Ở nơi chất thải gia súc cũng là tiền
- 04/11/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 4602
Buổi sáng đầu Đông, tôi theo đoàn của HĐHDVN đến thăm trang trại nuôi bò thịt của Công ty CP giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình tại xã Yên Mông, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Vừa ra khỏi nhà đã gặp cơn mưa sụt sùi, rền rĩ. Nhìn bầu trời u ám với màn mưa thưa nhặt ngoài cửa, nghĩ đến việc vào trang trại bò tôi không khỏi ái ngại, thầm nghĩ: “Mưa gió sụt sùi thế này đến trang trại bò sẽ ra sao?”.
Thức ăn chăn nuôi từ phế phẩm nông nghiệp
Vốn sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nơi nhà nào cũng nuôi 1 – 2 con trâu, bò, vừa để lấy sức kéo, vừa lấy phân bón ruộng nên suốt những năm tháng tuổi thơ tôi bị ám ảnh bởi cái mùi không dễ chịu từ chất thải của loài đại gia súc này. Cho nên, dù đã được nghe chủ nhân của trang trại giới thiệu trước đó, được nghe nhiều tiếng ngợi khen sự sạch sẽ đến mức không tưởng của trang trại bò tại Công ty T&T 159 Hòa Bình nhưng trong tôi vẫn không tránh khỏi nhưng hồ nghi, e ngại. Vậy nhưng, khi vừa đặt chân đến nơi này, mọi e ngại của tôi tan biến.
Trang trại bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt nằm trong dự án Khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và Trại sản xuất bò giống chất lượng cao, tại xã Yên Mông, TP.Hoà Bình. Với diện tích gần 30ha được phân thành nhiều khu khác nhau như: Khu phối trộn thức ăn, khu sản xuất đệm sinh học, khu chế biến phân bón, khu bò giống, khu nuôi vỗ béo bò khu vỗ béo trâu… Cảm nhận ấn tượng nhất của tôi khi đến với trang trại là dù số lượng trâu, bò được nuôi ở đây rất lớn, như anh Tùng – một cán bộ của công ty – giới thiệu, có thời điểm lên tới 7.000 – 8.000 con, nhưng không hề có mùi khó chịu của phế thải chăn nuôi như tôi nghĩ. Dù lượng chất thải trong chuồng khá dày nhưng không có bóng dáng của ruồi, muỗi – loài côn trùng vốn thường thấy ở bất kỳ trại chăn nuôi gia súc nào, bất kể là đơn lẻ hay tập trung. Trong mỗi khu chăn nuôi, những con bò sạch sẽ như vừa được tắm táp và đều được gắn mã số để theo dõi sự phát triển. Đem những thắc mắc này hỏi ông Hà Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty, tôi được biết, khu nuôi bò được trải một lớp đệm lót sinh học, chính lớp đệm này sẽ thu gom mọi phế thải từ bò và xử lý để chúng không còn mùi hôi. Lớp đệm sinh học này cũng do chính Công ty T&T 159 sản xuất và đưa vào sử dụng. Đây chính là bước đột phá trong chăn nuôi đại gia súc mà Công ty triển khai thực hiện thành công. Ông Hà Văn Thắng cho biết: “Đệm lót được sản xuất bằng chính những phế, phụ phẩm của nông – lâm nghiệp như vỏ cây, rơm rạ… Những gì gọi là bỏ đi, vô tác dụng thì chúng tôi dùng nó để biến thành thứ có tác dụng tối ưu. Phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học là phương pháp đưa các vi sinh vật vào trong đệm lót và chính quá trình lên men của vi sinh vật sẽ tiêu hủy hoàn toàn mùi hôi. Việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không chỉ đem lại hiệu quả cao khi đảm bảo được môi trường, giảm chi phí mà còn có tác động xã hội tích cực. Nếu theo phương pháp chăn nuôi truyền thống, người chăn nuôi sẽ phải thu gom chất thải, rửa chuồng hàng ngày, sử dụng hầm biogas… mất nhiều thời gian, nhân công, việc xử lý môi trường cũng không triệt để”. Nguyên lý của đệm lót sinh học là tự các vi sinh được cấy trong đệm lót sẽ phân giải mạnh, đồng hoá tốt các thành phần có trong chất thải động vật để chuyển hoá thành các chất vô hại, kìm hãm sự phát triển của các vi sinh vật có hại có trong nền chuồng nuôi. Sử dụng phương pháp này Công ty không phải lo thu gom chất thải, rửa chuồng, xử lý môi trường nên chi phí cho những khâu này được giảm đáng kể. Cùng với đó, chuồng trại sạch sẽ cũng sẽ làm cho vật nuôi khỏe mạnh hơn cũng không phải quá lo lắng cho việc mua thuốc phòng, chữa trị bệnh.
Chưa hết ngạc nhiên về sự sạch sẽ đến mức khó tin của hệ thống chuồng trại, tôi lại bất ngờ khi bước vào khu chế biến thức ăn cho chăn nuôi. Bởi ở đây Công ty đã có quy trình tận dụng mọi phế, phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp để chế biến thức ăn cho trâu, bò. Những thứ tưởng rằng như bỏ đi sau thu hoạch nông nghiệp như: Rơm rạ, lõi ngô, thân lá cây ngô, thân cây đậu, thân cây lạc, cỏ… được công ty thu gom, đưa về được ủ bằng các chủng loại men vi sinh. Chính nhờ sự đầu tư cả nhà máy chế biến thức ăn tại chỗ cho trâu, bò để tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, Công ty T&T 159 Hòa Bình đã tối ưu hóa được lợi nhuận, giảm giá thành chi phí cho chăn nuôi.
Khi chất thải cũng là tiền
Tận dụng những thứ tưởng chừng bỏ đi để làm nguyên liệu cho chăn nuôi đã là một bước cải tiến mang tính đột phá, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn, đó là nguồn lợi Công ty thu được từ sản xuất phân bón hữu cơ bằng phế phẩm nông nghiệp và chất thải của bò. Chính vì vậy, hệ thống trang trại ở đây chỉ có nước thải mặt, tức là nước mưa chứ không có nước thải chăn nuôi. Theo ông Hà Văn Thắng, chính sự ưu việt này đã khiến công ty “gặp khó” khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bởi không một ai tin không có chất thải trong quá trình chăn nuôi.
Theo ông Hà Văn Thắng, mỗi ngày, một con bò thịt thải ra khoảng 20kg phân và 30 lít nước tiểu. Với quy mô chăn nuôi như hiện tại, trung bình khoảng 5.000 con không kể lúc cao điểm, nếu thu gom hết nguồn phế thải của trang trại, có thể sản xuất tại chỗ được 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh/ngày, tương đương khoảng 300 – 500 triệu đồng. Nguồn thu này đủ để vận hành toàn bộ trang trại trong ngày. Ông Thắng cười bảo: “Triết lý của công ty là tận thu mọi thứ, không có gì là bỏ đi. Đây chính là mô hình chuỗi sản xuất tuần hoàn. Đầu ra của khâu này chính là nguyên liệu đầu vào của khâu sản xuất sau”. Theo ông Thắng, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong lần đến thăm trang trại đã đánh giá rất cao về hiệu quả kinh tế này.
Từ một vùng đất hoang vu với những ngọn đồi khô cằn, sau hơn 4 năm cơ ngơi tại Yên Mông, thành phố Hòa Bình đáng để những người tiên phong của T&T 159 tự hào. Một một tổ hợp kinh tế tuần hoàn đã đi vào sản xuất ổn định. Với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và hiện tại đang nuôi trung bình khoảng 5.000 con bò thịt, chưa kể bò giống, bò lai sinh sản, bê… và sản xuất 100.000 tấn phân hữu cơ/năm. Không chỉ vậy, công ty còn hình thành chuỗi liên kết với 10.000 hộ dân tham gia cung cấp phế phụ phẩm trong nông nghiệp và trồng cỏ làm nguyên liệu, đồng thời liên kết trong chăn nuôi bò sinh sản và bò nuôi lấy thịt.
Hướng thoát nghèo cho bà con Họ Dương
Mô hình sản xuất khép kín tuần hoàn của T&T 159 Hòa Bình đã được nhiều địa phương đến tham quan, học hỏi. Mới đây, trong Ngày hội Doanh nghiệp – Doanh nhân Họ Dương Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hà Văn Thắng đã có những chia sẻ về liên kết và hội nhập, trong đó có nói đến mô hình kinh tế tuần hoàn, tức là mô hình kinh tế không có rác thải. Cụ thể, ông Hà Văn Thắng đã cung cấp những thông tin về sử dụng công nghệ để sản xuất thức ăn và xử lý chất thải để bảo vệ môi trường. Chính sự đầu tư với hàm lượng chất xám cao của T&T 159 đã gặp tư tưởng lớn vì dòng họ, muốn đưa bà con thoát nghèo của ông Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam Dương Công Minh. Chuỗi bò được ông Chủ tịch lựa chọn làm chương trình mục tiêu để giúp bà con Họ Dương xóa nghèo. Không phải ngẫu nhiên mà ông Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam lựa chọn chuỗi bò thịt vào chương trình mục tiêu xóa nghèo. Theo ông Minh, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, bò là vật nuôi ít chịu dịch bệnh, có khả năng chống chọi với bệnh tật cao hơn hẳn các loài vật nuôi khác như lợn, gà. Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Chính vì vậy nuôi bò chính là cánh cửa mở ra sinh kế mới cho người chăn nuôi, đồng thời cũng chính là cơ hội để cải tổ ngành. Tuy nhiên, theo ông Minh, muốn thành công không thể sản xuất kiểu manh mún, nhỏ lẻ mà phải quản lý theo chuỗi, phải xây dựng thành mô hình kinh tế tuần hoàn. Công ty T&T 159 có đầy đủ những chuẩn mực đó và sự bắt tay liên kết giữa những người có chung tư tưởng là tất yếu.
Trong buổi tham quan để học hỏi kinh nghiệm mô hình chăn nuôi và sản xuất phân vi sinh Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình do Hội đồng Họ Dương Việt Nam tổ chức, các đại biểu của 5 tỉnh tham gia đoàn: Bến Tre, Phú Yên, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã nắm khá đầy đủ quy trình kỹ thuật mô hình chăn nuôi bò khép kín. Hy vọng trong tương lai không xa, mô hình này sẽ được triển khai, xây dựng tại các địa phương để góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống cho bà con Họ Dương ở khu vực nông thôn.
Gần trưa, khi tôi theo đoàn tham quan hết các khu vực chăn nuôi của Công ty thì cơn mưa càng nặng hạt. Rét đầu đông kèm theo mưa càng khó chịu. Nhưng trong tôi vẫn bừng lên ngọn lửa của niềm tin về dự án chăn nuôi bò mà TT HĐHDVN đang nghiên cứu chỉ đạo. Tôi hy vọng rằng, trong một ngày không xa, nhiều bà con Họ Dương sẽ thoát nghèo, thậm chí sẽ giàu lên từ kinh nghiệm chăn nuôi bò như Công ty T&T 159 đã và đang thực hiện.
Ghi chép của Dương Phạm Ngọc