Vẻ đẹp của thiếu nữ Tày trong thơ Dương Thuấn

Vẻ đẹp của thiếu nữ dân tộc Tày trong tác phẩm của nhà thơ Dương Thuấn là vẻ đẹp của tự nhiên, vẻ đẹp kết tinh của hương rừng và khí thiêng của núi…

Nhà thơ Dương Thuấn sinh năm 1959 tại bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Mảnh đất màu mỡ truyền thống văn hóa Tày đã nuôi dưỡng hồn thơ ông từ khi còn rất trẻ. Ông bắt đầu viết văn, làm thơ từ những năm cuối của thập kỷ 70, khi còn ngồi trên giảng đường của Đại học Sư phạm Việt Bắc.

Từ tập thơ đầu tay Cưỡi ngựa đi săn (1991) viết cho thiếu nhi được Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải A đến nay, ông đã lần lượt cho ra đời hơn 20 tập thơ và đạt rất nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật. Trong đó, nhiều bài thơ đã được phổ nhạc như Đi tìm bóng núi, Lá trầu, Tình ca bên suối, Khúc hát cao nguyên, Trăng Mã Pì Lèng…

Thiếu nữ dân tộcTày

Đặc biệt, vào năm 2010, Dương Thuấn đã xác lập 2 kỷ lục Guinness Việt Nam với bộ sách Tuyển tập Dương Thuấn với gần 2.000 trang. Đó là kỷ lục: Sáng tác song ngữ Tày – Kinh (Việt) đầu tiên và Bộ tuyển tập thơ dày nhất Việt Nam. Bộ Tuyển tập gồm 3 quyển: Tập I viết về quê hương ông – Bản Hon và những vùng đất khác, Tập II dành riêng cho mảng thơ tình, Tập III là những bài thơ thiếu nhi. Tất cả sáng tác của ông đều được viết bằng hai ngôn ngữ Tày – Kinh, được sắp xếp đăng đối, dễ theo dõi.

Bộ Tuyển tập Dương Thuấn là kết quả của chặng đường dài 24 năm sáng tác của nhà thơ Dương Thuấn. Trong quãng thời gian đó, ông đã từng bước đưa tiếng Tày và văn hóa Tày đến gần hơn với các dân tộc khác và ra thế giới. Đó là thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, trong sáng. Đó là lối tư duy cụ thể, hồn nhiên của người miền núi.

Nhà thơ Dương Thuấn

Những vần thơ Dương Thuấn luôn mang đậm hơi thở cuộc sống vùng cao từ khung cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt đến tâm hồn, nếp suy nghĩ của con người qua giọng thơ bình dị, đầy sức lôi cuốn, đặc biệt ở cách sử dụng ngôn từ ví von, so sánh giàu biểu tượng – nét đặc trưng trong tư duy người dân miền núi.

Điều đặc biệt trong thơ Dương Thuấn là ông dành rất nhiều tình cảm cho người con gái Tày. Vẻ đẹp của người con gái Tày qua mắt một người con trai Tày như Dương Thuấn có thể thấy rõ trong những câu thơ như: Nàng ngồi lặng bên bếp lửa một mình đun cám/Ôi da trắng, ngực đầy, khoeo dày, chân vững. Phác thảo về người con gái Tày, Dương Thuấn đặc tả kỹ phần chân với “khoeo dày”, “chân vững”. Đó phải chăng là điểm chung nhất của những người con gái miền núi, luôn phải leo dốc, vượt suối lũ? Điều này khác bao nhiêu với vẻ đẹp liễu yếu đào tơ, chân đi lướt ngọn cỏ của quan niệm thẩm mỹ phương Đông xưa.

Dương Thuấn nói: “Người Tày vốn theo quan niệm phồn thực nên vẻ đẹp của người con gái nơi đây cũng được hiểu theo quan niệm đó: chân phải to, khỏe và trắng. Cái trắng ở bắp chân con gái miền ngược khác với cái trắng của con gái miền xuôi: nó tròn trịa, căng tràn sức sống và mịn màng, nõn nà như mây bông, mát lành như nước suối”.

Nói về những trang thơ dành cho phái đẹp của Dương Thuấn, nhà thơ Vân Long cho rằng: “Cái đẹp của người con gái Tày là vẻ đẹp trời cho chưa cần trang điểm, là vẻ đẹp của sức sống tươi ngời để hòa nhập với thiên nhiên trữ tình nhưng không khỏi có lúc nghiêng rừng thác lũ…”.

Vẻ đẹp người con gái Tày trong thơ Dương Thuấn toát ra từ thần thái, tâm hồn, chỉ có thể đọc nó qua cảm nhận của người trai: Tiếng cười của em tan hết sương trờiHồn của em trong trắng tựa hoa lê… Vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp của tự nhiên, vẻ đẹp kết tinh của hương rừng và khí thiêng của núi, bởi thế mà nó không cần phải bưng bít, che đậy như vẻ đẹp của người con gái miền xuôi. Cứ chiều tối về, những cô gái xinh đẹp của núi rừng lại rủ nhau ra suối tắm, phô diễn những gì đẹp đẽ nhất mà tạo hóa ban tặng. Chính sự hồn nhiên dung dị của người con gái dân tộc đã khiến bao trái tim đàn ông thổn thức, ngẩn ngơ và Dương Thuấn không là ngoại lệ.

Với tình yêu dành cho người con gái Tày, Dương Thuấn đã sáng tạo nên những vần thơ rất riêng, rất độc đáo. Thơ của ông được coi như là sứ giả của văn hóa Tày, góp phần gìn giữ, bảo vệ ngôn ngữ Tày, phát triển văn hóa Tày.

Tiếng đập áo

Thơ Dương Thuấn

Về quê đứng bên sông nghe đập áo

Mới biết rằng mình đi xa bản đã lâu

Xưa còn nhỏ mang áo cho mẹ giặt

Áo vải chàm ướt nặng không thể giũ

Cầm ván đập cao giơ quá đỉnh đầu

Đã bao giờ mình quên không nhỉ

Nay các bà mẹ vẫn ra sông giặt áo

Khi thì chiều tối, khi giữa ban trưa

Bao tảng đá trắng mòn bên bến nước

Tiếng đập rộn ràng lúc nhặt, lúc thưa …

Nguồn: Báo Tiền Phong

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com