Từ góc sân nhà họ Dương làng Ninh Thạnh (tiếp theo và hết)
- 12/10/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 514
Ông Dương Minh Châu đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 31/7/1998. Ngoài danh hiệu cao quý ấy, ông cũng đã được truy tặng nhiều danh hiệu khác, trong đó có Huân chương Kháng chiến vào ngày 25/4/1949 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng.
Trước khi tiếp tục câu chuyện dòngHhọ Dương, xin nhớ lại gốc tích thôn (làng) xưa Ninh Thạnh. Ðây quả là một thôn (làng) có vị thế đặc biệt của tỉnh vì hiện vẫn còn chưa xác định được chính xác thời gian lập thôn (làng). Ngay trong sách “Từ điển địa danh Hành chính Nam Bộ” cũng còn mâu thuẫn.
Tại mục từ Ninh Thạnh (trang 755), đấy là “thôn thuộc tg. Hoà Ninh, p.Tây Ninh, t. Gia Ðịnh từ năm Minh Mạng thứ 19”. Thế nhưng tại mục từ Hoà Ninh (trang 457) lại có đoạn: “Ngày 12.11.1872 nhập các thôn Khương Ninh và Khương Thạnh thành thôn Ninh Thạnh”. Các thôn Khương Ninh và Khương Thạnh đã có ngay từ khi lập phủ Tây Ninh (1836). 36 năm sau kể từ khi lập phủ, Ninh Thạnh mới được khai sinh.
Thông tin thứ hai, với ngày khai sinh 12/11/1872 có vẻ có lý hơn vì nó diễn giải đầy đủ tiến trình từ sau khi lập phủ. Nhưng, dù sớm hay muộn hơn vài chục năm thì Ninh Thạnh cũng là thôn có Thành phủ Tây Ninh – cơ quan quản lý toàn phủ, sau trở thành toàn bộ tỉnh Tây Ninh.
Ninh Thạnh cũng ôm chứa trong lòng mình toàn bộ núi Bà Ðen và một phần rạch Tây Ninh, ít nhất là từ cầu Quan lên phía thượng nguồn. Ðúng là cảnh mà Trịnh Hoài Ðức đã tả trong Gia Ðịnh thành thông chí ngay từ đầu thế kỷ 19: “Sông Lăng Khê… có nguồn từ các đầm phá ở núi Bà Ðen thấm thía chảy ra, dân theo về lợi rừng núi sông chằm đi lại không dứt…”.
Cũng không có thôn làng nào ở Tây Ninh như Ninh Thạnh có hẳn một ngôi thờ tự gọi là Di hữu xã. Ðấy là nơi lưu giữ những di vật (di tích) của xã thôn mình. Nay ngôi ấy đã thành đình Thái Vĩnh Ðông, kề bên chùa Vĩnh Xuân cổ kính…
Vậy xin tạm gọi Ninh Thạnh có truyền thống về bảo tồn văn hoá. Liệu có phải sự kế thừa tự nhiên của xã, mà gia tộc Họ Dương làng Ninh Thạnh cũng có ngôi nhà tưởng niệm gia tộc khang trang, lưu giữ khá nhiều ký ức về các thế hệ trong quá khứ.
Trên tấm bảng đá sau ban thờ là hình ảnh các cụ, các ông bà; ở hai bên có hai dãy ảnh của những người đã mất thuộc thế hệ thứ ba. Có một cái gì đó rất quen, rất chung trong các ánh nhìn của những người “muôn năm cũ” nơi đây là kiên nghị và ngay thẳng. Như ánh nhìn của bà Việt Nữ, con gái cụ Quốc Biểu, dù là trên gương mặt đẹp như hoa của người phụ nữ tuổi 30.
Trên tấm bảng đá chính, có hai bức ảnh liền kề nhau là của Dương Minh Huê và Dương Minh Châu. Chỉ khác là Dương Minh Châu chụp hồi rất trẻ, có lẽ khi anh đang còn là sinh viên. Còn Dương Minh Huê lúc đã tuổi cao, tóc và bộ râu dài đã trắng như bông tuyết. Vậy mà ngắm kỹ, thấy rõ hai ánh nhìn ấy giống hệt nhau. Xin nói thêm về hai người này, là hai anh em kế nhau: ông Út và ông áp Út.
Sử liệu viết về Dương Minh Huê khá ít, dù ông cũng là người tham gia kháng chiến chống Pháp ngay từ năm 1945. Gia phả ghi: “Lúc đầu, làm cố vấn cho Ban Thông tin tuyên truyền tỉnh. Năm 1948, phụ trách Phó Mặt trận Liên-Việt tỉnh Tây Ninh…”.
Còn ở cuốn sách truyền thống của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cuốn “65 năm Tây Ninh chung sức chung lòng” in năm 1995 cũng có một đoạn viết về ông. Ðấy là: “Giữa năm 1949, tại Bời Lời, Hội nghị đại biểu Mặt trận lần đầu tiên sát nhập Mặt trận Việt Minh với Hội Liên hiệp Quốc dân thành lập Mặt trận Liên-Việt.
Hội nghị bầu ông Nguyễn Văn Ðiều (giáo chức) làm Chủ tịch, ông Dương Minh Huê (trí thức), ông Hộ (luật gia), ông Bùi Ngọc Hà (Cao Ðài 12 phái) và một đại diện Thiên Chúa giáo ở Tha La đồng làm Phó Chủ tịch…”. Tổng thư ký của Mặt trận Liên-Việt năm ấy là ông Nguyễn Văn Tốt (tự Hai Bình), sau này từng làm Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh.
Khoảng giữa năm 1949 có một vụ án oan, trong đó: “Nhiều cán bộ đảng viên bị giam cầm tra tấn nhục hình, bức cung, hướng vào một số cán bộ trong tỉnh uỷ và một số ngành quan trọng… Sau đó nhờ Xứ uỷ và khu uỷ can thiệp mới ngăn chặn được và minh oan cho một số cán bộ, đảng viên bị bắt…” (Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930- 2005), NXB Chính trị Quốc gia 2010).
Trong số người được “giải oan” có cả hai chú cháu Dương Minh Huê và Việt Nữ. Trong Hồi ký “Chuyện chưa quên” (NXB Trẻ), ông Huỳnh Văn Một, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh (UBKCHC), nguyên Chủ tịch kiêm Bí thư huyện căn cứ địa Dương Minh Châu viết: “UBKCHC tỉnh quyết định trả tự do cho tất cả.
Nhiều cán bộ đảng viên ra khỏi trại giam trở về đơn vị tiếp tục cộng tác rất tốt, trong đó có ông Dương Minh Huê. UBKCHC tỉnh cử ông vận động đồng bào trong thị xã, kêu gọi trí thức, công chức cũ của Pháp tham gia xây dựng chính quyền, được nhiều đồng bào công chức và tri thức tham gia.
Nhưng khi sáp nhập tỉnh (Gia Ðịnh Ninh- TV), nhiều đồng chí đi khỏi Tây Ninh, không còn ai biết Dương Minh Huê nữa. Ông không được phân công công tác gì. Ông đành về sống âm thầm tại một khóm rừng, chịu nghèo khổ và đói rách…
Ðến năm 1954 hoà bình lập lại, gia đình, vợ con ông âm thầm dẫn nhau qua Dĩ An (Biên Hoà). Ông tìm lãnh sổ sách kế toán của các hãng buôn về làm, bà thì làm bánh bán lấy lời phụ giúp với chồng nuôi bầy con đi học. Bọn Pháp biết chuyện này, cho người kêu ông ra lãnh tiền hưu trí và truy lĩnh lương gần nửa triệu đồng, ông vẫn không thèm, thà chịu cảnh sống thanh bần để giữ uy danh một gia đình yêu nước.
Ông nuôi dạy bầy con người nào cũng đậu trung học, lớn lên ông gửi ra đi kháng chiến chống Mỹ… Thuở còn gặp tôi với đồng chí Trần Thuận, ông nói: “Dầu tôi gặp hoàn cảnh nào, tôi cũng không để mất thanh danh em tôi là Dương Minh Châu””.
Vâng, Dương Minh Châu là người em út trong 8 anh em con của cụ Dương Minh Ðặng. Chưa ai viết điều này, nhưng có thể đoán rằng cả nhà đã phải chung sức đồng lòng, chắt chiu từng cắc bạc cho người em út tài giỏi ấy được học cao hiểu rộng.
Ngay từ năm 14 tuổi khi học ở Sài Gòn, ông đã tham dự các cuộc bãi khoá, truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh (1926). Tiếp tục học trường luật Hà Nội, ông đậu cử nhân luật, đến năm 1936 đã tham gia và làm Hội trưởng Tổng hội Học sinh toàn Ðông Dương.
Năm 1938, ông về Sài Gòn làm tham tá lục sự và sau đó làm việc tại toà khâm sứ Cao Miên ở Phnom Penh. Ðây cũng là thời điểm ông tham gia các hoạt động yêu nước, bí mật liên hệ với các tổ chức cách mạng tại Sài Gòn trong giai đoạn chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam kỳ do Ðảng Cộng sản Ðông Dương lãnh đạo. Những ngày tiền khởi nghĩa, ông về nước bắt liên lạc với Xứ uỷ Nam kỳ và được điều về Tây Ninh tham gia Mặt trận Việt Minh.
Cách mạng thành công ở Tây Ninh ngày 25.8.1945, ông phụ trách cơ quan tuyên truyền của tỉnh, lập ra bộ phận in ấn đầu tiên và xuất bản tờ báo Dân Quyền. Từ tháng 5.1946, ông được cử làm chủ tịch UBKCHC đầu tiên của Tây Ninh, được bầu vào Quốc hội khoá 1, nước VNDCCH… (theo Ðịa chí tỉnh Tây Ninh).
Dương Minh Châu đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 31/7/1998. Ngoài danh hiệu cao quý ấy, ông cũng đã được truy tặng nhiều danh hiệu khác, trong đó có Huân chương Kháng chiến vào ngày 25/4/1949 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng.
Tờ này ghi rõ: “Truy tặng ông Dương Minh Châu, Uỷ viên UBKC tỉnh Tây Ninh – Nam bộ/ Ðược cử vào UBKC tỉnh Tây Ninh trong những lúc đặc biệt khó khăn đã có công chấn chỉnh bộ máy hành chính tỉnh. Một nhân viên chỉ huy sáng suốt, khiêm tốn, can đảm và có tinh thần trách nhiệm. Ðã hy sinh ngày 7 tháng 3 năm 1947 để bảo vệ cho cơ quan và nhân viên”.
Trông cây lại nhớ đến người. Cây sanh toả bóng rợp trên góc sân nhà họ Dương, với hàng chục gốc rễ bìu ríu quây quần bên nhau giống như những anh chị em con nhà giáo Dương Minh Ðặng từ thuở thiếu thời. Và không chỉ có ông Dương Minh Huê, mà ngay cả những người anh em ấy và các con cháu của họ đã tiếp tục bước theo con đường mà Dương Minh Châu đã chọn trong suốt hai cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp dựng xây đất nước.
Nguồn: Báo Tây Ninh