Ông Dương Thời Thực làm giàu từ liên kết chăn nuôi
- 29/10/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 606
Với tư duy nhạy bén cùng sự mạnh dạn, quyết đoán trong phát triển kinh tế, ông Dương Thời Thực, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã tiên phong trong liên kết chăn nuôi lợn quy mô lớn. Hướng đi này giúp gia đình ông phát triển kinh tế ổn định đạt hiệu quả cao.
Ông Thực sinh năm 1970 trong một gia đình nghèo đông anh em ở thôn Yên Thành, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Năm 1992, sau khi đi bộ đội về, ông lập gia đình và tập trung phát triển kinh tế hộ. Thời điểm đó, ông duy trì nuôi 2 lợn nái, 20 lợn thịt/lứa, chủ yếu cung cấp cho bà con trong xã và các xã lân cận.
Sau khi tìm hiểu các mô hình liên kết chăn nuôi đã có hiệu quả, đầu năm 2018, ông Thực mạnh dạn đầu tư số vốn tích góp được và vay thêm 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển chăn nuôi. Ông đã ký hợp đồng liên kết chăn nuôi lợn gia công với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên.
Thực hiện liên kết, gia đình ông đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố theo quy chuẩn khép kín trên diện tích 3.500m2. Khu chuồng trại gồm 4 dãy chuồng được trang bị đầy đủ hệ thống đèn sưởi và hệ thống quạt thông gió. Cùng với đó, ông xây dựng 8 bể bioga để xử lý chất thải trong chăn nuôi, vừa hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí và bảo đảm vệ sinh môi trường. Công ty sẽ cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và hướng dẫn kỹ thuật.
Ông Thực chia sẻ: Tháng 5/2018, tôi bắt đầu nuôi lứa lợn đầu tiên (gần 1.000 con). Sau 5 tháng được xuất chuồng, trọng lượng trung bình từ 1,1 đến 1,2 tạ/con, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi 340 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, sau khi xuất hết lứa đầu, tôi vệ sinh chuồng trại cẩn thận, phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột khử khuẩn… mới nuôi tiếp lứa 2. Để đảm bảo chăn nuôi theo đúng kỹ thuật an toàn sinh học, tôi đặc biệt chú ý tới khâu phun khử trùng chuồng trại (định kỳ 2 hoặc 3 ngày/lần); thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống; chú ý tiêm phòng cho vật nuôi đảm bảo đúng thời điểm, đúng liều lượng; khẩu phần ăn hợp lý cho từng giai đoạn; duy trì nhiệt độ chuồng trại trung bình 27 đến 28 độ C…
Nhờ tuân thủ chăn nuôi theo đúng kỹ thuật nên mặc dù chăn nuôi số lượng lớn nhưng trang trại của ông không bị ảnh hưởng của dịch bệnh (năm 2019); đàn lợn vẫn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.
Từ năm 2019 đến nay, gia đình ông Thực đã nuôi thêm được 2 lứa lợn. Bình quân mỗi lứa trên 1.000 con. Sau 5 tháng nuôi, tổng trọng lượng lợn hơi xuất chuồng được khoảng 110 đến 120 tấn/lứa, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm của công ty. Trừ chi phí nhân công, điện, nước, gia đình ông thu lãi từ 600 đến 700 triệu đồng/năm. Hiện nay, ông đang tạo việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nông Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn cho biết: Ông Thực là hội viên nông dân tiêu biểu đi đầu trong phát triển kinh tế theo hướng liên kết hiệu quả, bền vững. Là tấm gương điển hình trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Tuy mới đi vào hoạt động 2 năm nhưng trang trại chăn nuôi rất hiệu quả, không bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Mô hình này hiện nay đã trở thành địa chỉ để các hội viên nông dân trong xã và huyện đến tham quan, học hỏi.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thực còn rất nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động của địa phương. Vừa qua, ông đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới của xã 5 triệu đồng và 12 ngày công lao động; ông vận động các hội viên nông dân đóng góp giúp gia đình có hoàn cảnh khó khăn 12 triệu đồng.
Nguồn: Báo Lạng Sơn