Vài điều ghi tại đền thờ Dương Tướng Công
- 13/11/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 3286
Chiều đầu Đông, những cơn gió hanh hao thổi về làm cho không khí nơi xứ Nghệ càng thoáng mát. Dường như đất trời nơi đây đang có Tiên tổ phù hộ. Chỉ mới hôm qua, trời mưa sụt sùi mà hôm nay thoáng mát, dễ chịu. Tôi cảm thấy lòng mình thanh thản khi được vào tham gia Lễ khánh thành Đền thờ Dương Tướng Công. Ngắm ngôi Đền uy nghi được xây dựng tại xã Hưng Phúc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, tôi thầm nghĩ đến mảnh đất địa linh nhân kiệt này mà có dịp tôi đọc được đâu đó:
Vùng đất này là quê hương của nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng: Quê gốc của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ; quê hương của nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ, của Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Liệt sĩ cách mạng Phạm Hồng Thái, tướng Lê Thiết Hùng, Binh bộ thượng thư Đinh Bạt Tụy ở thôn Bùi Ngoạ, xã Hưng Trung đậu “nhất giáp đệ nhất giáp chế khoa xuất thân” kỳ thi đình năm 1554 (bia số 15 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám).
Huyện Hưng Nguyên hiện có 250 di tích danh thắng, trong đó có 33 di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia, mang đậm bản sắc dân tộc, vùng miền. Bên cạnh những di tích có ý nghĩa lớn như Quảng Trường Xô Viết nghệ Tĩnh, khu lưu niệm Lê Hồng Phong thì nhiều địa danh, di tích lịch sử của Hưng Nguyên cũng đã đi vào trang sử của dân tộc như núi Lam Thành, đền Vua Lê, di tích Nguyễn Trường Tộ, Đinh Bạt Tụy, quê hương bà ngoại Bác Hồ; quê tổ Vua Quang Trung; quê tổ Nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu…
Trên đường từ cổng làng vào Đền thờ Dương Tướng Công, tôi thấy người dân nào cũng vui mừng, hân hoan. Có lẽ họ nhận ra rằng, chốc lát nữa thôi, tại mảnh đất địa linh nhân kiệt này, Hội đồng Họ Dương Việt Nam sẽ khánh thành Đền thờ Dương Tướng Công, người Anh hùng dân tộc, vị Viễn tổ của con cháu Họ Dương thân yêu.
Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ sáng nay, tại Hội thảo khoa học về Khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử đấu tranh chống Bắc thuộc của dân tộc Việt Nam do Hội khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An, Hội đồng Họ Dương Việt Nam tổ chức tại thành phố Vinh, các nhà khoa học có chung nhận định: Dương Thanh, một Hào trưởng ở vùng Hoan Châu (ngày nay là Nghệ An) – Người lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa năm 819, chỉ huy hơn 3.000 binh lính, đánh thẳng vào thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), tiêu diệt viên quan đô hộ nhà Đường là Lý Tượng Cổ nổi tiếng tham bạo, hà khắc. Tuy sau đó không lâu bị đàn áp và thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa do Dương Thanh lãnh đạo là chiến công vang dội của dân tộc ta, là dấu mốc quan trọng về tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam, báo hiệu sự suy sụp của chính quyền cai trị nhà Đường tại An Nam, là “điềm báo trước” cho những sự kiện trọng đại sẽ diễn ra trong thế kỷ IX và X chấm dứt ách cai trị của chính quyền phong kiến phương Bắc tai An Nam.
Tôi đang lững thững bách bộ, đến cổng Đền lúc nào không hay. Trước mắt tôi là ngôi Đền uy nghi, hoành tráng, thoáng đãng. Lúc này tôi bắt gặp trước cổng Đền có hàng trăm bà con Họ Dương từ khắp các vùng miền đã tề tựu xung quanh khu vực Đền thờ. Đến quá trưa, bà con đổ về càng đông. Khắp các ngả đường từ cổng làng Văn Lang đến khu vực Đền thờ, rực rỡ cờ, hoa. Từng đoàn người nườm nượp nối nhau vào Đền thờ như đi trẩy hội. Người nào cũng rạng ngời với Lễ phục màu vàng, đầy sức sống mang ý nghĩa lạc quan, vui tươi, ấm áp, giàu sang, sung túc, thịnh vượng, đẹp như tranh vẽ.
Trời về chiều, không khí thoáng mát hơn với những làn gió dìu dịu thổi. Trên bầu trời từng đám mây trắng lững lờ trôi. Tôi cứ nghĩ, phải chăng hồn thiêng sông núi hôm nay tụ cả ở nơi này, phải chăng anh linh Tiên tổ linh thiêng đang ở trên kia dõi theo lớp cháu con đang tụ về bên Người. Tôi bỗng thấy nghẹn ngào, xúc động, mắt lệ nhòa khi chứng kiến lớp cháu con của Dương Tướng Công từ mọi ngả đang đổ về khu vực Đền. Lúc này tôi thấy Ban tổ chức Lễ khánh thành Đền thờ cùng lực lượng an ninh địa phương làm việc hết sức khẩn trương để sắp xếp nơi để phương tiện và hướng dẫn bà con khu vực ngồi dự Lễ.
Tôi đang tranh thủ chụp mấy bức hình để chiều lên trang thì nghe tiếng loa của Ban Tổ chức: Hiện nay, diện tích Đền thờ có hạn, trong lúc đó đại biểu và bà con về dự Lê thì rất đông. Để bảo đảm trật tự, Ban tổ chức đã bố trí sân khấu hoành tráng ngoài cổng làng, có bàn ghế, màn hình led kích thước lớn để bà con xem trực tiếp toàn bộ nghi Lễ khánh thành Đền thờ. Sau buổi Lễ, Ban tổ chức kính mời bà con và các đại biểu dùng cơm tối tại đó.
Sau lời phát biểu trên loa truyền thanh, bà con kéo nhau ra sân khấu cổng làng một cách trật tự. Nhìn bà con di chuyển ra chợ, tôi mỉm cười: Người Họ Dương được Tiên tổ phù hộ nên rất chuẩn mực.
Tôi thấy lúc này, những người có mặt tại đây, dù ở ngoài cổng hay trong Đền đền rất nghiêm cẩn, thành kính. Ai cũng dâng trào niềm tự hào và xúc động khi được có mặt tại buổi Lễ trang trọng này, tự hào được là con cháu của một vị Anh hùng đã ghi vào sử sách. Nhìn bà con, ai cũng nở nụ cười rạng rỡ. Nhân đây, tôi tìm hiểu một số bà con thì được biết, ai cũng mong muốn được có mặt tại ngôi Đền vào thời khắc thiêng liêng này, coi đó như là một kỷ niệm cuộc đời, một vinh dự lớn của con cháu Họ Dương.
Anh Dương Đình Mến – một người con Họ Dương đến từ Thái Nguyên xúc động cho biết: “Nhờ các bác trong Hội đồng Họ Dương Việt Nam tâm huyết và bà con Dòng tộc hảo tâm quyên góp nên hôm nay ngôi Đền Viễn tổ được hoàn thành. Qua đây, chúng tôi càng hiểu thêm về lịch sử hào hùng của ông cha mình. Chúng tôi tự hào khi được làm con cháu của Dương Tướng Công”.
Chị Dương Thị Thanh Hà – từ miền Nam ra thăm Đền hồ hởi nói với chúng tôi: “Chúng tôi từ miền sông nước Cửu Long, hôm nay rất phấn khởi và tự hào được về dự Lễ khánh thành Đền thờ Viễn tổ Dương Thanh. Ngắm ngôi Đền thờ uy nghi, chúng tôi càng tự hào về truyền thống của Họ Dương Việt Nam: Hướng về cội nguồn, tri ân Tổ tiên, đền ơn đáp nghĩa”.
Buổi Lễ Khánh thành được khai mạc lúc 14 giờ chiều đến 16 giờ kết thúc. Trong 2 tiếng đồng hồ với bao sự kiện hoành tráng và tôn nghiêm: Văn nghệ chào mừng, phát biểu của lãnh đạo địa phương và lãnh đạo HĐHDVN, nghi thức tri ân những tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng Đền thờ, tặng cờ và cây Tổ, Lễ cắt băng khánh thành, thắp hương và trồng cây Tổ…. Tất cả diễn ra đúng với kế hoạch, kịch bản, thẻ hiện sự chuẩn bị công phu, chuyên nghiệp. Kết thúc buổi lễ, Ban tổ chức mời bà con vào dâng hương trong đền. Đoàn người nối dài trật tự, thành kính, nghiêm cẩn vào dâng hương trong niềm hạnh phúc, hoan hỷ. Không có cảnh chen lấn, xô đẩy như thường thấy tại nhiều nơi thờ tự tôi đã từng đến. Dâng hương xong mọi người lại trật tự đi theo hàng rời Đền thờ sang khu nhà ăn mà Ban tổ chức đã chuẩn bị để dự bữa cơm thân mật. Một bác trai giới thiệu đến từ huyện Thanh Chương nói với tôi: “Chắc hôm nay Ngài vui lắm, khi con cháu về đông đủ như thế này. Chúng tôi cách đây có vài chục cây số nhưng bà con lên xe vào đây từ sáng sớm. Thật tự hào khi được mang trong mình dòng máu Họ Dương Anh hùng”.
Khi bà con chia tay, tôi thấy ai cũng dành cho nhau những ánh mắt yêu thương và nắm tay nhau thật chặt. Bước chân ra về mà ai cũng ngoái lại phía Đền thờ đang uy nghi chìm trong màn sương tối, lưu luyến chẳng muốn rời. Các đoàn gửi nhau lời chào chia tay trong bịn rịn. Rồi mai đây lớp cháu con sẽ quay trở lại nơi này, để cùng nhau ôn lại truyền thống cha ông, để cùng nhau nghe dòng máu Họ Dương hào hùng chảy trong huyết quản của mình và cùng dựng xây quê hương, non sông đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với công lao những người đi trước.
Dương Phạm Ngọc