Thăm miếu thờ danh nhân văn hóa Dương Văn An
- 30/08/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 871
Dương Văn An (1514-1591), tự Tỉnh Phú, người làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Về gia đình và tuổi trẻ Dương Văn An, hiện chưa có tư liệu đầy đủ. Trong lời tựa của cuốn “Ô châu cận lục” chỉ thấy ông tóm lược mấy câu: “Tôi là học trò, sinh trưởng ở đất này, thấm nhuần giáo hóa đã lâu, thi đậu tiến sỹ năm Đinh Mùi”. Năm Đinh Mùi là năm 1547, đó là năm Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên mới lên ngôi nên mặc dù triều đình có biến động vẫn cố gắng theo lệ cũ mở các khoa thi hương và thi hội để trấn tĩnh lòng dân và chọn người ra giúp đỡ.
Sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” ghi rõ ông đỗ tiến sỹ vào năm 34 tuổi. Trước khi đi thi, ông lớn lên và theo đường nho học tại quê nhà. Vùng này, lúc bấy giờ, người dân rất hiếu học và nhiều người đỗ đạt khá. Nhưng đến ông mới có người đỗ đại khoa và cũng là người Quảng Bình thứ hai đỗ tiến sỹ. Việc ông đỗ đạt cao không phải là chuyện bình thường trên một vùng quê lúc đó còn xa trung tâm chính trị và văn hóa của đất nước. Dương Văn An làm quan đến chức ngự sử, hàm thượng thư, tước Sùng Nham hầu.
Ông không chỉ thuộc thế hệ sớm nhất của người Quảng Bình ghi danh lên bảng vàng tiến sỹ vào giữa thế kỷ XVI, sau đó thăng tiến, thành đạt rất nhanh trong sự nghiệp quan trường mà danh tiếng của ông còn truyền mãi hàng trăm năm sau nhờ nhiều khảo cứu văn hóa, trong đó có cuốn “Ô châu cận lục” biên soạn vào năm 1555. Đây là quyển sách địa lý đầu tiên có hệ thống và khá đầy đủ về vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
“Ô châu cận lục” đã ghi lại những tên làng, tên núi, tên sông, những sản vật, nhà trạm, đồn binh, các nghề thủ công thời ấy. Đặc biệt, cuốn sách ghi lại tên tuổi của bao nhiêu người con Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã làm rạng rỡ quê hương… Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tuy sách vẫn còn một số hạn chế nhưng đó là một nguồn tài liệu quý báu, một tác phẩm có giá trị trong vốn văn hóa chung của dân tộc. Sau khi được khắc in, công trình “Ô châu cận lục” của Dương Văn An đã được lưu truyền, trở thành nguồn tài liệu quan trọng trong chính sử và các công trình biên khảo của đời sau.
Miếu thờ Dương Văn An là di tích lưu niệm danh nhân tiêu biểu ở Quảng Bình đang được dòng họ Dương và người dân thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy bảo vệ, giữ gìn. Không có tư liệu ghi lại thời gian xây dựng nhưng theo các cụ cao niên trong dòng họ thì miếu đã có từ rất lâu đời. Trong những năm Pháp thuộc, người dân trong làng thường đến đây dâng hương, hội họp, bàn bạc tin tức để truyền tin đi các vùng lân cận. Đến năm 1952, giặc Pháp hoạt động ráo riết trên đất Lệ Thủy, chúng lùng sục để bắt cán bộ, du kích. Trong một cuộc càn vào làng Tuy Lộc, chúng đã phá hoại miếu, nhằm làm cho cán bộ, chiến sỹ, du kích không còn chỗ ẩn náu, hội họp, đưa tin. Năm 2003, miếu đã được xây dựng lại trên nền miếu cũ.
Vì những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó mà năm 2006, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận miếu thờ Dương Văn An là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Ông Dương Công Toản, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy, con cháu dòng họ Duơng bày tỏ: “Tôi rất tự hào là con cháu dòng họ Dương, vì trong dòng họ có danh nhân Dương Văn An tài ba, lỗi lạc. Chúng tôi sẽ tiếp tục chung tay góp sức, đoàn kết hướng lòng biết ơn công đức tổ tiên bằng việc đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, khuyến học khuyến tài nêu cao gương sáng con em tộc họ Dương đối với cộng đồng, xã hội. Con cháu họ Dương luôn hướng về cội nguồn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, làm tốt công tác bảo quản, quản lý, phát huy giá trị của di tích lịch sử-văn hóa miếu thờ Dương Văn An, góp phần tô thắm trang sử truyền thống văn hóa, cách mạng xã Lộc Thủy”.
Ngày nay, miếu thờ không chỉ có giá trị trong việc nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của danh nhân văn hóa tiêu biểu Dương Văn An mà nó còn có giá trị to lớn về mặt văn hóa, giáo dục. Đó là sự gắn kết giữa di tích và lễ hội. Hàng năm, vào những ngày lễ lớn của dân tộc hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các cơ sở giáo dục ở các địa phương thường tổ chức dâng hương, giáo dục truyền thống tại di tích, tổ chức các hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích cũng như về thân thế, sự nghiệp của Dương Văn An. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, quản lý chặt chẽ góp phần gìn giữ và tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc.
Nguồn: Báo Quảng Bình