Trung tá Dương Tú Nam: Lặng thầm sau những chuyến bay

Gần 20 năm gắn bó với công tác kỹ thuật tại Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, Trung tá, kỹ sư Dương Tú Nam – Trưởng phòng Kỹ thuật đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, đồng thời là người trực tiếp hướng dẫn, đào tạo nhiều kỹ sư trẻ mới vào nghề…

Từ truyền thống gia đình

Chúng tôi đến sân bay Gia Lâm khi Lữ đoàn 918 tổ chức ban bay huấn luyện ngày và thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vật tư y tế tăng cường cho các đơn vị phía Nam phòng, chống dịch Covid-19. Từ 5 giờ sáng, trước khi tổ bay tiếp thu máy bay, đội ngũ nhân viên kỹ thuật cùng các thành phần bảo đảm nhanh chóng làm công tác chuẩn bị.

Trong tiếng động cơ máy bay át cả tiếng người nói chuyện, chúng tôi thấy Trung tá Dương Tú Nam liên tục cơ động đến những vị trí trên các máy bay đã được kéo dắt ra sân đỗ chờ cất cánh, cùng những người lính thợ của Phòng Kỹ thuật kiểm tra lần cuối các thiết bị theo chuyên ngành kỹ thuật hàng không (KTHK). Đây là công việc thường xuyên trước mỗi ban bay của các anh.

Tranh thủ lúc Nam bận làm việc, tôi tìm gặp Đại tá Vũ Tiến Dũng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 để hỏi thêm một vài thông tin cá nhân trước khi phỏng vấn trực tiếp. Mặc dù trước đó đã nhiều lần gặp và trò chuyện xã giao nhưng đúng là tôi chưa biết nhiều về Trung tá Dương Tú Nam. Từ những thông tin mà đồng chí Dũng chia sẻ, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đằng sau khuôn mặt lúc nào cũng tươi tắn, nụ cười hồn hậu của anh là một hoàn cảnh đặc biệt.

Để có được những thành tựu như ngày hôm nay, anh phải vượt qua không ít khó khăn, thiếu thốn. Hơn 2 tuổi, Dương Tú Nam gặp “cú sốc” đầu đời khi cha anh, Thiếu tá Dương Đình Nghi, phi công cường kích Su22, Trung đoàn 923 kiêm Chủ nhiệm bay của Sư đoàn 372 hy sinh trong một chuyến bay huấn luyện đêm 15-12-1982 trên vùng trời Sóc Sơn, Hà Nội. Thiếu tá Dương Đình Nghi hy sinh, để lại người vợ trẻ và con thơ mới chập chững tập nói, tập đi. “Ngày ấy, tôi còn quá nhỏ để có ký ức về cha. Nhưng qua những câu chuyện kể của mẹ và đồng đội của cha mỗi khi đến thăm nhà, tôi dần ấp ủ mong muốn được trở thành người lính không quân như cha” – Trung tá Dương Tú Nam cho biết.

Trung tá Dương Tú Nam (giữa) trao đổi chuyên môn với đồng đội.

Mẹ anh, bà Vương Thị Hòa là người phụ nữ giàu nghị lực. Vượt qua nỗi đau mất chồng khi tuổi đời còn rất trẻ, bà vững vàng nuôi dạy Tú Nam trưởng thành. Đồng thời người phụ nữ ấy quyết tâm học tập, nghiên cứu để trở thành Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học của Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Hiện nay, mặc dù đã nghỉ công tác nhiều năm nhưng bà vẫn tiếp tục thực hiện nhiều đề tài khoa học, là giảng viên cộng tác cho nhiều cơ sở đào tạo cán bộ y tế khu vực phía Bắc.

Cha và mẹ chính là tấm gương sáng để Dương Tú Nam phấn đấu, trưởng thành. Sinh năm 1980 nhưng Tú Nam lại học cùng các bạn sinh năm 1979. Dù vậy, anh vẫn luôn theo kịp chúng bạn. Sau khi tốt nghiệp Trường THPT chuyên Thái Bình, anh đăng ký khám tuyển phi công. Nhưng cũng là duyên số, mặc dù trúng tuyển nhưng cuối cùng anh lại lựa chọn học ngành KTHK.

Trung tá Dương Tú Nam (bên phải) trong một buổi làm việc thực tế trên máy bay cùng sĩ quan không quân Nhật Bản ngày 20/3/2019.

Đến những nỗ lực không ngừng nghỉ

Ngay khi tốt nghiệp, Dương Tú Nam được điều về công tác tại Lữ đoàn 918. Đơn vị đóng quân ở cả hai đầu Nam-Bắc, nên mặc dù gia đình đều ở Hà Nội nhưng anh tình nguyện vào công tác tại TP Hồ Chí Minh để có cơ hội cọ xát với công việc rất đặc thù của người lính KTHK.

Đằng sau những chuyến bay an toàn của Lữ đoàn 918 là bóng dáng của “bà đỡ” Dương Tú Nam và những cộng sự cần mẫn với từng thiết bị KTHK. Gần 20 năm gắn bó với công tác này, kỹ sư Dương Tú Nam chia sẻ: “Nhiều khi chỉ cần nghe tiếng nổ của máy bay, chúng tôi đã biết vị trí nào cần phải kiểm tra rồi”.

Từ một kỹ sư trẻ mới ra trường với nhiều bỡ ngỡ, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, Dương Tú Nam đã từng bước trưởng thành, là một trong những “hạt giống đỏ” được lữ đoàn và quân chủng xây dựng. Không phụ kỳ vọng của cấp trên và đồng đội, anh đã khẳng định bằng hiệu quả của công việc được giao. Nhiều năm liền anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được thăng quân hàm trước niên hạn. Năm 2014, anh được bổ nhiệm là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo đảm KTHK, Trung đoàn 918 (nay là Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn 918)-một trong những kỹ sư trẻ nhất của Quân chủng PK-KQ đảm nhận cương vị này lúc bấy giờ.

Đây cũng là giai đoạn rất đặc biệt: Lữ đoàn 918 chuyển từ khai thác, sử dụng máy bay do Liên Xô sản xuất sang các loại máy bay thế hệ mới của châu Âu như C-295, Casa 212… Điều này cũng có nghĩa, ngành KTHK của đơn vị cũng sẽ phải tiếp cận với chuyên ngành mới, chưa có kinh nghiệm khai thác. Trong khi đó, yêu cầu đầu tiên cho việc huấn luyện chuyển loại tại nước ngoài là phải bảo đảm đạt được chứng chỉ ngoại ngữ khai thác hàng không (ICAO) lever 4.

Sau nhiều suy nghĩ, trăn trở, Trưởng phòng Kỹ thuật Dương Tú Nam đã mạnh dạn đề xuất, xây dựng đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn đó bằng việc cử cán bộ đi học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn tại các cơ sở đào tạo của quân đội và trung tâm huấn luyện của Việt Nam Airlines. Đặc biệt, đồng chí còn chủ động liên hệ với hãng Airbus, đề nghị cung cấp tài liệu huấn luyện, cùng các kỹ sư của phòng nghiên cứu trước. Điều này giúp cho lực lượng cán bộ sang Tây Ban Nha đào tạo chuyển loại tự tin hơn.

Trong thời gian ở nước bạn, để tiếp thu lượng kiến thức tương đối lớn, ngoài thời gian học tập trên khu huấn luyện, anh và đồng đội còn tích cực chủ động trao đổi nghiên cứu thêm ngoài giờ. “Có những hôm sau 8 tiếng học tập trên lớp, ăn vội bữa cơm chiều, anh lại tham gia huấn luyện quay máy trên buồng tập mô phỏng. Nhiều khi về đến nhà để nghỉ đã là 4 giờ sáng hôm sau.

Trung tá Dương Tú Nam.

Mặc dù cường độ huấn luyện chuyển loại cao, rất vất vả nhưng anh Nam luôn động viên chúng tôi cố gắng học tập, tiếp thu tối đa lượng kiến thức máy bay mới. Bởi đây là khí tài vô cùng hiện đại, là tài sản lớn của đất nước, quân đội”-Trung tá Phí Mạnh Trường, Phó trưởng phòng Kỹ thuật nhớ lại.

Từ sự cố gắng đó, các thành phần tham gia chuyển loại máy bay của Lữ đoàn 918 đã hoàn thành tốt khóa chuyển loại, đạt chứng chỉ khai thác máy bay từ phía nhà máy sản xuất Airbus. Với những kiến thức được trang bị, khi về nước, Dương Tú Nam và các cộng sự đã thành công trong xây dựng lực lượng, quy trình bảo dưỡng máy bay, đổi mới mô hình huấn luyện. Trong lần đến Lữ đoàn 918, đoàn chuyên gia của hãng Airbus đã phải công nhận cách làm của kỹ sư Việt Nam là sáng tạo và hợp quy trình.

Đến nay, ngành kỹ thuật của Lữ đoàn 918 đã làm chủ được tất cả dạng bảo dưỡng đối với các loại máy bay được biên chế. Đặc biệt là các dạng bảo dưỡng lớn của máy bay như 8Y, 2C, 3C hay thay động cơ, cánh quạt…

Tuy vậy, không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, dù đã ở vị trí quản lý, Trưởng phòng Dương Tú Nam vẫn trực tiếp lao vào công việc cùng đồng đội. Mới đây, ngoài hai sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được nghiệm thu, anh còn xây dựng thành công chương trình huấn luyện tiếp thu quy trình công nghệ bảo dưỡng cho cán bộ nhân viên Nhà máy A41 (Quân chủng PK-KQ).

Trong bộ quân phục vương mùi dầu mỡ, tận tình hướng dẫn các kỹ sư trẻ mới vào nghề làm quen với công việc là hình ảnh quen thuộc mỗi ngày ở đơn vị của Trung tá Dương Tú Nam. Khi có những hỏng hóc phát sinh, anh lại ngày đêm kiên trì tìm cách khắc phục, xử lý. Như một người thầy cần mẫn, hằng ngày anh tự học tập, trau dồi kiến thức và truyền đạt lại cho đội ngũ kế cận.

Trung tá Dương Tú Nam chia sẻ: “Khoa học kỹ thuật thay đổi hằng ngày, hằng giờ. Nếu ngừng học tập, tiếp thu kiến thức mới thì tự chúng ta sẽ lạc hậu so với thời đại. Trong khi đó, ngành KTHK lại rất đặc thù, đòi hỏi phải thận trọng, tỉ mỉ và chính xác tuyệt đối. Mọi sai sót xảy ra đều gây hậu quả khôn lường. Anh em ở Phòng Kỹ thuật chúng tôi lúc nào cũng nhắc nhau về điều này để cùng kiên trì phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ”.

Chính bởi từ suy nghĩ này mà Trung tá Dương Tú Nam mạnh dạn đề xuất ý tưởng, sau khi được các cấp thông qua đã thành công xây dựng mô hình thư viện-phòng đọc kỹ thuật của Lữ đoàn 918 với hệ thống sách, tài liệu khá phong phú, được phân loại thành nhiều mục khác nhau, phục vụ nhu cầu tìm hiểu của phi công và ngành KTHK. Những tài liệu bằng tiếng nước ngoài, Phòng Kỹ thuật đã tìm các nguồn lực, tổ chức biên dịch để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, nhân viên.

Trực tiếp đến tham quan thư viện này, quan sát trên các dãy kệ, chúng tôi thấy hàng chục nghìn trang tài liệu được chính đội ngũ kỹ sư đào tạo ở Tây Ban Nha tự dịch sang tiếng Việt. Tại đây, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Trung úy Phạm Quốc Công, Phân xưởng trưởng Phân xưởng 3, Xưởng bảo dưỡng kỹ thuật đang tìm kiếm thông tin giữa những kệ tài liệu.

Anh Công cho biết: “Sau những giờ làm công tác bảo đảm kỹ thuật ngoài sân bay, khi còn những vướng mắc, chúng tôi đến đây tìm hiểu tài liệu, rồi trao đổi với nhau để tìm ra phương thức giải quyết. Tất cả đều nhờ có ủng hộ của Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn, trực tiếp là Phòng Kỹ thuật đã tạo cơ hội để chúng tôi tiếp cận với tri thức mới”.

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com