Ông Dương Hữu Trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, mang đặc thù của địa phương, góp phần tăng thu nhập bền vững cho nông dân. Ông Dương Hữu Trung  được xem là người tiên phong trong ứng dụng khoa học vào sản xuất nâng cao giá trị cây trồng.

Gia đình ông Dương Hữu Trung (thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) có 15ha đất rừng sản xuất, trong đó có 3ha trồng chè Ngọc Thúy và 5ha trồng cây ăn quả. Trước đây, ngoài 2 lao động chính trong gia đình, ông Trung phải thuê thêm từ 3 đến 5 lao động làm việc theo thời vụ, làm tăng chi phí đầu vào, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.

Sau khi mày mò tìm hiểu trên mạng xã hội, ông Trung đã đầu tư nhiều thiết bị làm vườn thông minh như máy cắt cỏ, máy cắt tỉa, hệ thống tưới phun mưa cục bộ, tưới nhỏ giọt… Những dụng cụ làm vườn thông minh này đã giúp ông Trung chăm sóc cây trồng hiệu quả hơn, đảm bảo khung thời vụ cũng như chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Đồng thời giúp ông tiết kiệm đến 50% chi phí nhân công để tái đầu tư sản xuất.

Ông  Dương Hữu Trung là một trong những hộ dân được huyện Hải Hà hỗ trợ phát triển mô hình trồng cam V2 và cam đường Canh để thay thế những diện tích đất đồi kém hiệu quả. Gia đình ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 100 triệu đồng đầu tư trồng gần bốn nghìn cây cam trên diện tích bốn héc-ta đất đồi. Nhờ việc lựa chọn cây trồng kỹ lưỡng và chú trọng áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, một số diện tích trồng cam của gia đình ông Trung đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi héc-ta cam đạt sản lượng từ 300 đến 400 kg với giá bán từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg.

Sử dụng thiết bị làm vườn thông minh giúp ông Dương Hữu Trung (thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) chăm sóc cây trồng hiệu quả hơn.

Hiện nay, xã Quảng Thành đã triển khai mô hình trồng cam tới gần 30 hộ gia đình, với tổng diện tích gần 40 ha. Trong vụ cam 2017, tổng năng suất thu hoạch đạt khoảng hơn 10 tấn quả, cho thu về từ 300 đến 400 triệu đồng. Thành công ban đầu của việc đưa cây cam vào trồng đã tạo động lực cho người dân trong xã phấn khởi phát triển vùng chuyên canh cây cam. Xác định đây sẽ là nguồn thu nhập ổn định, mô hình này không chỉ giúp người dân từng bước thay đổi tư duy, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Ông Trung cũng cho biết nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi rõ rệt chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên cùng một mặt hàng sản phẩm. Khi áp dụng khoa học vào nông nghiệp còn tạo thuận lời trong việc  tạo ra các vùng sản xuất theo hướng tập trung, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân  tại địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế  khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Hải Hà.

Dương Lương

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com