạn đường trở nên đen kịt. Không có tiếng động cơ, lại chẳng có ai đi lại, chỉ thấy tiếng thở âm u của núi rừng.

Toàn cảnh con đường tôi với cô Hương vào điểm trường Tả Lủng – một bên vách núi, một bên là vực

Ngồi ở phía sau, cô Hương nhắc tôi nên đi vào hai mép đường nhưng vì tôi bị cận nặng (gần 5 độ) nên không dám đi, vì sợ lỡ tay vít ga xuống vực. Tôi nhắc cô Hương quen đường ở đây thì chỉ cho tôi nên đi bên nào cho tiện, mới vỡ lẽ ra cô cũng bị cận nặng, trời tối và sương dày như thế này cô cũng chịu. Tôi vô cùng lo lắng và nghĩ rằng, đây là một lần nhớ đời của mình, nếu có lần sau vào sâu trong núi thì phải đi sớm hơn.

Cố gắng đi được một lúc thì thấy phía trước có chiếc xe tải, chiếc xe to choán gần như hết cả lòng đường, tôi lo sợ, cố gắng di chuyển thật chậm từ giữa sang mép đường phía bên vực núi. Ngồi đằng sau, cô Hương kể trước đây cũng có một chiếc xe tải đi vào bản nhưng không may bị rơi xuống vực. Một lần khác có một thầy giáo tiểu học ở ngoài kia đi vào, cả người lẫn xe bị rơi xuống vực, thầy bị gãy mất một chân, thầy vẫn bám trường trong này, có khác chăng trước thầy tự đi xe máy còn nay phải đi nhờ…

Cũng trên đoạn đường này, cách đây 6 năm, cụ thể là vào tối ngày 7/11/2014, cô Hương lần đầu tiên đi vào điểm trường Chua Say (điểm trường xa nhất của Trường mon Vần Chải), cách trung tâm xã 10km. Tuy cùng nằm trên một tuyến đường, nhưng đoạn đường đến Tả Lủng còn có đường đá, dẫu sao vẫn có thể đi được, còn đoạn đường đến Chua Say còn có cả đường đất, trời mưa rất trơn trượt và chỉ có thể đi bộ. Trước đó, cô Hương học sư phạm nghề ở Hải Dương, sau khi tốt nghiệp cô trúng tuyển và được phân đến Vần Chải, “Lúc mới nhận quyết định, tôi cũng bỡ ngỡ lắm, đang suy nghĩ – không biết xã Vần Chải nằm ở chỗ nào, đi trường mầm non đó như thế nào?”. Sau rồi hỏi được đến điểm trường chính, do đường sá đi lại khó khăn, chiều hôm đó cô Hương được một số thầy cô giáo lâu năm “tháp tùng” vào điểm Chua Say.

Trời hôm đó cũng mưa, nhiều sương mù, trời cũng tối như hôm nay, có khác chăng đường lầy lội vì phải đi thêm đoạn đường đất, cả xe và quốc bộ phải gần 4 tiếng mới tới nơi, trong trạng thái mệt mỏi, cô Hương cảm thấy hụt hẫng, trong lòng bỗng giác thốt lên, “Ối giời ơi, sao mà vậy?”, “Sao lại đi đến điểm trường nó xa xôi đến như thế này?”…

Cuối cùng chiếc xe ô tô cũng an toàn đi qua, còn tôi thì an toàn trở lại đoạn khu vực giữa đường. Tuy vậy, ở những đoạn đường trắc trở, cô Hương vẫn phải xuống đi bộ, chúng tôi đi mất gần 1,5 tiếng để đến điểm trường Tả Lủng, đường trơn phải gửi xe ở nhà dân và đi bộ một đoạn nữa mới tới nơi.

Không khó vì ngăn sông cách núi, khó vì ngại núi e sông

Đường sá khó khăn chỉ là một phần, cái khó thêm là ở điểm Chua Say (thôn Chua Say) không có điện, không có mạng viễn thông, đến ngay cả nước ngọt là thứ bình thường nhất vẫn khan hiếm, mọi thứ dường như bị cô lập với bên ngoài. Đồng bào nơi đây dường như cả ngàn đời nay sống tách biệt với ánh điện của sự văn minh, đất ở đây trồng giống ngô địa phương 5-6 tháng cho thu hoạch một lần. Đó là nếu thời tiết thuận lợi, còn chẳng hạn như trời lũ lụt, sạt lở, giông lốc hoặc trời quá lạnh thì cái giống ngô chịu rét giỏi nhất này cũng bị thất thu.

Nương ngô của đồng bào người Mông bị làn sương giá lạnh bủa vây
Ngôi nhà của một gia đình người Mông ở Vần Chải

Tận mắt mục sở thị những cảnh đó, cô Hương mới tin rằng, nếu ở những nơi khác gạo vốn là một thứ mà nhà nào cũng có thì ở nơi đây gạo được coi là của quý trong nhà. Một cân thóc dưới xuôi 7.000 đồng/kg thì ở đây 11.000 đồng/kg, một cân gạo ở dưới xuôi 11.000 đồng/kg thì lên là 17.000 đồng/kg. Vì quý như vậy, nên không phải ai trong gia đình cũng được ăn gạo, gạo để dành cho người già, cho trẻ em – tương lai của vùng đất này, còn những người cha người mẹ thì phải ăn mèn mén – một thứ thức ăn được đồ lên từ bột ngô.

Ở đây, người ta trò chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ chính là tiếng Mông, tiếng phổ thông như một thứ ngoại ngữ vương giả ở nơi này. Bởi thế, có những nhà, cả gia đình 3 thế hệ (ông bà, cha mẹ, con cái) không có đến một người biết tiếng phổ thông (tiếng Việt). Không biết tiếng Việt, họ chẳng phân biệt nổi cái nào là chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, giấy khai sinh, cái sổ đỏ có hình dạng ra sao, và cô Hương đã có nhiều lần vất vả giúp họ tìm những giấy tờ này.

Những ngày đầu mới vào điểm trường, cô Hương không biết nói nhiều tiếng Mông như bây giờ, nên việc dạy trẻ gặp nhiều trở ngại. Trường không có nhà sẵn, phải học nhờ hội trường thôn, lớp đó có 41 trẻ, trẻ toàn nói tiếng Mông, cô thì nói tiếng phổ thông, trẻ không hiểu cô nói gì, cô cũng không hiểu trẻ nói gì. Trong cảnh đó, cô Hương cũng rơm rớm nước mắt, “Khổ quá, không biết làm thế nào để dạy được cái lớp học này, làm thế nào để xong hết cả cái năm học này đây?”. Nhất là những lúc về đêm, chỉ có một mình ở lại điểm trường, trạng thái tâm lý này càng dâng lên mãnh liệt, nó cảm dỗ cô bỏ cuộc, “Ối giời ôi, nói mãi học sinh chẳng nghe, chắc đi về thôi”.

Nhưng rồi bóng đêm cũng qua đi, bình minh lên rất đẹp, đã nhiều lần cô Hương phải lôi điện thoại ra để ghi lại những khoảnh khắc mà ánh sáng chia vùng đất này làm 2 nửa. Nửa ở phía trên là mây rất trắng, không biết ở trên đấy có gì và có đẹp hay không, nhưng ở phía dưới thì rất đẹp, ánh nắng lọt qua tầng mây và chiếu rọi những ánh hào quang xuống núi rừng, xuống từng bản làng.

Nhìn về phía đó, cô nghĩ về dân tộc của mình, trước khi Con đường Hạnh Phúc (nối từ TP Hà Giang đến Đồng Văn, Mèo Vạc) được hoàn thành (1965), đồng bào của cô cũng bị cô lập trên cao nguyên đá như đồng bào ở nơi đây, bị đói nghèo, lạc hậu bủa vây. Nhưng kể từ khi con đường này hoàn thành, ánh sáng văn minh đã về đến Cao nguyên đá Đồng Văn, không chỉ nạn phỉ được dẹp yên mà giáo dục đã về với bà con nơi đây, chữ đã gieo trồng nên hạnh phúc, nên ấm no, mang đến sự bình đẳng và góp phần đưa thị trấn Phố Bảng trở thành nơi phát triển bậc nhất của huyện Đồng Văn. Tất nhiên, đằng sau đó có sự hy sinh của rất nhiều người, những giáo viên ở miền xuôi đã rời mảnh đất phì nhiêu để lên non cao gieo chữ, trồng chữ trên đá. Ngày xưa cô là hạt mầm mà các thầy cô ấy đã gieo, giờ đây cô là một cái cây đã trưởng thành, “Vậy tại sao sau khi đã được thụ hưởng những điều tốt đẹp đó, mình lại không tiếp bước sự nghiệp này?”, cô Hương tự nhủ.

Cô Hương dần hiểu ra, “Đúng vậy, đường đi vốn không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Giờ đây thay vì suy nghĩ tiêu cực, cô biến thành hành động, thiếu nước, cô đề nghị thôn hỗ trợ xây bể chứa nước, dùng nước tiết kiệm, cuối tuần mới mang quần áo về nhà giặt. Khó khăn trong vận động người dân đưa trẻ đến trường, cô nhờ trưởng thôn đưa vào nhà để tìm hiểu hoàn cảnh, nếp sống và vận động họ cho con cái đi học, để hưởng đầy đủ các ưu đãi của Nhà nước (miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế…). Những hôm trẻ không đến lớp đầy đủ, tranh thủ sau khi tan học cô thường đến tận nhà từng em để tìm hiểu nguyên nhân vì sao, qua đó chia sẻ những khó khăn cùng với gia đình. Hoặc những khi buổi chiều rảnh rỗi hay buổi tối không có việc gì làm, cô thường vào chơi từng hộ gia đình để học tiếng bản địa. Cô chỉ vào con gà và hỏi họ nói tiếng Mông như thế nào, họ nói xong, cô nói lại bằng tiếng Mông và một lần nói lại bằng tiếng Kinh. Không chỉ học ở người lớn, cô còn học ở chính những học trò của mình, từ đó vốn ngôn ngữ bản địa của cô cũng được nâng lên, trợ giúp cô rất nhiều trong việc giáo dục trẻ.

Cô Hương giới thiệu về bể chứa nước mưa ở sau một điểm trường

Cô Hương trong một lần vào thăm gia đình anh Sùng Nhìa Súa (SN 1987), anh chị có một cháu đang học tại lớp của cô

Những khi thôn họp, lớp học phải nghỉ, thay vì đi đâu đó, cô Hương ở lại thôn để cùng sinh hoạt với mọi người. Qua những buổi như thế này, cô không chỉ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, tình hình sản xuất của bà con, mà cũng qua đây cô chia sẻ tình hình sức khỏe của trẻ tới các bậc phụ huynh, dặn phụ huynh điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ sao cho hợp lý, hoặc nhà này cần đưa con đi khám bệnh. Những nhà nào hay làm lễ cúng, nên hạn chế cho con nghỉ quá một tuần, cần cho trẻ đến lớp đều để theo kịp kiến thức mà cô đã truyền thụ.

Với những việc làm đó, chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng học sinh đi học đầy đủ tăng lên, phụ huynh cũng ý thức hơn về tầm quan trọng của việc cho con em đến trường. Bước sang học kỳ 2, năm học 2014 – 2015, trẻ bắt đầu hòa nhập và hứng thú hơn đối với các hoạt động giáo dục của cô. Kết thúc năm học, lớp có 17 trẻ trên 5 tuổi thì cả tất cả đều chuyển lên lớp một hết, nhớ về thành quả này, cô Hương bất giác mỉm cười, “Ôi, mình vui quá. Cuối cùng mình cũng dạy được hết các con, các con cũng hiểu được, các con biết được các chữ cái, chữ số, một số môi trường xung quanh và biết lễ phép chào hỏi thầy cô”.

“Trường mầm non là ngôi nhà thứ hai của bé”

Trong 6 năm công tác, cô Hương là một những giáo viên trẻ nhất và là một những giáo viên luân chuyển qua nhiều điểm trường khó khăn nhất trong số các giáo viên hiện tại ở trường. Đầu năm học mới (2020 – 2021), cô Hương được chuyển đến tăng cường cho điểm trường Tả Lủng, cô phụ trách lớp 5 – 6 tuổi, lớp học có 33 cháu, các cháu 100% là người Mông.

Điểm trường Tả Lủng (ngói đỏ) nằm ở dưới xung lũng, xung quanh bốn bề là núi cao

Khác với những điểm trường trước (Chua Say, Sủng Khúa B, Phìn Chải B, Séo Lủng), đây là điểm trường đầu tiên mà cô không phải dạy nhờ ở hội trường thôn. Trước đó, được sự đóng góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, điểm trường Tả Lủng đã được xây dựng và đi vào sử dụng kể từ tháng 9/2020. Việc có lớp học riêng, khiến việc dạy học của cô Hương thuận tiện hơn rất nhiều, không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của thôn xóm như các điểm trường trước, việc học của trẻ cũng vì thế mà trở nên ổn định, đi vào nề nếp hơn.

Nhìn về điểm trường khang trang với 2 phòng học, 1 phòng ngủ, có nhà vệ sinh, có bể nước mưa, cô Hương nhớ về một kỷ niệm cách đây không lâu ở điểm trường Sủng Khúa B, trong một đêm trời mưa bão, gió lốc thổi mạnh cuốn bay tấm ngói bờ-lô trên đầu, “Tôi sợ quá, phải chui ngay xuống gầm giường nằm chờ cho đến sáng”, cô Hương nhớ lại.

Cô Hương đón trẻ vào lớp học ở điểm trường Tả Lủng

Những ngày đầu đến nhận điểm trường, thấy lớp học trống trải vì chưa có góc trang trí nào, cô Hương bèn nghĩ cách bố cục và nội dung ra sao để thu hút trẻ đến lớp hơn: “Trẻ đến lớp, thấy cô trang trí đẹp, trẻ cũng thích và siêng đến lớp, chăm chú nghe giảng hơn”. Thế rồi, tranh thủ khi chiều tối không có việc gì, cô thường ngồi nghiên cứu và trang trí lần lượt cho từng góc.

Từ những tờ giấy màu đơn sơ hay những vật dụng bị hỏng, chỉ sau hơn một tháng, bằng tình yêu và khối óc, cô Hương đã trang trí được rất nhiều góc học tập có nội dung như – Góc học tập, Góc thư viện, Chú thợ tí hon, Góc phân vai, Bé yêu chủ đề, Bé nào khéo tay… Trong số đó, phải kể đến Góc truyền thống, góc này giới thiệu về phong tục, tập quán của đồng bào người Mông (trồng ngô, quần áo, nông cụ, nhạc cụ), cũng qua đây cô mong muốn trẻ hiểu thêm về dân tộc của mình, tuy trẻ học tiếng Việt nhưng trẻ vẫn là người Mông, và cần lưu giữ những văn hóa tốt đẹp, tiến bộ. Hay góc Bé yêu thiên nhiên cũng khá đặc biệt, ở đây có nhiều loại cây cô nhặt ở xung quanh điểm trường như cây hóa đá, cây lô hội, cây hoa mười giờ, cây hoa cúc… giáo dục trẻ lòng yêu thiên nhiên, bảo vệ rừng.

Các góc học tập và các loài cây được cô Hương trang trí trong lớp học

Trước những góc học tập nhiều sắc màu, được cắt tỉa khéo léo ấy, trẻ tò mò và quan sát nhiều hơn. Biết trẻ nhỏ có tính hiếu động, nên cô thường xuyên để ý và dặn trẻ, “Nếu như các con giật ra, làm hỏng đi thì mai chúng mình đến lớp sẽ không còn cái gì để nhìn nữa. Bởi vậy, chúng mình phải cố gắng cùng cô giáo giữ gìn, chúng mình không được bôi bẩn và cũng không được xé của cô giáo đi”. Không chỉ về phía các trẻ, ngay cả phụ huynh khi đưa con đến lớp, nhìn những góc trang trí đẹp như vậy, họ cũng vui mừng, động viên con cái đi học đầy đủ để được ngắm nhiều góc đẹp được cô trang trí hơn nữa. Nghe những lời như vậy, cô Hương cảm thấy mình vui lắm, “Tinh thần mình cũng khác hơn so với trước, mình vui, phấn khích lên và có tinh thần hơn để để rèn giũa cho các con”.

Ở chính giữa lớp, cô Hương cắt dán cẩn thận dòng chữ, “Trường mầm non là ngôi nhà thứ hai của bé”. Khẩu hiệu này, cũng chính là phương châm giáo dục trẻ của cô. Cô muốn cho trẻ cảm nhận được, khi đến trường thì các con cũng được cô chăm sóc và giáo dục như lúc các con ở nhà. “Nói một cách đơn giản, việc các con đi học chỉ đơn thuần là từ căn nhà thứ nhất đến căn nhà thứ hai của mình mà thôi!”, cô Hương giải thích.

Trẻ lớp 5 – 6 tuổi điểm trường Tả Lủng

Trò chuyện đã lâu, trời đã về khuya lâu năm rồi, tôi hỏi cô một câu cuối cùng, “Cô có muốn nói điều gì về ngày 20/11 hay không?”. “Với tôi, ngày 20/11 cũng không có gì khác lạ so với những ngày bình thường. Và có lẽ, chỉ cần trẻ đi học đầy đủ thôi thì một năm đã có 365 năm ngày 20/11 rồi”, cô Hương mỉm cười nói, một nụ cười thật dịu hiền.

Chia sẻ về cô Hương, cô Phạm Bích Hân, Hiệu trường Trường mầm non Vần Chải xúc động nói, “Cô giáo Dương Thị Hương hiện nay đang công tác ở điểm trường Tả Lủng, cách trường chính là 7km, bà con ở đây 100% đều là người dân tộc Mông. Với sự nhiệt tình, cô giáo Dương Thị Hương luôn luôn đến từng nhà dân để vận động bà con đưa học sinh đến trường. Chính vì vậy, dù thời tiết có như thế nào, thì số học sinh ở điểm trường này đều duy trì từ 97% trở lên”.

Ghi nhận những cố gắng trên, mới đây UBND huyện Đồng Văn đã biểu dương cô Hương là một trong 38 giáo viên/52 đơn vị trường học vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các điểm trường.

Hiện nay, Trường mầm non Vần Chải có 24 giáo viên (19 biên chế, 5 hợp đồng), 467 học sinh (397 học sinh mẫu giáo, 70 cháu nhà trẻ). Các giáo viên và học sinh phân bố tại 10 điểm trường, điểm trường gần nhất cách trung tâm xã 5km, điểm trường xa nhất cách 10km. Với tinh thần “yêu nghề, mến trẻ”, các cán bộ, giáo viên đã vượt qua rất nhiều trở ngại để gieo con chữ trên vùng núi đá chỉ có độc cọc cằn, nâng tỉ lệ trẻ đi học đầy đủ đạt 95%.

ÔNG TRẦN NGỌC GIÁC, CHỦ TỊCH UBND XÃ VẦN CHẢI:

Vần Chải là một trong 2 xã đặc biệt khó khăn nhất của huyện biên giới – Đồng Văn (Hà Giang), tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 65%. Toàn xã có 821 hộ, 13 thôn bản với 4.236 khẩu, trong đó đồng bào người Mông chiếm trên 99%. Tỉ lệ người từ 15 – 60 tuổi mù chữ ở địa bàn này chiếm tương đối cao với khoảng 32%. Việc không biết chữ, cộng với địa hình núi cao (thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước ngọt, đất kém màu mỡ…), đường sá khó khăn khiến cho đời sống của người dân nơi đây dường như bị cô lập, họ bị bủa vây bởi đói nghèo, tăm tối và lạc hậu.

Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam

 

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com