Ông Dương Đức Hiền – Vị Bộ trưởng Thanh niên Việt Nam đầu tiên

1. Người trí thức trẻ Dương Đức Hiền

Giữa thập niên 40 của thế kỷ XX. Trong xã hội thực dân nửa phong kiến ở nước ta, nổi lên gương mặt trí thức trẻ – Chủ tịch Tông hội sinh viên Đông Dương: Dương Đức Hiền, như người thủ lĩnh dẫn đường cho lớp sinh viên, thanh niên tin theo.

Ông Dương Đức Hiền sinh ngày 16 tháng 9 năm 1916 tại thôn Linh Quy ( còn có tên nôm là làng Vụi) xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh ( ngày nay là xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội). Ông xuất thân từ một gia đình viên chức nhỏ. Đỗ tú tài năm 1937, ông vào học khoa luật trường Đại học Đông Dương và tốt nghiệp năm 1940. Ông không ra làm công chức cho chính quyền thực dân, thuộc địa mà đi dạy học ở một trường tư thục và hoạt động xã hội trong giới học sinh, sinh viên. Trong 2 năm hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên (1942- 1944) ông cùng với năm , bảy bạn bè chí thiết ở học đường đã nhóm lên được phong trào sinh viên yêu nước với khí thế nhận đúng đường hướng về ngày mai của đất nước với một tấm lòng trong sáng nhất. Học vấn đã dạy cho thanh niên và những người sinh viên như Dương Đức Hiền lòng tự trọng để vươn lên phía trước. Và, ông đã chính thức trở thành người Hội trưởng của Tổng hội sinh viên Đông Dương.

Ông Dương Đức Hiền (bên trái) chụp ảnh cùng bạn thân

Với tư cách là Tổng hội trưởng Tổng hội sinh viên Đông Dương, ông Dương Đức Hiền là người thường xuyên đề xướng cho Tổng hội sinh viên tổ chức nhiều cuộc nói chuyện, diễn thuyết nhằm nâng cao trình độ hiểu biết văn hóa, lịch sử cho anh chị em trí thức, sinh viên, thanh niên về “con đường của thanh niên, mục đích của Tổng hội sinh viên, thanh niên; về những chiến tích lịch sử của cha ông như chiến thắng Bạch Đằng; Bình Ngô Đại Cáo; về văn hóa dân tộc như: Tính dân tộc trong ca dao, dân ca Việt Nam; về sinh viên với Tiếng Việt và bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt”. Ông cùng với Tổng hội đã vận động, định hướng cho những sinh viên – Nhạc sĩ trẻ Lưu Hữu Phước, Hoàng Gia Lịch, Nguyễn Thành Nguyên sáng tác những ca khúc thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm hy sinh vì đất nước; vì độc lập, tự do của thế hệ trẻ học sinh, sinh viên như: Hành khúc sinh viên, Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng Giang, Đi hội đền Hùng, Lên Đàng, … liên tục ra đời và lan tỏa trong xã hội. Không những vậy ông Dương Đức Hiền còn là một trong những Người quyết tâm nhất trong việc tổ chức các Trại thanh niên, sinh viên trải nghiệm thực tế, làm quen với lao động chân tay (cày cuốc, lội bùn, khuân vác, gánh gồng, …) để tự rèn luyện mình và cùng với đó là tìm hiểm về nông dân và nông thôn. Thực hiện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân, tổ chức các cuộc nói chuyện về Vệ sinh và Sức khỏe, lôi cuốn thanh niên nông thôn vào các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh nông thôn, về học tập chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ và mục đích xa hơn, cốt yếu hơn nữa là tuyên truyền tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ cần lao “đầu đội trời, chân đạp đất” rèn đúc nên tính tình và chí khí của người thanh niên yêu nước.

Cũng giữa trong năm này (1942-1944) là thời gian ông Dương Đức Hiền đã có mối quan hệ chặt chẽ, từng bước với sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tổng Bí thư Trương Chinh đã có một số lần gặp gỡ ông và đôi ba bạn thân tín khác của ông trong Tổng hội sinh viên Đông Dương. Ông và những người bạn chí cốt thân thiết của ông đã tự nguyện thành lập Đảng Dân Chủ (bí mật) làm đầu mối liên lạc giữa Trí thức, thanh niên với mặt trận Việt Minh; phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ thực dân cướp nước, giành độc lập tự do cho quê nhà. Đảng Dân chủ (bí mật) được thành lập ngày 30 tháng 6 năm 1944, mà ông Dương Đức Hiền là “một trong những người sáng lập Đảng dân chủ Việt Nam” – Thành viên của mặt trận Việt Minh, tập hợp các tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tham gia kháng chiến, cứu quốc” và ông là Tổng thư ký đầu tiên của Đảng Dân chủ Việt Nam.

Tổng Bí thư Trường Chinh, trong bài tham luận “ Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam” trình bày tại Đại hội văn hóa toàn quốc tháng 7 năm 1948.

“Dù phát xít Pháp và Nhật hết sức quỷ quyệt, khuynh hướng yêu nước cũng đã nảy nở ngay trong phong trào hợp pháp của Thanh niên và sinh viên. Đó là khuynh hướng Dương Đức Hiền, Đặng Ngọc Tốt. Và sau khi Nhật đảo chính, khuynh hướng hợp tác với Hội thanh niên cứu quốc và lợi dụng điều kiện công khai mà vận động giải phóng, đã phát triển ngay phong trào thanh niên”

Giữa cuối năm 1944, bọn lính mật thám đến bắt ông tại nhà (70 phố Jacquin nay là Ngô Thì Nhậm – Hà Nội) đưa về sở mật thám. Tên chánh mật thám hỏi han đe dọa khéo ông nhiều điều, rồi cuối cùng đưa ra 3 câu để ông suy nghĩ:

“Anh thôi không làm chính trị nữa, không theo Việt Minh nữa”

“Anh thôi không làm Hội trưởng Tổng hội sinh viên nữa, không làm gì trong phong trào sinh viên nữa”

“Anh đi làm tri huyện – sẽ giành cho anh một huyện thật tốt”.

Thấy đến lúc cần thoát ly để hoạt động bí mật, ông đã lên đường vào tối trước ngày họp Đại hội hằng năm của Tống hội sinh viên và Ông đã gửi lại lời chào bạn bè bằng những câu khẩu hiệu trong truyền đơn bươm bướm gửi tới đại hội: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc”, “Việt Minh muôn năm”. Người Hội trưởng – Tổng hội sinh viên Đông Dương đã ra đi lên đường cứu nước trong hoàn cảnh như vậy.

2. Ông Dương Đức Hiền – Vị Bộ trưởng Thanh niên đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

Chiến tranh thế giới lần thứ II như một cơn lốc lớn làm biến đổi số mệnh của hàng triệu con người, tạo điều kiện khách quan cho các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc vùng lên để giải phóng khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân. Đối với Việt Nam, nhu cầu giải phóng dân tộc, giành lại quyền độc lập tự do càng cấp bách và nóng bỏng. Từ hội nghị Trung ương lần thứ VI (11/1939) và thứ VIII (5/1941) Đảng đã quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, đề ra mục tiêu giải phóng dân tộc, kiến lập chính phủ cách mạng theo tinh thần tân dân chủ.

Tháng 8 – 1945 điều kiện cách mạng chín muồi, Đại hội quốc dân Tân trào ngày 16- 8 -1945 đã ra lời hiệu triệu “Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Hồ chủ tịch đã có thư kêu gọi đồng bào toàn quốc – “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Ông Dương Đức Hiền và vợ – nhà báo Thanh Thủy (Tết 1958). Ảnh: Dương Thanh Mai

Đại hội quốc dân Tân trào đã thành lập Ủy ban dân đội giải phóng gồm 15 người, ông Dương Đức Hiền đã được bầu là ủy viên.

Thành viên Ủy ban dân tộc giải phóng:

Chủ tịch: Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch: Trần Huy Liệu

Ủy viên:

1- Nguyễn Lương Bằng

2 – Đặng Xuân Khu ( Trường Chinh)

3 – Võ Nguyên Giáp

4 – Phạm Văn Đồng

5 – Dương Đức Hiền

6 – Chu Văn Tấn

7 – Nguyễn Văn Xuân

8 – Cù Huy Cận

9 – Nguyễn Đình Thi

10 – Lê Văn Hiến

11 – Nguyễn Chí Thanh

12 – Phạm Ngọc Thạch

13 – Nguyễn Hữu Đang

Thực hiện lời hiệu triệu của Đại hội quốc dân Tân trào ngày 16 -8 – 1945 và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến miền xuôi đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa và nhanh chóng giành được thắng lợi. Ngày 19- 8 – 1945 nhân dân Hà Nội giành được chính quyền, ngày 23- 8-1945 nhân dân Huế bắt vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 25-9-1945 nhân dân Sài Gòn – chợ Lớn bắt chính quyền bù nhìn phải từ chức. Chỉ trong vòng nửa tháng cuộc tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân.

Ngày 25/8/1945 Ủy ban dân tộc giải phóng về đến Hà Nội. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban dân tộc giải phóng do Đại hội quốc dân ở Tân trào cử ra được mở rộng thành phần thành chính phủ lâm thời.

Chiều ngày 2/9/1945 tại Bắc bộ phủ Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa được ra mắt gồm các bộ và 15 thành viên:

Chủ tịch kiêm Ngoại giao: Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Võ Nguyên Giáp

Bộ trưởng Bộ Thông tin, tuyên truyền: Trần Huy Liệu

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Chu Văn Tấn

Bộ trưởng Bộ Thanh niên: Dương Đức Hiền

Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc gia: Nguyễn Mạnh Hà

Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội: Nguyễn Văn Tố

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vũ Trọng Khánh

Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính: Đào Trọng Kim

Bộ trưởng Bộ Lao động: Lê Văn Hiến

Bộ trưởng Bộ Y tế: Phạm Ngọc Thạch

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phạm Văn Đồng

Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục: Vũ Đình Hòe

Bộ trưởng Không bộ: Cù Huy Cận

Bộ trưởng không bộ: Nguyễn Văn Xuân

Ông Dương Đức Hiền được giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Sau này đến ngày 1/1/1946 thực hiện sách lược khôn khéo của Đảng và Hồ Chủ tịch, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời gồm 16 Bộ và 18 thành viên – Ông Dương Đức Hiền vẫn giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Thanh niên.

Có thể nói – Ông Dương Đức Hiền – Một trí thức cách mạng yêu nước, yêu dân chủ, năng động, sáng tạo luôn luôn được giao phó những nhiệm vụ quan trọng. Hội trưởng Tổng hội sinh viên Đông Dương; Ủy viên Tổng bộ Việt Minh, ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt, Tổng Thư ký Đảng dân chủ Việt Nam. Cho đến khi ông ốm nặng và qua đời ngày 19/2/1963 khi vừa tròn 47 tuổi. “Ông đã dành trọn tuổi thanh xuân của minh cho công cuộc giải phóng dân tộc, đất nước”

Để ghi nhận công lao to lớn của ông trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đất nước, Nhà nước đã tổ chức an táng ông tại nghĩa trang Mai Dịch – Hà Nội theo nghi thức cấp Nhà nước. Ngày 26/11/2001, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã ký quyết định truy tặng ông Huân Chương Hồ Chí Minh; ngày 31/10/2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng ông Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc; năm 1999, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên ông cho tên một đường phố ở phường 15, quận Tân Bình. Và năm 2011, HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đặt tên Ông cho một đường phố ở quận Liên Chiểu của thành phố Đà Nẵng.

Đó là những phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cùng nhân dân trong cả nước truy tặng, tưởng nhớ ông – Dương Đức Hiền người con ưu tú của Dòng tộc Họ Dương, niềm vinh dự, tự hào của Họ Dương Việt Nam.

Dương Đức Quảng

Phó Ban nghiên cứu lịch sử Họ Dương Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1. Lịch sử quốc hội Việt Nam (1946-1960) NXB CTQG H.2000

2. 60 năm chính phủ Việt Nam (1945-2005) NXB Thông tấn xã H.2005

3. Từ điển Bách khoa Việt Nam 1A-Đ Trung tâm biên soạn từ điển Bách Khoa VN.H.1995

4. Lịch sử Văn hóa Việt Nam: Những gương mặt trí thức Tập 1- Nxb Văn hóa thông tin H.1998

5. Tạp chí Xưa và Nay số 121 tháng 8 năm 2002 – Hội KHLS Việt Nam

6. Lịch sử Đảng bộ xã Kim Sơn (1930- 2015) – NXB Lí luận chính trị H.2016

7. Họ Dương thôn Linh Quy, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. “các chi Họ Dương ở VN đã được biết” tập 1. Dương Văn Thiều thường trực ban liên lạc Họ Dương toàn quốc.

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com