Ông Dương Tấn Lực phát triển kinh tế từ cây đu đủ vàng
- 26/02/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 683
Nhờ mô hình trồng đu đủ vàng, ông Dương Tấn Lực ở ấp Đông Mỹ, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã mang về thu nhập cao cho gia đình. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, đu đủ vàng được người dân chọn để trưng Tết nên thương lái đến tận vườn thu mua.
Trước đây ông Dương Tấn Lực trồng mít, với diện tích lên đến 10.000m2. Nhận thấy trồng mít có diện tích đất trống khá nhiều nên ông Lực suy nghĩ tìm cây trồng xen canh để tận dụng đất và nâng cao năng suất cây trồng. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, ông Lực quyết định chọn cây đu đủ vàng, một giống cây ngắn ngày để trồng xen canh mít bởi đây là giống cây trồng phù hợp với vùng đất cao.
Nghĩ là làm, ông lực đã trồng 1.700 cây đủ đủ vàng xen canh trên diện tích trồng mít. Sau 6 tháng trồng, cây đủ đủ vàng phát triển tốt và bắt đầu ra quả. Với đặc tính dễ trồng, cho năng suất cao, mỗi tháng cho thu hoạch bình quân 2 đợt quả, mỗi đợt từ 1 – 2 tấn. Với giá thương lái thu mua tại vườn từ 7.000 – 9.000 đồng/kg, cây đu đủ vàng mang về thu nhập cho gia đình ông Lực bình quân 14 – 36 triệu đồng/tháng.
Ông Lực cho biết, cây đu đủ vàng khá dễ trồng, ít công chăm sóc, ít bị sâu sâu bệnh, đầu tư phân bón và các chi phí khác cũng thấp hơn nên mang lại lợi nhuận khá cao. Quan trọng nhất khi trồng dđu đủ vàng là lưu ý bệnh vàng lá và rệp sáp để phòng và trị bệnh, tránh hại đến cây.
Dù là cây ngắn ngày nhưng nếu chăm sóc tốt cây sẽ cho thu hoạch quả từ 2 – 3 năm. Đợt quả thứ 2 do dây có nách dầy hơn nên thường cho năng suất cao hơn đợt đầu nhưng các năm sau đó sẽ giảm dần năng suất. Đợt Tết Nhâm Dần vừa qua, vườn đu đủ vàng của ông không kịp đáp ứng nhu cầu của thương lái bởi đây là loại quả được người dân ưa chuộng dùng để trưng Tết.
Ngoài trồng đu đủ vàng ông Lực còn đào ao nuôi cá. Đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ của gia đình ông.
Mô hình trồng đu đủ vàng của ông Dương Tấn Lực được đánh giá cao bởi đây là mô hình làm ăn có hiệu quả, giúp bà con nhân dân chuyển đổi cây trồng theo hướng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập của người dân. Đây cũng là mô hình được thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang chọn để nhân rộng cho bà con nông dân trong thời gian tới.
Dương Diệp Quần