Hội nghị tìm hiểu về đất Đồng Kỵ có liên quan đến phát tích Họ Dương Việt Nam
- 10/11/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 5935
Chiều ngày 08/11/2016, tại nhà thờ Họ Dương Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã diễn ra Hội nghị tìm hiểu về đất Đồng Kỵ có liên quan đến phát tích Họ Dương Việt Nam.
Hội nghị gồm: HĐHDVN, Kinh Bắc, Châu Cổ Pháp; đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND phường Đồng Kỵ; các cụ cao niên và 3 chi thuộc Họ Dương Đồng Kỵ.
Nội dung:
– Các đại biểu làm lễ dâng hương tại nhà thờ Dương tộc để cẩn cáo với Tổ Tiên phù hộ việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử được thuận lợi.
– Nghe báo cáo về “Long Vỹ, Đồng Kỵ là nơi tập hợp, luyện nghĩa binh, đánh giặc Xích Quỷ, giặc Ân và có liên quan đến đất phát tích Họ Dương Việt Nam”.
Các đại biểu đã sôi nổi phát biểu, 100% ý kiến đồng thuận với báo cáo và Chủ tịch HĐHDVN – Dương Đình Chiến kết luận:
– Cảm ơn sự có mặt của HĐHDVN, Kinh Bắc, Châu Cổ Pháp, chính quyền địa phương và các cụ đã quan tâm đến chủ trương về việc xây dựng bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam” và cảm ơn sự nhất trí cao với nội dung báo cáo mà ban nghiên cứu lịch sử và Hội đồng Họ Dương Kinh Bắc, Châu Cổ Pháp đã chuẩn bị.
– Sau Hội nghị, cần làm tiếp một số nội dung:
Thứ nhất: Tại phường Đồng Kỵ (Từ Sơn – Bắc Ninh) còn nhiều nội dung có liên quan đến việc xây dựng bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam” cho nên ban nghiên cứu Lịch sử Họ Dương Việt Nam, Kinh Bắc, Châu Cổ Pháp phải tranh thủ sự ủng hộ của Đảng ủy, Ủy ban, nhân dân và bà con Họ Dương phường Đồng Kỵ để tiếp tục làm rõ thêm những dấu tích có liên quan đến Lịch sử Họ Dương Việt Nam.
Thứ hai: Bia cổ tại mộ phần cụ Tổ Dương Đình Thiện cần được phiên bản, bia chính nên đặt tại nhà thờ Dương tộc Đồng Kỵ (Từ Sơn – Bắc Ninh).
Thứ ba: Tranh thủ sự ủng hộ của địa phương, mở con đường vào khu mộ cụ Tổ Dương Đình Thiện để bà con Họ Dương các nơi và xã hội đến thắp hương cụ.
Sau đây là toàn văn báo cáo và hình ảnh về hội nghị:
NHỮNG CỨ LIỆU NÓI VỀ LONG VĨ, ĐỒNG KỴ LÀ NƠI TẬP HỢP, LUYỆN NGHĨA BINH, ĐÁNH GIẶC XÍCH QUỶ, GIẶC ÂN VÀ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT PHÁT TÍCH HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
Nhóm người Việt cổ thường đi theo triền sông để tìm kiếm vùng đất để làm ăn, rồi trụ lại sinh sống và lập thành các ấp, trang, làng, xã.
Dựa vào cứ liệu, hiện vật, các nhà khảo cổ học nhận xét về vùng đất Đồng Kỵ “ít nhất cũng từ 3.500 năm về trước đã có những người Việt cổ đến sinh sống bằng nghề nông, chăn nuôi, dệt vải, đánh cá, săn bắn, chứng tỏ sự phát triển phong phú, đa dạng của những cư dân nơi đây”.
Từ thời Lê trở về trước chúng ta chỉ biết Đồng Kỵ với địa danh “lỏng” hơn. Người ta chỉ biết Đồng Kỵ ngày nay tức Tam trang xưa, đó là Trang Cời, Trang Cọc và Trang Long Vỹ. Riêng Trang Long Vỹ có nhiều đàn cò đến sinh sống làm tổ ngày càng đông đúc. Dân làng nhận ra nơi đất tốt cò đậu và cảm thấy vui mừng, thế rồi đổi tên Trang Long Vỹ thành Trang Cò. Ba Trang đều có chùa, Trang Cời có chùa Long Hoa Tự tức Rồng khai hoa là tốt đẹp, hưng thịnh. Sau này ba Trang sát nhập thành làng Nhân Hậu và quy tụ ở khu đất Trang Cời cũ, đây là địa thế cưỡi trên chân long, còn Long Vỹ phần lớn để an táng lăng mộ.
Mộ cụ Khởi Thủy Tổ tự Phúc Thiện (Dương Đình Thiện)
Từ xa xưa ngôi mộ cụ Khởi Thủy Tổ tự Phúc Thiện vẫn nằm ở gò đất cao trên cánh con Nhạn thuộc khu vực Bãi Giữa, Bãi cháy Đình Cò (Trang Long Vỹ xưa). Trên bài vị của nhà thờ Dương tộc đại tôn cũng ghi “Sơ Tổ Khảo tự Phúc Thiện”. Năm 2007 các cụ họ Dương Đồng Kỵ bàn bạc nâng cấp ngôi mộ cụ Thiện thêm to đẹp, khang trang. Mộ được tân cao thêm. Trước khi tân mộ có đào và thấy tấm bia đá cổ được vùi sâu gần ngập bia, chỉ để lộ ra mỏm đầu bia phần trên khoảng 8cm.
Bia cổ tại mộ phần cụ Tổ Dương Đình Thiện
Tấm bia cổ vừa xấu vừa mốc mác đã vùi ngay bên cạnh mộ và thay thế vào đó là tấm bia mới to cao rộng hơn và viết bằng chữ tiếng Việt “Khởi Thủy Tổ Dương Tộc”. Địa thế mộ cụ Dương Đình Thiện tìm được phù hợp với Dương tộc kỷ sử viết:
“ Phần mộ cụ Dương Đình Thiện để tại đất Long Vỹ – Châu Cổ Pháp”.
Mộ Cụ Khởi Thủy Tổ Dương tộc Phúc Thiện (Dương Đình Thiện)
Bia mới trên mộ Khởi Thủy Tổ Dương Tộc
Thời gian gần đây HĐHDVN đang tập trung xây dựng “ Bộ sách lịch sử Họ Dương Việt Nam” và lấy bộ “Dương Tộc Kỷ Sử” của Thừa tướng Quốc công Dương Đình Tiến viết năm 1058 làm nền tảng. Những người trong Ban sử thường nhắc các kỷ vật cũ có giá trị hơn nhiều cái mới. Nếu bia cổ bị hư nát quá mức, phải thay bia mới thì bia mới cũng cần được làm gần giống như bia cổ. Ý thức được điều đó, ông Dương Văn Thảo biết chỗ mình vùi tấm bia cổ đã bới lên và cho chà xát, rửa sạch.
Ngày 04/9/2016, các ông Dương Đình Chiến – Chủ tịch HĐHDVN; ông Dương Xuân Thoa – PCT kiêm TTK HĐHDVN; ông Dương Văn Đảm – PCT, phó ban nghiên cứu lịch sử HDVNHDVN đã về Đồng Kỵ để trực tiếp xem tấm bia đá cổ. Ông Dương Văn Đảm đọc trên bia ghi “Dương Đình Thiện – Tự Phúc Thiện” bằng chữ hán cổ.
Ngoài ra ở cánh con Nhạn còn có các mộ tổ tiên: Cao Cao Tổ Khảo tự Phúc Thịnh, Cao Cao Tổ Khảo tự Phúc Tính.
Theo lược sử họ Dương Việt Nam: Châu Cổ Pháp thuộc Bộ Vũ Ninh xưa là nơi phát tích Họ Dương. Ở Đồng Kỵ, số người Họ Dương được cho là đông nhất so với các dòng họ khác trong làng. Theo “Văn hóa truyền thống làng Đồng Kỵ” do Viện nghiên cứu văn hóa dân gian xuất bản năm 2000 thì người họ Dương đến cư trú sinh sống tại Đồng Kỵ ngay từ đất nước sơ khai. Đồng Kỵ nói chung và người họ Dương nói riêng là một quần cư giàu lòng yêu nước, nơi đây đã quy tụ binh sỹ khắp vùng về luyện tập dưới sự chỉ huy của Thiên Cương để dẹp giặc Xích Quỷ. Về sau Ngài cùng với Dương Minh Thắng đánh đuổi giặc Ân. Người dân Đồng Kỵ đã tôn thờ Thiên Cương là Thần Hoàng tại sinh từ xưa, nay là đền miếu. Ngay trực diện cửa chính giữa đền Đồng Kỵ treo câu đối:
“Tiền phạt Quỷ hậu phá Ân, hằng hằng duy liệt
Cổ sinh từ kim thanh miếu trạc trạc quyết linh”
Tạm dịch là:
“Trước đánh Quỷ sau phá Ân, uy phong lẫm liệt
Xưa sinh từ nay miếu mạo rực rỡ anh linh”
Phong tục, Lễ hội đặc biệt là hội pháo của Đồng Kỵ được lưu truyền từ xưa đến nay mang đậm tinh thần thượng võ, vừa là nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa là tinh thần đoàn kết yêu nước: tục lệ tranh cột thái bạch vào đêm 30 Tết âm lịch là sự tích các tướng muốn tranh ấn đi tiên phong ra trận diệt giặc; tục lệ kiệu ông đám nhắc lại sự tích những người theo Thiên Cương và Dương Minh Thắng đánh giặc; hội đốt pháo Đồng Kỵ nhằm nhắc lại chiến công anh dũng của Thiên Cương cùng với Dương Minh Thắng, Dương Thế Dũng và nhiều người dân Tam Trang Nhân Hậu (Đồng Kỵ).
Với tiếng pháo nổ là tiếng lệnh xuất quân chiến đấu của các Ngài (hội pháo Đồng Kỵ đã được công nhận là Văn hóa phi vật thể đại diện Quốc gia); tục lệ bốn ông đám đỏ ra múa hoa ngay sau khi đốt xong pháo thể hiện sự vui mừng đón đoàn quân chiến thắng trở về. Thông qua phong tục, lễ hội này hình dung được từ xa xưa Đồng Kỵ là một địa bàn quân sự để tập luyện (hiện tại trong dân còn sưu tầm được những mũi tên cổ), đồng thời là nơi binh hùng, tướng mạnh cho nên đã có nhiều người đứng lên tập hợp nghĩa binh tham gia nhiều trận đánh xuyên suốt từ tiền sử dựng nước cho đến ngày nay. Thời tiền sử là đánh giặc Xích Quỷ, giặc Ân; sau này được các cụ cao niên truyền lại: “Ngày xưa con cụ Dương Đình Thiện từng cầm quân vào miền trong xây dựng lực lượng để đánh giặc”. Đồng Kỵ là nơi mà nhiều thế hệ người Họ Dương tập hợp lực lượng và rèn quân để chống giặc giã, bảo vệ đất nước, trong đó có cụ Dương Đình Nghệ là Thứ sử “Châu Cổ Pháp”. Sau chuyển vào làm Thứ sử “Châu Ái” (Thanh Hóa ngày nay). Khi đi đã mang theo 3000 người con nuôi (nghĩa tử) và người Họ Dương.
Đại biểu thắp hương tại nhà thờ Họ Dương Đồng Kỵ
Đại biểu đóng góp ý kiến
Chủ tịch HĐHDVN – Dương Đình Chiến kết luận
Các cụ Họ Dương Đồng Kỵ giới thiệu về ví trí mộ phần cụ Dương Đình Thiện
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Ban biên tập