‘Sài Gòn mùa thu xanh’ và một người phụ nữ trong gia tộc Họ Dương nổi tiếng

Hồi ký “Sài Gòn mùa thu xanh” kể về bà Lê Thu Hằng cả cuộc đời hy sinh cho chồng con có sự nghiệp nổi tiếng bậc nhất miền Nam.

“Sài Gòn mùa thu xanh” là hồi ký của nhà văn – đạo diễn Lê Văn Duy, vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành. “Sài Gòn mùa thu xanh” không phải câu chuyện tác giả Lê Văn Duy lấy mình làm trung tâm, mà ông chủ yếu kể về cha mẹ mình – vợ chồng nhà giáo cách mạng Dương Văn Diêu – Lê Thu Hằng. Nói cách khác, tác giả Lê Văn Duy chấp bút cho song thân Dương Văn Diêu – Lê Thu Hằng.

Hồi ký “Sài Gòn mùa thu xanh” do nhà văn Lê Văn Duy chấp bút.

“Sài Gòn mùa thu xanh” hé lộ chân dung người phụ nữ Lê Thu Hằng lặng lẽ cả cuộc đời để chồng con nổi tiếng. Người chồng của bà Lê Thu Hằng là nhà giáo Dương Văn Diêu (1916 – 2006) vang danh trong lịch sử với tư cách Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc. Các con của bà Lê Thu Hằng có những người thành đạt mà ai cũng biết như nhà văn Lê Văn Thảo – Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà văn – đạo diễn Lê Văn Duy, nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy – Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM…

Cái tên hồi ký “Sài Gòn mùa thu xanh” được đặt như một gợi ý về bà Lê Thu Hằng. Từng là nữ sinh học trường Pháp, vì sao lại thành Lê Thu Hằng? Nhà văn – Đạo diễn Lê Văn Duy cho biết: “Thật ra thì tên khai sanh má tôi là Josephime Lê, tên gọi ở nhà là Alice. Nhưng khi phải đi thi làm cô giáo tại Long Xuyên, má tôi phải chọn tên Việt Nam. Vậy là má tôi chọn tên Lê Thu Hằng. Lê là họ bà ngoại tôi. Thu, vì má tôi thích mùa thu cách mạng. Còn Hằng, là tên ở nhà của cha tôi”.

Bà Lê Thu Hằng

“Sài Gòn mùa thu xanh” cho thấy chân dung một người phụ nữ xuất thân giàu sang, đã chấp nhận từ bỏ tất cả để theo chồng mưu cầu hòa bình và thống nhất non sông. Hai người con trai của bà Lê Thu Hằng khi vào chiến khu Tây Ninh đã lấy họ mẹ làm bí danh kiêm bút danh, Dương Ngọc Huy chính là nhà văn Lê Văn Thảo, còn Dương Ngọc Chúc chính là nhà văn – đạo diễn Lê Văn Duy.

Khi nhà giáo Dương Văn Diêu tập kết ra Bắc, một mình bà Lê Thu Hằng nuôi con và lần lượt tiễn con theo cách mạng. Năm 1962, nhà giáo Dương Văn Diêu trở lại chiến trường miền Nam, bà Lê Thu Hằng cũng vào chiến khu để dạy bổ túc cho đồng bào và chiến sĩ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.

Nhà văn – đạo diễn Lê Văn Duy tiết lộ trong cuốn hồi ký “Sài Gòn mùa thu xanh” một chi tiết thú vị: “Người ta gọi má tôi là “bà má Thành Đoàn” như một sự tri ân, vì má tôi đã dùng căn nhà của mình ở Sài Gòn để nuôi giấu cán bộ trẻ, mà sau này có nhiều người trở thành lãnh đạo chủ chốt TPHCM”.

Gia đình nhà giáo Dương Văn Diêu là một gia tộc nổi tiếng ở miền Nam. Qua hồi ký “Sài Gòn mùa thu xanh”, công chúng mới hiểu sự hy sinh của người phụ nữ Lê Thu Hằng lặng lẽ cho chồng con có sự nghiệp lừng lẫy.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com