Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân: “Hãy đặt trái tim vào những việc làm nhỏ nhất”
- 19/05/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 2285
Đạt thành tích xuất sắc từ khi học phổ thông, năm 2000 được tuyển thẳng vào đại học chuyên ngành Sư phạm toán, thế nhưng Dương Thị Thùy Vân lại rẽ sang một hướng khác khi lựa chọn ngành công nghệ thông tin để theo đuổi. Năm 2004, Dương Thị Thùy Vân được công ty phần mềm nổi tiếng TMA Solution mời về làm ngay sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin mà không cần hồ sơ hay phỏng vấn.
Sau khi trúng tuyển cao học ngành CNTT tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), Thùy Vân xin chuyển về công tác tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng để tiện cho việc học tiếp. Bằng sự miệt mài học tập, say mê nghiên cứu khoa học, người con gái Họ Dương đã mang về cho mình những thành quả đáng ghi nhận: Năm 2016 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Công nghệ thông tin, năm 2017 được nhận bằng sáng chế từ Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO), nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, đã có trên 20 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI và Scopus (tạp chí khoa học chất lượng cao). Đặc biệt, trong đợt dịch dịch Cô vít -19, Dương Thị Thùy Vân là trưởng nhóm nhóm nghiên cứu Robotics Đại học Tôn Đức Thắng chế tạo 2 robot phục vụ công tác phòng chống dịch. Hiện tại, Dương Thị Thùy Vân là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin ứng dụng Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nữ tiến sĩ tài năng Dương Thị Thùy Vân.
Được biết, trong đợt dịch Cô vít -19 diễn biến phức tạp nhất ở nước ta, chị và nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã nghiên cứu chế tạo hai robot đa năng phục vụ phòng chống dịch. Tại sao nhóm lại lại có ý tưởng này và mất bao nhiêu lâu để nhóm hoàn thành sản phẩm?
TS Dương Thị Thùy Vân: Thực tiễn chống dịch Cô vít -19 cho thấy, mặc dù các nhân viên y tế đã mang trang phục bảo hộ chuyên dụng, nhưng khả năng bị lây nhiễm do tiếp xúc với môi trường truyền nhiễm và bệnh nhân vẫn rất cao. Ngày 28/3/2020, để khử khuẩn bằng phương pháp phun hóa chất cho bệnh viện Bạch Mai, cơ quan chức năng đã phải huy động hơn 100 cán bộ chiến sỹ của Binh chủng Hóa học.
Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cấp bách về việc chế tạo robot có khả năng tự động diệt khuẩn, không chỉ để bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế; giúp họ tránh và/hoặc giảm thiểu đến mức tốt nhất (có thể) việc tiếp xúc trực tiếp với môi trường truyền nhiễm; mà còn giảm thiểu sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong công tác diệt khuẩn tại các môi trường nhiều khả năng truyền nhiễm như khu cách ly và bệnh viện điều trị người nhiễm khuẩn.
Đầu tháng 3/2020, Nhóm nghiên cứu Robotics của TDTU đã nghiên cứu và chế tạo thành công 02 loại robot để phục vụ cho hai loại khu vực cần khử khuẩn khác nhau: (1) khu vực chịu được nước thì khử khuẩn bằng phương pháp phun xịt thuốc, hóa chất; và (2) khu vực không chịu được nước như có nhiều máy móc thiết bị, thì khử khuẩn bằng phương pháp chiếu tia UV. “Chống dịch như chống giặc” nên nhóm đã tận dụng thời gian tối đa, chỉ mất 10 ngày để nghiên cứu, chế tạo 2 robot này .
Chị có thể cho bạn đọc biết một chút về nguyên lý hoạt động của 2 robot này? Có ưu điểm gì so với những robot đã chế tạo trước đó, thưa chị?
TS Dương Thị Thùy Vân: Những tính năng, sự vận hành và ưu điểm của hai Robot có thể tóm tắt như sau:
Robot khử khuẩn CD 1.0 được trang bị vi điều khiển STM34F4, với cấu hình mạnh và tính năng vượt trội. Robot được điều khiển từ xa (khoảng cách tối đa 2.000m) để phun xịt thuốc khử khuẩn cho khu vực cách ly người có khả năng nhiễm, phòng điều trị virút Cô rô na của bệnh viện. Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh, cho phép dễ dàng quan sát và điều khiển từ xa thông qua cuộc gọi video call.
Cánh tay robot là vòi phun thuốc, có khả năng chuyển động lên, xuống, qua trái, qua phải. Ngoài ra, hai bên hông của robot còn được gắn hai vòi. Do đó, trong quá trình di chuyển, robot có thể phun thuốc ra hai bên, phía trước, phía trên và cả dưới mặt sàn. Độ xa phun ra từ mỗi bên hông của thân robot là khoảng 1m, phía trước, phía trên là khoảng 2m nên robot có thể di chuyển 1 lượt là có thể khử khuẩn hoàn toàn khu vực sảnh, hành lang, phòng bệnh của các khu cách ly và bệnh viện.
Với khả năng di chuyển linh hoạt nhờ sử dụng hai động cơ dẫn động độc lập và kích thước nhỏ gọn, robot có thể làm việc trong những không gian chật hẹp. Việc sử dụng hai bánh xe cao su đặc (không có săm) giúp robot di chuyển dễ dàng trên những bề mặt trơn trượt lẫn gồ ghề. Đặc biệt, so với những robot được chế tạo trước đây, robot CD 1.0 có những ưu điểm về khả năng leo dốc, khả năng tải, thời gian làm việc và tốc độ di chuyển, cụ thể robot có khả năng tải khoảng 170kg, thời gian làm việc liên tục khoảng 6 giờ, tốc độ di chuyển tối đa 15km/h.
Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0) tích hợp công nghệ diệt khuẩn chiếu tia UV đã phổ biến tại Châu Âu và Công nghệ xe robot tự hành được nghiên cứu và phát triển tại Đại học Tôn Đức Thắng.
Robot sử dụng công nghệ xe tự hành được nghiên cứu và phát triển tại TDTU nên có khả năng tự động di chuyển theo quỹ đạo, ghi nhớ không gian làm việc và lặp lại hành trình. Với tải trọng 50kg nên có thể được phát triển thành robot vận chuyển thuốc men, vật tư y tế, cơm cho bệnh nhân… từ khoảng cách xa vào đến tận hiện trường.
Về công nghệ khử khuẩn, robot sử dụng Công nghệ chiếu tia UV, chiếu tia cực tím phá hủy cấu trúc DNA của vi khuẩn, virus. Do khả năng phá hủy DNA, Công nghệ UV diệt được nhiều loại virus, vi khuẩn hơn Công nghệ phun hóa chất truyền thống, hiệu quả diệt khuẩn đạt 99.99%. Ưu điểm vượt trội của robot này là sử dụng công nghệ chiếu tia UV, nên không tạo ra các phụ phẩm độc hại cho môi trường, không để lại các hóa chất tạo phản ứng hóa học, rất phù hợp với diệt khuẩn trong phòng làm việc của nhóm, của cá nhân mà không làm ảnh hưởng tới các thiết bị đang hoạt động. Robot có độ bao phủ 360 độ và công suất khử khuẩn khoảng 15 phút/phòng. Ngoài ra, robot sử dụng các bóng phát tia cực tím cho Công nghệ UV nên có hiệu quả kinh tế cao, dễ bảo trì bảo dưỡng, và không đòi hỏi công tác pha chế, bảo quản, sang chiết chất diệt khuẩn, đảm bảo an toàn tối đa cho người vận hành.
Thực hiện công việc nghiên cứu chế tạo khi cả nước trong giai đoạn giãn cách xã hội, chị và nhóm nghiên cứu gặp nhưng khó khăn gì?
TS Dương Thị Thùy Vân: Trong quá trình nghiên cứu và chế tạo robot 2 robot này nhóm nghiên cứu đã gặp nhiều khó khăn. Vì đang trong thời gian cách ly nên nhóm phải chia nhỏ ra từng nhóm nhỏ và làm việc ở những nơi khác nhau. Khi cần thảo luận phải họp trực tuyến và triển khai ở từng nhóm. Ngay cả việc gia công phần vỏ robot, các phần cơ khí và mua linh kiện điện tử cũng gặp khó khăn vì tất cả các xưởng gia công công nghệ cao, gia công cơ khí, các nhà cung cấp linh kiện đều đóng cửa. Rất may là với sự nỗ lực, quyết tâm của cả nhóm, sản phẩm đã hoàn thành kịp thời để hỗ trợ đội ngũ cán bộ y tế.
Một người phụ nữ xinh đẹp như chị lại theo đuổi ngành kỹ thuật. Điều này dường như đi ngược lại với xu thế chung khi hầu hết phụ nữ lứa tuổi 8X trở về trước đều chọn những ngành nhẹ nhàng như sư phạm chẳng hạn?
TS Dương Thùy Vân: Tôi tốt nghiệp THPT vào năm 2000, cũng như bao phụ nữ khác thời 8X, ngay khi được chọn tuyển thẳng vào Đại học, tôi đã chọn ngành Sư phạm toán của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Tuy nhiên, sự cố máy tính năm 2000 (còn được gọi là sự cố Y2K) là một thảm họa của Ngành điện tử và CNTT, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới và truyền thông liên tục đưa tin về những giải pháp khắc phục hậu quả. Những tin tức thế giới và trong nước về sự cố Y2K và giải pháp khắc phục hậu quả đã khiến tôi tò mò về ngành CNTT. Tôi băn khoăn tại sao chỉ là một sự cố mà làm cả thế giới rối lên như vậy, gây thiệt hại nặng nề như vậy?… Phải chăng điều này chứng tỏ Ngành CNTT càng ngày càng có tầm ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực? Từ việc đặt vấn đề như thế; tôi quyết định bảo lưu ngành Sư phạm toán để chuyển sang nhập học ngành CNTT.
Được biết chị là nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam được USPTO cấp bằng sáng chế. Chị có thể chia sẻ một chút về điều này được không ạ?
TS Dương Thị Thùy Vân: Từ chỗ quan sát, lưu ý, rồi tìm hiểu và nhận biết được nhu cầu thực tế rằng: “mỗi người thích nghi với một phạm vi nhiệt độ khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng, tâm lý, quốc tịch, giới tính…”. Nhiệt độ phù hợp nhất sẽ tạo ra môi trường phục hồi tối ưu cho bệnh nhân. Hiện nay tại các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng, trung tâm dưỡng lão… mỗi phòng thường có nhiều bệnh nhân khác nhau và họ đang phải chịu cùng nhiệt độ chung của phòng. Do đó, sẽ có bệnh nhân cảm thấy thoải mái, nhưng có bệnh nhân cảm thấy nóng hoặc lạnh quá. Chúng tôi quyết định nghiên cứu và đề xuất giải pháp thiết lập nhiệt độ cụ thể khác nhau cho mỗi giường bệnh trong cùng một phòng. Quá trình nghiên cứu trải qua khoảng 01 năm để hoàn thiện từ ý tưởng đến giải pháp, thử nghiệm giải pháp. Khi đã có kết quả thử nghiệm, chúng tôi viết hồ sơ đăng ký Bằng sáng chế (Patent) gửi Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO). Quá trình phản biện (review) hồ sơ được USPTO thực hiện rất nghiêm ngặt. Sau gần 1 năm nữa, USPTO Hoa Kỳ đã đồng ý cấp Bằng sáng chế công nghệ cho Nhóm chúng tôi.
Nội dung của của nghiên cứu được công nhận sáng chế công nghệ là một hệ thống cung cấp một nhiệt độ cụ thể cho một giường cụ thể trong một phòng có nhiều giường.
Là một người phụ nữ, để có được thành công như ngày hôm nay hẳn chị đã phải nỗ lực rất nhiều để cân bằng giữa gia đình và công việc?
TS Dương Thị Thùy Vân: Phụ nữ thường gặp những khó khăn trong quản lý thời gian hiệu quả và tôi không là ngoại lệ. Chính vì vậy tôi luôn đặt mức độ ưu tiên cho mỗi công việc mình dự định làm trong tương lai, từ đó thiết lập một thời gian biểu cụ thể giúp tôi tránh được tình trạng nhiều việc, không biết làm gì trước; và tiết giảm được tối đa thời gian lãng phí mà mình phân vân nên làm cái gì đây!.
Họ Dương Việt Nam tự hào vì có những người con tài năng như chị. Là một người đi trước và gặt hái nhiều thành công, chị có thể chia sẻ một chút với thế hệ trẻ trong dòng họ?
TS Dương Thị Thùy Vân: Tôi muốn gửi đến các bạn trẻ trong dòng họ châm ngôn sống của chính mình: “Hãy đặt trái tim, tinh thần của bạn vào những việc làm nhỏ nhất. Đó chính là bí mật của sự thành công”.
Cảm ơn cuộc trò chuyện của tiến sĩ!
Dương Phạm Ngọc thực hiện