Lo hỏng xe, phải mua sách động cơ học!
Đến với buổi giao lưu, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt mang theo bức tranh cuối cùng đánh dấu sự kết thúc của chặng hành trình qua 63 tỉnh, thành trên chếc Chaly cũ của mình. Đó là bức tranh về mẹ Phạm Thị Ngãi ở phường Lam Sơn, TP.Hưng Yên. Đó là bức tranh thứ 1.304 được nữ họa sĩ hoàn thành vào ngày 23.7 vừa qua. Với bà, bức ký họa này không chỉ mang dấu mốc về thời gian, mà còn lưu giữ kỷ niệm sâu đậm. Câu chuyện của mẹ Ngãi gắn với người cháu tên là Nguyễn Văn Bê – giọt máu duy nhất từ người con liệt sĩ đã hy sinh ở chiến trường miền Nam.
Để có được người cháu hiếu thuận này, không ai nghĩ rằng giữa gian khổ chiến tranh, mẹ Ngãi đã quyết tâm cưới vợ cho con trước khi con ra chiến trường. Hạnh phúc kết trái khi cháu nội của mẹ ra đời, như niềm an ủi lớn, bù đắp cho hy sinh của người con của mẹ. “Qua câu chuyện của mẹ, tôi nhận ra rằng mẹ Ngãi còn có Bê, nhưng hàng ngàn bà mẹ VNAH khác không có Bê. Từ Nam chí Bắc, các mẹ chỉ vì một khẩu hiệu: Tất cả vì chiến thắng. Chiến thắng đã đến, còn các mẹ thì mãi trông chờ! Đó là sự hy sinh khốc liệt. Tôi và mẹ ôm nhau, giọt nước mắt rơi vào bức tranh. Đó là kỷ niệm mà tôi sẽ không bao giờ quên!” – họa sĩ Đặng Ái Việt bồi hồi chia sẻ.
Giao lưu giữa các gương mặt điển hình trong chương trình Vinh quang Việt Nam 2015 |
Câu chuyện của nữ họa sĩ đặc biệt này còn gắn với chiếc Chaly cũ cùng bà chinh chiến mọi nẻo đường. “Nhìn chiếc xe, ai cũng lo tôi hỏng xe giữa đường thì không biết thế nào! Tôi cũng lo lắm! Thế là trước khi đi, tôi sắm hẳn một quyển sách về động cơ học để có thể ứng phó bất cứ lúc nào!” – bà Việt chia sẻ vui khiến cả hội trường bật cười và vỗ tay rất to. Không chỉ vậy, để có thể chống đói dọc đường, trước chuyến đi, bà tập cho mình thói quen trước khi đi là cứ 10 ngày lại nhịn ăn một ngày cho quen dạ. “Nhưng mình đi tới đâu ai cũng thương, đang vẽ lỡ bữa ở nhà mẹ thì mẹ cho tôi ăn cơm luôn, không phải lo cơm nước. Xe cộ tôi có lo nhưng không đến nỗi! Trước khi kết thúc câu chuyện, bà không quên “tiết lộ”, do chiếc Chaly của bà đã được Bảo tàng Phụ nữ T.Ư “tạm giữ” nên thay vào đó, bà tậu một chiếc xe cub 81 cánh én, sau đó “độ” động cơ từ 50cc lên 90cc để chạy. Bà không quên xin lỗi các chú CSGT khi nói về chiếc xe này!
Còn với ông Nguyễn Duy Khuyến – TGĐ Cty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, câu chuyện về sự thành công của Cty lại xuất phát từ những việc làm rất giản dị và nhân văn. Từ đống đổ nát của những năm 60 thế kỷ trước, ông Nguyễn Duy Khuyến đã cùng đồng nghiệp “tái sinh” DN phát triển với quyết tâm rằng, muốn thay đổi Cty, trước hết phải thay đổi cách làm. “Chúng tôi nghiên cứu khắc phục công trình, nghiên cứu khí hậu VN với các đặc thù riêng, nghiên cứu để khắc phục các nhược điểm trong thói quen bón phân của bà con để tạo ra sản phẩm phù hợp” – ông cho hay. Đặc biệt, để đến với thị trường, cách làm của ông hết sức đơn giản, nhưng hiệu quả bởi tính nhân văn to lớn. Đó là quyết định… bán chịu phân bón cho nông dân, “hậu” thu hồi vốn sau thu hoạch qua các kênh như hội nông dân, HTX…. “Những hộ nghèo đói, chúng tôi sẵn sàng xóa nợ, nông dân mất mùa chúng tôi cũng xóa nợ. Sản phẩm của Cty đã đến bà con nông dân và thị trường bằng cách rất giản dị đó!” – ông Khuyến chia sẻ.
Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải (phải, ảnh) tặng hoa cho các điển hình tại chương trình Vinh quang Việt Nam 2015. |
Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT NHTMCP Công thương (VietinBank) – mang đến cuộc giao lưu câu chuyện về cách làm riêng của NH trong việc hỗ trợ DN về vốn để vượt qua giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”. VietinBank đã đưa ra nhiều giải pháp để cùng địa phương tháo gỡ khó khăn cho DN, tiếp tục cung ứng vốn cho các DN. “Giai đoạn này lãi suất NH rất cao, chúng tôi đưa ra gói chương trình tín dụng với 12-15 chương trình mỗi năm. Quyết liệt xử lý tồn tại nợ xấu, phân loại các DN có khả năng có thể phục hồi sản xuất kinh doanh bằng cách vừa giảm lãi suất, vừa cung ứng vốn để vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển” – ông Thắng chia sẻ. Quyết tâm thực hiện việc tái cơ cấu hoạt động của VietinBank.
Để những tấm gương luôn tỏa sáng
Đánh giá về sức lan toả của Vinh quang Việt Nam, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh, chương trình đã ngày càng trở thành sự kiện có uy tín lớn trong xã hội, có tác động tích cực và để lại những dấu ấn tốt đẹp trong xã hội. Chủ tịch mong muốn những tấm gương được tôn vinh lần này cũng như các lần tôn vinh trước đây sẽ tiếp tục phát huy vai trò như những nhân tố đi đầu, tiếp tục toả sáng trong xã hội, trở thành những hạt nhân tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch Quốc hội – đã trao tặng kỷ niệm chương cho các tấm gương điển hình. Trước khi kết thúc buổi lễ, ông Trần Duy Phương – Tổng Biên tập Báo Lao Động – trân trọng cảm ơn sự quan tâm động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐVN, Ban Thi đua khen thưởng T.Ư đã hỗ trợ, đồng hành với chương trình 12 năm qua. “Mỗi năm đều có bước phát triển mới, gắn liền với bối cảnh lịch sử của đất nước. Sau khi được tôn vinh, chương trình sẽ tiếp tục phát huy năng lực, xứng đáng với phát triển của đất nước, trở thành điển hình để xã hội học tập noi theo” – ông Trần Duy Phương nói.