Ông đồ trẻ Dương Văn Tuấn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc
- 31/01/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 1451
Ngay từ khi còn nhỏ, chàng trai 24 tuổi quê Bắc Giang Dương Văn Tuấn đã đam mê viết thư pháp. Lớn lên, cậu đã quyết tâm theo học và tốt nghiệp ngành Mỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, Tuấn lại hoá thân thành ông đồ cho chữ trên tranh những người xin chữ đầu năm.
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”
Những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Liên luôn gợi nhắc mỗi chúng ta về tục xin chữ đầu năm lấy may của người Việt ta từ xưa đến nay. Thế nhưng, hiện nay hình ảnh ông đồ không chỉ là những cụ già râu tóc bạc phơ ngồi cho chữ mà nhiều bạn trẻ đam mê thư pháp đang nối tiếp, phát huy truyền thống này.
Từ những ngày đầu tháng Chạp năm Tân Sửu, với bộ áo dài, khăn xếp cùng bút, nghiên, giấy, mực đã theo ông đồ trẻ Dương Văn Tuấn vẽ nên những con chữ, câu thơ uốn lượn cho biết bao người trên những con phố của thủ đô Hà Nội. Tuấn thường viết những con chữ, câu thơ theo yêu cầu của từng khách hàng.
Trong suốt năm 5 qua, nhờ tài viết thư pháp đẹp, mà năm nào dịp Tết Nguyên đán ông đồ trẻ cũng kín lịch. Buổi tối Tuấn thường ngồi viết những bức tranh thư pháp được khách đặt trước với số lượng lớn, ban ngày lại đến các sự kiện tất niên do các cơ quan, công ty tổ chức để viết thư pháp cho người lao động, hoặc đến các sự kiện Tết để viết thư pháp cho khách tham quan. “Sau những lần cho chữ, tôi học được đức tính kiên nhẫn, sống chậm rãi hơn để có những bước đi đúng đắn. Đó là điều bổ ích mà thư pháp mang lại cho tôi”, Tuấn chia sẻ.
Ngoài viết thư pháp, Dương Văn Tuấn làm công việc vẽ tranh tường, sáng tác tranh nghệ thuật. Bên cạnh đó, Tuấn còn mở lớp dạy thư pháp cho các bạn trẻ nhằm gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc.
Dương Hòa