Vấn đề giáo dục con cháu chăm ngoan – học giỏi – thành đạt

VẤN ĐÈ GIÁO DỤC CON CHÁU CHĂM NGOAN – HỌC GIỎI – THÀNH ĐẠT

 

                                                          Dương Xuân Hiền, PCT HĐHD Thuận Thành

 

          Việc giáo dục con cháu chăm ngoan, học giỏi và thành đạt là vấn đề luôn luôn được các bậc phụ huynh quan tâm.

 

          Sau đây, tôi xin nêu một số ý kiến cá nhân về vấn đề trên để chúng ta cùng nhau chia sẻ.

 

          Chắc hẳn chúng ta ai cũng khẳng định: Con cháu chính là tài sản quý giá nhất của mỗi người, chứ chắc chắn không phải là tiền bạc hay thứ gì khác! Vậy ai chả mong con cháu mình lúc nào cũng chăm ngoan, học giỏi và để rồi thành đạt; chẳng ai mong con cháu mình hư đốn cả. Đó chính là chất lượng con cháu của mỗi chúng ta! Bởi vì tiền thì bao nhiêu tiêu cũng hết, dù tiền đó có kiếm được hay không và kiếm bằng cách nào. Con cháu mà hư đốn thì đau lòng lắm, nó để lại trước hết cho chính chúng ta biết bao hệ lụy không thể lường trước được. Hơn nữa, người ta đã khẳng định: Đầu tư cho cái chữ thì chẳng bao giờ lỗ cả, hay đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển một cách vững chắc nhất, hiệu quả nhất. Nói thì dễ thế, nhưng làm thì lại không hề đơn giản chút nào.

 

          Qua những bài học thực tế rút ra từ chính mình, tôi thấy: Để giáo dục con cháu chăm ngoan, học giỏi và thành đạt, đầu tiên chúng ta phải chú ý đến từng lứa tuổi của các cháu để giáo dục theo tâm sinh lý sao cho có hiệu quả nhất.

 

          Khi các cháu ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo; các cháu mới tập ăn, tập nói nên cần phải chăm sóc đầy đủ và đến nơi đến chốn về chế độ dinh dưỡng cho các cháu sao cho hợp lý. Như vậy, sẽ tránh thừa cân béo phì hay còi xương, thấp bé nhẹ cân suy dinh dưỡng, để các cháu có đủ tư chất sau này, nhất là bộ lão. Bởi lẽ nền móng có vững chắc thì công trình chúng ta xây lên mới trụ vững và trường tồn được. Ở lứa tuổi này, các cháu rất thích âu yếm vuốt ve, chiều chuộng và thích khen mà không hề thích chê bai chút nào. Bất kỳ một hành vi nào của các cháu mà chúng ta khen được thì hãy mạnh dạn khen và khen kịp thời. Không nên quát mắng hay chê bai trước mặt các cháu, vì lúc đó các cháu sẽ bị ức chế và sinh ra tiêu cực bằng những hành vi mà chúng ta không hề mong muốn. Có thể động viên qua lời khen, cũng có thể dùng vật chất, dù rất nhỏ để thưởng cho các cháu. Nếu được như vậy thì cháu nào chẳng ngoan. Đúng thế!

 

          Các cháu ở độ tuổi học sinh tiểu học thì đã bắt đầu biết đọc, biết viết và bắt đầu học làm tính. Ở giai đoạn này, lớp 1 và lớp 2 là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ ở lớp 1, lớp 2 thì việc rèn chữ phải coi là trung tâm suốt cả quá trình. Phải dạy cho các cháu biết cách viết đầy đủ và thuần thục các chữ cái theo đúng quy chuẩn. Rèn cho các cháu kỹ năng viết chữ sao cho vừa đúng lại vừa đẹp. Đây chính là nhiệm vụ của các thầy cô giáo được phân công dạy lớp 1, lớp 2. Để có được kết quả tốt, trước hết các thầy cô giáo phải có tinh thần trách nhiệm cao và phải có nhiệt huyết thực sự. Vì thế để gửi các cháu vào những lớp này, tôi phải tìm hiểu rất kỹ các thầy cô ở trường mà mình định gửi con cháu vào. Đó là các thầy cô phải năng khiếu viết chữ đẹp và chuẩn xác, phải có tính cẩn thận, kiên trì, có tinh thần trách nhiệm cao, yêu nghề, quý trẻ. Thầy cô nào cảm thấy đạt được tiêu chuẩn trên thì tôi mới yên tâm gửi cháu vào lớp đó. Bởi vì các cháu mới vào lớp 1 thì chẳng khác gì tờ giấy trắng, thầy cô dạy viết hay vẽ thế nào thì các cháu cũng sẽ làm đúng như thế và sau này tính cách của các cháu cũng sẽ đúng như thế. Người xưa đã nói: “nét chữ nết người”, “thầy nào trò nấy” mà lại! Đó là vấn đề ở lớp, nhất là những lớp đầu tiên. Khi về nhà thì cần thường xuyên kiểm tra vở viết của các cháu xem viết thế đã đẹp chưa và chuẩn xác chưa, nếu sai thì yêu cầu các cháu sửa ngay, chưa đẹp thì luyện cho các cháu viết đẹp hơn, đẹp rồi thì khen ngay để động viên kịp thời cho các cháu phấn khởi. Nếu các cháu có những sai sót mang tính chất lặp đi lặp lại thì phê bình nhắc nhở và phân tích kỹ những sai sót đó và yêu cầu các cháu phải sửa ngay, thậm chí có thể dùng biện pháp cứng rắn. Nếu hàng tuần hay hàng tháng, các cháu có thành tích được các thầy cô hay nhà trường biểu dương, khen thưởng thì về nhà, gia đình cũng động viên khen thưởng các cháu kịp thời bằng vật chất như các đồ dùng tốt đẹp phục vụ cho học tập; cũng có thể là bộ quần áo mới hoặc cái gì đó thiết thực cho các cháu. Tuyệt đối không thưởng bằng tiền vì các cháu vẫn còn nhỏ, chưa biết được giá trị của đồng tiền, nên chưa được phép tiêu tiền. Nếu thưởng bằng tiền, các cháu ăn tiêu sẽ không đúng, không thiết thực, có khi còn tiêu pha bừa bãi, sinh ra hư đốn, hệ lụy không thể lường trước được. Đó là điều tối kỵ! Hơn nữa, để kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường, có thế hàng tháng hay học kỳ, nên thường xuyên gặp thầy cô chủ nhiệm hoặc các thầy cô khác đang dạy cháu ở lớp, để qua đó biết thêm những thông tin hết sức quan trọng và cần thiết về con mình ở trường lớp. Có như vậy mới động viên khích lệ những ưu điểm và uốn nắn những khuyết, nhược điểm cho các cháu một cách kịp thời và có hiệu quả.

 

          Khi các cháu đã trở thành sinh viên thì các biện pháp trên không còn phù hợp nữa mà phải dùng các biện pháp khác. Ở độ tuổi này, phải coi các cháu như người bạn thực thụ để các cháu sẵn sàng thổ lộ những tâm tư, tình cảm của mình với bố mẹ. Qua đó, mới thấy được những yêu cầu chính đáng của các cháu trong quá trình học tập. Đồng thời, cần biết kết hợp phương pháp đi vào tâm lý của con mình, sao cho các cháu hiểu được phận làm con phải biết thương yêu bố mẹ, biết nhận thức đúng về tính tự lập, có tinh thần trách nhiệm cao với gia đình và với chính bản thân mình, biết khắc phục khó khăn, không ỷ lại vào người khác, nhất là bố mẹ mình; đặc biệt là phải biết vượt qua chính mình. Cần phải khuyên các con: để học tập tốt thì cần phải chăm chỉ, phải biết say sưa và đam mê, học thì phải hỏi, hỏi để biết và để học, theo đúng phương châm: “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, “học thầy không tầy học bạn” thì chắc chắn kết quả sẽ không phụ công mình các con ạ! Hơn nữa, bố mẹ cũng nên quan niệm rằng: sách vở và những vật dụng cần thiết phục vụ cho việc học tập của các cháu không bao giờ để các cháu phải thiếu thốn; chẳng khác nào làm nông nghiệp thì không thể thiếu cái cày cái cuốc, … Nghĩa là, cần cố gắng tạo điều kiện đến mức tối đa có thể cho con cái để các cháu yên tâm học tập và học tập tốt hơn. Qua đó, chắc chắn các cháu thấy được sự quan tâm của bố mẹ và sẽ không bao giờ phụ công lao của bố mẹ.

 

          Khi các cháu ra trường, cần khuyên các cháu hãy cố gắng vận dụng những kiến thức đã học ở nhà trường, sách vở, thầy cô, đồng nghiệp, thực tế, kết hợp với kinh nghiệm bản thân trong mọi phương diện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; cũng là để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như nghiệp vụ của mình trước cơ quan, bè bạn, đồng nghiệp; đồng thời củng cố niềm tin của cơ quan, tập thể và bè bạn mình với mình. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần khuyên các cháu phải có chí tiến thủ, có ý thức phấn đấu vươn lên; phải học, học nữa, học mãi, học suốt đời, có điều kiện học là học, có cơ hội là học; không nên thỏa mãn với bất kỳ thành tích nào mình đã đạt được. Đó chính là cơ hội của thành công và thành đạt.

 

          Chẳng thế mà tôi có 3 cậu con trai đến nay đều đã thành đạt. Cháu đầu Dương Xuân Hòa, hiện là Giám đốc Trung tâm tư vấn thiết kế và vật liệu xây dựng – Viện vật liệu xây dựng – Bộ xây dựng. Cháu thứ 2 là Dương Quang Huấn, Tiến sỹ Hóa học – Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; vợ cháu là Đỗ Thị Lan Hương, Tiến sĩ Sinh học – Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (cả 2 vợ chồng đều bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 2012 tại Viện Hóa học Công nghiệp và trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Cháu út Dương Xuân Bình là kỹ sư xây dựng, hiện đang theo học Cao học để lấy bằng Thạc sỹ tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

 

          Trên đây là những chia sẻ của tôi về việc giáo dục con cháu chăm ngoan, học giỏi và thành đạt. Rất mong độc giả tham khảo, chia sẻ và thông cảm.

 

       Thuận Thành, tháng giêng năm 2015

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com