Ông Dương Văn Công làm giàu từ trồng táo Ninh Thuận
- 05/04/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 582
Bằng việc trồng táo Ninh Thuận thay cho các loại cây ăn quả có hiệu quả thấp, gia đình ông Dương Văn Công ở khu Xuân Ứng 2, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã có nguồn thu nhập cao, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.
Trước đây, gia đình ông Dương Văn Công trồng rất nhiều loại cây ăn quả nhưng đều không mang lại hiệu quả kinh tế. Không để lãng phí công sức và diện tích đất hiện có của gia đình, ông Công luôn tìm tòi để có một giống cây trồng phù hợp. Qua tìm hiểu sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, ông Công quyết định đưa cây táo Ninh Thuận về trồng thử. Ban đầu, ông đầu tư mua giống về trồng 100 gốc táo. Sau 1 năm trồng cây táo Nình Thuận cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây ăn quả trước đó.
Nhận thấy cây táo Ninh Thuận phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, ông Công và gia đình quyết định đầu tư tăng dần số lượng trên diện tích đất gần 4.000m2. Đến nay, ông Công đã có gần 200 gốc táo cho thu hoạch. Vụ táo năm nay, vườn của gia đình ông Công cho sản lượng gần 10 tấn táo. Với giá bán trung bình 10 – 15 nghìn đồng/kg, gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.
Với lợi thế cho thu hoạch ngay sau khi trồng 1 năm và từ 5 – 6 năm mới phải thay gốc nên trồng táo đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, giống táo Ninh Thuận có chất lượng tốt, quả ngon nên lượng tiêu thụ lớn, gia đình ông Công không phải lo đầu ra. Chăm sóc cây táo không đòi hỏi nhiều nhân công, nhưng cần nắm vững kỹ thuật để cho chất lượng quả tốt nhất. Ông Công cho biết: “Để táo đạt chất lượng, khi táo ra hoa phải bón phân đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng thúc đẩy đậu quả. Khi quả non ra quá nhiều phải tỉa bớt, chỉ giữ lại một phần để tập trung dinh dưỡng nuôi quả, không bị sâu và gãy cành”.
Cùng với cây táo, gia đình ông Công đầu tư trồng 100 gốc thanh long ruột đỏ và 30 gốc cam canh. Đến nay, thanh long và cam canh đã bắt đầu cho thu hoạch. Với sự chuyển đổi mô hình từ những cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập của gia đình ông Công không ngừng tăng lên. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu về 200 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.
Mạnh dạn tìm tòi, dám nghĩ dám làm ông Công đã tìm ra mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, mang lại nguồn thu nhập cao. Đây là hướng đi mới, không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Dương Diệp Quần