Phát biểu chào mừng Hội thảo “Khởi nghĩa Dương Thanh trong Lịch sử đấu tranh chống Bắc thuộc của Dân tộc Việt Nam” của lãnh đạo tỉnh Nghệ An
- 09/11/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 7028
Sáng ngày 9/11/2019, tại Khách sạn Mường Thanh Sông Lam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã diễn ra Hội thảo Khoa học Lịch sử cấp Quốc gia “Khởi nghĩa Dương Thanh trong Lịch sử đấu tranh chống Bắc thuộc của Dân tộc Việt Nam” nhân dịp 1200 năm khởi nghĩa Dương Thanh.
Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam xin gửi tới quý bạn đọc và bà con Dòng tộc bài phát biểu chào mừng Hội thảo của ông Hồ Mậu Thanh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An:
Phát huy truyền thống yêu nước của cha ông góp phần xây dựng
quê hương ngày càng giàu đẹp
Kính thưa các vị đại biểu,
Kính thưa các nhà khoa học,
Kính thưa Hội đồng Họ Dương Việt Nam.
Hôm nay, tôi rất vui mừng được về dự cuộc Hội thảo mang nhiều ý nghĩa lịch sử này, với chủ đề Khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, tôi cám ơn Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã có sáng kiến và phối hợp đồng tổ chức cuộc Hội thảo hôm nay. Xin kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp, kính chúc sức khỏe các vị đại biểu , các nhà khoa học và cảm ơn mọi người đã về dự cuộc Hội thảo quan trọng này.
Kính thưa các vị! Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn. Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc đã chỉ rõ, bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn nào, nhân dân ta luôn ý thức vươn lên, tự lực, tự cường trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong thời bình, nhân dân ta luôn hăng hái lao động, sản xuất, xây làng lập ấp, tạo nên cơ sở vật chất phục vụ cuộc sống.
Khi đất nước bị giặc ngoại bang xâm lược, nhân dân ta không quản gian khổ, mất mát, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc. Cuộc khởi nghĩa Dương Thanh mà hôm nay chúng ta tổ chức Hội thảo nhân kỷ niệm 1200 năm xảy ra sự kiện lịch sử này, là một minh chứng cho nhận định ấy. Về nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp, về diễn biến và tác động của cuộc khởi nghĩa ấy đến lịch sử dân tộc, về thân thế sự nghiệp của cụ Dương Thanh – người khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, một trong những người con ưu tú của mảnh đất quê hương Nghệ – Tĩnh mà các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu sẽ tiếp tục làm rõ. Tôi xin có một vài ý kiến sau đây:
1. Qua nghiên cứu về cuộc Khởi nghĩa Dương Thanh, cần làm rõ hơn ý chí độc lập, tự chủ của nhân dân ta trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chính ý chí ấy đã thúc đẩy hàng ngàn, hàng vạn con dân nước Việt bất chấp gian khổ, hy sinh chiến đấu chống quân cướp nước, sau lời hiệu triệu khởi nghĩa của Thủ lĩnh Dương Thanh.
2. Làm rõ nguyên nhân thành công cũng như thất bại của khởi nghĩa để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
3. Làm rõ vai trò của Thủ lĩnh khởi nghĩa Dương Thanh, đồng thời làm rõ vai trò và sự đóng góp to lớn của nhân dân trong cuộc khởi nghĩa, vì đây mới chính là nguồn lực quan trọng của khởi nghĩa này.
4. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về cuộc khởi Dương Thanh có nên kiến nghị việc đưa nội dung này vào sách giáo khoa lịch sử một cách hợp lý, để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hay không.
Trên tinh thần ấy, một lần nữa, tôi xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp, chúc các vị đại biểu, các nhà khoa học có mặt tại Hội thảo sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn!