Tập huấn đầu vườn kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca

Ngày 11/5/2022, tại thôn Giàn Thượng, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Ngân hàng thường mại cổ phần Bưu điện Liên Việt phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức buổi tập huấn đầu vườn kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca.

Dự buổi tập huấn về phía Hiệp hội Mắc ca Việt Nam có Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, ông Dương Quốc Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt  Nam, Chi hội trưởng Chi hội Mắc ca Đông Bắc, đại diện Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh tỉnh Hà Giang và huyện Bắc Quang, đại diện cấp ủy, chính quyền xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang cùng một số hộ gia đình đã và đang quan tâm đến mắc ca trên địa bàn xã Tiên Kiều và các xã lân cận.

Tại hội nghị tập huấn, GS Nguyễn Lân Hùng – Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã giới thiệu về nguồn gốc xuất xứ cây Mắc ca, những điều cơ bản về loại cây trồng này, cũng như giá trị kinh tế, điều kiện thích hợp cho sự phát triển cây trồng mắc ca. GS Nguyễn Lân Hùng và cán bộ của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng trao đổi và trả lời, giải đáp những ý kiến của người dân ở xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang và các xã lân cận đang quan tâm đến trồng cây Mắc ca.

Đại diện Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chí nhánh tỉnh Hà Giang cũng triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng đối với các gia đình đang có nhu cầu trồng cây mắc ca. Đây là Ngân hàng luôn đồng hành cùng với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, đã và đang có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước về vay vốn, để triển khai trồng cây mắc ca.

Ông Dương Quốc Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt  Nam – Chi hội trưởng chi hội Mắc ca Đông Bắc phát biểu tại buổi tập huấn

Trên cơ sở khảo sát về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của một số địa bàn của tỉnh Hà Giang, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho rằng, việc đưa cây mắc ca trồng tại tỉnh Hà Giang là rất phù hợp và thuận lợi. Theo đánh giá của Hiệp hội, Mắc ca là loại cây trồng tiềm năng, cho hiệu quả kinh tế cao, có thể phát triển tại các tỉnh phía Bắc nếu có đầu tư và chăm sóc đúng kỹ thuật. Cây mắc ca trồng sau 3 năm bắt đầu cho ra quả bói, năng suất tăng dần theo từng năm, đến năm thứ 10 sẽ cho thu hoạch từ 16 – 20kg hạt/cây. Từ năm thứ 11 trở đi sản lượng sẽ tiếp tục tăng nếu chăm sóc, bảo vệ, quản lý tốt. Sản lượng quả hạt Mắc ca phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố giống và chăm sóc quản lý là quan trọng nhất… giá trị có thể đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha.

Hiện nay, cây mắc ca được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là một trong 20 loài cây lâm nghiệp chính. Khi trồng cây không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, thời gian khai thác kinh tế khoảng 40 – 60 năm giúp giữ gìn bảo vệ môi trường xanh. Là cây lâm nghiệp đa mục đích, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, tái tạo rừng, mang lại nguồn kinh tế cho nhân dân, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, hướng tới làm giàu.

Buổi tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca giúp chính quyền địa phương và người dân ở huyện Bắc Quang tiếp cận, tìm hiểu thêm về cây trồng mới. Từ đó có chiến lược tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Ngoài những cây trồng chủ lực và tiềm năng của địa phương mà người dân đang canh tác, cây mắc ca sẽ mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân ở Bắc Quang hướng tới làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình.

                                                                                            Dương Tiến Quân

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com