Thầy giáo Dương Đình Dũng gần 20 năm băng rừng dạy học
- 18/12/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 485
Huồi Thum (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) là điểm trường có điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn đủ đường, điểm dạy học xa xôi cách trở, nằm biệt lập với bên ngoài. Mặc dù vậy, các giáo viên ở đây vẫn cố gắng công tác tốt trong đó có thầy Dương Đình Dũng.
Thầy Dương Đình Dũng sinh năm 1977, quê ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Thầy là người có thâm niên gần 20 năm băng rừng, vượt suối, từng đi đến nhiều bản khó khăn ở huyện Kỳ Sơn để gieo chữ cho các em học sinh vùng sâu vùng xa.
Vào năm 2002, là một giáo viên hợp đồng, thầy Dũng cùng vợ vào xã Bảo Nam – một xã xa xôi, khó khăn nhất lúc bấy giờ của huyện Kỳ Sơn để dạy học. Tại đây, vì thiếu giáo viên nên một năm học thầy Dũng phải phụ trách đến 3 lớp gồm lớp 1, 3 và 5. Do đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu là đồi núi, khe suối nên cả hai vợ chồng thầy phải đi bộ để đến điểm trường.
Đến năm 2008, thầy được giao nhiệm vụ về Trường Tiểu học Mường Ải để công tác. Đúng vào năm này, xảy ra lũ quét vào ban đêm, toàn bộ đồ đạc, đồ dạy học của vợ chồng thầy bị lũ cuốn sạch. Mặc dù vất vả, thiếu thốn nhưng thầy Dũng vẫn hoàn thành công tác giảng dạy cho các em học sinh.
Trải qua bao gian nan khó khăn trong hành trình gieo chữ tại nhiều điểm trường khác nhau, đến nay thầy Dũng đang “cắm chốt” ở bản Huồi Thum, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Đây là điểm trường xa nhất của xã, xung quanh là khe suối, nằm biệt lập với bên ngoài. Các thầy cô giáo muốn vào được Huồi Thum phải lội qua con suối Ca Nan với dòng nước chảy xiết và rất nguy hiểm. Vào mùa mưa bản Huồi Thum dường như bị cô lập vì nước suối Ca Nan dâng cao, không thể đi lại được. Cái khó nhất chính là việc bất đồng ngôn ngữ với các em học sinh, vì 100% người dân ở đây đều là người Khơ Mú, việc học tập của các em cũng ít được gia đình quan tâm. Khó khăn là thế, thầy Dũng vẫn luôn tâm huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ khi về đây, thầy còn xung phong đi đến các bản xa hơn để dạy học – bản Pù Quặc.
Thầy Dũng tâm sự, dù đường xa xôi, đi lại vất vả, việc dạy học còn nhiều thiếu thốn thầy cũng không sợ, nhưng nỗi niềm lớn nhất của thầy là các con. Từ khi con được 1 tuổi, vợ chồng thầy gửi con về ông bà ngoại để nuôi dưỡng, còn mình thì bám bản, bám trường để tiếp tục “nhiệm vụ” gieo chữ cho học sinh. Cách tuần, có khi cách tháng thầy mới có điều kiện về thăm con. Vì không được ở cạnh chăm sóc nuôi nấng, nên mỗi lần gặp, chìa tay nhưng con không cho bế. Thầy nghĩ bởi sự chia cách về thời gian, không gặp được con nhiều nên các cháu mới vậy.
Với tinh thần trách nhiệm vì học sinh thân yêu, với tấm lòng nhiệt huyết yêu nghề, thầy Dũng và các thầy cô giáo khác trong trường cùng đói, cùng khổ nhưng tuyệt đối không nản chí, không từ bỏ sự nghiệp trồng người của mình.
Dương Huyền (T/h)