“Thương gửi miền Trung” – Gửi trọn yêu thương tới miền Trung ruột thịt

“Ai xuôi về miền Trung mà nghe tiếng than trong lòng,

ai có về miền Trung thăm bà con đang sống trong khổ đau,

nhà tan người mất điêu tàn lũ vừa đi qua quét sạch ngôi làng thân yêu.

Qua bao đời xưa nay miền Trung mưa lũ tháng ngày,

qua bao đời hôm nay miền Trung vẫn hứng chịu thiên tai

(Nước mắt miền Trung – thơ Thiên Trường)

Trên Tổ quốc mang hình chữ S thân yêu của chúng ta có lẽ không có nơi nào chịu nhiều thiên tai, khắc nghiệt như “Khúc ruột miền Trung”, mùa nắng đến cháy da, mùa mưa chập chùng bão lũ. Giống như chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước, mảnh đất và con người nơi đây luôn kiên trung, vững vàng gánh gồng mọi sóng gió. Hầu như không năm nào mảnh đất này không chịu những cơn cuồng nộ, những ảnh hưởng của thiên tai nhưng vẫn kiên cường sống và làm giàu đẹp cho mảnh đất này.

Trong tháng 10, liên tiếp cơn bão số 6, 7 đổ bộ vào miền Trung đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những người dân sống trên mảnh đất này, trong đó có 5 tỉnh bị thiệt hại nặng nề: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam. Mưa lũ dồn về đã làm ngập nhà cửa, bao nhiêu công sức lao động vất vả, bao nhiêu chắt chiu dành dụm bỗng trôi theo dòng nước khiến nhiều người dân trắng tay. Không những thế, mưa lũ còn gây thiệt hại về người, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân. Đặc biệt sự hy sinh của 13 cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn những người dân mất tích tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế và 22 cán bộ, chiến sĩ tử nạn trong vụ sạt lở đất tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là những nỗi đau không có gì bù đắp được.

Bão lũ gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung.

Ngay từ khi những thông tin lũ lụt tang thương xảy ra với “khúc ruột miền Trung” được các phương tiện thông tin đại chúng đưa lên, trái tim đồng bào cả nước cùng nhói đau. Nhìn những cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, những con người dầm mình trong rét mướt, người dân cả nước cùng rơi nước mắt. Với truyền thống “Thương người như thể thương thân”, “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, để kịp thời giúp đỡ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục những thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, đồng bào cả nước đã dành những ủng hộ về vật chất và tinh thần giúp bà con vùng lũ sớm vượt qua khó khăn. Nhiều người dân trong cả nước thức đêm gói bánh chưng, làm muối vừng, ruốc… gửi cho bà con miền Trung. Các cơ quan, công sở, trường học… đến cá nhân đều tổ chức các đợt quyên góp hướng về miền Trung.

Hòa chung với cả nước, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã phát động chương trình tương thân tương ái “Họ Dương hướng về miền Trung” nhằm kêu gọi Hội đồng Họ Dương các tỉnh thành phố, các Câu lạc bộ Doanh nghiệp – Doanh nhân Họ Dương, Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương và toàn thể bà con Họ Dương Việt Nam hưởng ứng Chương trình, chia sẻ phần nào thiệt hại do bão, lũ gây ra cho bà con các tỉnh miền Trung.

Ông Dương Ngọc Lương – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam – Chủ tịch Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương Việt Nam

Nằm trong chuỗi chương trình tương thân tương ái “Họ Dương hướng về miền Trung”, Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương Việt Nam phối hợp cùng Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương Thành phố Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương TP.Hà Nội tổ chức đêm nhạc thiện nguyện – đấu giá sản phẩm gây quỹ “Thương gửi miền Trung” tại hai điểm cầu đất nước, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chương trình được tổ chức với mong muốn cùng chung tay, chung sức, chia sẻ phần nào những thiệt hại, những khó khăn và mất mát của bà con các địa phương chịu thiệt hại nặng trong thời gian vừa qua.

Chiếc áo của cầu thủ Quế Ngọc Hải được đấu giá tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Dù thời gian chuẩn bị gấp gáp, chưa đến một tuần, nhưng với tất cả tấm lòng của những người con đất Việt hướng về miền Trung thân yêu, các thành viên của Ban Tổ chức đã tích cực đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo chương trình được diễn ra sớm nhất, đạt kết quả cao nhất. Ngay sau khi kế hoạch chương trình được đưa ra, nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ các vật phẩm để bán đấu giá trong chương trình, phục vụ cho công tác quyên góp ủng hộ miền Trung. Các ca sĩ, nghệ sĩ người Họ Dương và cả người không phải Họ Dương khác như Phi Hùng, Đoan Trang, Quang Hà… khi được mời đều sẵn sàng ủng hộ.

Đôi lục bình bằng gỗ gù hương được đấu giá tại Hà Nội.

Tối 26/10, chương trình được tổ chức đồng thời tại hai điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai khán phòng của phòng trà We (Thành phố Hồ Chí Minh) và Trixie (Hà Nội) kín chỗ với hàng nghìn bà con Họ Dương và cả người Họ khác cùng hàng chục nghìn bà con Họ Dương theo dõi chương trình qua fanpage của Họ Dương Việt Nam và Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương Việt Nam. Bầu không khí nồng nhiệt, không phải vì mọi người đến xem biểu diễn ca nhạc mà tất cả cùng chung một trái tim tràn đầy tình thương yêu, chia sẻ với miền Trung ruột thịt.

Sau lời phát biểu khai mạc của ông Dương Ngọc Lương – Phó chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam, Trưởng Ban Thanh niên, cả hai đầu cầu cùng nghiêng mình tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn và cả những người đã không may mắn mất đi sinh mạng bởi cơn lũ dữ. Khuôn mặt mỗi người đều rưng rưng, cố ngăn dòng nước mắt trực rơi trước những tang thương mà “khúc ruột miền Trung” đang oằn mình chống chịu.

Mười mấy năm làm báo, tôi từng tham gia nhiều chương trình ca nhạc được tổ chức với mục đích gây quỹ từ thiện, nhưng có lẽ đây là chương trình khiến tôi xúc động nhất, tự hào nhất. Bởi từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ được ngồi ở một chương trình với toàn những người trong Dòng tộc, với cùng một nhịp đập trái tim “hướng về miền lũ, chia sẻ khó khăn”. Các ca sĩ, nghệ sĩ say mê biểu diễn những tiết mục hay nhất để sẻ chia, động viên đồng bào miền Trung và tri ân đến khán giả, các mạnh thường quân đã dành những tình cảm, những vật chất và tinh thần đến với khúc ruột miền Trung.

Tại chương trình, ngoài quyên góp trực tiếp, Ban tổ chức còn đấu giá các vật phẩm để gây quỹ. Không khí trong khán phòng ở hai đầu cầu càng trở nên “nóng” hơn khi các vật phẩm đấu giá được đưa ra. Tại điểm cầu Hà Nội đã tổ chức đấu giá đôi lục bình bằng gỗ gù hương, bút trầm hương, tượng Phật Bà Quan âm bằng gỗ trầm hương và chiếc áo của cầu thủ Quế Ngọc Hải với đầy đủ chữ ký của các cẩu thủ Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đấu giá hai bức tượng Đạt Ma Sư Tổ, chiếc áo của cầu thủ Quế Ngọc Hải, bình rượu sâm Ngọc Linh, trai tai tượng khổng lồ. Tất cả những vật phẩm này đều do các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ủng hộ cho chương trình với mong muốn được góp phần chia sẻ những khó khăn với đồng bào miền Trung. Để mang về quỹ số tiền nhiều nhất gửi đến miền Trung, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong chương trình cùng nhau đóng góp để nâng giá trị cho vật phẩm đấu giá. Tất cả đều chung một trái tim, một tình cảm hướng về núm ruột miền Trung đang gồng mình trong khó khăn, hoạn nạn. Từ mức khởi điểm 3 triệu đồng, chiếc áo của cầu thủ Quế Ngọc Hải được trả mức giá 30 triệu đồng tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh và 60 triệu đồng tại đầu cầu Hà Nội với sự góp sức của nhiều nhà hảo tâm. Bình rượu sâm Ngọc Linh được trả giá lên đến 200 triệu đồng bằng sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Bức tượng Đạt ma Sư Tổ, tượng Quan Âm Bồ Tát, trai khổng lồ… đều được trả mức giá rất cao. Đấy không chỉ là thước đo giá trị của vật phẩm mà giá trị lớn hơn chính là tình cảm, là đóng góp, là mong muốn sẻ chia những khó khăn đối với đồng bào miền Trung.

Kết thúc chương trình, thông qua đấu giá vật phẩm, ủng hộ qua tài khoản, ủng hộ trực tiếp, Ban Tổ chức đã nhận được số tiền 4.421.850.000 đồng. Toàn bộ số tiền này Ban Tổ chức cam kết sẽ chuyển toàn bộ vào quỹ ủng hộ miền Trung, thực hiện mục đích hỗ trợ đồng bào miền Trung, đặc biệt là các hộ gia đình Họ Dương. Ban Tổ chức cam kết trao tận tay đúng người cần hỗ trợ với những con số thống kê báo cáo chính xác có trách nhiệm từ phía Hội đồng Họ Dương các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại, dưới sự giám sát của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương Việt Nam và Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

“Khúc ruột miền Trung” đang rất cần những sẻ chia, chung tay của đồng bào cả nước để vơi đi bớt những khó khăn, khắc phục hậu quả nặng nề thiên tai để lại. Những tấm lòng, những ủng hộ về vật chất, tinh thần của đồng bào cả nước nói chung, của những người Họ Dương lúc này vô cùng đáng quý, bởi “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cảm ơn những tấm lòng của các mạnh thường quân, của các nhà hảo tâm, của tất cả bà con Họ Dương đã luôn hướng về miền Trung ruột thịt. Truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam, của những người con Họ Dương hơn lúc nào hết càng được phát huy, trở thành nguồn sức mạnh, nguồn động viên lớn lao giúp những đồng bào đang khó khăn, hoạn nạn sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Dương Phạm Ngọc – Dương Hòa

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com