“Tiếng lòng” của nghệ nhân gửi gắm trong quạt nghệ thuật Chàng Sơn
- 19/05/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 1106
Dù là quạt giấy, quạt the, quạt lượt hay quạt tranh, dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng quạt Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) đều biến thành những tác phẩm nghệ thuật vô cùng hoàn mỹ. Đặc biệt, có những chiếc quạt do chính nghệ nhân Dương Văn Đoàn (con trai cố nghệ nhân Dương Văn Mơ- tác giả chiếc quạt gỗ lớn nhất Việt Nam) làm ra có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều sản phẩm của ông còn được xuất khẩu ra nước ngoài, mang về những khoản thu nhập không hề nhỏ.
Quạt Chàng Sơn – quạt hết cả tâm phiền
Dân làng Chàng Sơn thường truyền tai nhau những câu thơ nổi tiếng về truyền thuyết làng quạt xưa: “Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên/ Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền/Phiền tâm quạt, tay đưa gió/Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên”. Đây cũng chính là những dòng thư pháp đẹp đẽ thường được viết trên những chiếc quạt Chàng Sơn.
Tuy không phải là làng quạt nổi tiếng duy nhất trên cả nước nhưng nghề làm quạt giấy tại Chàng Sơn đã có tuổi đời hàng trăm năm về trước. Trải qua năm tháng cùng sự biến đổi của nhu cầu xã hội, quạt Chàng Sơn đã đi từ giá trị thực dụng là làm mát, trang trí sang giá trị nghệ thuật. Hiện nay, vai trò quan trọng nhất của quạt Chàng Sơn là lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề, của dân tộc. Bên cạnh đó, là phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bà con làng nghề. Mặc dù gắn với vai trò phát triển kinh tế nhưng do sự chuyển mình khéo léo, phù hợp của làng nghề nên quạt Chàng Sơn vẫn không mất đi giá trị nghệ thuật mà ngày càng tinh xảo và độc đáo hơn.
Hiện nay, quạt Chàng Sơn không chỉ được dùng trong các lễ hội, lễ bái tế, biểu diễn mà còn là đồ trang trí nghệ thuật trong mỗi gia đình hay đơn giản là món quà lưu niệm nho nhỏ … vì vậy, quạt Chàng Sơn cũng rất đa dạng về chủng loại. Do giá trị sản phẩm của làng quạt Chàng Sơn gắn liền với tính nghệ thuật, nên mặc dù đặc tính của làng nghề là cha truyền, con nối nhưng không phải người làm quạt nào cũng có thể trở thành nghệ nhân và không phải ai cũng có thể làm ra được những sản phẩm mang giá trị nghệ thuật cao nếu không thực sự tài hoa.
Với nghệ nhân làng quạt Chàng Sơn thì mỗi chiếc quạt đều được coi là một đứa con tinh thần, cần phải nâng niu, trau chuốt tỉ mỉ dù ở bất cứ một công đoạn sản xuất nào. Nguyên liệu để làm quạt gồm các vật liệu giản đơn như: tre, gỗ, giấy (có thể là vải), hồ và đinh suốt… Những vật vô tri, vô giác ấy, qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công Chàng Sơn bỗng trở thành những tác phẩm nghệ thuật vô giá, đầy “âm thanh” và màu sắc, sống động như chính “tiếng lòng” của tác giả làm ra nó.
Người thổi hồn cho những chiếc quạt
Nghệ nhân Dương Văn Mơ được biết đến không chỉ với vai trò là tác giả của chiếc quạt gỗ lớn nhất Việt Nam mà còn bởi ông là một trong những người đã có công gìn giữ, khôi phục làng nghề quạt Chàng Sơn nổi tiếng xưa kia.
Sinh ra trong gia đình có bốn thế hệ làm quạt nhưng đến hiện tại, chỉ có nghệ nhân Dương Văn Đoàn là người duy nhất nối nghiệp cha (nghệ nhân Dương Văn Mơ) trong số năm anh em. Ông tiếp tục công việc thổi hồn cho những chiếc quạt giấy, quạt lụa trên hành trình gìn giữ những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống. Mặc dù luôn có cái bóng lớn của người cha nghệ nhân tài hoa, nổi tiếng nhưng nghệ nhân Dương Văn Đoàn bằng tài năng của mình cũng đã tạo nên những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật được đánh giá cao. Nhiều tác phẩm do chính tay ông sản xuất đã chinh phục các thị trường khó tính và có truyền thống lâu đời về quạt nghệ thuật như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Ngoài ra, nhiều tác phẩm quạt nghệ thuật của gia đình ông cũng đã tiếp cận thị trường Pháp, Đức, Thái Lan… và mang lại những thành quả nhất định là những đơn đặt hàng lên tới gần chục nghìn chiếc.
Mỗi sản phẩm quạt do gia đình ông sản xuất đều phải trải qua quy trình sản xuất tỉ mỉ, kiểm định ngặt nghèo ngay từ khâu chọn nguyên liệu: Tre làm nan quạt phải già, ít đốt, phần thịt phải chắc. Sau khi cắt đoạn cho phù hợp sẽ tiến hành ngâm nước chống mối mọt. Khoảng ba, bốn tháng, sẽ vớt lên xử lý, sấy sao cho không còn mùi hôi. Ngoài ra, giấy để làm quạt là loại giấy điệp, giấy dó thường dùng làm tranh Đông Hồ và vải the nhập từ làng lụa… Quá trình vào giấy, vào vải the yêu cầu sự khéo léo cao, đòi hỏi người thợ thủ công phải hết sức kiên nhẫn và lành nghề.
Đặc biệt, những bức tranh sơn dầu trên quạt của nghệ nhân Dương Văn Đoàn như hút hồn người chiêm ngưỡng bởi nét vẽ tinh xảo, ý tưởng độc đáo và nan quạt được chế tác kỳ công. Ngắm những chiếc quạt đầy tính nghệ thuật đó, ít ai biết để đạt đến trình độ như bây giờ, ông Đoàn không chỉ dựa vào tài năng thiên phú mà còn phải trải qua quá trình gian nan học hỏi vẽ tranh, viết chữ thư pháp từ người cha nghệ nhân quá cố và kiên trì tập luyện trong một thời gian dài để mỗi bức vẽ trở nên tinh xảo và “có hồn”.
Nguồn: Tạp chí Thương hiệu và Pháp luật