Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thủy sản
- 02/05/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 915
Mặc dù có những tiến bộ nhất định trong ứng dụng, đổi mới công nghệ khai thác và nuôi trồng thủy sản, song công tác này vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đạt hiệu quả cao.
Giám đốc Sở NN&PTNT – Dương Văn Tô:
“Thực tế đang tồn tại hiện nay là, có rất ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, do tính rủi ro cao. Hơn nữa, liên kết giữa nhà khoa học-doanh nghiệp-nông dân còn yếu và thiếu bền vững. Vì vậy, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh cần xây dựng, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực này. Riêng lĩnh vực khai thác thủy sản, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Về lâu dài, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn lao động đi biển, thì ngư dân mới mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao giá trị đánh bắt trong mỗi chuyến ra khơi”.
Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ
Trước đây, mỗi chuyến ra khơi, tàu đánh bắt xa bờ của ông Nguyễn Văn Hiền, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) phải mang theo hàng nghìn tấn đá xay để bảo quản hải sản, nhưng vì hầm bảo quản làm sơ sài, nên giữ lạnh không lâu, khiến thời gian ra khơi của tàu ông Hiền bị giới hạn.
Còn nay, sau khi đầu tư hầm bảo quản bằng công nghệ PU (hầm chứa cách nhiệt bằng vật liệu xốp Polyurethane) thì tàu của ông Hiền có thể kéo dài thời gian ra khơi. Ông Hiền cho biết: “Nước đá trong hầm bảo quản thủ công, độ lạnh bị thất thoát nhiều.
Còn hầm PU, độ lạnh đảm bảo, nên nếu tàu về trễ 3 – 4 ngày cũng không ảnh hưởng đến chất lượng hải sản. Khi áp dụng hầm PU, tôi giảm lượng đá xay mua vào, nên chi phí cũng giảm đáng kể”. Hiện nay, ngư dân không chỉ đầu tư hầm bảo quản bằng công nghệ PU, mà còn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới khác, như máy dò ngang, radar hàng hải, hệ thống tời thủy lực để thu lưới, thu câu… đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhiều cơ sở áp dụng thành công mô hình nuôi tôm hạn chế dịch bệnh; nuôi ghép các đối tượng (tôm – cá dìa, tôm – cá đối)… góp phần vực dậy nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Tại xã Phổ An, Phổ Quang (Đức Phổ), những năm qua, kỹ thuật nuôi tôm hai giai đoạn đã giúp khôi phục vùng nuôi tôm của địa phương. Với phương thức nuôi này, con giống được ươm nuôi một thời gian trước khi thả nuôi đại trà ra hồ. Nhờ đó, con tôm khi thả ra hồ đủ khỏe mạnh để thích nghi với môi trường mới, hạn chế dịch bệnh.
Tại vùng nuôi tôm Tịnh Hòa, Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), sau khi được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh chuyển giao nhiều mô hình nuôi thủy sản hạn chế dịch bệnh, như nuôi cá rô phi lấy nước để nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi ghép tôm sú với cá dìa hoặc cá đối… đã phát huy được hiệu quả.
“Nuôi ghép tôm sú với cá đối hiệu quả ở chỗ, con cá đối sẽ ăn thức ăn thừa, chất thải của tôm, giúp nước hồ luôn sạch, đảm bảo môi trường nuôi cho tôm phát triển. Kết quả, hồ nuôi của tôi thu được 4 tạ cá đối, 4 tạ tôm sú, lãi gần 60 triệu đồng”, hộ nuôi tôm sú kết hợp cá đối Bùi Min, ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác, nuôi trồng thủy sản mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhưng tốc độ đổi mới công nghệ của ngành thủy sản Quảng Ngãi vẫn còn chậm. Hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong ngành thủy sản còn manh mún, thiếu đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có hơn 5.600 chiếc tàu, nhưng chỉ có 300 tàu sử dụng máy dò ngang; công nghệ hầm bảo quản PU chỉ mới có trên 100 tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt. Còn hệ thống cấp đông mới chỉ áp dụng trên tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ở Lý Sơn. Việc ứng dụng vật liệu mới để đóng tàu cũng chỉ dừng lại ở 12 tàu vỏ thép, 1 tàu composite…
Trong nuôi tôm, việc áp dụng khoa học kỹ thuật cũng chỉ dừng lại ở các mô hình nuôi tôm hạn chế dịch bệnh, nuôi tôm kết hợp… có quy mô hộ, nhóm hộ, chưa nhân rộng, phát triển vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn.
Ý THU