Ông Dương Văn Viên đổi đời nhờ trồng Sâm Nam núi Dành
- 04/12/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 246
Sâm Nam núi Dành được coi như báu vật của vùng đất Tân Yên, tỉnh Bắc Giang với những công dụng rất tốt cho sức khỏe con người và mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng sâm.
Con đường đến với duyên “tiên dược” trời ban
Xuất ngũ về làng năm 1978, đối mặt với cuộc sống khó khăn, người cựu chiến binh Dương Văn Viên (68 tuổi) ở thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) chợt nhớ đến huyền thoại “tiên dược” sâm nam Núi Dành, từ đó đã nảy sinh ý tưởng có một vườn sâm cũng nhen nhóm trong ông.
Bồi hồi nhớ lại thuở 13, 14 tuổi, khi chăn trâu trên núi, thấy các cụ kể về “thần dược” trị bách bệnh trong rừng, vốn tính tò mò, ông Viên theo chân các cụ tìm kiếm cây sâm quý. Song của trời ban khó tìm, ông Viên đành gác lại mọi thứ để lên đường nhập ngũ năm 1972 tại Sư đoàn 320, Quân đoàn 3.
Khi từ chiến trường Tây Nguyên trở về, ông Viên làm nông dân như bao người khác. Đầu năm 1982, ông Viên bắt đầu gây dựng vườn sâm nam núi Dành từ vài cây giống. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến đầu những năm 2000, ông Dương Văn Viên dần làm chủ được kỹ thuật.
Sâm Nam núi Dành được trồng nhiều tại các xã Việt Lập và Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
Qua quá trình vừa làm vừa tìm hiểu vừa nghiên cứu, đến nay vườn sâm với diện tích gần 6.000m2 của gia đình ông Viên có trên 8.000 gốc sâm đang bắt đầu cho thu hoạch, hoa khô cho giá trị kinh tế từ 200 – 300 triệu đồng/năm. Trước đây năng suất không được cao là do trồng xen canh với cây ăn quả như nhãn, bưởi, vải.. sau này, ông Viên chỉ trồng sâm, chăm bón đẩy đủ hơn, cây sống khỏe mạnh, không bị sâu bệnh.
Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, ông Viên đầu tư hệ thống máy phun tưới tự động không cần thuê nhân công tưới nước hàng ngày, thay vào đó lão nông này đã có thể lên lịch, cài đặt giờ tưới nước cho cây, kiểm tra được độ ẩm của đất, từ đó điều chỉnh số lần tưới theo yêu cầu.
Ông Dương Ngọc Tân ( bên phải) Chủ tịch HĐHD tỉnh Bắc Giang tham quan mô hình trồng Sâm núi Dành xã Liên chung, huyện Tân yên,Bắc Giang.
“Trồng cây khác thì thu nhập không cao, nhiều rủi ro dịch bệnh, được mùa rớt giá. Ví dụ trồng lúa, một tạ thóc chỉ bán được 600.000 – 700.000 đồng. Trong khi đó, củ sâm đẹp đã bán được 2 triệu. Củ vừa bán 1,2 triệu, củ nhỏ cũng được 500.000 – 700.000 đồng.
Như vậy, một cân sâm đã bằng nhiều cân thóc. Để lấy ngắn nuôi dài khi chờ cây sâm đủ lớn để lấy mẫu, kiểm định chất lượng (khoảng 5 năm), người trồng đã có nguồn thu từ bán hoa sâm. Hoa sấy khô bán được khoảng 1 triệu đồng/kg. Hoa sâm tươi ít hơn, khoảng 60.000 đồng/kg” – ông Viên nói.
Hiện ông Viên đang sở hữu hơn 8.000 gốc sâm Nam, mỗi năm gia đình ông thu về gần 1 tỷ từ bán hoa sâm và củ sâm.
Theo ông Dương Văn Viên, sở dĩ sâm núi Dành giá cao như vậy là do cây được chăm bón bằng phân hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng hoạt chất saponin cao, rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, cây sâm không bị chuột cắn phá như khoai, sắn. Còn việc trồng và chăm sóc không khó, cây lớn từ bầu đất sỏi, lưu ý cung cấp đủ nước và phân bón hữu cơ trong năm đầu tiên và thường xuyên nhổ cỏ.
Gần đây, cây sâm nam giống của người cựu chiến binh này đã được chuyển đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bến Tre, Gia Lai, Tây Ninh. Giá cây giống khoảng 35.000 đồng/cây.
Cả làng đổi đời nhờ trồng sâm núi Dành
Theo ông Dương Văn Vui (60 tuổi) – trưởng thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung, Tân Yên (Bắc Giang) những cây sâm giống từ vườn của ông Dương Văn Viên đã giúp bà con khấm khá hơn. Có những người như anh Điện, anh Biên trong xã mới trồng sâm được vài năm nhưng đã xây nhà, mua xe. Từ vài hộ ban đầu, cả thôn hiện có 50/200 hộ trồng sâm.
Trước đây, người dân trong thôn phải làm thuê xa nhà, nhưng nay ngay tại quê nhà những gia đình trồng sâm thuê làm cỏ thuê, cắt bầu đất trồng sâm, hái hoa, tiền công cũng từ 250.000 đến 300.000 đồng/ngày.
Hiện, gia đình ông Vui cũng có hơn 3.000m2 trồng sâm, thu về khoảng 200 triệu đồng/năm từ tiền bán hoa sâm. Khoảng 2 – 3 năm nữa, ông Vui dự kiến thu về số tiền lớn khi củ đạt yêu cầu.
“Không có việc gì thu nhập tốt bằng trồng sâm. Trước đây, tôi chăn nuôi, trồng bưởi, nhãn, vải, chỉ thu về vài chục triệu đồng/năm. Đến nay, cứ tháng 7, tháng 8 âm lịch, tôi thu về từ 800.000 – 1 triệu đồng/kg hoa sâm khô. Ngôi nhà hai tầng mới xây cũng từ cây sâm mà ra” – ông Vui tươi cười nói.
Ông Dương Ngọc Tân ( bên phải) Chủ tịch HĐHD tỉnh Bắc Giang tham quan mô hình trồng Sâm núi Dành xã Liên chung, huyện Tân yên,Bắc Giang.
Theo UBND huyện Tân Yên, diện tích trồng sâm nam núi Dành trên 24ha, chủ yếu tại các xã Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến. Trong đó, diện tích cho thu hoạch củ là 2,5ha, còn hoa sâm là 15ha. Hiệu quả kinh tế ước khoảng 5 tỉ đồng/ha/chu kỳ khai thác 5 năm.
Dù vậy, huyện Tân Yên nhận định chu kỳ sản xuất dài, nguồn cung còn ít, chưa hình thành vùng nguyên liệu nên chưa phát huy hết giá trị cây sâm nam núi Dành.
Sắp tới, Trung tâm Giống cây ăn quả Bắc Giang sẽ giúp bà con nhân ươm cây sâm giống bằng phương pháp nuôi cấy in-vitro hiện đại, mở rộng diện tích sản xuất./.
Dương Lãng