Thượng úy Giăng Mô-rô Dương Bá Lộc – dòng máu Việt luôn chảy trong huyết quản
- 17/08/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 8246
Nhà báo kỳ cựu Đặng Minh Phương, nguyên đại diện Báo Nhân Dân tại miền Trung, nay đã 85 tuổi, đưa tôi xem tấm ảnh chụp đã tròn 20 năm tại thành phố Nha Trang. Chỉ người trong ảnh ngồi cạnh, ông bảo: “Mới đó mà Giăng Mô-rô (Jean Moreau) Dương Bá Lộc đã đi xa gần 10 năm rồi. Một người nếm trải bao gian truân, vất vả; cũng là một người luôn có dòng máu Việt chảy trong huyết quản và không thể xa rời đất nước này”. Ông kể tôi nghe về cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi của người bạn mình…
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, có nhiều người nước ngoài thuộc phía bên kia đã tự nguyện gia nhập hàng ngũ cách mạng, trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ. Họ có nhiều quốc tịch khác nhau, phần đông là người Pháp.
Giăng Mô-rô Dương Bá Lộc cùng vợ con, thời kỳ công tác ở trường Văn hóa Quân khu Hữu Ngạn
Trường hợp Giăng Mô-rô Dương Bá Lộc lại khác.
Ông sinh ra tại Việt Nam (xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) và lớn lên tham gia phong trào cách mạng tại địa phương rồi nhập ngũ, làm quân báo… Nước Pháp, nơi quê cha đất tổ, ông có một cụ tổ oai hùng, đến nỗi Hoàng đế Na-pô-lê-ông Bô-na-pác kiêu ngạo là vậy, đã phải thừa nhận: “Về tài cầm quân, trên đời này chỉ duy nhất có tướng Giăng Vích-to Ma-ri Mô-rô (Jean Victor Marie Moreau) là sánh được với ta!”. Cụ tổ của ông chính là tướng Giăng Vích-to Ma-ri Mô-rô, Tư lệnh Quân đoàn sông Ranh (Rhin), ngày 3-12-1800 đã đập tan liên quân Áo-Bayen của Đại công tước Giô-han (Johann) trong trận Hô-hen-li-đen lịch sử trên đất Đức. Vì chống lại Hoàng đế Na-pô-lê-ông mà cụ bị trục xuất sang Mỹ năm 1804.
Vào năm cuối cùng của thế kỷ XIX, một cháu nội của Tướng Giăng Vích-to Ma-ri Mô-rô sang Việt Nam làm thanh tra Sở Đoan Trung kỳ. Ông kết hôn với một phụ nữ bố là người Ý, mẹ người Việt, đẻ được đàn con 11 đứa, Giăng Mô-rô Dương Bá Lộc là con thứ 6 trong nhà. Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra ở Phú Yên, Giăng tròn 20 tuổi, đang học dở lớp đệ tứ, anh cùng mẹ và hàng trăm đồng bào trong xã tham gia giành chính quyền. Thế rồi chính quyền mới thành lập thấy mẹ con anh là người “Tây” thì giam giữ. Bà con vốn yêu quý sự hiền lành tốt bụng của mẹ con anh, cùng ký vào đơn đề nghị chính quyền phải thả “người ngay”. Người đứng đầu chính quyền địa phương thấy Giăng có học vấn cao, đã cho anh làm tuyên truyền viên. Được một thời gian, do làm việc quá sức, anh bị ốm, chẳng hiểu thế nào người y tá lại tiêm nhầm thuốc, anh bị liệt hai chân phải nằm một chỗ gần hai năm. Nhờ đang tuổi lớn, lại có quyết tâm tập luyện, đến năm 1948 anh hoàn toàn bình phục. Ngay sau đó, anh được bồi dưỡng nghiệp vụ trở thành một điệp viên hoạt động nội thành. Quân báo Khu 6 nhắm anh là có lý do: Dân Tây thứ thiệt, lại có hai ông anh sĩ quan quân đội Pháp tại chính quốc và anh đã được nhận chân nhân viên thuế quan của Sở Kinh tế Nam Kỳ. Được chủ sở tin cậy, Giăng thường có mặt tại Câu lạc bộ sĩ quan Nha Trang, thu lượm được nhiều tin tức tình báo, anh chuyển ra cho người trực tiếp chỉ đạo là Trưởng ban quân báo Trần Ngọc Hiền. Được một năm thì bị lộ, điệp báo thành đã kịp đưa anh thoát ra vùng tự do. Cuối năm 1950, Giăng Mô-rô, tức Dương Bá Lộc được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và được tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên, là Phó ban quân báo Trung đoàn 84 Đắc Lắc.
Ông Giăng Mô-rô Dương Bá Lộc (bên phải) và nhà báo Đặng Minh Phương (TP Nha Trang, tháng 3-1993)
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nhiều đơn vị quân đội tập kết ra miền Bắc. Trong lần anh cùng đồng đội xuống tàu thủy ở Quy Nhơn, trước con mắt của Ủy ban Giám sát quốc tế thi hành hiệp định, ông Tây chính hiệu như anh dễ bị nghi ngờ. Họ nghi anh là tù binh Pháp, bị Việt Minh đưa ra Bắc, không trao trả theo tinh thần hiệp định đình chiến. Giám sát viên hỏi bằng tiếng Pháp: Ông người nước nào? Tôi là người Việt Nam-anh bình thản nói như vậy. Nhưng ông là người da trắng. Đúng, tôi gốc Âu, nhưng sinh tại Việt Nam. Ngoài tiếng Việt ông còn biết tiếng nước nào không? Anh trả lời “không” và nhấn mạnh mình là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đang trên đường tập kết ra Bắc. Cuối cùng Ủy ban giám sát quốc tế phải thuận để anh xuống tàu.
Ra Bắc, Giăng làm trợ lý trung đoàn, dạy văn hóa cho bộ đội tại Trường Văn hóa Quân khu Hữu Ngạn, đóng tại Nam Định, năm 1958, đợt phong quân hàm đầu tiên của quân đội ta, anh được phong Trung úy. Rồi anh được cử đi học Khoa Văn-Sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dù sao, với lý lịch “Tây” của mình, anh bị thiệt thòi, nhiều năm vẫn quân hàm ấy, mãi đến năm 1970, anh gặp lại người bạn hồi ở chiến trường Nha Trang là tướng Tô Ký, Tư lệnh Quân khu, anh mới được thăng cấp Thượng úy và giữ quân hàm đó tới khi chuyển ngành sau ngày nước nhà thống nhất.
Giăng Mô-rô Dương Bá Lộc là người luôn sống lạc quan, yêu đời, không bao giờ nghĩ mình bị “thiệt thòi”. Hồi ở Trường Văn hóa Quân khu Hữu Ngạn, ngoài giờ giảng dạy, về nhà là anh xoay trần vớt bèo, thái chuối chăm đàn lợn, tăng gia tự túc để dành số lương ít ỏi nuôi ba con trai ăn học. Năm 1969, anh và người vợ phải chia tay và anh nhận nuôi các con, có thời kỳ 4 bố con chỉ dám báo 2 suất rưỡi cơm đơn vị. Thế rồi, thông cảm với cảnh “gà trống nuôi con” của anh, Đảng ủy Trường Văn hóa Quân khu Hữu Ngạn đứng ra mai mối cho Giăng với một nữ chiến sĩ Quân giải phóng vừa từ Nha Trang ra Bắc điều dưỡng, đang học văn hóa tại trường.
Năm 1976, Giăng Mô-rô Dương Bá Lộc chuyển ngành về Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, là Trưởng khoa Chính trị. Anh vừa giảng chính trị cho sinh viên, còn giảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin ở trường Đảng của tỉnh. Học viên rất ngạc nhiên khi thấy “ông Tây” nói sõi tiếng Việt và giảng bài về Mác-Lê rất sâu và khúc triết. 4 năm sau, anh về hưu. Năm 1990, lần đầu tiên anh trở về nơi quê cha đất tổ, đúng lúc Liên Xô và các nước Đông Âu đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, anh chị em ruột bên ấy đều khuyên nên ở lại, sẽ đón vợ con sang sau. Là một người cộng sản anh rất đau buồn, song vẫn tin là ở Việt Nam tình hình sẽ khác và kiên quyết trở về đúng thời hạn trong giấy xuất nhập cảnh. Người anh ruột của Giăng là Đại tá Hen-ri Mô-rô đã về Pháp từ lâu, có lời nhắn chú em về để tiếp quản lâu đài của dòng họ Mô-rô ở tỉnh An-pơ Ma-ri-tim (Alpes Maritimes) gần biên giới Ý, nhưng anh đã nhất quyết từ chối. Ngay cả khi mẹ và các em gái hồi hương, anh vẫn bằng lòng ở lại với đồng lương hưu ít ỏi. Căn nhà số 1 Lê Đại Hành mẹ để lại, vợ chồng anh cải tạo thành một dãy chuồng nuôi heo nái khá quy mô. Rồi có lần vị Đại sứ Pháp từ Hà Nội bay vào Nha Trang, uống rượu hàn huyên, đến quá nửa đêm ngỏ ý mời anh nhập quốc tịch Pháp mà vẫn cứ sống ở Việt Nam để được hưởng khoản trợ cấp “ở xa Tổ quốc”, anh cảm ơn, trả lời: “Tôi sống như những người Việt xung quanh là tốt rồi”.
Anh còn có thêm một nghề phụ là… diễn viên điện ảnh. Đóng phim, vừa thêm tiền giúp gia đình đang khó khăn về kinh tế, vừa có thêm niềm vui. Với ngoại hình “Tây chính hiệu”, anh thường thủ vai sĩ quan Pháp, Mỹ và đóng khá đạt, như trong các phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Hai người mẹ, Rừng xà nu, Chỉ một người còn sống… Sau ngày về hưu, anh tích cực tham gia công việc xã hội, là Đảng ủy viên phường nhiều khóa; ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Trưởng ban Việt kiều tỉnh; Phó chủ tịch Hội Pháp ngữ Nha Trang; Chủ tịch Hội Ái mộ nhà bác học Yéc-xanh (Yersin)… Trong đời thường, anh là người quảng giao, nhiều bạn bè thuộc đủ các ngành nghề: Nhà báo, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà kinh doanh, khách du lịch. Có một chuyện khá thú vị: Năm ngoài 70 tuổi, một bà tên là Ma-ri Gát-xmin (Marie Gasmine), từ Pa-ri đã viết thư cho Giăng: “Qua những chuyện người ta kể trên báo về ông, hóa ra thời kỳ ông ở Phú Yên, thì tôi ở Quảng Yên, Hòn Gai. Nếu lúc đó chúng ta gặp nhau, ắt hẳn tôi đã yêu ông, bởi ông đẹp trai và dễ mến lắm…”. Và bà còn gửi biếu ông 2000 phrăng.
Giăng Mô-rô Dương Bá Lộc qua đời ngày 19-4-2004 tại Nha Trang, thọ 79 tuổi trong niềm tiếc thương của bao người. Đám tang rất đông. Đoàn xe con cùng đoàn người dân dắt xe đạp, đi bộ nối đuôi nhau trên đường dài hàng cây số đưa tiễn ông về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Hẳn ông nằm xuống được mãn nguyện, đời đời yên nghỉ nơi Đất mẹ Việt Nam.
Theo Sự kiện và nhân chứng