Tiến sĩ Dương Thị Anh: “Tôi rất yêu nghề giáo và thấy mình rất có duyên với nghề”
- 17/02/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 713
Trong danh sách 40 Tiến sĩ được Hội đồng Họ Dương Việt Nam vinh danh năm 2020, tôi vô cùng ấn tượng với hồ sơ của nữ Tiến sĩ Dương Thị Anh (sinh năm 1987), người con gái nhỏ nhắn đầy nghị lực theo đuổi con đường học vấn. Tốt nghiệp Tiến sĩ tại Úc sau 4 năm học tập, nghiên cứu miệt mài, chị quyết định trở về quê hương theo đuổi nghề giáo, nghề mà chị tự thấy mình rất có duyên với nó. Tiến sĩ Dương Thị Anh đang là Giảng viên trường Đại học quốc tế Sài Gòn.
Chào chị Dương Thị Anh, đầu tiên xin chúc mừng chị đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ. Chị có thể chia sẻ về quá trình nghiên cứu cũng như Luận án của mình với độc giả?
Chương trình học Tiến sĩ của tôi gồm 4 năm học toàn thời gian chia theo các giai đoạn làm nghiên cứu luận án: Nghiên cứu tài liệu, các lý thuyết nghiên cứu; thu thập và xử lý dữ liệu; năm cuối tôi dành để viết luận án. Sau 4 năm học, tôi đã bảo vệ thành công luận án: “Các chiến lược học tập nhằm thúc đẩy hoạt động đánh giá quá trình trong đào tạo sư phạm: Nghiên cứu so sánh giữa Úc và Việt Nam” tại Đại học Sydney.
Để việc học không mang tính lý thuyết mà đi sâu vào thực tiễn, hằng năm tôi dành nhiều thời gian để đi chia sẻ, trình bày nghiên cứu của mình, và kết nối với các học giả khác tại các buổi họp chuyên môn hay hội thảo chuyên ngành quốc tế.
Được biết, chị được nhận Học bổng Chính phủ Úc cho chương trình nghiên cứu Tiến sĩ tại Đại học Sydney, đây là một trong số những Học bổng Chính phủ lớn nhất dành cho sinh viên Việt Nam. Chị có thể chia sẻ với các bạn sinh viên Họ Dương về kinh nghiệm “săn” học bổng của mình?
Thực ra trước khi ứng tuyển học bổng của Chính phủ Úc (học bổng Úc) năm 2015, tôi đã “săn” hai loại học bổng quốc tế khác nhưng không thành công. Tôi thấy mình chỉ may mắn với học bổng Úc thôi thì phải, vì năm 2014 tôi cũng đã dành được một suất học bổng ngắn hạn của Úc.
Tôi thấy mình rất may mắn khi nhận được học bổng này, đây là Quỹ học bổng nước Úc dành cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của Việt Nam. Chính vì ý nghĩa như vậy nên học bổng có tính cạnh tranh cao. Tôi đã dành suốt hai năm nghiên cứu và ứng tuyển học bổng này. Năm đầu tiên tôi đã thất bại do không hiểu về các tiêu chí lựa chọn của học bổng. Sau năm đó tôi dành nhiều thời gian hơn để viết lại hồ sơ ứng tuyển của mình để làm sao thấy được mình có khả năng đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam. May cho tôi là đợt đó cũng là khoá cuối cùng chương trình học bổng Úc dành cho bậc đào tạo Tiến sĩ. Từ năm đó đến nay họ chỉ dành cho đào tạo bậc Đại học và Thạc sĩ.
Trong quá trình học tập và sinh sống tại nơi đất khách quê người trong suốt 4 năm qua, chắc chắn có cả những thuận lợi và khó khăn? Và làm sao để vượt qua những khó khăn đó?
Tôi rất trân trọng thời gian sinh sống và học tập tại Úc vì tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều nhờ những trải nghiệm này. Dĩ nhiên bên cạnh những niềm vui thì cũng có rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, phải sống xa gia đình, người thân ở một đất nước xa lạ nên không tránh khỏi cảm giác cô đơn, nhớ nhà, nhớ người thân, bạn bè ở Việt Nam. Sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực… cũng là những trở ngại cần phải vượt qua. Quan trọng nhất là nhiều lúc tôi bị căng thẳng do áp lực học tập, đặc biệt những luồng kiến thức mới, đọc bằng tiếng Việt đã khó, đọc bằng tiếng Anh lại càng khó hiểu. Nếu như ở Việt Nam thì sẽ có bạn bè, đồng nghiệp cùng trao đổi. Ở Úc tôi chỉ có thể tham vấn Giáo sư hướng dẫn hoặc một số bạn cùng học, và phải tự triển khai, dẫn dắt nghiên cứu của mình nên rất áp lực. Trong quá trình viết luận văn nhiều lúc tôi bị bế tắc ý tưởng, đi sai hướng phân tích, phải đọc nhiều tài liệu và viết lại luận án, rất mất thời gian.
May mắn cho tôi là thời gian ở Úc có nhiều bạn bè người Việt và bạn bè quốc tế, đã giúp tôi dễ dàng trao đổi với họ để vượt qua khó khăn. Tôi hay gọi về cho bố mẹ trò chuyện mỗi khi nhớ nhà. Đồng thời, tôi cũng thường xuyên liên lạc, trao đổi với các giáo sư hướng dẫn và bạn bè nghiên cứu sinh để có hướng giải quyết các vướng mắc khi viết luận án. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động dã ngoại, du lịch để giải tỏa căng thẳng trong học tập và cuộc sống là điều rất cần thiết.
Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Úc, chắc hẳn có nhiều cơ hội công việc hấp dẫn dành cho chị. Điều gì khiến chị quyết định theo đuổi sự nghiệp giáo dục?
Trước khi học Tiến sĩ, tôi đã làm trong ngành giáo dục được bảy năm, thực sự tôi rất yêu nghề giáo và thấy mình rất có duyên với nghề này. Ngoài giảng dạy thì tôi còn làm nghiên cứu nữa. Sau khi học xong Tiến sĩ thì tôi rất háo hức trở về để tiếp tục làm cô giáo. Muốn mang các kiến thức thu được trong nghiên cứu để truyền đạt cho các bạn sinh viên trẻ – thế hệ tương lai của đất nước; cũng như đóng góp vào sự phát triển, đi lên của giáo dục nước nhà. Tôi muốn được tiếp tục phát triển các đề tài nghiên cứu về giáo dục để nâng cao nhận thức và năng lực của bản thân. Tôi cũng muốn là cầu nối giữa giáo dục Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt là với nước Úc.
Hơn nữa, tôi chọn nghề giáo vì tôi thấy rất vui khi làm việc với sinh viên – những người cho tôi niềm vui, động lực làm việc, học tập mỗi ngày. Làm việc với sinh viên khiến tôi thấy lúc nào mình cũng cần phải học hỏi, tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ sinh viên của mình.
Với vai trò là giảng viên đại học, chị có điều gì nhắn nhủ tới các bạn học sinh, sinh viên hiện nay, đặc biệt là các bạn thanh niên Họ Dương?
Họ Dương là một trong những dòng họ lớn của Việt Nam, để phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng của Dòng tộc, các bạn học sinh, sinh viên Họ Dương nên dành nhiều thời gian quan sát thế giới xung quanh, học tập nâng cao trình độ bản thân để đáp ứng với sự phát triển và thay đổi liên tục như vũ bão của khoa học- kỹ thuật.
Không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ bản thân về các mặt như: ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội; phát triển kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp với độ chính xác cao trong khoảng thời gian giới hạn.
Luôn đặt ra các mục tiêu cần hướng tới trong công việc, học tập, cũng như trong cuộc sống và các kế hoạch chi tiết cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra; luôn kiên định, vững vàng vượt qua các khó khăn, trở ngại để hoàn thành các kế hoạch này.
Khi có cơ hội thay đổi trong công việc và cuộc sống mà các bạn cảm thấy nếu hướng đi đó sẽ tốt hơn cho các bạn trong tương lai thì nên chủ động nắm lấy và đó là cơ hội, cũng là thách thức các bạn cần vượt qua.
Và cuối cùng là mở rộng các mối quan hệ với các bạn trong nước và quốc tế để mở rộng kiến thức và mở ra triển vọng hợp tác, giao lưu trong tương lai.
Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện ý nghĩa này. Chúc chị thành công trong sự nghiệp giáo dục đào tạo…
Dương Hòa