Trường Sa trong tôi
- 23/05/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 597
Tôi rất vinh dự là thanh viên tham gia đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Sau 3 ngày cách ly y tế, 6h sáng ngày 11/5/2022, đoàn có mặt tại cảng Cát Lái. Đoàn công tác số 9 do Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng – Phó Tư lệnh Hải quân làm trưởng đoàn và ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn gồm 207 đại biểu từ Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh và các quận, huyện, đại diện lực lượng vũ trang, bác sĩ, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp…
Trước giờ khởi hành, các đại biểu làm lễ dâng hương ở đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ “Đoàn tàu không số” trong khuôn viên lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân. Nhiều lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh có mặt tiễn đoàn và sau 3 tiếng còi, tàu xuất bến đưa đoàn công tác đến với Trường Sa. Trong suốt hải trình hơn 1.000 hải lý, giai điệu bài ca “Gần lắm Trường Sa” và nhiều ca khúc về biển đảo, tình yêu quê hương đất nước luôn ngân vang.
Đoàn được biên chế thành 7 tổ, có tổ trưởng và tổ phó, giao ban với lãnh đạo đoàn hằng ngày. Lịch của đoàn được sắp xếp như lính, giờ giấc ngủ, nghỉ, và làm việc được tính từng phút và mọi người đều vui vẻ tuân thủ. Từ ngày 2, cả đoàn đã quen với thông báo báo: “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”, “Đã đến giờ dùng cơm, mời các thành viên đoàn…”. Các buổi đi thăm đảo thì tổ hậu cần, tổ quà tặng và báo chí, văn nghệ sĩ sẽ xuất phát trước để chuẩn bị.
Hành trang đoàn mang theo gồm nhiều phần quà: Lò vi sóng, máy lọc nước, ti vi, dàn karaoke… và nhu yếu phẩm. Đặc biệt có nhiều lá cờ tổ quốc, tất cả đong đầy tình cảm yệu thương của hơn 13 triệu người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa, được tổ chức trang nghiêm tại vùng biển gần đảo Cô Lin, nơi mà ngày 14/3/1988, các anh đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ đảo và nằm lại nơi này. Cả đoàn rưng rưng xúc động, thắp nén hương và thả hoa giấy mà ngỡ các anh còn đâu đây, phù hộ cho đoàn trên chuyến hải trình bình an.
Hình ảnh ấn tượng trên các đảo là cột mốc chủ quyền và người lính tiêu binh bồng súng đứng gác, với khuôn mặt ngời sáng trong nắng biển.
Song Tử Tây và Sinh Tồn là các đảo nổi rợp bóng cây xanh với nhiều hàng phi lao, bàng vuông, phong ba… và đặc biệt là các vườn rau xanh do các chiến sĩ trồng để cải thiện bữa ăn.
Sau đó, Đoàn đi thăm các đảo Đá Nam, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan A, Thuyền Chài B, Đá Tây B… Đảo Trường Sa lớn là đảo sau cùng đoàn đến thăm, cũng là đảo lớn nhất, có cầu cảng, sân bay, trường học, bưu điện, điện lực, trung tâm y tế, chùa, trung tâm văn hóa và 7 hộ dân… Đây là thị trấn, là thủ phủ của huyện đảo Trường Sa. Tôi cũng dành thời gian đi gần hết các điểm trên đảo, thăm các hộ dân, thăm thầy giáo trên đảo, Ủy ban nhân dân thị trấn và Ban quản lý khu trung tâm hậu cần kỹ thuật.
Sau lễ duyệt binh và chào cờ, Đoàn dâng hương tại nhà tưởng niệm Bác Hồ kính yêu. Buổi văn nghệ giao lưu giữa đoàn và quân dân trên đảo diễn ra hết sức sôi nổi, vui vẻ… Anh Dương Công Đức – Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng kỹ thuật Vietcotek (thành viên tổ 4) cùng tham gia 3 câu vọng cổ mừng sinh nhật Bác, bài ca “Nhớ cha trong mùa phượng đỏ”.
Đoàn chia tay đảo trong bịn rịn, lưu luyến… Hàng chục bài ca vang lên tại cầu cảng, tiếng hô vang: “Trường Sa vì Tổ quốc, Tổ quốc vì Trường Sa” vang vọng một vùng trời. Hàng trăm cánh tay vẫy chào hẹn ngày gặp lại.
Nhà giàn DK1 là điểm đến sau cùng đoàn ghé thăm. Nơi đây, nay được đầu tư chắc chắn, vững chãi, có sân bay trực thăng trên mái và hệ thống năng lượng mặt trời phủ kín… Hơn 30 năm qua, những nhà giàn giữa trùng khơi đã trở thành biểu tượng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Sự can trường, hy sinh, đứng nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ từng tất đất, biển đảo quê hương tạo niềm xúc động đặc biệt cho tôi. Tôi thấy có trách nhiệm hơn với công việc, xã hội vì sự bình yên của mình và thành phố có phần đóng góp lớn của chiến sĩ Trường Sa. Tôi sẽ chia sẻ các thông tin có được với đồng nghiệp và người thân, để tất cả cùng hướng về biển đảo quê hương.
Vất vả gian nan còn đó, nhưng các chiến sĩ không bao giờ than vãn. Ngoài khó khăn từ phong ba bão tố trên biển và nỗi nhớ nhà, nhớ người thân luôn thường trực thì khó khăn lớn nhất trên các đảo vẫn là điện, nước, rau xanh, và y tế. Đặc biệt là công các duy tu, bảo dưỡng các hệ thống máy móc kỹ thuật… do điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Hội thi cắm hoa, cờ tướng, tìm hiểu về biển đảo quê hương diễn ra sôi nổi. Đặc biệt là chương trình thi văn nghệ giữa 7 tổ được các thành viên chăm chút, sáng tạo, tập luyện say sưa… Ngày thứ 8, biển động làm mọi người say sóng, chương trình tổng kết, trao giải các cuộc thi phải dời sang sáng 19/5/2022.
Thật may mắn, trời yên, biển lặng… và chiều cùng ngày, đoàn đã trở về Cát Lái. Các thành viên sau 9 ngày cùng sinh hoạt chung đã tạo các nhóm, lưu số, chia sẻ thông tin. Một số tổ còn làm kỷ yếu, lên lịch họp mặt sớm… và lãnh đạo Thành phố cũng trao đổi với đoàn và có kế hoạch họp bàn các giải pháp hỗ trợ căn cơ hơn cho các đảo. Mỗi đại biểu sẽ lan tỏa cảm xúc, tình yêu quê hương biển đảo bằng các việc làm cụ thể khi đã tận mắt nhìn thấy những khó khăn, sự hy sinh, vất vả của chiến sĩ và người dân trên đảo. Trường Sa mãi trong tim tôi!
Dương Công Đức