“Ông hoàng” ảnh tư liệu Dương Minh Long – Những bức ảnh về Trịnh Công Sơn giữ cho riêng mình

ĐƯỢC MỆNH DANH LÀ “ÔNG HOÀNG” ẢNH TƯ LIỆU, NHIẾP ẢNH GIA DƯƠNG MINH LONG HIỆN VẪN ĐANG LƯU GIỮ HÀNG NGÀN BỨC ẢNH, TƯ LIỆU QUÝ VỀ NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN. BÊN CẠNH NHỮNG BỨC ẢNH ĐÃ TẶNG LẠI CHO GIA ĐÌNH NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN, VẪN CÓ NHỮNG BỨC ẢNH ANH GIỮ LẠI CHO RIÊNG MÌNH…

Trước khi người ta biết đến một Dương Minh Long đầy tài hoa, anh đã có xuất phát điểm như thế nào?

Nhiếp ảnh Dương Minh Long: Tôi bắt đầu đến với nhiếp ảnh từ năm 13 tuổi. Và ngay từ lúc ấy đã vác một ước mơ và chỉ một mong ước duy nhất trở thành phóng viên ảnh chiến trường! Thi đại học ngoại giao vừa xong được ít tháng – không chờ kết quả, tôi xung phong vào quân đội. Sau huấn luyện tôi được điều về sư đoàn 320 làm lính anh nuôi của trung đoàn 11. Gọi là “anh nuôi” cho sang chứ hàng ngày chỉ làm một công việc duy nhất là kéo hai xe nước dưới chân đồi lên đến bếp ăn dài 2km. 3 tháng “ròng rã rèn luyện” kéo xe bò nước với chiếc thùng phuy 200 lít với hành trang bất ly thân là một chiếc máy ảnh nhỏ nhãn hiệu Olympus EF-2 (một loại máy ảnh nhỏ chụp phim của Nhật). Rồi một sự tình cờ may mắn tôi được điều về làm trợ lý tuyên truyền của trung đoàn. Vừa viết bài vừa chụp ảnh. Công tác của một phóng viên ảnh bắt đầu được tôi luyện trong những ngày quân ngũ ấy.

Người ta biết về tác phẩm của anh thì nhiều, biết về anh thì lại không mấy và có người gọi anh là “huyền thoại lặng lẽ của làng nhiếp ảnh”. Anh thấy sao về điều này?

Nhiếp ảnh Dương Minh Long: Nhớ một câu thơ hay nhiều khi ta quên mất tên của nhà thơ. Một trang văn ấn tượng và ám ảnh có lẽ (đôi khi) ta không nhớ từ cuốn sách nào đã đọc, hoặc ta luôn nhớ mang máng tên của một nhà văn… Chỉ nhớ bức ảnh ấy, bức tranh ấy, bản nhạc ấy thì sự đóng góp của mỗi tác giả đã đến được và đã được sống trong lòng của người thưởng ngoạn.
Có dịp trò chuyện, gặp gỡ hoặc chia sẻ một đời sống thường nhật giữa bao bộn bề (có lẽ) là duyên hội ngộ trong đời… Tôi ít nói về công việc vất vả, đôi phần “nặng nhọc” và những tư duy về nhiếp ảnh hoặc những phân vân của một người làm ảnh chuyên nghiệp – những bức ảnh tư liệu hoặc những tác phẩm mà người yêu mến ảnh đặt tên cho nó đều là những món quà quý tôi luôn trân trọng!

Tôi cảm thấy Dương Minh Long dường như không thích đi chung đường với ai hết, lối đi của anh phải thật khác?

Nhiếp ảnh Dương Minh Long: Bạn không thể cứ mãi mô tả về không gian với “trời xanh mây trắng con đường xa xa”, bạn không thể ru ngủ mãi “cánh cò lơi lả bên dòng sông thơ mộng”.
Nhiếp ảnh không phải là hội hoạ. Nhiếp ảnh luôn bị động trước sự kiện, trước đời sống đang diễn ra. Anh luôn cần một tư duy ảnh khi bước vào cuộc sống, khi có được điều ấy bạn mới là “người chủ động” để tạo ra những bức ảnh đến được với công chúng, nếu không có điều ấy thì bức ảnh chỉ là “nhìn thấy” mà không truyền được điều “cảm thấy” đến với người xem. Nếu có điều khác biệt thì đó chính là sự tư duy lao động, kiên trì và “nặng nhọc”.

Được biết anh cũng chụp rất nhiều hình ảnh về các văn nghệ sĩ. Tại sao họ lại trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho anh đến vậy?

Nhiếp ảnh Dương Minh Long: Từ khi về Việt Nam làm việc, tôi đã có dịp gặp và chụp trên 1.700 nhân vật khắp ba miền. Ngoài theo đuổi nhiều đề tài ảnh, nhiều dự án ảnh cho cá nhân thì mảng ảnh “chân dung nhân vật” là mảng ảnh mà tôi quan tâm rất nhiều. Mỗi thế hệ đều luôn có những chân dung nhân vật tiêu biểu cho thế hệ ấy. Khi hiểu được giá trị của một bức ảnh tư liệu thì bạn sẽ hiểu được giá trị của nhân vật ấy đã đóng góp được những gì cho đời sống ở mọi lĩnh vực.

Anh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là hai người bạn, anh có thể kể về cơ duyên đầu tiên đưa anh gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và khi gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh bấm máy theo thói quen của người cầm máy hay từ khi đó anh đã có ý thức thực hiện một dự án về một người nghệ sĩ lớn?

Nhiếp ảnh Dương Minh Long: Năm 1990, khi tôi còn ở Matxcova, người muốn tôi làm một triển lãm ảnh cá nhân tại Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Duy. Với đề xuất ý tưởng như vậy, anh đã tự tổ chức một triển lãm khi tôi vẫn còn ở Matxcova. Công việc của tôi khi đó là gửi ảnh về, và người tổ chức triển lãm đó tại TPHCM năm 1990 là nhà thơ Nguyễn Duy.

Khi khai mạc triển lãm, tôi không có mặt. Hai tuần sau, tôi mới dịp từ Matxcova bay về TPHCM. Anh Nguyễn Duy nói: “Bây giờ triển lãm sắp kết thúc, chúng ta làm một bế mạc triển lãm lớn hơn khai mạc, anh sẽ mời bạn bè của anh, những người yêu mến nhiếp ảnh”. Và cũng chính tại triển lãm đó, tôi đã được anh Nguyễn Duy giới thiệu gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Sau buổi bế mạc, anh Nguyễn Duy nói với anh Trịnh Công Sơn: “Long nó muốn hôm nào đó, Sơn thu xếp để trước khi Long quay trở lại Matxcova thì chụp Sơn một ít ảnh”. Anh Sơn đã chỉ dẫn tôi đến thẳng nhà anh ở 47C Phạm Ngọc Thạch.

Lần gặp nhau thứ hai, Anh Sơn nói rằng, việc đầu tiên là anh muốn chụp chung với tôi một tấm ảnh. Bức ảnh đó, hai anh em tôi bá vai nhau ở ngay Hội Âm Nhạc TP.

Ngay từ đầu tôi chỉ muốn thực hiện chân dung của anh ấy, trong đầu chưa nảy sinh dự án hay ý tưởng nghệ thuật nào, là người mà khi chưa gặp đã có một sự yêu mến qua các tác phẩm âm nhạc, qua các sáng tác và được đọc những bài viết của anh ấy…

Chụp ảnh tư liệu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có khó không? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có yêu cầu hay chăm chút những bức ảnh về mình không hay đó đều là những khoảnh khắc anh vô tình chụp được?

Nhiếp ảnh Dương Minh Long: Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là một người mê nhiếp ảnh. Từ trẻ anh đã chơi nhiều loại máy ảnh. Anh chụp ảnh gia đình, chụp các cô em gái. Nhiếp ảnh rất gần gũi với anh, trong bất cứ cuộc gặp gỡ nào, với các bạn rượu, với các bạn nữ anh đều tạo điều kiện tốt nhất để cho tôi bấm máy.
Gần như trong suốt nhiều năm có dịp sống bên cạnh Anh Sơn, mọi đề nghị của tôi với Anh đều được Anh ủng hộ và Anh luôn đúng lời hẹn – chủ động tạo ra một không gian ảnh để tôi thực hiện. Tôi tráng xong phim, ghi chép thông tin và đóng bao đưa vào lưu trữ ngay, cho đến khi Anh mất, chưa một lần tôi in ảnh đưa Anh xem – còn anh cũng chưa một lần hỏi tôi về những bức ảnh mà tôi đã chụp.

Chắc hẳn sẽ có những bức ảnh tư liệu về nhạc sĩ anh giữ lại cho riêng mình. Vậy anh có thể tiết lộ một chút về những bức ảnh đó?

Nhiếp ảnh Dương Minh Long: Tôi lưu giữ nhiều ảnh tư liệu đã chụp anh Sơn, và rất – rất nhiều những ảnh khó có thể công bố. Chỉ một lý do rất giản dị: chắc Anh Sơn cũng không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân những người bạn trong ảnh.

Nói về Trịnh Công Sơn mà không nói về các nàng thì vô lý quá. Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường có nói về Trịnh Công Sơn: Trên bàn tay tài hoa ấy có 1 nhánh rẽ vào tình sử và các nàng kiều về kiêu vũ trên cây đàn của chàng”. Anh có thể tiết lộ về những chị em đó?

Đây là câu hỏi hay, nhưng nhạy cảm và cũng là câu hỏi rất giản dị mang tinh thần rất Trịnh Công Sơn! Vì khi nhắc đến Trịnh Công Sơn mà không nhắc đến “bóng hồng” nào đó thì không ra hình ảnh Trịnh Công Sơn! Trong suốt một quá trình dài thực hiện hình ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ít nhất tôi có dịp được ghi lại khoảng hơn 30 người phụ nữ, trong đó để mà nhớ lại một cách thật giản dị, nhiều kỷ niệm tôi vẫn còn nhớ. Có những lần, hai anh em thu xếp bay gấp ra Hà Nội để hẹn gặp người bạn gái của anh (kịp khi mà gia đình cô đến giờ đi nghỉ). Cửa hàng mà hai anh em tôi ngồi ở đường Lê Văn Hưu đã hết giờ mở cửa, tôi đã trao đổi với chủ quán, bọn tôi xin trả chút kinh phí, cho chúng tôi ngồi lại ở đây để chờ đón một người bạn. Cửa sắt mở hé. Cả hai anh em đều im lặng. Chờ đợi trong căn phòng đầy sực mùi thức ăn chưa dọn. Anh Sơn hút thuốc liên tục. Một lúc khá lâu sau thì người bạn gái của anh đến. Cô ấy nói rất nhanh vừa để cho cả tôi và Anh Sơn nghe rõ: Em chỉ có 20 phút thôi! Tôi vẫn nhớ đêm ấy khi tôi và Anh Sơn về lại khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo đã gần 2 giờ sáng. Người thiếu nữ mà Anh Sơn đã có dịp gặp đêm ấy về sau tôi lại có dịp được gặp và chụp trong một dịp sinh nhật riêng chỉ có “hai người thổi nến”. Anh Sơn cũng là một người rất mê máy ảnh và thích chụp ảnh, nên khi có cơ hội ở bên những người đẹp, bạn gái, anh luôn tạo cơ hội cho người nhiếp ảnh thực hiện bức ảnh.

Có những cô gái thì không tiện nói ra nhưng có những người đã được gọi tên, ví dụ như Ngô Vũ Dao Ánh, anh có tư liệu về cô không?

Lúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dẫn chị Dao Ánh đi đến một cửa hàng, lúc đó tôi đang là phóng viên của báo. Từ xa, qua ống kính kéo lại gần, vẫn chiếc mũ và cặp kính to nâu quen thuộc – Anh Sơn đang cười, nét mặt rạng rỡ hạnh phúc. Hai người đang chọn một món đồ nữ trang gì đó (tôi không nhớ chính xác). Còn khi thời kỳ “Bống bồng ơi” với ca sĩ Hồng Nhung, Anh Sơn luôn luôn tạo điều kiện và Anh còn đề nghị chụp ở nhiều không gian khác nhau. Hay khi chụp Anh với người đẹp Thuỷ Hương. Với diễn viên điện ảnh Phạm Linh Đan từ Pháp về. Anh Sơn có vẽ một bức tranh sơn dầu về cô ấy. Hay cô Lương Hoàng Anh – Anh Sơn cũng dành vẽ nhiều bức tranh về cô. Đó là những người có thể nhắc tên, còn những người tôi thật sự không biết tên, có đạo diễn điện ảnh, bác sĩ, giáo viên…

Rất cảm ơn những chia sẻ của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long!

Nguồn: Báo Lao Động

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com